(Từ năm 618 đến năm 907)
Tác giả: Tâm Duyên
[ChanhKien.org]
Biểu hiện suy yếu thứ nhất của Hoàng quyền nhà Đường – phiên trấn cát cứ sau loạn An Sử
Sau khi loạn An Sử được dẹp yên, phần tàn dư của An Sử vẫn duy trì thế lực khá lớn, Đường Đại Tông yếu nhược ngu muội chỉ biết cầu an nên “phân chia vùng Hà Bắc giao cho phản tướng”. Trong quá trình bình định phản loạn, nhà Đường còn bổ sung thêm danh hiệu Tiết độ sứ cho các Thứ sử nắm binh quyền vùng nội địa. Do đó, vùng Trung Nguyên cũng đã xuất hiện không ít Tiết độ sứ và các quân trấn lớn nhỏ khác, về sau lại mở rộng ra toàn quốc. Họ là những trưởng quan quân chính của địa phương, là cơ cấu quyền lực cấp một từ châu trở lên, tức là phiên trấn. Sau loạn An Sử, phần lớn các phiên trấn ở Thiểm Tây, Tứ Xuyên ngày nay và phía Nam Giang Hoài vẫn phục tùng chính phủ trung ương như cũ, và nộp thuế cho trung ương; còn các phiên trấn một dải ở Hà Bắc, Sơn Đông, Hà Nam, Hồ Bắc, Sơn Tây tức thời gọi là “Hà Sóc tam trấn” gồm ba trấn Thành Đức, Ngụy Bác và Lư Long, cát cứ một phương, trên bề mặt vẫn thần phục triều đình, nhưng pháp lệnh, quan tước đều tự mình vạch ra, cũng không nộp thuế cho triều đình. Thậm chí chức vụ của Tiết độ sứ cũng là cha truyền con nối, hoặc do bên dưới dựng lập, trung ương chỉ có thể thừa nhận, không thể sửa đổi. Ngoài Hà Sóc tam trấn ra, các phiên trấn trọng yếu còn có Tri Thanh trấn (Trị Thanh Châu, Ích Đô Sơn Đông), Hoài Tây trấn (Trị Thái Châu, Nhữ Nam Hà Nam), Thương Cảnh trấn (Trị Thương Châu) v.v. những nơi này cũng bắt chước Hà Sóc, chuyên quyền lộng hành, cát cứ xưng hùng.
Cục diện phiên trấn trường kỳ cát cứ ấy đã phá hỏng cục diện thống nhất thiên hạ của vương triều nhà Đường, và cũng ảnh hưởng đến cả nguồn thu tài chính của trung ương.
Ngoài ra, các phiên trấn đều thực hiện nền thống trị tàn bạo đối với người dân trong khu vực quản hạt. Các Tiết độ sứ nhằm duy hộ sự thống trị của mình, ngoài việc ra sức mở rộng quân đội, còn tuyển chọn ra các binh sĩ dũng cảm tinh nhuệ lập thành đội “nha binh” thân tín. Nha binh “phụ tử tương tập, thân đảng giao cố” (cha truyền con nối, thân thiết bền chặt), cùng chung lợi ích. Tiết độ sứ đối đãi với nha binh rất hậu hĩnh, nên thường được các nha binh dốc lòng ra sức trung thành. Tuy nhiên điều này cũng khiến các nha binh vô cùng ngang ngược, chỉ cần Tiết độ sứ đối với họ có chút không vừa ý, thì họ liền hoặc giết hoặc đánh đuổi, rồi lập lên chủ mới, đã dần hình thành nên cục diện “việc thay chủ soái, như trò trẻ con”.
Đương nhiên chính phủ trung ương nhà Đường cũng tính đến việc cắt giảm quyền lực của phiên trấn, do đó giữa chính phủ trung ương và các phiên trấn thường xảy ra tranh đấu. Trong thời kỳ Đức Tông và Hiến Tông, đã lần lượt xảy ra “loạn Tứ Trấn” và “loạn Hoài Tây”.
