(Từ năm 1992 đến nay)
Tác giả: Tâm Duyên
[ChanhKien.org]
Đặng qua đời, Giang tiến tới độc tài
Vào tháng 12 năm 1993, Đặng Tiểu Bình xuất hiện trên cầu Dương Phố ở Thượng Hải, sau đó xuất hiện trên truyền hình vào đêm giao thừa, đây là lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng của Đặng trước khi qua đời. Vẻ mặt già nua của Đặng Tiểu Bình không chỉ khiến thị trường chứng khoán Hồng Kông lao dốc ngay lập tức mà còn khiến những người thân cận với Đặng trong ĐCSTQ căng thẳng, lo lắng.
Trên thực tế, Giang không thể tùy ý gặp Đặng Tiểu Bình, có việc gì thì Đặng sẽ thông báo, do vậy sự xuất hiện của Đặng khiến Giang có cảm giác như hắn sắp được ngóc đầu lên, vòng kim cô ở trên đầu đã được nới lỏng. Giang và Tăng Khánh Hồng thường nghiên cứu xem làm thế nào để củng cố địa vị, hai người phát hiện rằng nếu chỉ sắp xếp người của mình chiếm cứ địa bàn vẫn chưa đủ, mà còn phải tìm mọi cách mua chuộc lòng người. Trong những năm tiếp theo, Giang sử dụng nhiều phương pháp tham nhũng khác nhau để kéo bè kết phái và lấy được lòng trung thành của các quan chức cấp cao. Giang phát hiện ra rằng tham nhũng còn có một tác dụng kỳ diệu khác, hắn dùng các biện pháp “chống tham nhũng” để loại bỏ những người không trung thành với mình, phương pháp này sau này đã được Giang sử dụng rất nhiều lần để tấn công các đối thủ chính trị của mình.
Có điều, chỉ cần Đặng Tiểu Bình còn sống, Giang vẫn có chút kiêng dè. Vào tháng 12 năm 1996, Đặng Tiểu Bình, người mắc hội chứng Parkinson trong nhiều năm, đã được đưa vào bệnh viện vì bệnh tình trở nên tồi tệ hơn. Những ngày chờ đợi đối với Giang mà nói là một loại tra tấn cực kỳ thống khổ.
Vào lúc 21h08 ngày 19/2/1997, Đặng Tiểu Bình lâm bệnh qua đời.
Phe cánh của Giang ngay lập tức đã ban hành “Thư gửi toàn Đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc trên toàn quốc” với danh nghĩa “Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, Ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Ủy ban Quốc gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và Quân ủy Trung ương”, tuyên bố rằng “Đảng thức tỉnh lấy đồng chí Giang là hạt nhân”, nhất định phải kiên trì công cuộc cải cách và mở cửa do Đặng Tiểu Bình đề xướng.
Trong lễ tiễn đưa thi hài Đặng Tiểu Bình, để che giấu thế giới nội tâm của mình, Giang đã cố gắng nói chuyện với giọng buồn nhất có thể. Để tăng cường hiệu quả, Giang cố gắng vắt nước mắt. Nhưng bất cứ ai biết nội tình đều biết tâm thái thực sự của Giang là gì.
Hai ngày sau lễ truy điệu kết thúc, tất cả sĩ quan, chiến sĩ của lực lượng quân đội và cảnh sát vũ trang được yêu cầu học tập điếu văn của Giang, các sĩ quan được yêu cầu “tuyệt đối bảo trì hoàn toàn nhất quán đối với Trung ương Đảng lấy Giang là nòng cốt”. Trong một bài xã luận do “Nhân dân Nhật báo” đăng ngày 25 tháng 2, cụm từ “Trung ương Đảng lấy Giang làm nòng cốt” đã xuất hiện 9 lần.
Vì để thực sự thực hiện sự thống trị độc tài của mình, bước đầu tiên của Giang là lật đổ hòn đá chướng ngại của mình: Kiều Thạch.
Lật đổ Kiều Thạch
Lúc này, Dương Thượng Côn, người bị Giang Tăng lật đổ, đã 91 tuổi, vẫn còn sống, em trai là Dương Bạch Băng tuy mất quân quyền nhưng không có nghĩa là không có binh quyền. Điều này khiến Giang cảm thấy bất an trong tâm. Nhưng Giang cảm thấy việc ưu tiên hàng đầu lúc này là loại bỏ Kiều Thạch.
