(Từ năm 618 đến năm 907)
Tác giả: Tâm Duyên
[ChanhKien.org]
Các biện pháp củng cố chế độ vương triều của Đường Thái Tông
Đường Thái Tông đã củng cố vững chắc hơn nữa việc xây dựng chế độ vương triều dựa trên cơ sở các biện pháp của Cao Tổ và nhà Tùy chế định ra, tính hợp lý và tính hiệu quả cao của nó được xem là tấm gương cho hậu thế. Chủ yếu được thể hiện qua các điểm sau:
Thứ nhất, xây dựng được một cơ cấu quan liêu tương đối hữu hiệu. Triều đình trung ương tiếp tục chế độ tam tỉnh lục bộ của nhà Tùy, tam tỉnh là chỉ: Trung thư tỉnh, Môn hạ tỉnh và Thượng thư tỉnh. Quyền lực quân sự và chính trị toàn quốc tập trung ở ba tỉnh này. Hoàng đế ban hành chính lệnh thì cần phải thông qua Trung thư tỉnh và Môn hạ tỉnh phó thự (tức là ký tên đóng dấu) xong mới được tính là hợp pháp. Những phương châm chính sách quan trọng của đất nước sẽ do Trung thư tỉnh nghiên cứu trước, đưa ra quyết định; rồi lại do Môn hạ tỉnh thẩm duyệt, nếu như xét thấy không phù hợp, thì có thể bác bỏ; dưới Thượng thư tỉnh có lục bộ gồm Lại bộ, Hộ bộ, Lễ bộ, Binh bộ, Hình bộ, Công bộ, có nhiệm vụ thực hiện cụ thể các chính lệnh đã được Trung thư tỉnh và Môn hạ tỉnh thông qua. Chính phủ trung ương thiết lập Chính sự đường, với tư cách là cơ cấu nghị sự của tể tướng. Tất cả những sự vụ trọng đại, bao gồm việc bổ nhiệm và miễn nhiệm đối với các quan viên ngũ phẩm trở lên, đều phải được Chính sự đường hội nghị thảo luận, sau khi được Hoàng đế phê chuẩn thì mới được ban hành. Trưởng quan của tam tỉnh, tức là Trung thư lệnh của Trung thư tỉnh, Thị trung của Môn hạ tỉnh, Tả Hữu bộc xạ của Thượng thư tỉnh, đều là trưởng quan, về sau các quan viên khác tham gia hội nghị của Chính sự đường cũng đều là tể tướng, họ đều có chức danh là Tham tri cơ vụ, cho nên số tể tướng tham gia vào hội nghị của Chính sự đường lên đến 20 người.
Đặc điểm của quan chế trung ương này là: quyền lực của tể tướng khá lớn, điều này tránh được sự chuyên quyền của vua ở một mức độ nhất định; đồng thời các tể tướng là tập thể nghị sự của Chính sự đường, tam tỉnh lại có sự kiềm chế lẫn nhau, nên tránh được sự chuyên quyền riêng biệt của tể tướng.
Thái Tông lại thiết lập cơ quan giám sát Ngự sử đài, trưởng quan là Ngự sử đại phu, thực hiện giám sát nội ngoại bách quan và quân dân. Ngự sử đài và Hình bộ (cơ cấu hành chính tư pháp), Đại lý tự (cơ quan thẩm phán cao nhất) có tên gọi chung là Tam ti. Mỗi khi có án kiện lớn, Tam ti chủ quản sẽ cùng nhau thẩm lý, gọi là “Tam ti thôi sự”, cũng chính là tiền thân của hội thẩm “Tam pháp ti” trong các vương triều đời sau.
Cơ cấu hành chính địa phương cũng làm theo chế độ châu huyện hai cấp như nhà Tùy, toàn quốc tổng cộng có hơn 300 châu, và hơn 1.500 huyện. Trong thời Đường Thái Tông còn phân toàn quốc thành 10 khu giám sát, tức Thập Đạo. Hoàng đế cử Quan sát sứ thực hiện giám sát tình hình các châu huyện trong mỗi Đạo không theo định kỳ.