Căn nguyên của “loạn Tứ Trấn” là vào năm 781, Tiết độ sứ của Thành Đức là Lý Bảo Thần mất, con trai của ông là Lý Duy Nhạc tiếp tục giữ chức Tiết độ sứ, rồi yêu cầu triều đình thừa nhận, nhưng Đường Đức Tông không đồng ý. Nhằm duy hộ đặc quyền thế tập (cha truyền con nối), các Tiết độ sứ Điền Duyệt của Ngụy Bác trấn, Lý Nạp của Tri Thanh trấn, và Lương Sùng Nghĩa của Sơn Nam Đông đạo (Trị Tương Dương) liên kết với Lý Duy Nhạc, cùng nhau khởi binh. Không lâu sau, Lương Sùng Nghĩa và Lý Duy Nhạc bại trận bị giết chết, Điền Duyệt và Lý Nạp cũng bị nhà Đường đánh bại. Tuy nhiên Tiết độ sứ của Lư Long trấn là Chu Thao và hàng tướng Vương Vũ Tuấn của Thành Đức trấn vì tranh giành quyền lực đất đai, lại câu kết với Điền Duyệt, Lý Nạp phát động phản loạn. Tiết độ sứ Hoài Tây là Lý Hi Liệt cũng gia nhập đội ngũ phản loạn, tự xưng là Thiên hạ Đô nguyên soái. Năm 783, Đức Tông điều chuyển các binh sĩ trấn thủ quan nội đi bình định phản loạn, khi các binh sĩ trấn thủ Kinh Nguyên ngang qua Trường An đã bất ngờ nổi loạn, tấn công Trường An. Đức Tông phải bỏ chạy đến Phụng Thiên (Càn Huyện, Thiểm Tây). Phản quân Kinh Nguyên lập em trai của Chu Thao là Chu Thử làm chủ soái, xưng đế tại Trường An, quốc hiệu Tần (sau đổi thành Hán). Tiết độ sứ Sóc Phương là Lý Hoài Quang đem quân cứu viện Đức Tông, nhưng khi đến gần Trường An thì xảy ra mâu thuẫn với Đức Tông, nên đã liên hợp với quân phản loạn cùng phản Đường. Bị Lý Hoài Quang bức bách, năm 784 (năm Hưng Nguyên thứ nhất), Đức Tông lại từ Phụng Thiên chạy đến Lương Châu (Hán Trung, Thiểm Tây). Về sau, Đức Tông nhờ vào tướng lĩnh nhà Đường là Lý Thạnh mới thu phục lại được Trường An, giết chết Chu Thử, rồi lại thỏa hiệp cùng các thế lực khác là Chu Thao, Vương Vũ Tuấn, Điền Duyệt, Lý Nạp, nhờ thế cuộc phản loạn mới tạm lắng xuống.
“Loạn Hoài Tây” xảy ra vào thời Đường Hiến Tông. Năm 814, Ngô Thiếu Dương của Hoài Tây chết, con trai của ông là Ngô Nguyên Tế tự lãnh quân vụ. Ngô Nguyên Tế còn bạo ngược hơn, gây hấn khắp nơi. Hiến Tông nhiều lần phát binh thảo phạt Hoài Tây. Nhưng xuất binh ba năm vẫn chưa thể thu được hiệu quả. Năm 817, Hiến Tông bổ nhiệm Tể tướng Bùi Độ làm Hoài Tây Tuyên úy xử trí sứ, phụ trách thống soái toàn quân. Lúc bấy giờ trong các đạo quân đều do hoạn quan giám quân (giám sát), các tướng lĩnh vì bị chèn ép nên đều không muốn dốc sức. Sau khi Bùi Độ đến tiền tuyến, đã tấu xin Hiến Tông hủy bỏ việc hoạn quan giám quân, nên cục diện bị động mới dần dần được xoay chuyển trở lại. Trong một đêm gió tuyết mù mịt mùa đông năm ấy, tướng quân nhà Đường là Lý Tố đã dẫn chín nghìn binh sĩ tập kích thành Thái Châu của Hoài Tây trấn, một trận đã bắt sống được Ngô Nguyên Tế, bình định được loạn Hoài Tây.
Sau khi bình định được Hoài Tây, các trấn Thương Cảnh, Lư Long, Thành Đức cũng lần lượt quy thuận trung ương. Chỉ còn Lý Sư Đạo của Tri Thanh vẫn một mình ngoan cố kháng cự, nhưng cũng bị trung ương nhà Đường phát binh đánh bại. Đến lúc này, nhà Đường coi như đã khôi phục được thống nhất trên bề mặt, tuy nhiên cục diện Tiết độ sứ chiếm hữu quân đội hùng hậu vẫn chưa có được sự cải biến.