Kiều Thạch sinh ra ở Thượng Hải vào tháng 12 năm 1924. Ông gia nhập ĐCSTQ năm 16 tuổi và đã từng tổ chức phong trào sinh viên Thượng Hải. Từ năm 1945 đến năm 1949, ông giữ chức bí thư chi bộ bí mật của đảng tại Đại học Đồng Tế, Thượng Hải, tổng giao liên của Ủy ban Học thuật bí mật của đảng, phó bí thư bí mật Ủy ban Quận mới của Đảng tại Thượng Hải, và bí thư Ủy ban Học thuật Quận 1, phía Bắc Thượng Hải. Khi đó, Giang vẫn đang trong trạng thái bấp bênh, bất an. Sau khi thành lập ĐCSTQ, Kiều Thạch bắt đầu từ cấp cơ sở đi lên, năm 1982, ông trở thành Bộ trưởng Ban Đối ngoại của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ và Bí thư dự khuyết Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ. Sau đó, ông lần lượt giữ các chức vụ Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương,… Từ năm 1993 đến 1998, ông giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa VIII và Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Những người như ông trong ĐCSTQ đã đi từ phong trào sinh viên đến hệ thống công nghiệp, từ liên lạc đối ngoại đến phụ trách tổ chức, tình báo, kỷ luật và cuối cùng đã bước vào cấp ra quyết sách cao nhất, không nói đến người có địa vị thấp kém lâu ngày như Giang, cho dù có là con cháu thực sự của liệt sĩ như Lý Bằng, thậm chí ngay cả Dương Thượng Côn và Bạc Nhất Ba của thế hệ đời đầu cũng không thể so sánh được.
Giang biết địa vị của mình kém xa Kiều Thạch. Đứng sau Kiều Thạch là hệ thống chính trị và pháp luật của Bành Chân, Vạn Lý, và Ủy ban Quốc hội Nhân dân. Điều khiến Giang càng khó nuốt trôi chính là danh tiếng cũng như hình ảnh bên trong và bên ngoài của Kiều Thạch đều rất tốt. Khi Kiều lần đầu tiên được bầu vào vị trí lãnh đạo cao nhất, ông đã được cả những nguyên lão trong phe cải cách và bảo thủ ủng hộ, và được Đại hội toàn quốc lần thứ XIII chỉ định là người kế nhiệm chính trị. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 của ĐCSTQ, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị với số phiếu cao là 316, chỉ còn một phiếu nữa là nhận toàn bộ phiếu – Giang, kẻ có lòng đố kỵ mạnh mẽ, đã không bỏ phiếu cho ông.
Trong vùng Bắc Kinh có câu nói “Giang ngã Thạch xuất”, thể hiện nguyện vọng của mọi người là hy vọng Giang hạ đài để Kiều Thạch lên, điều này chỉ nghĩ đến thôi cũng khiến Giang tức giận. Trước khi anh em họ Dương rớt đài, Giang mỗi ngày đều đứng ngồi không yên, bởi vì không chỉ tất cả mọi người biết, mà ngay bản thân hắn cũng biết rất rõ rằng việc giành được vị trí cao nhất trong ĐCSTQ không hẳn là do sự đề bạt của Đặng Tiểu Bình mà là kết quả thỏa hiệp của các nguyên lão. Đặng Tiểu Bình tuy rằng đồng ý, nhưng lại do dự, nhiều lần muốn kéo hắn xuống. Còn Lý Tiên Niệm thực sự yêu thích Giang cũng không phải là do hắn thành tích chính trị cao mà là do hắn có thể hầu hạ tốt.
Một tháng sau khi Đặng qua đời, “Báo Thương mại Đức” đã phỏng vấn Kiều Thạch, Tăng Khánh Hồng ngay lập tức tìm người dịch nó sang tiếng Trung và đưa cho Giang. Tăng Khánh Hồng thần bí nói: “Ngoài việc tiếp tục nói về hệ thống pháp luật và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, đồng chí Kiều Thạch còn nhấn mạnh một điều với phóng viên người Đức này”. Tăng cố ý dừng lại một lúc, thấy Giang có chút lo lắng rồi mới nói tiếp, “Ông ấy nói, chủ yếu vẫn là muốn ‘chống cánh tả’”. Giang sửng sốt rồi lặp lại một câu “chống cánh tả”? Hắn bất giác lại nhớ về chuyến thăm miền Nam của Đặng Tiểu Bình, khiến bản thân suýt chút nữa trong hoàn cảnh nguy hiểm bị rớt đài.
Vào ngày 9 tháng 3 năm 1995, Kiều Thạch trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Trung ương đã cho biết rằng nền kinh tế thị trường là nền kinh tế theo chế độ pháp luật, và hoạt động lập pháp kinh tế phải là trọng tâm của lập pháp và phải được hoàn thành trong vòng một năm. Điền Kỷ Vân, phó chủ tịch Quốc hội, cũng lặp lại quan điểm này, nói rằng các đại biểu Quốc hội cần có quyền lựa chọn ứng cử viên và các chính sách mới của chính phủ cần được giải thích công khai cho người dân. Kiều Thạch cũng kêu gọi tại Kỳ họp thứ 3 của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 8: Tất cả công chức nhà nước đều là công bộc của nhân dân và quyết không phải là ông chủ cưỡi trên đầu nhân dân. Chúng ta phải bắt đầu từ chế độ và tăng cường hiệu quả việc xây dựng chính phủ trong sạch, điều căn bản nhất là dựa vào pháp chế. Mỗi lời Kiều Thạch nói đều khiến Giang cảm thấy không vui.