Thứ hai, hoàn thiện chế độ tuyển chọn quan viên. Năm Trinh Quán thứ nhất, Đường Thái Tông tiến hành “tuyển cử rầm rộ”, sau đó lại thông qua thi cử để tuyển chọn nhân sĩ tài đức, khoa mục tuyển chọn mà Thái Tông thường đưa ra là hai khoa Minh kinh và Tiến sĩ. Khoa Minh kinh chủ yếu là các bài thi về thông hiểu kinh điển, kinh nghĩa và các chính sách thời vụ của quốc gia; khoa Tiến sĩ chủ yếu là các bài thi về chính sách thời vụ và kinh nghĩa. Những năm cuối Trinh Quán Thái Tông mở rộng khoa Tiến sĩ, nâng cao giai tầng của tiến sĩ. Các sĩ tử sau khi thi đậu tiến sĩ, còn cần vượt qua kỳ khảo hạch của Lại bộ thì mới được ra làm quan.
Sự phát triển của khảo thí khoa cử, đã mở lối quan lộ cho các nhân sĩ tài đức. Trên nguyên tắc nó được quy định là trừ tầng lớp thấp kém như cung hộ, thì các dân thường khác đều có thể tham gia khảo thí, điều này đã triệt để phá vỡ cục diện chính trị môn phiệt của nhà Ngụy Tấn trước nay. Dù rằng việc khảo thí khoa cử đương thời vẫn xem trọng môn đệ dòng dõi thi thư, tuy nhiên thuận theo sự mở rộng của chế độ khảo thí lâu dần các con em của người dân bình thường cũng có thể mười năm gian khổ đèn sách mà đỗ đạt bảng vàng.
Thứ ba, hoàn thiện chế độ giáo dục. Đường Thái Tông hết sức coi trọng việc xây dựng trường học, qua đó chế độ giáo dục trường học ngày càng được hoàn thiện. Học phủ cao nhất trong toàn quốc là Quốc Tử Giám, bên dưới thiết lập sáu loại trường học: Quốc tử học, Thái học, Tứ môn học, Luật học, Thư học, Toán học. Ba loại trường học ở trước chỉ tiếp nhận con em của các quan tam phẩm, ngũ phẩm và thất phẩm trở lên vào học; ba trường học ở sau thì tiếp nhận con em của quan bát phẩm trở xuống và con em người dân bình thường. Ngoài ra còn có Hoằng Văn Quán, Sùng Văn Quán chỉ chuyên chiêu nạp con cháu hoàng thân quốc thích và con em của quan viên cấp cao vào học. Ở địa phương thì có các trường châu huyện.
Các cấp trường học đều lấy những kinh điển Nho gia làm thư mục nhất định phải đọc, những ai có thành tích học tập nổi trội thì sẽ được gửi đến Lại bộ tham gia khoa cử khảo thí.
Sự phát triển của giáo dục trong thời kỳ Trinh Quán, được Đỗ Hựu miêu tả trong «Thông Điển» như sau: “Năm Trinh Quán thứ năm, Thái Tông nhiều lần đến Quốc học, rồi cho xây thêm 1.200 phòng học xá. Quốc học, Thái học, Tứ môn học đều tăng thêm sinh đồ (tú tài), tại Thư học, Toán học đều bố trí tiến sĩ, tổng cộng có 3.261 người. Các Phi Kỵ ở Đồn Doanh cũng được bố trí tiến sĩ dạy kinh nghiệp (bài vở kinh sách Nho gia), chẳng bao lâu thủ lĩnh các nước Cao Câu Ly, Bạch Tế, Tân La, Cao Xương, Thổ Phồn cũng đưa con em mình hơn 8.000 người vào Quốc học, sự hưng thịnh của Quốc học là điều chưa từng có trong thời cận cổ”.
Thứ tư, hoàn thiện luật pháp khoan hồng, Vào thời Cao Tổ, rút kinh nghiệm từ việc Tùy Dạng Đế thi hành luật pháp rườm rà nghiêm khắc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ông đã bắt đầu chế định luật pháp mới, và vào năm 624 đã ban bố «Võ Đức luật» lấy khoan hồng làm nguyên tắc. Sau khi Đường Thái Tông lên ngôi, đã tiếp thu ý kiến của Ngụy Trưng, xác lập tôn chỉ khoan hậu nhân từ, thận trọng trong dùng hình phạt, đồng thời lệnh cho Trưởng Tôn Vô Kỵ và Phòng Huyền Linh chỉnh lý luật pháp, vào năm Trinh Quán thứ 10, tức năm 637 đã chính thức công bố «Đường Luật» với 500 điều, nội dung cơ bản gồm có danh lệ, vệ cấm, chức chế, hộ hôn, cứu khố, thiện hưng, tặc đạo, đấu tụng, tạp luật, bổ vong, đoạn ngục v.v.