Việc phiên trấn cát cứ cũng khiến nguồn thu tài chính của chính phủ trung ương nhà Đường chịu ảnh hưởng. Bởi vì các phiên trấn không giao nộp thuế, mà nguồn thu của chính phủ trung ương nhà Đường chủ yếu là dựa vào vùng Giang Hoài. Nhằm chỉnh đốn tài chính, cải cách chế độ thu thuế, tăng thêm nguồn thu cho chính phủ, các đại thần Lưu Án phụ trách về tài chính thời Hiến Tông và Dương Viêm thời Đức Tông đã lần lượt thực thi một số biện pháp, như chỉnh đốn chế độ quân điền, bố trí lại những người dân lưu vong và hộ tá túc “không làm quân dịch, không trong sổ sách” vào đất đai quân điền của quốc gia; cải cách về diêm pháp (luật muối) và vận tải đường thủy; bình ổn vật giá và thi hành luật lưỡng thuế (một năm trưng thu thuế hai lần). Những biện pháp này đã giúp tình trạng tài chính trung ương nhà Đường có được chuyển biến tốt.
Biểu hiện suy yếu thứ hai của Hoàng quyền nhà Đường – Hoạn quan chuyên quyền và tranh chấp bè đảng
Chính trị buổi đầu của nhà Đường trong sạch, số lượng hoạn quan không nhiều, địa vị cũng rất thấp, chỉ phụ trách các việc bảo vệ và quét dọn trong Hoàng cung, không có quyền bàn đến đại sự quân chính. Vào thời Huyền Tông, tình trạng này đã có sự thay đổi rõ rệt. Vào những năm Khai Nguyên, Thiên Bảo, hoạn quan tăng đến 3.000 người, trong đó hoạn quan trên ngũ phẩm có hơn nghìn người, hoạn quan Cao Lực Sĩ rất được trọng dụng, sau những năm cuối thời Khai Nguyên, ông còn có thể thẩm duyệt tấu chương của các đại thần dâng đến, việc nhỏ do ông xử lý, còn việc lớn mới do Huyền Tông tự quyết. Các vương công chủ gọi Cao Lực Sĩ là “A ông”, Thái tử gọi ông là “nhị huynh”. Ngoài ra, Huyền Tông còn giao trọng trách cho các hoạn quan như giám quân đi sứ đến các nước chư hầu. Tuy lúc này thế lực hoạn quan đã có thể ngóc đầu, nhưng vẫn là phục tùng theo Hoàng đế, làm việc gì cũng không dám tự ý chuyên quyền.
Sau loạn An Sử, các hoạn quan nắm giữ cả quân quyền và tài quyền (quyền kinh tế), hoàng quyền bắt đầu suy yếu. Việc hoạn quan nhà Đường chuyên quyền bắt đầu từ thời kỳ Túc Tông và Đại Tông. Túc Tông là do hoạn quan Lý Phụ Quốc phù trợ lên ngôi, nên sau khi lên ngôi Túc Tông hết sức tin tưởng ông, để ông chưởng quản cấm binh, và thăng làm Binh bộ thượng thư. Túc Tông còn bổ nhiệm hoạn quan Ngư Triều Ân làm Quan quân dung Tuyên úy xử trí sứ, các tướng lĩnh tiếng tăm nơi tiền tuyến là Quách Tử Nghi và Lý Quang Bật đều bị ông ta khống chế. Ngoài ra, hoạn quan còn nắm cả quyền kinh tế của quốc gia.
Bắt đầu từ thời Đại Tông còn để hai hoạn quan cùng đảm nhận chức Nội khu mật sứ (gọi là Hoạn quan nhị nhân Nội khu mật sứ), quản việc cơ mật, thừa tuyên chiếu chỉ, quyền lực rất lớn, họ và hai người cùng đảm nhận chức Hộ quân trung úy (gọi là Nhị hộ quân trung úy) được gọi chung là “tứ quý”. Hoạn quan có được võ lực hậu thuẫn, địa vị càng thêm vững chắc. Họ có quyền bổ nhiệm và bãi nhiệm cả tướng soái và thừa tướng, nhiều Tiết độ sứ các nơi cũng được chiêu dùng từ trong cấm quân. Do hoạn quan nắm giữ quyền hành, các phiên trấn thường được xem là nội viện (trợ giúp bên trong); nhưng các hoạn quan vì để tăng thực lực bản thân, nhằm khống chế Hoàng đế, nên cũng thường lôi kéo các phiên trấn làm ngoại viện (trợ giúp bên ngoài).
Vào thời Đức Tông các Hộ quân trung úy nhị nhân, Trung hộ quân nhị nhân được thiết lập đều do hoạn quan đảm nhiệm, chỉ huy các cấm quân như Tả hữu thần sách quân, Thiên uy quân… Từ đó, việc hoạn quan chủ quản cấm quân đã trở thành chế độ được quy định.