Sau khi Đặng Tiểu Bình qua đời và hai anh em Dương Thượng Côn và Dương Bạch Băng rớt đài, việc Kiều Thạch kiên quyết tuân theo chủ trương pháp quyền đã trở thành một nút thắt khác còn sót lại trong lòng Giang. Đưa việc Kiều Thạch nghỉ hưu vào Đại hội toàn quốc lần thứ 15 trở thành nước cờ tiếp theo của Giang.
Vì vậy Giang lại một lần nữa thỏa thuận với Bạc Nhất Ba. Bạc đồng ý gây áp lực buộc Kiều Thạch phải nghỉ hưu, Giang xin lỗi và nói rằng hắn đã chưa “quan tâm” đủ đến Bạc Hy Lai.
Ngày 26 tháng 4 năm 1997, Bành Chân qua đời. Giang cho rằng người ủng hộ chính trị lớn nhất của Kiều Thạch là Bành Chân. Ngay khi Bành Chân qua đời, Giang đã thở phào nhẹ nhõm.
Bạc Nhất Ba, 89 tuổi, với đôi chân run rẩy đi lại khó khăn đến nói với Kiều Thạch rằng Đại hội toàn quốc lần thứ 15 đã quy định lại thời gian tại vị và thuyết phục Kiều Thạch từ chức với thời hạn là 70 tuổi. Tuy nhiên, Giang 71 tuổi vẫn giữ vị trí “cốt lõi”.
Kiều Thạch đồng ý nghỉ hưu hơn nữa là rút lui hoàn toàn, điều này hoàn toàn nằm ngoài sự mong đợi của Giang, Tăng và đồng bọn. Việc Kiều Thạch từ chức hoàn toàn đã mở đường cho việc sắp xếp nhân sự của Giang tại Đại hội toàn quốc lần thứ 15. Số Ủy viên Trung ương mới được bổ nhiệm riêng nhiệm kỳ này đã lên tới 56%, họ đều là được thông qua tổng bí thư và thân tín khảo sát, tán thành.
Giang còn có một tâm bệnh chính là bản thân chưa từng cầm qua súng, cũng không có quan hệ gì trong quân đội, dù có đề bạt tướng soái như thế nào cũng đều không thể so được với bộ sậu cứng như các nhiếp chính quân sự Dương Thượng Côn, Lưu Hoa Thanh, Dương Chấn do Đặng Tiểu Bình sắp đặt, người ta cũng xuất phát từ mối quan hệ mật thiết. Bắt đầu từ Đại hội 15, quân nhân bị ngăn không cho vào Thường vụ Bộ Chính trị, điều này đã giải quyết được một vấn đề lớn khác cho Giang.
Trước khi Kiều Thạch sắp nghỉ hưu, ông đã đưa ra hai điều kiện, một là để Úy Kiện Hành được bổ nhiệm làm Thư ký Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, hai là để Điền Kỷ Vân vẫn giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội. Giang hoàn toàn đồng ý. Đối với hắn, thương vụ này rất hời.
Tuy nhiên, việc Kiều Thạch đi cũng không hề đơn giản. Trước khi sắp nghỉ hưu, ông đã công khai tiết lộ một thông tin: Hồ Cẩm Đào là hạt nhân của thế hệ thứ tư, là sự sắp đặt chiến lược do Đặng Tiểu Bình và thế hệ cách mạng lão thành, các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và các ủy viên Cục Chính trị. Trong quá trình đó, cũng trưng cầu, lắng nghe những ý kiến và kiến nghị của các nhân sĩ trong và ngoài đảng, sau này đã hình thành nghị quyết của tổ chức.
Kiều Thạch, Lý Thụy Hoàn, Vạn Lý và những người khác đã không hẹn mà cùng tiết lộ trong nhiều trường hợp khác nhau rằng Đặng Tiểu Bình và Thường vụ Bộ Chính trị đã quyết định Hồ Cẩm Đào là nòng cốt của ban lãnh đạo thế hệ thứ tư. Bộ Chính trị đã phê chuẩn và điều đó là hợp pháp. Rõ ràng, mục đích của họ khi tiết lộ câu chuyện nội bộ này là để thể hiện tính hợp pháp của việc này với những người trong đảng và để nói rõ rằng bất kỳ ý đồ nào nhằm lật ngược nghị quyết này đều là bất hợp pháp.
