Nếu trong đời bạn có thể gặp được một người bạn tri kỷ, người sẽ giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn và là người chân thành cổ vũ cho bạn khi thành công thì đây là điều may mắn lớn nhất trong cuộc đời.
Tuy nhiên không phải ai cũng có được một người bạn như vậy. Bạn đã từng có trải nghiệm này chưa: Bạn đối xử với mọi người bằng sự chân thành và nhiệt tình nhưng họ chỉ coi bạn như một người quen bình thường.
Bạn có rất nhiều bạn bè trên các nền tảng xã hội, khi bạn đăng một câu nói hay bài viết nào đó hàng chục người sẽ ngay lập tức vào tương tác rất hồ hởi. Nhưng khi bạn có chuyện gì buồn xảy ra, bạn sẽ không tìm được ai để nói chuyện.
Tôi cũng có một vài người bạn tốt, từng là bạn thân, nhưng không hiểu sao chúng tôi dần dần xa nhau, cuối cùng từ chỗ nói đủ thứ chuyện đến chỗ không còn gì để nói nữa. Trên thực tế, dù mối quan hệ là gì thì nó cũng cần được duy trì cẩn thận. Đôi khi bạn cho rằng mối quan hệ giữa bạn bè là tốt và nói chuyện cởi mở nhưng cuối cùng lại làm tổn thương trái tim và tình cảm của người khác.
Vậy nên dù mối quan hệ giữa bạn bè có tốt đến đâu thì có những quy tắc giao tiếp bất thành văn không thể bỏ qua. Hiểu được năm quy tắc bất thành văn này sẽ giúp bạn hòa hợp hơn với bạn bè.
1. Đừng tiết lộ bí mật của người khác
Khi còn học đại học, tôi gặp một người bạn cùng lớp rất quen. Cô ấy có rất nhiều bạn bè, nhưng họ chỉ là bạn bè bình thường, cô ấy coi những người đó như bạn thân, nhưng cô ấy lại thích vạch trần chuyện riêng tư của họ và chia sẻ những bí mật nhỏ cho nhiều người biết, thậm chí còn thích tìm hiểu chuyện riêng tư của mọi người.
Mặc dù có tính cách vui vẻ và hòa đồng nhưng cô ấy vẫn chưa thể kết bạn thân trong suốt 4 năm đại học. Nhiều bạn bè lúc đầu rất thân với cô, nhưng thời gian trôi qua, họ đều xa lánh cô.
Có lần tôi thấy cô ấy than thở rằng: “Tôi đối xử với mọi người bằng cả tấm lòng, nhưng tại sao người ta không đối xử chân thành với tôi?”
Cô không biết rằng mình đã chạm phải quy tắc lớn nhất trong giao tiếp xã hội, đó là tiết lộ chuyện riêng tư của người khác mặc dù tình bạn còn nông cạn. Bạn nghĩ mình có thể gần gũi hơn với bạn bè bằng cách tiết lộ chuyện riêng tư của họ. Nhưng việc làm này sẽ chỉ khiến người ta thêm ác cảm và cho rằng bạn có ý đồ xấu.
Bạn lo lắng việc im lặng sẽ dẫn đến bầu không khí khó xử nên liên tục đặt câu hỏi cho người khác để che đậy sự xấu hổ của mình nhưng bạn không biết rằng mình đã vô tình xâm nhập vào vùng cấm của người khác.
Đúng như Tam Mao đã nói: “Tốt nhất giữa bạn bè nên giống như trà ngon, nhẹ nhàng mà không chát, thơm mà không phản cảm, trôi chậm như dòng nước dài”. Một tình bạn tốt là một quá trình chậm rãi và luôn cần thời gian để hình thành và ổn định.