Việc hoạn quan lộng quyền đã mang đến những tai họa cho toàn xã hội. Khi Hoàng đế không vừa ý hoạn quan, hoạn quan có thể giết và phế lập Hoàng đế. Các Hoàng đế Thuận Tông, Hiến Tông, Kính Tông vào cuối thời nhà Đường đều chết dưới tay hoạn quan. Mục Tông, Văn Tông, Vũ Tông, Tuyên Tông, Ý Tông, Hy Tông, Chiêu Tông đều là do hoạn quan dựng lên. Tức là, từ đời Hiến Tông cho đến khi nhà Đường kết thúc, các Hoàng đế đều giống như bù nhìn, và các hoạn quan trở thành người thống trị trên thực tế của nhà Đường, còn các Tể tướng, đại thần thì phụ thuộc vào các hoạn quan, tức là “Nam nha” (ngoại triều) trở thành cơ cấu phụ thuộc của “Bắc tư” (nội triều).
Ngoài việc hoạn quan chuyên quyền ra, còn do sự bất đồng về chủ trương chính trị và lợi ích, trong triều đình đã hình thành các phe phái khác nhau, đối lập nhau, đây chính là cái được gọi là bè đảng.
Việc tranh chấp của các bè đảng vào thời kỳ cuối nhà Đường chủ yếu là cuộc “tranh chấp bè đảng Ngưu Lý”. Hệ thống quan liêu của trung ương nhà Đường chủ yếu được cấu thành bởi hai loại người, một là xuất thân môn ấm (con em môn đệ, có tổ tiên lập công trạng lớn mà được làm quan), và hai là xuất thân tiến sĩ đỗ đạt. Xét theo khuynh hướng chính trị mà nói, xuất thân môn ấm thường nghiêng về các sĩ tộc môn phiệt suy tàn, còn xuất thân tiến sĩ thường nghiêng về thứ tộc đối lập với môn phiệt.
Số tiến sĩ trung bình hàng năm của nhà Đường không quá 30 người, nhưng lại có địa vị chủ đạo trong tầng lớp quan liêu, họ có cùng địa vị chính trị, chí hướng tương hợp, vậy nên rất dễ kết thành đảng phái. Lúc bấy giờ các tiến sĩ đỗ cùng thứ hạng thì gọi là đồng niên, tiến sĩ gọi quan khảo thí là tọa chủ, quan khảo thí gọi tiến sĩ mình tuyển chọn là môn sinh, giữa họ có quan hệ mật thiết, tiến cử lẫn nhau. Sĩ tộc thường hay khoe mẽ công trạng, cho dù địa vị của họ đã ngày càng sa sút, nhưng họ luôn xem thường thứ tộc, thù hằn tiến sĩ. Giữa các quan lại trong hai loại xuất thân này luôn tranh giành đấu đá lẫn nhau, từ lâu đã có, trong đó thời gian lâu nhất, tranh đấu kịch liệt nhất là “tranh chấp bè đảng Ngưu Lý” xảy ra giữa “Ngưu đảng” do Ngưu Tăng Nhụ đứng đầu và “Lý đảng” do Lý Đức Dụ đứng đầu.
Ngưu – Lý bắt đầu kết oán vào thời kỳ vua Đường Hiến Tông. Năm 808 (năm Nguyên Hòa thứ ba) trong kỳ thi chế khoa (khoa thi đặc biệt được Hoàng đế thiết lập nhằm tuyển chọn nhân tài khi có nhu cầu), Ngưu Tăng Nhụ, Lý Tông Mẫn ứng thí đã thông qua bài văn sách, mà chỉ trích nền chính trị đương thời bằng những ngôn từ gay gắt, và được quan chủ khảo lựa chọn. Thời điểm ấy cha của Lý Đức Dụ là Lý Cát Phủ đang là Tể tướng, ông cho rằng những người kia đang công kích mình, do đó vừa khóc vừa tâu với Hiến Tông, đồng thời chỉ ra dấu hiệu gian lận trong kỳ thi. Kết quả các quan khảo thí đều bị cách chức, còn nhóm Ngưu Tăng Nhụ cũng thời gian dài không được thăng chức. Chính điều này đã mở màn cho cuộc tranh chấp bè đảng Ngưu – Lý.