Nếu Giang muốn phế truất Hồ Cẩm Đào thì chẳng khác nào đi ngược lại với ý chỉ của Đặng Tiểu Bình. Giang không dám không giương cao ngọn cờ của Đặng Tiểu Bình. Vì vậy, Kiều, Lý và Vạn dùng uy danh của Đặng Tiểu Bình như một quả bom hẹn giờ định sẵn cho Giang phải từ chức. Rõ ràng bài phát biểu của Kiều Thạch khiến Giang vô cùng bất mãn, các cơ quan liên quan của Trung ương, bao gồm Ban Bí thư Trung ương và Văn phòng Trung ương, đều cấm đăng bài phát biểu này dưới dạng tài liệu nội bộ. Trong thời gian đó, Kiều Thạch đã phê bình đời sống chính trị cực kỳ bất thường trong đảng.
Hàng loạt hành động của Kiều Thạch trước khi nghỉ hưu buộc Giang chỉ có thể hoạt động theo luật chơi do Đặng Tiểu Bình đặt ra. Mặc dù Giang lấy lý do đã bước sang tuổi 70 để ép Kiều Thạch từ chức, nhưng Kiều Thạch cũng đề xuất thiết lập một bộ quy định về việc “nghỉ hưu ở tuổi 70”, yêu cầu Giang phải giao lại quyền lực cho Hồ Cẩm Đào sau một nhiệm kỳ nữa.
Năm năm sau, Giang không thể không đối mặt với áp lực phải từ chức do quy định này mang lại. Giang tham quyền lực đã gài bẫy Kiều Thạch nhưng cuối cùng bản thân cũng phải nếm trái đắng.
Hồng Kông quay về Trung Quốc, biểu hiện của Giang làm mất mặt tôn nghiêm của quốc gia
Năm 1984, Thủ tướng Anh là Margaret Thatcher đã ký hiệp định với Triệu Tử Dương, vị thủ tướng có tư tưởng cải cách và xuất sắc nhất trong nền chính trị Trung Quốc vào thời điểm đó về việc trao trả lại Hồng Kông về với Trung Quốc vào năm 1997. Hãng tin AFP của Pháp chụp được hình ảnh Triệu Tử Dương đi cùng Thatcher trên thảm đỏ ngày 19/12/1984. Tuy nhiên, Giang, kẻ chỉ muốn người khác ca tụng mình, không thể khoan nhượng với việc Triệu Tử Dương có được công lao này, cũng như không thể khoan nhượng khi dân chúng biết được sự thật. Trong đợt tuyên truyền sau đó của ĐCSTQ, Triệu Tử Dương trong bức ảnh chứng kiến lịch sử này đã bị làm mờ hoặc đơn giản là bị cắt bỏ. Kỳ thực, nhìn lại 80 năm kể từ khi thành lập ĐCSTQ, những chuyện như thế này đã xảy ra thường xuyên.
Vào tháng 5, trước khi bàn giao chủ quyền Hồng Kông, giới chính trị Bắc Kinh đang tranh cãi về các ứng cử viên cho Đại hội toàn quốc lần thứ 15. Giang yêu cầu bộ phận tuyên truyền tạo dư luận và tập trung sự chú ý của người dân Trung Quốc vào sự trở lại của Hồng Kông.
Kiều Thạch đã nói trong một cuộc họp rằng mặc dù sự trở lại của Hồng Kông là một sự kiện lớn nhưng xét cho cùng thì đó cũng không phải là một điều gì đặc biệt huy hoàng, việc lấy lại là lý đương nhiên, vì vậy, phái đoàn tham gia buổi lễ trao trả nên hạ thấp màu sắc của đảng, không cần tạo ấn tượng rằng đảng đã lấy lại mà thay vào đó cần đề cao vai trò của chính phủ và Quốc hội. Hàm ý là Giang, Tổng Bí thư ĐCSTQ và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, nên ở lại Bắc Kinh. Lý Thụy Hoàn, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, đồng tình mạnh mẽ với quan điểm này, khiến Giang run lên vì tức giận.
Lễ bàn giao Hồng Kông đã thu hút nhiều sự chú ý, là sự kiện lịch sử nghìn năm có một. Nếu lúc này Giang không biểu diễn thì còn đợi đến bao giờ? Hơn nữa, buổi biểu diễn này sẽ có tác động lớn đến việc sắp xếp nhân sự của Đại hội 15. Vì thế Giang nhất quyết muốn tham dự và tuyệt đối không nhượng bộ.
Lúc này, có người trong Ban Bí thư báo cáo rằng Triệu Tử Dương cũng hy vọng được tham gia lễ bàn giao để thực hiện tâm nguyện mà ông đã lập khi cùng Margaret Thatcher ký Tuyên bố chung Trung-Anh vào tháng 12/1984. “Thêm loạn!” Giang đập bàn nói và lệnh cho thư ký lập tức thông báo cho La Cán tăng cường giám sát hồ đồng (phố cổ) Phú Cường (nơi giam lỏng Triệu Tử Dương), ngăn cản có người lợi dụng chuyện này để đưa Triệu ra ngoài.
