Tác giả: Lâm Khiết Tâm
[ChanhKien.org]
Tư liệu tham khảo hình ảnh động Tàng Kinh: https://www.dha.ac.cn/info/1425/3608.htm
6. Động Tàng Kinh
Động Tàng Kinh là tên gọi hang động số 17 trong quần thể hang động Mạc Cao, Đôn Hoàng. Hang này được đào vào năm Đại Trung thứ năm (851) đời vua Đường Tuyên Tông, nơi đây vốn là nơi tu hành của đại sư Hồng Biện, người đứng đầu tăng lữ vùng Hà Tây lúc bấy giờ. Vào thời nhà Thanh, Vương Viên Lục người gốc Ma Thành tỉnh Hồ Bắc, do cuộc sống khó khăn nên đã phiêu bạt đến Tửu Tuyền và nhập Đạo tu hành tại đây, ông được người đời gọi là Vương đạo sĩ. Sau này, trên đường đi vân du, ông đã đi qua Đôn Hoàng, khi leo lên núi Tam Nguy, ông vô cùng cảm khái trước cảnh đẹp của vùng đất thần thánh này mà thốt lên rằng: “Thế giới Tây Phương Cực Lạc, chẳng phải là đây sao?”. Từ đó, ông quyết định ở lại đây trường kỳ tu hành. Vương đạo sĩ đã bôn ba khắp nơi ở Đôn Hoàng để quyên góp tiền, dùng tiền đó để dọn dẹp cát tích tụ và tiến hành trùng tu các hang động, chỉ riêng việc dọn dẹp hang động số 16 đã mất gần hai năm. Vào năm Quang Tự thứ 26 (1900), Vương đạo sĩ phát hiện ra động Tàng Kinh. Ông đã dẫn theo người dân “dùng nước chảy để khơi thông ba lớp cát trong hang”, đưa bí mật của hang động này ra thế gian. Trên bia mộ của ông có ghi: “Trong vách hang nứt ra một lỗ hổng, ánh sáng le lói hắt ra từ bên trong. Phá vỡ vách hang, thấy một hang động nhỏ, bên trong rộng rãi sáng sủa, cất giấu hàng vạn cuốn kinh sách thời Đường và rất nhiều cổ vật quý giá. Những người tận mắt chứng kiến đều cho là kỳ quan, người nghe kể lại đều truyền tai nhau đây là những bảo vật thần kỳ”. Từ đó, hang Mạc Cao và động Tàng Kinh ở Đôn Hoàng bắt đầu nổi tiếng trong và ngoài nước.
6.1. Tài liệu trong động Tàng Kinh
Động Tàng Kinh là một hang động hình vuông, mỗi mặt dài 2,6 mét, cao ba mét, vách phía Bắc được xây dựng theo kiểu giường thiền bệ thấp hình chữ nhật, hai bên và mặt trước được trang trí bằng hình ảnh cửa vòm, hươu ngậm linh chi, họa tiết hoa trà xung quanh và giày dép của nhà sư, trên bệ có tượng đất sét của Hồng Biện. Trên vách phía Bắc vẽ hai cây bồ đề, bên trái là hình một ni cô hai tay cầm quạt tròn hình chim phượng hoàng, bên phải là hình một thị nữ tay cầm gậy. Trên vách phía Tây có gắn bia ký của Hồng Biện. Bên trong hang chứa hơn 50.000 hiện vật có niên đại từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ XI (tức là từ thời Thập Lục Quốc đến thời Bắc Tống), là kho tàng văn thư tôn giáo lớn nhất trong số các di sản ở Đôn Hoàng, bao gồm tranh lụa, tranh vải, tượng thêu, pháp khí, v.v., có hình tượng Phật, số lượng lên đến hàng nghìn món. Văn thư trong hang chủ yếu là kinh sách Phật giáo, ngoài ra còn có văn tự về thiên văn, lịch pháp, lịch sử, địa lý, địa phương chí, bản đồ, y thư, phong tục dân gian, danh tịch, sổ sách, thơ văn, từ khúc, phương ngôn, du ký, tạp văn, tập thư, trong đó phần lớn là tư liệu quý hiếm không thể tìm thấy trong các tài liệu truyền thống.