Đỉnh điểm của cuộc đấu tranh giữa hai phe phái Ngưu – Lý là vào thời kỳ Văn Tông. Hình thức đấu tranh là hai phe thay nhau nắm quyền, khi một phe nắm quyền, thì không cần biết phe đối địch có nhân tài hay không, toàn bộ loại trừ; không cần biết chính sách của phe đối địch có dùng được hay không, toàn bộ sửa đổi, hoàn toàn đặt lợi ích bè đảng, phe phái lên trên lợi ích của xã hội quốc gia. Kết quả của việc tranh chấp bè đảng phe cánh là nền chính trị càng thêm hủ bại.
Đối mặt với sự đấu đá kịch liệt của hai bè đảng Ngưu – Lý, Văn Tông bó tay hết cách, thở than nói: “Diệt phiên trấn Hà Sóc thì dễ, chứ trừ bỏ bè đảng trong triều e rất khó!”
Sau thời Tuyên Tông, người cầm đầu hai đảng Ngưu – Lý lần lượt qua đời, cuộc tranh chấp bè đảng kéo dài 40 năm ấy cuối cùng đã chấm dứt.
Khi tập đoàn hoạn quan đứng trước cuộc tranh chấp bè đảng, nội bộ cũng nảy sinh chia rẽ, nhưng cuối cùng đều cùng nhau đối phó các đại thần ngoại triều, các đại thần ngoại triều cũng tùy cơ ứng biến theo.
Các đại thần không cam chịu sự chi phối của tập đoàn hoạn quan cũng cố gắng khai trừ tầm ảnh hưởng, tước bỏ quyền lực của các hoạn quan, như sự kiện “Vĩnh Trinh cách tân” và “Nhị vương bát Tư Mã” thời kỳ Thuận Tông và “Sự biến Cam Lộ” thời kỳ Văn Tông, tuy nhiên kết quả là các đại thần liên quan hoặc bị cách chức hoặc bị giết, và thế lực của hoạn quan càng thêm vững chắc. Từ đó, “việc trong thiên hạ đều do Bắc tư quyết cả, còn Tể tướng chỉ ban hành công văn mà thôi”. Cục diện hỗn loạn này cứ kéo dài cho đến khi nhà Đường kết thúc. Và trở thành tiền đề cho sự diệt vong của nhà Đường.
Thời “Nguyên Hòa trung hưng” của Hiến Tông trong thời kỳ cuối nhà Đường
Sau khi Đức Tông, Thuận Tông qua đời, Hiến Tông lên ngôi, lấy niên hiệu Nguyên Hòa. Lúc bấy giờ, tình hình tài chính trung ương nhà Đường có chuyển biến tốt, có khả năng mở rộng và củng cố lực lượng cấm quân của trung ương. Nên Hiến Tông lại có thể dốc lòng trị quốc, có thể nói ông là vị vua duy nhất có thành tựu vào thời kỳ cuối nhà Đường, gần như đã xây dựng lại được nền thái bình thịnh thế.
Trước tiên ông trọng dụng những đại thần giỏi như Võ Nguyên Hoành, Lý Cát Phủ, Bùi Độ để chỉnh đốn triều cương, sau đó áp dụng chiến lược tước phiên đúng đắn, đánh yếu trước mạnh sau, lần lượt đánh bại, cô lập kẻ đầu sỏ. Hiến Tông cử quân tấn công các Tiết độ sứ của Tây Xuyên và Chiết Tây có thực lực yếu trước, buộc họ quy thuận triều đình, tiếp theo là tập trung lực lượng đối phó với các Tiết độ sứ lớn mạnh ở Hoài Tây. Do có danh tướng Bùi Độ lập mưu tính kế, đã bình định được Hoài Tây. Các phiên trấn khác rầm rộ hiến đất thể hiện quy thuận triều đình. Trong “Tư Trị Thông Giám” nói rằng: “Từ năm Quảng Đức trở lại, trong gần 60 năm, phiên trấn ngang ngược ở hơn 30 châu của Hà Nam Hà Bắc, tự phong quan, không cống nạp thuế, tới hết lòng tuân theo ước thúc của triều đình”. Người đời sau gọi mười mấy năm Hiến Tông tại vị là “Nguyên Hòa trung hưng”. Thế nhưng, Hiến Tông dù đã làm cho các phiên trấn phải quy thuận trung ương, nhưng vẫn không thể nhổ bỏ được gốc rễ của nó.
Tuy nhiên, vào năm 820, trong lúc Hiến Tông định trừ sạch thế lực của hoạn quan, thì đã bị hoạn quan giết chết. Sau đó, Hà Sóc tam trấn lần lượt tạo phản, tình trạng thế lực cát cứ càng ngày càng nghiêm trọng, cục diện phiên trấn cát cứ mọc lên như rừng kéo dài mãi cho đến khi nhà Đường diệt vong.