Đinh Quan Căn đã chuyển một lá thư xin chỉ thị từ Đài truyền hình Trung ương và hỏi bộ phim đặc biệt năm 1997 sẽ xử lý cảnh lễ ký kết “Tuyên bố chung Trung-Anh” như thế nào. Tăng Khánh Hồng nảy ra ý tưởng hạ thấp vai trò của Triệu Tử Dương và chủ yếu đề cao Đặng Tiểu Bình, nhưng không được để dấu vết quá rõ ràng, tránh để lại manh mối cho người khác.
Vào ngày 30 tháng 6 năm 1997, Giang đến Hồng Kông, trên đường đi tinh thần hưng phấn. Trong nhà dưỡng lão, Giang dùng tiếng Thượng Hải nói chuyện với người già Thượng Hải về kỹ năng chơi mạt chược; tại trung tâm mua sắm, hắn dùng nửa tiếng Quan Thoại Dương Châu, nửa tiếng Quảng Đông để chào đám đông đã được sắp xếp sẵn từ trước, rồi cười nói: “Tôi biết nếu như tôi bắt tay với vị này, mà không bắt tay với vị kia thì sẽ không đúng”, hắn còn cố ý chọn một cô bé để nói vài lời, Giang nói với cô bé rằng tuy hắn nghe hiểu được tiếng Quảng Đông nhưng nói không tốt. Kì thực, ăn nói không ra làm sao, học được câu nào cũng phải nói hết ra câu đó, cái trò lấy lòng thiên hạ “kiểu điên khùng” này chính là bản chất của Giang.
Người dân Hồng Kông từ lâu đã quen với phong thái của các quý ông người Anh, phong thái lịch thiệp của hoàng gia người Anh và nụ cười lịch thiệp của Chánh văn phòng Hành chính Anson Chan, nhìn thấy chủ tịch quốc gia Trung Quốc điên khùng như vậy, điệu bộ hèn hạ, người dân Hồng Kông bất giác phải cau mày.
Ngày 30/6, tại Thâm Quyến, tiệc chia tay các binh sĩ đồn trú ở Hồng Kông đã được tổ chức, Phó Chủ tịch Quân ủy Lưu Hoa Thanh có bài phát biểu trước các sĩ quan, binh lính của quân đội sắp xuất quân. Sáng sớm ngày hôm sau, mưa lớn trút xuống, đoàn quân tiến vào Hồng Kông dưới đám mây đen thấp.
Từ nửa đêm ngày 30/6 đến sáng sớm ngày 1/7, lễ bàn giao chính quyền Hồng Kông giữa chính phủ hai nước Trung Quốc và Anh đã được tổ chức tại Đại lễ đường tầng 5, Tân Dực, Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Hồng Kông. 23h42 ngày 30/6, lễ bàn giao chính thức bắt đầu. Phía Trung Quốc có Chủ tịch nước, Thủ tướng Lý Bằng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Tiền Kỳ Thâm, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trương Vạn Niên, Trưởng Đặc khu đầu tiên của Đặc khu Hồng Kông Khu vực Đổng Kiến Hoa, phía Anh có Thái tử Charles, Thủ tướng Blair, Ngoại trưởng Cook, Thống đốc Hồng Kông sắp mãn nhiệm Patten, Tham mưu trưởng Quốc phòng Charles Guthrie và đoàn tùy tùng, cùng bước vào hội trường và bước lên bục chính. Trong số hai nhân vật chính ký tuyên bố chung năm 1984, chỉ có Thủ tướng Anh là Thatcher có mặt, trong khi nhân vật chính còn lại, Triệu Tử Dương, bị Giang Trạch Dân quản thúc tại gia ở Bắc Kinh, chỉ bất quá là có thêm nhiều lính đứng gác mà thôi.
Vào lúc 0 giờ ngày 1 tháng 7 năm 1997, quốc kỳ Trung Quốc và cờ khu vực của Đặc khu hành chính Hồng Kông đã được kéo lên ở Hồng Kông. Theo Tuyên bố chung Trung-Anh về vấn đề Hồng Kông, chính phủ hai nước đã tổ chức lễ bàn giao Hồng Kông như dự kiến.
Sáng ngày hôm đó, lễ kỷ niệm thành lập Đặc khu hành chính Hồng Kông đã được tổ chức tại Tân Dực, Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Hồng Kông. Giang đã trở thành nhân vật tâm điểm của sự trở lại của Hồng Kông, đã có bài phát biểu với tư cách là Chủ tịch nước Trung Quốc, nhắc lại những lời trong tuyên bố chung do Triệu Tử Dương ký: “Một quốc gia, hai chế độ”, “Người Hồng Kông quản lý Hồng Kông” và “mức độ tự trị cao” sẽ không thay đổi trong 50 năm và là chính sách cơ bản lâu dài của chính phủ trung ương.