Vào thời Đường Thái Tông, Trưởng Tôn Vô Kỵ lãnh hàm (người ký tên đầu tiên trong văn kiện), đã thêm vào những chú sớ (chú giải và chú thích) trong các điều khoản của «Đường Luật», và biên soạn thành «Đường Luật Sớ Nghị» gồm 12 chương với 30 cuốn, có ảnh hưởng rất lớn đến các nước thời bấy giờ như Cao Câu Ly, Nhật Bản, An Nam, và là bản mẫu pháp điển trong các triều đại nhà Tống, Minh sau này. Bộ sách này đến nay vẫn còn tồn tại và là bộ pháp điển hoàn chỉnh được lưu truyền lại từ thời cổ đại ở Trung Quốc.
Thứ năm, cải cách chế độ phủ binh. Nhà Tùy Đường đều làm theo chế độ phủ binh cũ từ thời Tây Ngụy và Bắc Chu, tuy nhiên nhà Đường lại có những cải cách. Cơ cấu lãnh đạo trung ương của phủ binh thời nhà Đường chủ yếu là thập nhị vệ, một bộ phận nhỏ quy về Đông cung lục suất. Đơn vị cơ bản của phủ binh được thiết lập tại các Chiết xung phủ. Do Chiết xung đô úy và Quả nghị đô úy thống lĩnh. Dưới Chiết xung phủ có Đoàn, mỗi Đoàn có 200 người; dưới Đoàn có Lữ, mỗi Lữ có 100 người; dưới Lữ có Đội, mỗi Đội có 50 người; dưới Đội có Hỏa, mỗi Hỏa có 10 người. Chiết xung phủ có ba bậc thượng, trung, hạ, Thượng phủ có 6 Đoàn với 1.200 vệ binh; Trung phủ có 5 Đoàn với 1.000 vệ binh; Hạ phủ có 4 Đoàn với 800 vệ binh. Vào thời điểm đông nhất toàn quốc có đến 634 Chiết xung phủ, tổng binh lực có 68 vạn người.
Xuất xứ của Phủ binh là những quân phủ ở địa phương được tuyển chọn từ trong “con cháu hàng lục phẩm trở xuống và những dân thường không trong nghĩa vụ quân dịch”, cứ ba năm tuyển chọn một lần. Độ tuổi phục dịch trong phủ binh là từ 21 đến 59 (từ 60 tuổi được miễn), trong thời gian phục dịch họ được miễn trừ thuế tô điệu (tô là thuế ruộng, điệu là thuế hộ). Nhiệm vụ thông thường của phủ binh là luân phiên đến kinh thành làm cảnh vệ túc trực, gọi là “phiên thượng”, đôi lúc cũng phải đến nơi khác để ra trận và phòng thủ. Ngoài thời gian chấp hành nhiệm vụ, phủ binh không rời khỏi quê hương và công việc sản xuất nông nghiệp của mình, chỉ tập trung vào mùa đông để tiến hành huấn luyện quân sự, thi hành chế độ binh nông hợp nhất.
Chế độ phủ binh của nhà Đường quán triệt nguyên tắc tăng cường trung ương tập quyền. Thời điểm ấy binh lực ở Quan Trung là tập trung nhất, có 26 vạn binh, ước tính chiếm khoảng 40% binh lực nhà Đường. Việc điều phái phủ binh là do Binh bộ trung ương nắm chặt, quan địa phương ngay cả thập nhị vệ của trung ương cũng không có quyền điều binh. Lúc chiến tranh, trung ương điều quân đội từ các nơi, tướng lĩnh cấp cao đều là cắt cử tạm thời, sau khi chiến tranh kết thúc, “binh tản về phủ, tướng quy về triều”, điều này tránh được việc độc đoán chuyên quyền của các tướng soái.
Các biện pháp về phương diện văn hóa của Đường Thái Tông
Đường Thái Tông vô cùng chú trọng đến việc biên soạn thư tịch và lịch sử. Ông ra lệnh tìm kiếm thư sách của các học giả trong dân gian đã qua đời. Vào cuối thời nhà Tùy, số lượng tàng thư còn sót lại ở Lạc Dương chỉ còn một vạn bốn ngàn bộ, ước chừng chín vạn cuốn, tuy nhiên sau khi Thái Tông thành lập Hoằng Văn Quán, tàng thư đã lên đến hơn 20 vạn cuốn. Thái Tông cho rằng thời kỳ Nam Bắc triều Kinh học được phân thành lưỡng học Nam Bắc, Kinh học rối loạn, do đó đã lệnh cho Khổng Dĩnh Đạt tiến hành chỉnh lý, ban bố «Ngũ Kinh Định Bản», là bản thảo cho cuốn «Ngũ Kinh Chính Nghĩa», và cung cấp bản mẫu cho các khoa cử khảo thí.