Bắt đầu từ thời Đức Tông đến thời của Hiến Tông, thương nghiệp nhà Đường cũng đã có những bước phát triển, đặc biệt là ở lưu vực Trường Giang thương nghiệp càng phát triển nhộn nhịp. Trong thời kỳ cuối nhà Đường, Dương Châu trở thành nơi tập kết và phân tán các mặt hàng như gạo chở bằng đường thủy, muối biển, trà …, vậy nên vùng đất này “hùng hậu và phong phú đầu thiên hạ”, thương nghiệp càng thêm phồn thịnh. Rất nhiều thương nhân nước ngoài như Ả Rập, Ba Tư đều đến đây buôn bán hàng xa xỉ trang sức châu báu. Ích Châu là trung tâm kinh tế chính trị của khu vực Tây Nam, hầu hết các loại hàng hóa sản xuất ở khu vực Tây Nam đều từ đây được vận chuyển và bán đi nơi khác, cho nên thương nghiệp cũng hết sức phồn thịnh. Người thời ấy gọi là “nhất Dương nhì Ích”, có thể thấy vào thời kỳ cuối nhà Đường, địa vị kinh tế của Dương Châu và Ích Châu đã vượt qua cả Trường An và Lạc Dương. Hàng Châu ở khu vực Đông Nam, đến thời kỳ cuối nhà Đường cũng đã phát triển thành thành phố thương nghiệp phồn thịnh.
Quảng Châu, Tuyền Châu, Minh Châu đều là những thành phố mậu dịch đối ngoại nổi tiếng. Tàu buôn nước ngoài chở đến các mặt hàng như hương liệu, dược phẩm, ngà voi, sừng tê giác, châu báu… và từ Trung Quốc buôn đi các mặt hàng như gốm sứ, tơ lụa… Chính phủ nhà Đường đã thiết lập các Thị bách sứ ở Quảng Châu, để quản lý thương vụ đối ngoại. Minh Châu lại là cảng khẩu mậu dịch trọng yếu với Nhật Bản, rất nhiều tàu buôn vượt biển qua lại với Nhật Bản ở đây.
Vị vua chí lớn chưa thành – Đường Văn Tông Lý Hàm
Sau thời Hiến Tông, Thái giám Lưu Khắc Minh đã giết Đường Kính Tông Hoàng đế thứ 17 của Đại Đường, và muốn lập Giáng vương Lý Ngộ lên ngôi, nhưng đã bị người đứng đầu hoạn quan Vương Thủ Trừng dẫn cấm quân xông vào cung giết chết, và Lý Hàm được đưa lên làm vua, tức là Đường Văn Tông, thế lực của hoạn quan lúc bấy giờ có thể nói là đã đến mức vô pháp vô thiên rồi.
Nhà Đường qua hơn 200 năm, đến thời Đường Văn Tông đã là thời chính đạo u ám, mờ mịt. Triều đình tệ hại, hoạn quan khuynh đảo trong ngoài triều, bầu không khí khủng bố bao phủ cả cung đình.
Đường Văn Tông không đành để Đại Đường suy cùng như thế, quyết ý vãn hồi, làm rạng rỡ cơ nghiệp tổ tông. Trước tiên ông khôi phục việc thượng triều ngày lẻ, chuyên chính yêu dân, bỏ xa xỉ thực hành tiết kiệm, hạ chiếu cho xuất cung 3.000 cung nữ, trả họ được tự do. Văn Tông thường triệu kiến các quan hầu cận để hỏi các việc đúng sai của chính sự. Trong ngoài triều đình được thổi một luồng khí tượng mới, người dân như cảm nhận được ngày thái bình đang sắp đến gần.
Năm Thái Hòa thứ 9 (năm 834), Văn Tông quyết định đánh một trận quan trọng nhất nhằm phục hưng tông thất, những hầu cận thân tín của ông là Trịnh Chú và Lý Huấn đã sắp xếp xong một kế hoạch lớn nhằm giết hết hoạn quan. Mọi thứ vốn được chuẩn bị ổn thỏa rồi, nhưng Lý Huấn lại muốn độc chiếm công lao, đã tự ý thay đổi sách lược. Ngày 21 tháng 11, Lý Huấn nhân lúc Văn Tông thượng triều, đã cử người tấu rằng trên cây lựu sau đình Tả Kim Ngô ban đêm giáng Cam lộ, mưu đồ nhân lúc Văn Tông và các hoạn quan mải ngắm nhìn mà toàn bộ diệt sạch.