Lời nói chưa dứt thì bầu trời Hồng Kông đã chuyển thành màu đỏ. Đặc khu trưởng Hồng Kông phải do chính quyền Bắc Kinh chỉ định và các chính sách của chính phủ Hồng Kông phải được thực thi dưới sự chấp thuận của chính quyền trung ương. Chính phủ Hồng Kông đã bắt đầu hành sự theo sắc mặt của phía Bắc Kinh, kiềm chế tự do ngôn luận của dân chúng. Chỉ trong vòng vài năm, Hồng Kông vốn được mệnh danh là một trong “Bốn con rồng nhỏ của châu Á” đã buộc phải chìa tay xin tiền từ ĐCSTQ, từng là hòn ngọc phương Đông có mức độ cao về sự phồn vinh và tự do đã dần trở thành lu mờ, người dân oán thán khắp nơi. Năm 2003, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông là Đổng Kiến Hoa đã tiếp nhận chỉ thị từ Giang để cố gắng thông qua “Điều số 23”, khiến hàng triệu người Hồng Kông xuống đường biểu tình.
Sự trở lại của Hồng Kông vào năm 1997 đã khiến Giang được thể hiện và thỏa mãn cực đại tâm hư vinh của hắn. Trên thực tế, việc Giang cướp lấy sân khấu biểu diễn của Triệu Tử Dương là một điển hình cho tính cách của Giang chính là “gặp việc tốt thì xông về phía trước, gặp việc xấu thì rút về phía sau”.
Chuyến thăm Mỹ làm nổi rõ bản tính độc tài
Ngày 8 tháng 7 năm 1997, NATO chính thức quyết định kết nạp Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc, đây là những nước đã từng là thành viên của Hiệp ước Warsaw và đã từng là các quốc gia của đảng cộng sản. Xã hội tự do tiếp tục tiến về phía Đông.
Từ ngày 26 tháng 10 đến ngày 3 tháng 11, Giang bắt đầu chuyến thăm Hoa Kỳ lần thứ hai. Trước chuyến đi, Giang rất lo lắng về việc Hoa Kỳ chỉ trích nhân quyền của Trung Quốc. Sau khi Giang lên nắm quyền, công cuộc cải cách hệ thống chính trị bị dừng lại, nhân quyền tiếp tục xấu đi, lượng lớn những người bất đồng chính kiến bị tống vào tù, bầu không khí dân chủ thoái trào đáng kể so với trước sự kiện Lục Tứ. Để dập tắt những cáo buộc từ Hoa Kỳ, Giang đã dùng đến một chiêu, trước một ngày xuất phát, Giang đã phê chuẩn “Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa”, bản công ước thừa nhận “phẩm giá vốn có, quyền bình đẳng, và những quyền không thể bị tước đoạt khác của mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại”. Đồng thời, Tân Hoa Xã đã hiếm khi thừa nhận rằng “Trong đời sống xã hội vẫn còn tồn tại những hiện tượng vi phạm nhân quyền”.
Tuy nhiên, khi trả lời câu hỏi của phóng viên tại Mỹ, Giang lại trực tiếp phủ nhận thông tin của Tân Hoa Xã. Trong cuộc nói chuyện với phóng viên Jim Lehrer tại tiết mục tin tức của đài PBS trong chuyến thăm, Giang trả lời: “Trong lĩnh vực nhân quyền ở Trung Quốc thì không có gì là không phù hợp”.
Trong chuyến thăm kéo dài một tuần của Giang, bản chất độc đoán của hắn đã luôn được thể hiện rõ. Vào thời điểm đó, hơn 2.000 người biểu tình phản đối chuyến thăm của Giang tại Công viên Lafayette gần Nhà Trắng. Những người này bao gồm những nhân sĩ dân chủ, người Tây Tạng, người Nội Mông, người Đài Loan, lãnh đạo công đoàn, những người phản đối lao động trẻ em, những người hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường,… Họ cáo buộc ĐCSTQ “vi phạm nhân quyền”. Giang làm ra vẻ như có phong độ và nói: “Tôi hòa mình vào bầu không khí thân thiện của người dân Mỹ, nhưng đôi khi có tiếng ồn nào đó lọt vào tai tôi … Tôi cũng thấy rằng có thể bày tỏ những quan điểm khác nhau ở Hoa Kỳ,…, trong cuộc phỏng vấn của tôi lần này, tôi đã trực tiếp trải nghiệm điều này”. Giang coi các cuộc kháng nghị là ồn ào, chứng tỏ rằng hắn từ trước chưa từng nghiêm túc lý giải tại sao người dân kháng nghị, cũng không quan tâm họ nói điều gì. Giang cũng tuyệt đối không cho phép xuất hiện việc kháng nghị đối với hắn ở trong nước, đến mức hắn phải đến Hoa Kỳ mới có thể “trực tiếp trải nghiệm” việc “biểu đạt những quan điểm khác nhau” đối với hắn.