6.1.1. Kinh sách tôn giáo
Trong kho tàng văn thư cổ ở động Tàng Kinh, kinh sách Phật giáo chiếm khoảng 90% tổng số văn thư, có thể chia thành ba phần: Kinh, Luật, Luận, gọi chung là Tam Tạng. Các văn thư này bao gồm kinh sách của các tông phái lớn nhỏ, cũng như tài liệu ngôn ngữ liên quan đến các tông phái đó. Tức là một cuộn kinh Phật, mặt trước là kinh Phật viết bằng chữ Hán, mặt sau là nguyên văn kinh Phật viết bằng tiếng Phạn của Ấn Độ cổ, tiếng Pali, v.v., dùng để khảo cứu nguồn gốc của kinh Phật đó. Trong hang có rất nhiều kinh Phật cổ đã thất truyền từ lâu, không thuộc bộ sách Tam Tạng, không được người đời biết đến. Theo khảo chứng, đã biết có tới hơn 368 loại kinh Phật bị thất truyền trong số các kinh Phật ở Đôn Hoàng, trong đó có những kinh sách như Phật thuyết Diên Mệnh Kinh, Chư Tinh Mẫu Đà-La-Ni Kinh, v.v., đã thất truyền từ lâu ở Ấn Độ và Trung Quốc. Ngoài ra, còn có một số lượng lớn những tài liệu ghi chép về lịch sử Phật giáo Trung Quốc, tình hình Phật giáo ở các nơi, nguồn gốc Phật giáo ở Sa Châu dưới thời thống trị của Thổ Phồn, quy định của các ngôi chùa ở Đôn Hoàng, v.v..
Các kinh sách của Đạo giáo trong văn thư Đôn Hoàng cũng khá phong phú, chủ yếu là bản sao chép từ thời Sơ Đường đến Thịnh Đường, chất lượng giấy tốt, chữ viết đẹp. Chỉ riêng Đạo Đức Kinh của Lão Tử đã có rất nhiều bản sao, phần lớn chia thành hai phần Đức Kinh là thượng quyển và Đạo Kinh là hạ quyển, điểm này giống với cuốn sách Lão Tử được tìm thấy trong các thẻ tre ở Ngân Tước Sơn và trên lụa ở Mã Vương Đôi vào những năm 1970. Ngoài ra, trong số các kinh sách Đạo giáo ở Đôn Hoàng còn có sáu loại chú giải Đạo Đức Kinh, trong đó Lão Tử Tưởng Nhĩ chú và Lão Tử Đạo Đức Kinh nghĩa sơ của Thành Huyền Anh là những bản sao chép chưa được thu thập, những bản sao chép quý giá đã thất truyền với hậu thế.
Động Tàng Kinh còn lưu giữ các tài liệu về các tôn giáo khác như Cảnh giáo và Ma Ni giáo. Cảnh giáo là một nhánh của Cơ đốc giáo phương Tây thời kỳ đầu, được truyền vào Trung Quốc năm Trinh Quán thứ chín thời nhà Đường (năm 635), và được lưu hành hơn 200 năm. Kinh sách cổ của Cảnh giáo còn lưu truyền rất ít, hiếm khi được ghi chép trong các tài liệu, mà ở Đôn Hoàng lại bảo tồn được các kinh điển như Đại Tần Cảnh giáo Tam Uy Mông Độ Tán, v.v., và một bức tranh Cảnh giáo. Cuốn kinh trước còn kèm theo một danh mục gồm 30 loại kinh điển Cảnh giáo.
6.1.2. Các loại văn bản khác
Tài liệu ở Đôn Hoàng bao gồm nhiều tác phẩm lịch sử, địa lý, ngoài một số đoạn còn sót lại của các sách sử hiện có, còn có cả những sách sử cổ đã thất truyền. Vào cuối thời Đường và thời Ngũ Đại, Đôn Hoàng do quân đội Quy Nghĩa cai trị, giai đoạn lịch sử này được ghi chép sơ lược trong một số sách chính sử, nhưng động Tàng Kinh lại lưu giữ hơn 100 tài liệu liên quan đến giai đoạn lịch sử này. Các đoạn còn sót lại của các ghi chép địa lý cổ đã thất truyền trong kho văn thư này là tài liệu nghiên cứu địa lý thời Đường, cũng như một số ghi chép địa phương của khu vực Tây Bắc không được ghi chép trong các sách sử, chẳng hạn như Sa Châu Đô Đốc Phủ Đồ Kinh, Thọ Xương huyện địa cảnh, Sa Châu địa chí, v.v..