Trên phương diện sử học, Thái Tông đã hạ lệnh cho thành lập Quốc Sử Quán, biên soạn và tuyển chọn lịch sử của nhà Tùy và Nam Bắc triều, một mặt nhằm tỏ rõ sự chính thống của Đường thất, mặt khác từ trong đó rút ra bài học giáo huấn lịch sử. Ngoài ra, ông còn chiêu mộ các danh Nho đảm nhiệm chức Học quan. Do vậy, kinh thành phút chốc tập trung đông đảo học giả Nho gia, nhân tài lớp lớp xuất hiện, bồi dưỡng ra vô số trụ cột quốc gia cho Đại Đường.
Đường Thái Tông rất coi trọng việc hồng dương Phật Pháp, ông ra sức ủng hộ việc đi lấy kinh và công việc dịch kinh sách của Đường tăng Huyền Trang, và đích thân gặp gỡ trò chuyện cùng Đường tăng ở Lạc Dương. Điều này đã làm cho Phật giáo đạt đến thời kỳ cực thịnh vào trung kỳ nhà Đường.
Thành tựu huy hoàng về mặt quân sự của Đường Thái Tông
Trong những năm Trinh Quán, Đường Thái Tông không chỉ đạt được cục diện thái bình thịnh thế ở trong nước, hơn nữa thiên uy của ông còn thông thẳng đến vùng đất rộng lớn Đông Nam Á. Ông kinh lược (cai quản về chính trị quân sự) tứ di (gồm Đông Di, Bắc Địch, Tây Nhung, Nam Man), hàng phục được Đông Đột Quyết, bình định Tiết Diên Đà, chinh phạt Cao Ly, thu phục Thổ Phồn, bình định Hồi Hột. Những thành tựu chói lọi ấy đã khiến quốc uy của nhà Đường vang khắp bốn phương, vượt xa cả hai nhà Tần Hán. Bởi thành tựu huy hoàng hiếm có của mình, Thái Tông được các tộc trưởng, tù trưởng, đại hãn, quốc vương các nơi tôn xưng là “Thiên Khả Hãn”, tức là “Thiên hạ đại đế” (các bộ tộc ở phía Tây Bắc gọi vua của họ là khả hãn).
*Bình định Đột Quyết và Tiết Diên Đà, quý trọng các dân tộc như nhau
Ngay sau sự biến Huyền Vũ môn, Hiệt Lợi khả hãn của Đột Quyết nhân lúc nhà Đường nội biến rối loạn, đã ồ ạt xâm chiếm. Thái Tông liền cử Uất Trì Kính Đức xuất trận, đánh bại Đột Quyết. Không lâu sau, Hiệt Lợi lại xâm lược lần nữa, khi đến cầu Tiện Kiều trên sông Vị Thủy, đã phái sứ thần đến Trường An thị uy. Thái Tông vì thế đã đích thân dẫn sáu kỵ binh đến Vị Thủy, gặp Hiệt Lợi ở bên kia sông, kể tội Hiệt Lợi làm trái minh ước, lúc này đại quân của nhà Đường cũng lần lượt đến nơi. Hiệt Lợi thấy quân Đường hùng mạnh, biết rằng không có cơ hội, nên đã nghị hòa với Thái Tông, rồi lập tức quay về phương Bắc, đây chính là “Tiện Kiều hội minh”.
Tháng ba năm Trinh Quán thứ tư (năm 630), tướng nhà Đường là Lý Tịnh và Lý Tích đánh bại Đột Quyết, bắt được Hiệt Lợi khả hãn, Đông Đột Quyết bị tiêu diệt, và bản đồ của nhà Đường đã mở rộng đến phía Bắc hồ Baykal ngày nay, những bộ lạc nguyên ban đầu thuộc về Đột Quyết thì có số đến nương cậy Tiết Diên Đà ở mạn Bắc, có số chạy về Tây Vực ở phía Tây, số còn lại thì đầu hàng nhà Đường có trên 10 vạn người.