Giang một lần nữa lộ rõ bộ mặt thật của một kẻ độc tài khi có bài phát biểu tại Đại học Harvard. Khi phóng viên Newsweek hỏi Giang phản ứng thế nào trước những âm thanh kháng nghị bên ngoài giảng đường, Giang nói: “Mặc dù tôi đang phát biểu trên sân khấu, tôi vẫn nghe thấy âm thanh từ loa phát ra từ bên ngoài. Điều duy nhất tôi có thể làm là cho âm thanh to hơn giọng nói của họ!”
Trái ngược hoàn toàn với thái độ của Giang, chính là câu trả lời của Clinton tại Đại học Bắc Kinh trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1998. Khi đó, một sinh viên hỏi Clinton: “Khi Chủ tịch Giang đến thăm Đại học Harvard với tư cách khách mời, ông ấy đã gặp phải các cuộc biểu tình và phản đối. Hôm nay ông đến đây với tư cách là khách mời, nếu như có thể có biểu tình chống lại ông thì ông sẽ cảm thấy thế nào?” Clinton trả lời rằng: “Tôi sẽ gặp những người biểu tình, lắng nghe ý kiến của họ, thực ra tôi thường hay gặp phải phản đối của người dân”.
Clinton không hề đóng kịch, trong đoạn hội thoại một câu hỏi và một câu trả lời đơn giản này, người ta có thể thấy rõ tâm lý, suy nghĩ hoàn toàn khác biệt giữa người dân và người có quyền lực cao nhất trong một hệ thống độc tài và một xã hội tự do.
Giang phát động ngoại giao dùng lừa gạt con tin để lấy lòng xã hội phương Tây
Sau khi Giang trở về Trung Quốc, hắn đã có động thái lấy lòng Clinton – trả tự do cho nhà dân chủ Ngụy Kinh Sinh.
Ngụy Kinh Sinh sinh ra trong một gia đình cán bộ cấp cao, năm đó ông bị bắt và bỏ tù vì phát biểu bài chỉ trích Đặng Tiểu Bình “Muốn dân chủ hay một chế độ độc tài kiểu mới” trên Bức tường dân chủ Tây Đơn, cảnh báo Đặng sẽ trở thành kẻ độc tài, kết quả bị bắt vào trong ngục, năm 1979, bị kết án 15 năm tù với tội danh “phản cách mạng”. Lúc đầu, Ngụy Kinh Sinh bị giam trong phòng giam tù nhân tử hình, sau đó bị biệt giam gần năm năm. Mãi đến năm 1993, ông mới lần đầu tiên được thả ra.
Năm 1994, ông Shattuck, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến thăm Trung Quốc, trước khi đàm phán với ĐCSTQ, ông đã chủ động gặp ông Ngụy Kinh Sinh để hỏi quan điểm của ông về tình hình hiện nay. Điều này khiến Giang đố kỵ và tức giận, rất nhanh đã bắt Ngụy lần thứ hai và kết án 14 năm tù. Năm đó, nỗ lực giành quyền đăng cai Thế vận hội của Bắc Kinh đã thất bại một phiếu do xích mích với Triều Tiên.
Hoa Kỳ biết về hoàn cảnh của Ngụy có liên quan đến cuộc gặp đó nên cảm thấy có lỗi và phải có trách nhiệm về mặt đạo đức đối với Ngụy, sau đó khi trao đổi với Bắc Kinh, Hoa Kỳ liên tục yêu cầu thả Ngụy Kinh Sinh. Điều này tiếp tục diễn ra trong cuộc đàm phán giữa Katsuki và Giang năm 1997.
Đối với Giang mà nói, việc thả Ngụy Kinh Sinh là một con đường tắt để làm hài lòng Hoa Kỳ. Vào tháng 11 năm 1997, Ngụy Kinh Sinh kết thúc 18 năm tù, ông được đưa thẳng ra khỏi phòng giam để lên chuyến bay đến Hoa Kỳ và bắt đầu cuộc sống lưu vong. Nhưng dù thế nào đi nữa, người nước ngoài cũng phần nào bị lừa dối và cho rằng Giang là người đã giác ngộ. Kể từ đó, Giang ngày càng sẵn sàng tham gia vào “ngoại giao con tin” bắt cóc người Trung Quốc một cách trắng trợn, vô sỉ. Năm 1998, Vương Đan, người lãnh đạo phong trào sinh viên Thiên An Môn, bị đày sang Hoa Kỳ dưới danh nghĩa “tại ngoại vì lý do y tế”.