Phần lớn tài liệu trong kho tàng văn học cổ điển ở Đôn Hoàng cũng khiến một số người chú ý đến, bao gồm các tác phẩm kinh điển như Thi kinh, Thượng thư, Luận ngữ, v.v. và thơ, ca từ, biến văn, tiểu thuyết, tục phú, v.v., trong đó có rất nhiều tác phẩm dân gian. Và xứng đáng được nhắc đến là Vân Dao tập, một tập hợp các bài hát và điệu múa được sao chép vào cuối thời Đường được tìm thấy trong hang động. Vân Dao tập tên đầy đủ là Vân Dao tập tạp khúc tử, gồm 30 bài hát, là tập bản sao các bài hát thời Đường sớm nhất còn tồn tại. Trước khi động Tàng Kinh được khai quật, người ta thường cho rằng Hoa Gian tập do Triệu Sùng Tộ biên soạn vào năm Quảng Chính thứ ba thời Hậu Thục (năm 940) là tập thơ sớm nhất. Theo khảo chứng, việc phát hiện ra Vân Dao tập đã đẩy lùi niên đại này lên đến năm Long Đức thứ hai thời Hậu Lương (năm 922). Vân Dao tập ban đầu gồm hai cuốn, cùng với các bản thảo khác ở Đôn Hoàng, đã bị Stein, Pelliot và những người khác lấy đi, sau đó được lưu giữ tại các bảo tàng ở Anh và Pháp.
Bản sao Gia huấn Thái Công thời Đường được tìm thấy ở Đôn Hoàng đã tập hợp nhiều câu tục ngữ dân gian, chẳng hạn như: “Ở phải chọn láng giềng, yêu thương gần gũi với người tốt”; “Gần kẻ dối trá sẽ bị lừa, gần kẻ trộm cắp sẽ thành kẻ cắp. Gần kẻ ngu dốt sẽ trở nên ngu dốt, gần người thánh hiền sẽ được tiếng thơm”; “Siêng năng là báu vật vô giá, học hành là viên ngọc sáng trong đêm”; “Thận trọng là lá bùa hộ mệnh, khiêm tốn là gốc rễ của trăm đức hạnh”; “Tích trữ tài phú vạn lượng, không bằng hiểu rõ một cuốn kinh; ruộng vườn vạn khoảnh, không bằng bạc nghệ theo thân”, là những lời dạy bằng vần điệu được trẻ em thời Đường và Tống đọc để khai sáng trí tuệ.
Tài liệu khoa học kỹ thuật trong văn thư Đôn Hoàng chủ yếu gồm các lĩnh vực toán học, thiên văn học, y dược học, kỹ thuật làm giấy in ấn, v.v. và các lĩnh vực khác. Ví dụ, trong lĩnh vực toán học có Cửu cửu thừa pháp ca, Toán kinh và Lập thành toán kinh; trong lĩnh vực thiên văn học có Nhị thập bát tú vị kinh, Toàn thiên tinh đồ và Tử vi viên tinh đồ; văn bản y học có hơn 60 cuộn, cộng với nội dung y học trong kinh Phật, lên đến hàng trăm cuộn, được chia thành bốn loại: y kinh, châm cứu, thảo mộc, y phương, thậm chí còn lưu giữ một số phương pháp chẩn đoán và bài thuốc đã thất truyền từ lâu. Tài liệu Đôn Hoàng chủ yếu ở dạng cuộn, ngoài ra còn có nhiều hình thức khác như hộp kinh, kinh dạng gấp, hình bướm, tập sách và trang đơn, v.v., cũng có một số bản dập, bản in và bản thêu. Đây là những tư liệu hiện vật quý giá trong lịch sử phát triển sách, lịch sử đóng sách và lịch sử in ấn, trong đó Kim Cang Bát-Nhã-Ba-La-Mật-Đa Kinh năm Hàm Thông thứ chín thời Đường là bản in khắc gỗ sớm nhất còn tồn tại.
Tài liệu ở Đôn Hoàng còn lưu giữ một số bản cầm phổ, nhạc phổ, khúc phổ và vũ phổ, giúp cho hậu nhân có thể tìm hiểu về phong cách âm nhạc và vũ đạo cổ điển Trung Quốc.