Phải giải quyết thế nào với hơn 10 vạn người đầu hàng này đây, Đường Thái Tông đã tập hợp triều thần đến để thương nghị. Đa số triều thần cho rằng, các dân tộc du mục phương Bắc từ xưa đến này luôn xâm phạm nghiêm trọng đến vùng Trung Nguyên, may thay hôm nay đã tiêu diệt được, nên để bọn họ chuyển đến sống ở phía Nam sông Hoàng Hà, làm rối loạn tổ chức và kết cấu bộ lạc vốn có của họ, phân tản sống lẫn tại các châu huyện, chỉ dẫn họ cách trồng trọt dệt vải. Như thế thì có thể khiến những dân tộc du mục vốn kiêu ngạo bất kham trở thành những cư dân nội địa dễ chịu khuất phục, để vùng bắc ải mãi mãi trống không. Cũng có người đề xuất rằng, các dân tộc thiểu số kẻ yếu thì tỏ vẻ thuần phục, kẻ mạnh thì phiến loạn, trước nay luôn như vậy. Nên là xua đuổi họ đến sống trên các thảo nguyên, không thể lưu lại vùng nội địa, để chấm đứt những hiểm họa từ bên trong.
Chỉ có Trung thư lệnh Ôn Ngạn là cực lực bác bỏ các ý kiến, ông chủ trương đưa những người đầu hàng của Đột Quyết chuyển đến sống ở các khu vực Hà sáo (vùng khuỷu sông) có đồng cỏ tươi tốt, bảo toàn các bộ lạc vốn có của họ, thuận theo tập tục sinh hoạt của họ, làm vậy thì có thể lấp đầy những vùng đất trống, lại có thể tăng cường lực lượng phòng thủ biên giới ở phương Bắc. Sau cùng, ông chỉ ra rằng: “Thiên tử đối với vạn sự vạn vật, nên giống như thiên phú địa tải (trời che đất chở) vậy, không nên để sót. Hôm nay Đột Quyết trong lúc lao đao khốn cùng quy hàng chúng ta, vậy có thể gạt họ ra ngoài không tiếp nhận được chăng?” Đường Thái Tông rất tán thành kiến nghị của Ôn Ngạn, còn nói thêm rằng: “Từ xưa đến nay đều coi trọng Trung Hoa mà khinh rẻ Di Địch, chỉ có trẫm đối với họ đều quý trọng như nhau!” Do đó, Thái Tông đã thiết lập hai phủ đô đốc Định Tương và Vân Trung ở khu vực Hà sáo (vùng khuỷu sông), thống lĩnh những người đầu hàng của Đột Quyết. Còn với tù trưởng các cấp chịu quy phục thì đều bái làm Tướng quân, Trung lang tướng, bố trí vào triều đình, những quan viên dân tộc thiểu số bậc ngũ phẩm trở lên có hơn 100 người, gần như chiếm khoảng một nửa số triều thần, số gia đình lần lượt chuyển vào sống ở Trường An có gần một vạn.
Chính sách này của Đường Thái Tông đã nhanh chóng giành được sự ủng hộ và yêu mến của rất nhiều dân tộc chung quanh, rầm rộ tôn Đường Thái Tông là “Thiên Khả Hãn”, tôn kính như Thần vậy.
Sau khi Đông Đột Quyết diệt vong, vùng Mạc Bắc bị Tiết Diên Đà tiếp tục chiếm đóng. Năm 644, Đường Thái Tông đã nhân lúc Hãn quốc của Tiết Diên Đà xảy ra nội loạn mà xuất binh, kết quả Tiết Diên Đà bại trận và đầu hàng nhà Đường. Từ đó, việc xâm phạm biên giới phía Bắc nhà Đường tạm thời được giải trừ.
Sử sách ghi chép, khi tin tức Lý Tịnh tiêu diệt được Đông Đột Quyết truyền về kinh thành, Thái Tông đã không cầm nổi xúc động và phấn khởi nói rằng: “Năm đó Thái Thượng Hoàng vì bách tính, đã chịu khuất phục xưng thần với Đột Quyết. Lúc đó trẫm vô cùng đau đớn, thề chừng nào còn sống phải diệt được Đột Quyết. Hôm nay chỉ nhọc một đội quân xuất chinh, đã bắt sống kẻ cầm đầu đưa về kinh, rửa sạch được mối nhục của Đại Đường năm ấy”. Tất cả đại thần cũng không cầm lòng mà hô lớn “vạn tuế!”