2. Đừng dễ dàng đưa ra lời bình phẩm sau lưng
Người xưa có câu: “Sơ bất gian thân”, nghĩa là người ở xa nhau không nên tham gia vào việc của người thân. Câu nói cổ xưa này đã được truyền lại hàng nghìn năm nhưng vẫn có nhiều người bước vào vết xe đổ hết lần này đến lần khác.
Khi đó, tôi đã giới thiệu một bạn nam cùng lớp với bạn thân của mình trong một buổi hẹn hò và cuối cùng hai người họ đã đến được với nhau. Một lần, họ cãi nhau lớn vì một vấn đề nhỏ nhặt, và cả hai người đều đến nói chuyện với tôi.
Tôi muốn hòa giải hai người nên đã nói với người đàn ông đó rằng bạn thân của tôi là người keo kiệt, hãy bao dung với cô ấy hơn. Tôi cũng nói với bạn thân rằng bạn nam cùng lớp của tôi đã có tính khí thất thường từ khi học cấp ba, vì vậy hãy thấu hiểu bạn nam đó.
Đến tối, đôi vợ chồng trẻ làm hòa, khi trò chuyện, họ phát hiện ra tôi đã nói xấu trước mặt hai người, kết quả là họ không những không coi trọng sự hòa giải của tôi mà còn cho rằng tôi gây rắc rối.
Cổ ngữ nói: “Thanh quan nan đoạn gia vụ sư”, ý muốn nói, chuyện gia đình là chuyện vô cùng phức tạp, đến cả quan thanh liêm cũng khó lòng phân định. Hai vợ chồng dù có cãi nhau nhưng họ là người cùng một gia đình và gắn bó chặt chẽ với nhau. Một người bạn dù tốt đến đâu cũng không bao giờ có thể thân thiết như một thành viên trong gia đình.
Vì vậy, là một người bạn, bạn nên định vị bản thân một cách chính xác và thận trọng, lý trí hơn và bớt tự cho mình là đúng khi bình luận về chuyện gia đình của người khác.
Khi một người bạn tâm sự với bạn về điều gì đó mà anh ấy không hài lòng ở nhà, bạn có thể an ủi anh ấy, nhưng đừng quá thông minh mà cố gắng giúp anh ấy giải quyết vấn đề. Khi bạn bè buộc tội người nhà, bạn có thể lắng nghe nhưng đừng nói quá nhiều, hãy chừa lại một chút không gian cho mình.
Bạn biết đấy, máu đặc hơn nước, vấn đề của bản thân có thể được giải quyết sau cánh cửa đóng kín, ý định tốt của bạn sẽ có thể không khiến bạn bè hài lòng.
3. Hãy chú ý khi trêu đùa người khác
Chị họ tôi kể cho tôi nghe về trải nghiệm của cô ấy khi trêu đùa một ai đó. Hai người vốn dĩ là bạn rất tốt, nhưng vấn đề là người này luôn thích đùa giỡn bất kể dịp nào.
Khi chị họ tôi đăng ảnh đồ ăn ngon, người này bình luận: “Bạn mập quá, nếu ăn hết đống này thì không lấy được chồng đâu”. Sau đó chị họ tôi đã tham dự một bữa tiệc với cô ấy, và cô ấy đã nói đùa về quá khứ giữa chị họ và bạn trai cũ trước mặt các bạn cùng lớp.
Sau đó, chị họ tôi rất tức giận, nhưng người bạn đó lại nói: “Trò đùa giữa bạn bè thì có gì sai? Thật là keo kiệt!” Chị họ tức giận đến mức chặn người bạn cũ này và họ không bao giờ liên lạc với nhau nữa.
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp những “người bạn” làm tổn thương người khác bằng sự hài hước tự cho mình là đúng như vậy. Tuy nhiên, cái gọi là trò đùa nên khiến trong cuộc cảm thấy thoải mái và vui vẻ, nếu người trong cuộc cảm thấy tổn thương thì đó lại là sự chế giễu. Bởi vì việc chọc ghẹo vào nỗi đau của người khác không những là bất lịch sự mà đó còn là hành vi vô đạo đức.