Ngoài ra, trong kho văn thư này còn có rất nhiều tài liệu liên quan đến ẩm thực vùng Đôn Hoàng, từ nguyên liệu đến tên gọi, từ phương pháp chế biến đến dụng cụ chế biến, ghi chép rất chi tiết, thậm chí đến cả số lượng nguyên liệu của mỗi loại món ăn cũng được ghi chép rõ ràng.
6.1.3. Tài liệu viết bằng các ngôn ngữ khác
Tài liệu Đôn Hoàng chủ yếu là chữ Hán, ngoài ra còn có các loại chữ viết khác như chữ Thổ Phồn, chữ Duy Ngô Nhĩ, chữ Tây Hạ, chữ Mông Cổ, chữ Sogdia, chữ Thổ Nhĩ Kỳ, chữ Khotan, chữ Phạn, chữ Tocharians, chữ Do Thái, v.v..
Tài liệu chữ Tạng cổ, hay còn gọi là tài liệu chữ Tạng thời kỳ Thổ Phồn. Tuy nhiên, trong 100 năm hỗn loạn, sau khi triều đại Thổ Phồn diệt vong vào cuối thế kỷ thứ IX, hầu hết các kinh sách và tài liệu đã bị hủy. Rất may là động Tàng Kinh ở Đôn Hoàng vẫn còn lưu giữ khoảng vài nghìn bản thảo viết bằng chữ Tạng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ IX. Tuy nhiên, những tài liệu chữ Tạng này đã bị Stein và Pelliot lấy đi vào năm 1906-1908, hiện được lưu giữ tại Anh và Pháp. Gần đây, Đại học Dân tộc Tây Bắc, Nhà xuất bản Cổ tịch Thượng Hải và thư viện Quốc gia Pháp đã hợp tác biên soạn cuốn Pháp tạng Đôn Hoàng tạng văn văn hiến.
6.2. Các giả thuyết về việc niêm phong động Tàng Kinh
6.2.1. Giả thuyết lánh nạn
Động Tàng Kinh được phát hiện sau gần một nghìn năm bị niêm phong. Nhà nghiên cứu người Pháp Pelliot đã căn cứ vào việc trong hang không có tài liệu nào viết bằng chữ Tây Hạ, mà các tài liệu khác có niên đại muộn nhất là vào đầu thời Tống, tức là từ năm 976-983 đến 995-997, đã đưa ra giả thuyết rằng vào nửa đầu thế kỷ XI, các nhà sư vì để tránh cuộc xâm lược của Tây Hạ vào Đôn Hoàng, đã bí mật chuyển các kinh điển vào động Tàng Kinh và niêm phong lại.
Ngoài ra, còn có giả thuyết cho rằng cuộc xâm lược của Hồi giáo từ phía Đông vào đầu thế kỷ XI đã dẫn đến việc niêm phong động Tàng Kinh. Năm Cảnh Đức thứ ba (năm 1006), vương quốc Hồi giáo Kara-Khanids đã tiêu diệt vương quốc Phật giáo Khotan, và Phật giáo Khotan đã bị đàn áp mang tính hủy diệt. Người Khotan chạy trốn về phía Đông, mang theo tin tức về cuộc tấn công của người Hồi giáo. Một số ngôi chùa ở Mạc Cao đã cất giấu kinh sách, tranh lụa và các vật phẩm quý giá khác vào một hang động (nay là động Tàng Kinh) và ngụy trang che giấu cẩn thận.
6.2.2. Giả thuyết bị bỏ hoang
Trong cuốn sách Tây Vực khảo cổ đồ ký, nhà nghiên cứu người Anh Stein đã dựa trên việc ông tìm thấy một lượng lớn mảnh giấy vụn chữ Hán, mảnh tranh lụa còn sót lại và đồ cúng tế bằng vải lụa trong hang, cho rằng động Tàng Kinh là nơi lưu trữ những vật phẩm linh thiêng đã bị vứt bỏ. Một số học giả ủng hộ quan điểm này cho rằng trong động Tàng Kinh không có toàn bộ Đại Tạng Kinh và các vật phẩm quý giá khác, chủ yếu là các cuộn kinh bị hư hỏng. Hơn nữa, vào thời điểm động Tàng Kinh bị niêm phong, Đôn Hoàng đã yêu cầu được bổ sung Đại Tạng Kinh từ các vùng nội địa và xin triều đình ban tặng một bộ Đại Tạng Kinh chữ bằng vàng bạc, cũng như Đại Bát-Nhã Kinh được bọc bằng hộp gấm và có tiêu đề bằng vàng. Nếu là để tránh nạn, những kinh điển này lẽ ra phải được cất giữ cẩn thận trong hang đá.