Nhưng số tù nhân chính trị trong các nhà tù dưới chế độ độc tài của Giang không hề giảm nhờ việc trả tự do cho một số nhân vật nổi bật. Ngược lại, số lượng tù nhân chính trị tiếp tục gia tăng, và danh sách tù nhân chính trị do Hoa Kỳ giao cho ĐCSTQ để được trả tự do ngày càng dài hơn. Bất cứ khi nào ĐCSTQ theo đuổi những lợi ích nhất định trên trường quốc tế, nó sẽ thả một số người Trung Quốc để thể hiện sự giác ngộ của mình, nhưng sau đó nó sẽ bắt giữ nhiều người Trung Quốc hơn làm con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với xã hội phương Tây.
Cách làm đem bắt người Trung Quốc để làm còn tin và đe dọa các nước khác kiểu này thì Giang được tính là người đầu tiên trong ĐCSTQ thực hiện. Bằng cách không cho phép người dân Trung Quốc có quyền tự do ngôn luận, và đàn áp rồi thả những người Trung Quốc dám lên tiếng sang nước ngoài sống lưu vong, ĐCSTQ không những không phản tỉnh bản thân, tự coi đấy là một điều sỉ nhục mà thay vào đó lại dùng nó để rêu rao nhân quyền dưới sự cai trị của ĐCSTQ, thể hiện sự “giác ngộ” của kẻ độc tài, lừa dối và lấy lòng xã hội tự do, đây cũng là một hiện tượng kỳ lạ trong xã hội đương thời.
Vứt bỏ đạo nghĩa, Giang thờ ơ đối với sự kiện bài Hoa ở Indonesia
Từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 5 năm 1998, xảy ra vụ việc chống người Hoa ở Indonesia, tài sản của người Hoa ở Indonesia bị cướp và phá hoại trên diện rộng, hơn 2.000 người Trung Quốc bị giết, hàng trăm phụ nữ Hoa kiều Trung Quốc bị hãm hiếp và làm nhục tập thể, thậm chí có người còn bị hiếp và giết.
Toàn thế giới bàng hoàng và phẫn nộ trước hành động man rợ này. Quốc hội Hoa Kỳ và Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bố lên án hành vi này, đồng thời các nhà lãnh đạo chính trị và các nhóm xã hội ở nhiều quốc gia đã chỉ trích mạnh mẽ chính phủ Indonesia. Đã có rất nhiều tin tức và báo cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người Hoa ở nước ngoài trên khắp thế giới rất tức giận và mạnh mẽ yêu cầu chính phủ Trung Quốc lên án.
Lúc này, Giang lại đưa ra chỉ thị: Những hành động tàn bạo xảy ra ở Indonesia là chuyện nội bộ của Indonesia, báo chí và tạp chí định kỳ sẽ không đưa tin, chính phủ cũng sẽ không can thiệp. Vào thời điểm đó, các phương tiện truyền thông trong nước đã chặn tin tức tới người dân Trung Quốc, và chỉ có một hoặc hai tờ báo lá cải đưa tin lẻ tẻ nửa tháng sau vụ việc. Khoản viện trợ khổng lồ của Trung Quốc cho Indonesia vẫn được tiến hành theo đúng kế hoạch. Chính phủ Indonesia đã làm ngơ trước những hành động tàn bạo và không thực hiện kịp thời các biện pháp chống bạo lực cần thiết, điều này có liên quan mật thiết đến thái độ thờ ơ của Giang. Trên thực tế, nếu Giang thay mặt chính phủ Trung Quốc đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc cảnh báo công khai nào thì hoàn cảnh của người Hoa ở Indonesia lúc đó đã không khốn khổ và bất lực như vậy, hơn nữa chính phủ Trung Quốc có mọi quyền lợi và cũng có nghĩa vụ phải làm như vậy trong hoàn cảnh đó. Tuy nhiên, vì để không ảnh hưởng đến mối quan hệ của mình với chính quyền Indonesia, Giang một lần nữa phớt lờ sự sống chết của người dân và hành động như một con rùa rụt đầu.
Hành động của Giang đã làm ớn lạnh trái tim của người dân Trung Quốc trên toàn thế giới và mang lại sự xấu hổ cho Hoa kiều, chính quyền của một đất nước rộng lớn với lịch sử 5.000 năm văn minh thậm chí còn không có những nguyên tắc đạo đức cơ bản nhất. Đối mặt với hành vi tàn bạo tàn sát và chà đạp con cháu của Viêm Hoàng, Giang thản nhiên mặt dày tuyên bố “không can thiệp vào công việc nội bộ”. Từ đó thể hiện rõ bản chất lạnh lùng coi nhân mạng như cỏ rác và tính cách hèn nhát của Giang khi gặp phải vấn đề.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/34428
ChanhKien.org