Tuy nhiên khi người đứng đầu hoạn quan là Cừu Sĩ Lương đi đến Tả Trượng viện, đột nhiên nghe thấy có tiếng binh khí, biết có chuyện không hay, bèn lập tức chạy thục mạng về điện, kèm chặt Văn Tông đưa vào trong cung. Lý Huấn lập tức dẫn quân đuổi giết hoạn quan, liên tiếp chém chết mấy chục người. Thù Sĩ Lương ép Văn Tông vào Đông Thượng Các môn, rồi khóa chặt. Không lâu sau, các hoạn quan dẫn Thần sách quân ra phản công, gặp ai liền giết, đến cả các đại thần vô tội cũng chết oan dưới lưỡi đao của họ, lịch sử gọi đây là “sự biến Cam Lộ”.
Lý Huấn thất bại bị giết, Trịnh Chú cũng theo đó mà bị giết. Văn Tông vô tội, từ đó càng chịu sự quản chế của hoạn quan, oán hận khổ não. Tự cho mình còn không bằng hai vị vua vong quốc Chu Noãn Vương và Hán Hiến Đế, vì họ là bị chư hầu bức hiếp, mà nay bản thân lại bị bọn gia nô bức hiếp. Văn Tông đáng thương buồn phiền mà chết, hưởng thọ 31 tuổi.
Sau khi vương triều nhà Đường trải qua thời kỳ Hiến Tông trung hưng ngắn ngủi, cuối cùng cũng không thể vãn hồi xu hướng suy tàn, trong cục diện bên ngoài thì có phiên trấn cát cứ, bên trong có hoạn quan chuyên quyền và tranh chấp bè đảng, bắt đầu tiến đến tan rã và diệt vong.
Dự ngôn về sự diệt vong của nhà Đường trong “Thôi Bối Đồ”
Tượng thứ 9 của “Thôi Bối Đồ” đã dự ngôn về sự diệt vong của vương triều nhà Đường. Trong bức hình vẽ một cái cây lớn, trên cây có một tổ chim, bên dưới rất nhiều người nằm chết. Ám chỉ cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào vào cuối thời nhà Đường bị thất bại, người chết vô số.
Sấm viết: “Phi bạch phi hắc, thảo đầu nhân xuất. Tá đắc nhất chi, mãn thiên phi huyết” (Tạm dịch: Không trắng không đen, Thảo đầu nhân xuất, Mượn được một cành, Đầy trời hơi máu). Hai câu đầu chỉ Hoàng Sào khởi nghĩa, “phi bạch phi hắc” (không trắng không đen) tức chỉ màu vàng (hoàng), ngụ ý Hoàng Sào. Hai câu sau nói Hoàng Sào khởi nghĩa, khai chiến với nhà Đường, máu vung khắp nơi. Tụng viết: “Vạn nhân đầu thượng khởi anh hùng, huyết nhiễm hà sơn nhật sắc hồng. Nhất thụ lý hoa đô thảm đạm, khả liên sào phúc diệc thành không” (Tạm dịch: Trên vạn đầu người khởi anh hùng, Máu nhuộm sông ngòi mặt trời hồng, Một cây hoa Lý cũng ảm đạm, Tội nghiệp lật Sào vẫn thành không). Phần trên của chữ Vạn phồn thể (萬) kết hợp với phần dưới của chữ Anh (英), vẫn là một chữ Hoàng (黄). Câu 1 và 2 vẫn là nói đến khởi nghĩa Hoàng Sào, người chết trận rất nhiều, nhuộm đỏ cả núi sông. Còn câu 3 và 4 là nói về sau cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào, những ngày tháng của vương triều nhà Đường họ Lý ảm đạm, đã không còn mấy ngày tốt đẹp nữa. Câu thứ 4 nói về cựu tướng Chu Ôn của Hoàng Sào tiêu diệt nhà Đường, tuy nhiên Chu Ôn đã dựng nên triều đại Hậu Lương, cho nên nói: “Khả liên sào phúc diệc thành không” (Tội nghiệp lật Sào vẫn thành không).