6.2.3. Giả thuyết cải tạo kho sách
Giả thuyết này được đưa ra bởi học giả người Nhật Fujieda Akira. Trong bài báo “Một lần phục dựng động Tàng Kinh ở Đôn Hoàng”, ông cho rằng vào khoảng năm 1000, các cuộn kinh gấp đã được truyền từ Trung Nguyên đến Đôn Hoàng. Vì dễ đọc và thuận tiện mang theo, nên chúng được các nhà sư ưa thích. Do đó, những cuộn kinh khó sử dụng trong kho sách và nhiều vật dụng linh tinh khác đã được cất giữ và niêm phong trong hang đá.
Cho đến nay, bí ẩn về việc niêm phong động Tàng Kinh vẫn chưa có lời giải đáp.
Các ngôi chùa Phật giáo truyền thống của Trung Quốc theo kiểu kiến trúc tứ hợp viện, thông thường ở trên đường trục Nam – Bắc đều có xây tàng kinh các, và hầu hết đều nằm ở cuối trục chính của ngôi chùa. Mạc Cao vốn là một ngôi chùa lớn, với nhiều thế hệ tu hành liên tục, do đó vì bất kỳ lý do gì mà việc có một động Tàng Kinh cũng không phải là điều quá kỳ lạ.
6.3. Tài liệu động Tàng Kinh trên khắp thế giới
Đến nay, chỉ còn hơn 15.000 hiện vật ở động Tàng Kinh được lưu giữ tại Trung Quốc, chủ yếu là kinh Phật, phần còn lại đã bị thất lạc ra nước ngoài. Người đầu tiên đến Đôn Hoàng và lấy đi tài liệu từ động Tàng Kinh là một người Anh tên là Aurel Stein.
Sau khi công khai bí mật của động Tàng Kinh, Vương đạo sĩ đã mời các hương thân trong vùng đến xem và báo cáo lên huyện Đôn Hoàng, nhưng đều không nhận được sự quan tâm và bảo vệ từ triều đình nhà Thanh. Thêm vào đó, Vương đạo sĩ một lòng muốn quyên góp tiền để trùng tu các hang động đá ở Đôn Hoàng. Như Stein đã viết trong cuốn Tây Vực khảo cổ đồ ký: “Ông ấy (Vương đạo sĩ) đã dồn hết tâm trí vào việc trùng tu ngôi chùa đổ nát này, cố gắng khôi phục lại vẻ huy hoàng của ngôi đại điện này trong tâm trí ông ấy”. Công việc trùng tu rất lớn, và Vương đạo sĩ đã phải dựa vào việc đi khắp nơi hóa duyên và quyên góp tiền bạc để giải quyết, có thể tưởng tượng được sự khó khăn và gian khổ của ông. Sau khi giành được lòng tin của Vương đạo sĩ, từ năm 1907, Stein đã ba lần mua một lượng lớn tài liệu từ Vương đạo sĩ, trở thành người có được nhiều tài liệu nhất từ động Tàng Kinh. Sau khi thư viện Anh Quốc trở thành một tổ chức độc lập vào năm 1973, những tài liệu này được chuyển đến bộ phận bản thảo và ấn bản phương Đông.
Ngay sau đó, vào năm 1908, Paul Pelliot, một học giả người Pháp thông thạo tiếng Trung và một số ngôn ngữ Trung Á, cũng đến Đôn Hoàng. Ông đã gây ấn tượng tốt với Vương đạo sĩ bằng khả năng nói tiếng Trung lưu loát. Vào thời điểm đó, Vương đạo sĩ lại cần tiền để trùng tu hang động, và đã đồng ý trao đổi tài liệu từ động Tàng Kinh với Pelliot. Mặc dù đến muộn hơn Stein một năm, nhưng nhờ kiến thức phong phú về Hán học, Pelliot đã có được những tài liệu tinh túy nhất, mặc dù số lượng không nhiều bằng Stein. Những tài liệu này hiện được lưu giữ tại thư viện quốc gia Pháp ở Paris.