Sau khi Đông Đột Quyết diệt vong, chính quyền nhà Đường đã thiết lập bốn phủ Đô đốc là Thuận, Điếu, Trường, Hóa trên một dải bắt đầu từ U Châu ở phía Đông đến Linh Châu ở phía Tây (nay là huyện Linh Vũ, Ninh Hạ, Tây Nam Trung Quốc), để ổn định chỗ ở cho hơn mười vạn người Đột Quyết. Tại những khu vực thuộc Nội Mông Cổ ngày nay mà Hiệt Lợi khả hãn cai quản, chính quyền nhà Đường lại thiết lập phủ đô đốc Định Tương ở phía Đông và phủ đô đốc Vân Trung ở phía Tây, bên dưới có sáu châu, lại bổ nhiệm những tù trưởng Đột Quyết cũ làm Thứ sử quản lý những bộ lạc Đột Quyết ở địa phương. Thời bấy giờ, gần một vạn gia đình người Đột Quyết chuyển đến sống ở Trường An, những quý tộc Đột Quyết được nhà Đường bổ nhiệm giữ các chức quan ngũ phẩm trở lên như Tướng quân, Trung lang tướng có đến hơn trăm người.
*Cuộc chiến bình định Tây Vực
Sau khi bình định được Đột Quyết, Thái Tông tiếp tục quản Tây Vực, nhiều lần dùng đến binh lực. Năm Trinh Quán thứ tám (năm 634), Thổ Dục Hồn xâm lấn biên giới, Thái Tông cử Lý Tịnh, Hầu Quân Tập, Vương Đạo Tông xuất kích, năm sau Phục Doản khả hãn của Thổ Dục Hồn trốn vào sa mạc, sau bị người dân giết chết, nên Thái Tông đã lập một quốc vương Thổ Dục Hồn khác.
Năm Trinh Quán thứ 13 (năm 639), Thái Tông lấy việc Cao Xương vương Khúc Văn Thái triều cống Tây Vực, liền lệnh cho Hầu Quân Tập, Tiết Vạn Triệt dẫn binh thảo phạt Cao Xương. Năm sau, Cao Xương vương bệnh chết, con của ông là Trí Thịnh nối ngôi, và đã đầu hàng nhà Đường. Do đó Thái Tông thiết lập An Tây đô hộ phủ ở thành Giao Hà thủ phủ của Cao Xương, và các nước ở Tây Vực đều đến Trường An triều cống.
*Cuộc chiến chinh phục Cao Ly
Tháng hai năm Trinh Quán thứ 19 (năm 645), Đường Thái Tông lấy lý do Tuyền Cái Tô Văn chấp chính nước Cao Ly lộng quyền ngược đãi dân chúng, đã đích thân dẫn lục quân từ Lạc Dương tiến về phương Bắc, dẫn binh tấn công Cao Ly. Tuy nhiên sau khi vượt bờ Đông sông Liêu Thủy, do gặp phải sự kháng cự ngoan cố của Cao Ly, quân nhà Đường tại thành An Thị (nay là Thành Tử Nam Doanh, Hải Thành, Liêu Ninh) tấn công đã lâu mà không được, thêm nữa thời tiết trở lạnh, cỏ khô và nước đóng băng, lương thảo thiếu hụt, binh mã khó có thể ở lại được lâu, chỉ đành hạ chiếu thu quân.
Hòa hiếu kết giao với Thổ Phồn
Cư dân ban đầu của cao nguyên Tây Tạng là dân tộc Mạnh. Sau thời Chiến Quốc, có các bộ lạc của dân tộc Khương, như Phát Khương, Mê Đường dần di chuyển đến vùng Tây Tạng ngày nay. Họ đã dung hợp với người dân bản địa, rồi sinh sôi phát triển, và hình thành nên tộc Thổ Phồn.
Người dựng nên vương triều Thổ Phồn là bộ tộc Mao Ngưu sinh sống tại Nhã Long Hà Dục (Yarlung), người thống nhất các bộ lạc của tộc người Mao Ngưu được gọi là Khí Nhiếp Khí Tán Phổ. “Tán Phổ” có nghĩa là người đàn ông hùng mạnh, sau này trở thành tôn xưng của các quân trưởng Thổ Phồn. Từ thời Khí Nhiếp Khí bắt đầu, Thổ Phồn đã xác lập chế độ tù trưởng thế tập (cha truyền con nối), sau Tán Phổ đời thứ tám là Bố Đại Củng Giáp, xã hội Thổ Phồn đã đạt được sự phát triển nhanh chóng.