Sự tan rã và diệt vong của nhà Đường
Sự hủ bại của triều chính, việc cát cứ và đấu tranh của phiên trấn, đã khiến vương triều nhà Đường vô cùng huy hoàng một thời đi đến suy tàn, tình trạng cuộc sống của người dân cũng dần dần trở nên tồi tệ. Trong thời kỳ Đường Văn Tông, nhà Đường đã ở trong tình thế “quan lại rối loạn, người dân nghèo khó, trộm cướp gia tăng, nỗi lo sụp đổ chỉ trong nay mai”. Đến thời kỳ Đường Hy Tông 30 năm sau, thì người nông dân đã là “rét không áo mặc, đói không cơm ăn”, đặc biệt là ở vùng Giang Hoài thuế má nặng nề, làn sóng khởi nghĩa cuồn cuộn khắp Giang Hoài, trong đó còn xảy ra cuộc khởi nghĩa quy mô lớn của Viên Triều và Phương Thanh, sự thống trị của nhà Đường đã trong nguy cơ sụp đổ nay mai.
Năm 875, Vương Tiên Chi ở Sơn Đông đã khởi nghĩa tại huyện Bộc Dương, số người lên đến mấy vạn. Trong hịch văn tuyên bố, Vương Tiên Chi chỉ trích nhà Đường “quan lại tham lam, thuế nặng, thưởng phạt bất công”. Hoàng Sào ở Bắc Tào Huyện, Sơn Đông ngày nay, cũng dẫn vài nghìn người hợp binh với Vương Tiên Chi.
Vương Tiên Chi và Hoàng Sào đều là người buôn lậu muối. Sử sách có ghi, Hoàng Sào gia đình giàu có, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, thông lược thi thư.
Về sau Vương Tiên Chi bại trận bị giết, tàn quân của ông toàn bộ theo về Hoàng Sào. Hoàng Sào xưng là “Xung thiên đại tướng quân”, dẫn quân chiến đấu với quân Đường, lần lượt hạ được các nơi như Hàng Châu, Phúc Châu, Tuyền Châu, Quảng Châu, Lạc Dương, Trường An. Do Hoàng Sào không có năng lực kiểm soát quân đội, nên những nơi nghĩa quân của ông đi qua đều bị cướp phá sạch, người chết vô số, điều này đã ứng với sự việc máu nhuộm núi sông được nói đến trong “Thôi Bối Đồ”.
Sau khi Hoàng Sào đánh chiếm Trường An, Đường Hy Tông bỏ chạy về Thành Đô. Tháng 1 năm 881 Hoàng Sào xưng đế ở Trường An, lấy quốc hiệu Đại Tề, niên hiệu Kim Thống. Các quan lại quyền quý nhà Đường hoặc là mất mạng hoặc là bỏ chạy tan tác, gần như không còn ai. Đúng như miêu tả trong một bài Đường thi “Thiên nhai đạp tận công khanh cốt”, “Giáp đệ chu môn vô nhất bán” (ý tứ là: Đi trên đường phố đế đô dưới chân đều là xương cốt các công khanh, cửa son phủ đệ quyền quý đổ nát mất một nửa). Ngày tháng nhà Đường diệt vong đã không còn xa nữa.
Do lương thực trong thành Trường An không đủ, thêm nữa là bộ tướng Chu Ôn của Hoàng Sào ở Đồng Châu (huyện Đại Lệ Thiểm Tây ngày nay) đầu hàng nhà Đường, khi quân Đường tấn công vào Trường An, Hoàng Sào không thể không từ bỏ Trường An chạy về phía Đông. Năm 884, Hoàng Sào bại trận và bị giết ở Sơn Đông. Cuộc phản loạn của Hoàng Sào kéo dài chín năm tuy đã dẹp được, nhưng hậu quả mà nó gây ra thì vô cùng nghiêm trọng: nó khiến một nhà Đường thống nhất đi đến tan rã. Sau đó, tuy nhà Đường vẫn tồn tại trên danh nghĩa hơn 20 năm nữa, nhưng thực tế là hữu danh vô thực, khu vực quản hạt của nhà Đường bị các thế lực cát cứ phân chia. Những thế lực cát cứ này tranh đấu nhau và hình thành nên ba tập đoàn chính: Chu Ôn lấy Biện Châu làm trung tâm, Lý Khắc Dụng lấy Thái Nguyên làm trung tâm, Lý Mậu Trinh lấy Phong Tường làm trung tâm.
Năm 907, Chu Ôn phế bỏ Hoàng đế cuối cùng của nhà Đường, và tự lên ngôi, đổi quốc hiệu thành Lương, lấy niên hiệu Khai Bình. Nhà Đường chính thức diệt vong, và lịch sử bước vào thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc.
Một màn kịch lớn tuy đã khép lại, nhưng về mọi mặt nhà Đường một thời huy hoàng đều đã lưu lại cho hậu nhân những giá trị quý báu, đồng thời đã trở thành triều đại có dư vị nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/29293
ChanhKien.org