Sau đó, đoàn thám hiểm do nhà tài trợ người Nhật Ōtani Kōzui tổ chức đã lấy đi khoảng vài trăm cuộn tài liệu từ Đôn Hoàng. Ban đầu, chúng được lưu giữ tại biệt thự Nijōjō của ông, nhưng sau đó do khó khăn tài chính, chúng dần dần bị phân tán đến nhiều nơi như Lữ Thuận, Seoul và Kyoto.
Vào tháng 08 năm 1914, nhà thám hiểm người Nga Sergey Oldenburg dẫn đầu một đoàn đến Đôn Hoàng. Lúc này, tài liệu trong động Tàng Kinh gần như đã hết. Oldenburg đã mua lại phần còn lại mà Vương đạo sĩ cất giấu và những tài liệu nằm rải rác trong tay tư nhân ở Đôn Hoàng. Mặc dù phần lớn là mảnh vụn, và tổng cộng có hơn 12.000 mảnh. Những tài liệu này hiện được lưu giữ tại bộ phận châu Á của bảo tàng Hermitage ở Saint Petersburg.
6.4. Suy ngẫm về động Tàng Kinh
Tài liệu trong động Tàng Kinh với số lượng khổng lồ và nội dung phong phú, xứng đáng được mệnh danh là “bách khoa toàn thư của thời Trung cổ”. Sự đa dạng về ngôn ngữ của các tài liệu cho thấy sự giao thoa tín ngưỡng và văn hóa của nhiều dân tộc ở Đôn Hoàng trong lịch sử. Việc động Tàng Kinh bị niêm phong cũng trùng hợp với thời điểm Đôn Hoàng trải qua giai đoạn huy hoàng dưới thời Tùy Đường, tiếp tục được duy trì dưới thời Thổ Phồn và Quy Nghĩa, và sắp bước vào giai đoạn suy tàn, khiến người ta không khỏi cảm thán về sự sắp đặt “huyền bí” của ông Trời. Sau gần một nghìn năm bị phong bế, động Tàng Kinh đã tình cờ được một vị đạo sĩ phát hiện và đưa ra cho thế nhân biết. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đang ở trong tình trạng khó khăn cả trong và ngoài nước. Do nhiều cơ duyên, tài liệu trong hang đã bị phân tán đến nhiều nơi trên thế giới, từ đó khiến cho nền văn hóa và nghệ thuật rực rỡ của Trung Hoa được lưu giữ ở Đôn Hoàng nhanh chóng được cả thế giới biết đến, biến vùng đất xa xôi hẻo lánh này thành một kho báu văn hóa lịch sử của nhân loại. Đây lẽ nào lại là một sự sắp đặt khác của ông Trời?
Sự thất thoát của các văn vật đương nhiên khiến người dân Trung Quốc đau xót. Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, chính nhờ sự lưu lạc của tài liệu động Tàng Kinh, mà Đôn Hoàng đã thu hút được sự chú ý của các học giả trong và ngoài nước, nhờ đó, thế giới dần dần nhận thức được văn hóa phương Đông. Hơn nữa, từ những năm 1950 đến “Cách mạng văn hóa”, các nhà sư, đạo sĩ, ni cô ở Đôn Hoàng buộc phải hoàn tục, các nhà nghiên cứu nghệ thuật Đôn Hoàng cũng bị buộc phải đi lao động khai khẩn. Công việc nghiên cứu nghệ thuật của Thường Thư Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Đôn Hoàng (sau này đổi tên thành Viện Nghiên cứu Đôn Hoàng), và những người khác đã bị đình trệ. Trong “Cách mạng văn hóa”, Thường Thư Hồng bị quy kết là “phần tử phản cách mạng”, “kẻ đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, bị quản thúc và lao động khổ sai, bao gồm cả việc chăn nuôi lợn. Những cuộc vận động chính trị đã không ngừng cản trở biết bao nhiêu tiến trình nghiên cứu, phá hủy biết bao nhiêu văn vật lịch sử quý giá, mà không chỉ ngành nghiên cứu Đôn Hoàng học bị giậm chân tại chỗ.
Có lẽ một ngày nào đó, các tài liệu và văn vật Đôn Hoàng nằm rải rác khắp nơi sẽ lại có cơ duyên xảo hợp, tập hợp lại một chỗ, để từ đó, một Đôn Hoàng chân thực sẽ được triển hiện trước mắt thế giới.
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/53061
Ngày đăng: 19-02-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org