Năm 629, Tùng Tán Cán Bố chỉ mới 13 tuổi đã kế ngôi vị Tán Phổ, cầm binh trấn áp được các cuộc phản loạn, thống nhất Tây Tạng. Tùng Tán Cán Bố còn tiến hành cải cách ở nhiều phương diện. Ông dời thủ phủ đến Lhasa. Từ đó Lhasa trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Tây Tạng. Ông tham chiếu chế độ phủ binh và quan chế trung ương của nhà Đường, xây dựng chế độ chính trị quân sự từ trung ương đến địa phương. Nhằm phù hợp với yêu cầu kinh tế và chính trị, Tùng Tán Cán Bố bắt đầu áp dụng lịch pháp, quy định thống nhất đo lường, dựa vào các văn tự của các nước Điền, Thiên Trúc sáng tạo ra Thổ Phồn văn (sau này phát triển thành Tạng văn ngày nay), lại chế định luật pháp tàn khốc.
Tháng một năm Trinh Quán thứ 15 (năm 641), sau nhiều lần thỉnh cầu của Thổ Phồn Tán Phổ Tùng Tán Cán Bố, Đường Thái Tông đã đồng ý gả công chúa Văn Thành cho ông, đồng thời cử Lễ bộ thượng thư, Giang Hạ vương Lý Đạo Tông hộ tống công chúa vào Tây Tạng. Tùng Tán Cán Bố nghe tin thì hết sức vui mừng, đích thân từ thủ phủ Lhasa đến Hà Nguyên (nay là Hồ Tây Ngạc Lăng, Thanh Hải), lấy tư cách con rể tiếp kiến Lý Đạo Tông. Ông nhìn thấy trang phục lộng lẫy và nghi trượng tráng lệ của Trung Quốc, thì vô cùng ngưỡng mộ. Từ đó, Thổ Phồn và nhà Đường kết nên quan hệ sinh cữu, học hỏi qua lại, chung sống hữu hảo.
Lúc công chúa Văn Thành vào Tây Tạng, đã mang theo một lượng lớn vật phẩm, có châu báu lụa là, đồ dùng sinh hoạt, thiết bị chữa bệnh, công cụ sản xuất, hạt giống rau màu, còn có các thư tịch như kinh sử, thơ văn, công nghệ, y dược, lịch pháp. Vào thời Đường Thái Tông, giống con tằm từ nội địa được đưa vào Thổ Phồn, nhà Đường còn cử thợ thủ công ủ rượu, chế cối xay, tạo giấy mực đến Thổ Phồn truyền dạy kỹ nghệ. Công chúa còn mang theo dàn nhạc của Trung Nguyên đến làm phong phú thêm âm nhạc của người Tạng.
Công chúa Văn Thành là người tín phụng Phật giáo, thời điểm ấy Phật giáo ở nhà Đường rất hưng thịnh, mà Tây Tạng lại không có Phật giáo. Công chúa đã mang Phật tháp, kinh Phật và tượng Phật, đồng thời xây dựng chùa Đại Chiêu để thờ phụng. Công chúa cùng với Tùng Tán Cán Bố tận tay cắm cành liễu trước cổng đền, vậy nên “Đường Liễu” cũng từ đó mà có. Và “bia đá sinh cữu đồng minh” nổi tiếng (cũng được gọi là “bia đá Trường Khánh hội minh”) là được dựng ở cạnh “Đường Liễu”.
Tùng Tán Cán Bố rất kính trọng công chúa Văn Thành hiền thục đa tài, ông cởi bỏ tấm áo lông cừu chuyển sang mang áo lụa gấm, còn nhiều lần cử con em quý tộc đến Trường An học tập.
Trong 40 năm sống ở Thổ Phồn, công chúa Văn Thành đã cống hiến không ngừng nghỉ, và có những cống hiến kiệt xuất vì mối quan hệ hữu nghị của hai dân tộc Hán Tạng. Công chúa Văn Thành mất năm 680, và được người Tạng vô cùng yêu mến gọi là a tỉ Giáp Sa (tức là “chị gái người Hán”). Thi nhân Trần Đào nhà Đường trong tập «Lũng Tây Hành» có thơ rằng: “Tự tòng quý chủ hòa thân hậu, nhất bán hồ phong tự Hán gia” (tạm dịch nghĩa: Từ dạo công chúa hòa thân, phân nửa hồ phong tựa Hán gia).
Thái Tông đối với các dân tộc chung quanh vừa là ân huệ vừa là uy nghiêm, ngoài việc dùng vũ lực chinh phục cường địch ra, ông cũng chú ý đến việc xoa dịu xung đột sắc tộc, ví như đại đô đốc của Ích Đô tấu xin được xuất binh bình định người Liêu làm phản, nhưng Thái Tông không đồng ý.
Còn có năm, Đột Quyết gặp phải tuyết lớn, ngựa dê chết rất nhiều, dân đói kém, súc vật gầy còm, quần thần khuyên Thái Tông nhân cơ hội mà tấn công Đột Quyết. Thái Tông đã nói rằng: “Trẫm và họ vừa mới kết liên minh đã trái minh ước, ấy là không thủ tín; mưu lợi lúc họ gặp nạn, ấy là bất nhân; thừa lúc họ nguy nan mà giành lấy thắng lợi, cũng không phải là hành động vũ trang chính đáng. Cho dù các bộ lạc Đột Quyết đều nổi loạn, súc vật chẳng còn con nào, trẫm cũng không tấn công, nhất định đợi đến khi họ có tội, trẫm mới lại thảo phạt”.
Vì thế mà tứ di phục tùng, chư quốc đến triều bái.
Đương nhiên, các thành tựu quân sự huy hoàng của Thái Tông không thể tách khỏi các đại tướng như Tần Thúc Bảo, Uất Trì Kính Đức, Trình Giảo Kim. Họ đều là những người nhiều lần cùng Thái Tông vào sinh ra tử. Tuy nhiên những anh hùng có thể khiến Thái Tông uy chấn tứ hải còn có hai vị đại tướng nữa: đó là Lý Tịnh và Lý Tích.
Vào năm Trinh Quán thứ 11, Thái Tông đã nói với các đại thần rằng: “Tùy Dạng Đế không biết dùng người, nhiều lần tu sửa Trường Thành để chống Đột Quyết. Trẫm bổ nhiệm Lý Tích trấn thủ Bình Châu, Đột Quyết sợ hãi mà bỏ chạy, biên thùy yên ổn, hà tất nhọc dân sửa thành làm chi?” Điều này nói lên rằng Thái Tông rất biết nhìn người và còn giỏi dùng người nữa.
Đường Thái Tông và những cảnh báo của thiên tượng
Thái Tông tin tưởng rằng, những biến đổi khác thường của tinh tú nhật nguyệt là những gợi ý của Thiên thượng cho con người. Thiên tai mất mùa xảy ra tức là Thiên thượng trách phạt, nhà vua cần kiểm điểm và sửa sai, nếu không quốc gia sẽ bị diệt vong. Việc tốt lành xuất hiện tức là Thiên thượng khen ngợi, ban xuống phúc lành, vương triều dài lâu.
Ngày 23 tháng 08 năm Trinh Quán thứ tám, trên bầu trời phương Nam xuất hiện sao chổi dài sáu trượng, phải hơn trăm ngày mới tản. Vào thời cổ đại sao chổi được xem là điều không tốt lành, nên Thái Tông đã hỏi các đại thần rằng: “Trẫm có chỗ không tốt, chấp chính có thiếu sót mới xuất hiện sao chổi, các khanh thấy thế nào?”
Đại thần Ngu Thế Nam trả lời: “Thuở trước, Tề Cảnh Công trông thấy sao chổi, sợ hãi mà lập tức tu sửa đức hạnh, 16 ngày sau thì sao chổi mất. Hoàng thượng chỉ cần không vì công đức cao dày mà kiêu căng, không ỷ thái bình lâu dài mà buông thả, nếu có thể trước sau như một, thì không phải lo nghĩ chuyện sao chổi”.
Thái Tông tỏ ý tán đồng nói: “Tần Thủy Hoàng bình định sáu nước, Tùy Dạng Đế phúc hưởng bốn bể, đã kiêu ngạo còn buông thả, nên quốc gia diệt vong nhanh chóng. Cảm tạ Thiên thượng cảnh giới cho trẫm và Đại Đường, trẫm thừa nhận còn có cái tâm tự kiêu, ấy là lỗi của trẫm!”
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/29148
ChanhKien.org