Điều quan trọng nhất khi bạn bè hòa thuận là sự tôn trọng và đồng cảm lẫn nhau. Nếu bạn cho rằng mình là bạn tốt thì sẽ đùa giỡn không có giới hạn, có thể đối phương sẽ hiểu bạn một hai lần, nhưng thời gian trôi qua, họ tự nhiên sẽ xa lánh bạn.
Người xưa nói: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”, bởi vậy đôi khi cũng chỉ vì một lời nói “không thiện ý” của bạn cũng khiến người khác đi vào bế tắc. Vậy nên dù mối quan hệ giữa bạn bè có tốt đến đâu thì cũng đừng quên dùng những lời nói nhẹ nhàng, ấm áp để duy trì tình cảm của nhau mãi mãi.
4. Tiền bạc phải rõ ràng
Người ta thường nói rằng: “Nói đến tiền bạc là tổn thương tình cảm”, trong cuộc sống chúng ta thường hay suy nghĩ rằng, đều là bạn bè tốt cả nên nếu nói quá rõ ràng về tiền bạc thì điều đó chẳng phải sẽ xấu hổ sao?
Nhưng kết quả lại hoàn toàn ngược lại, bạn bè càng giải quyết rõ ràng về tiền bạc thì mối quan hệ của họ sẽ càng lâu dài, còn nếu cứ luẩn quẩn trong chuyện đó thì mối quan hệ sớm hay muộn cũng sẽ rối ren.
Cách đây vài năm, một số bạn cùng lớp từng là bạn thân thời trung học đã gặp lại nhau trong buổi họp lớp. Tất cả chúng tôi thành lập một nhóm đi ăn và vui chơi cùng nhau vào cuối tuần.
Lúc đầu mọi người đều rất nhiệt tình, đến lúc thanh toán thì mọi chuyện cũng không rõ ràng, ai tiện thì sẽ thanh toán. Thời gian trôi qua, mọi người dần dần bắt đầu quan tâm đến nó, có người thanh toán nhiều lần, có người thanh toán không nhiều, có người thanh toán số tiền lớn, có người chỉ tiêu một số tiền nhỏ.
Đến bây giờ đều đã trưởng thành, mỗi người đều ngầm hiểu, dần dần lấy lý do như “quá bận” để tránh tụ tập, từ một nhóm người rất vui vẻ với nhau dần dần trở nên xa cách. Trên thực tế, vấn đề này rất dễ giải quyết, nếu mọi người thanh toán sòng phẳng ngay từ đầu thì đã không dẫn đến cục diện như ngày hôm nay.
Cổ nhân đã nói: “Thân huynh đệ, minh toán trướng”, nghĩa là càng thân thiết càng phải rõ ràng về tiền bạc, kể cả là anh em, chứ đừng nói đến bạn bè. Bởi vì xưa nay tiền bạc vốn là vấn đề nhạy cảm, vì một câu nói không chú ý có thể khiến người khác tự ái, trong lòng họ lại nảy sinh những toan tính nhỏ nhặt.
5. Biết khiêm tốn mới có thể có tình bạn lâu dài
Có một câu chuyện rằng: Một bà mẹ đã bị một lớp trưởng đuổi ra khỏi nhóm sau khi đăng thông báo tuyển sinh Đại học Thanh Hoa của con gái mình cho các bạn cùng lớp.
Hóa ra người mẹ này có một cô con gái thông minh, năng động và luôn đứng đầu trong học tập.
Một lần khi tổ chức họp lớp, người mẹ này gặp ai cũng khen ngợi con gái mình, còn những người khác cũng phải đồng tình vì phép lịch sự. Kết quả là, người mẹ không thể giữ im lặng sau khi trở về và thường phân phát bài vở và bằng chứng nhận của con gái cho các bạn cùng lớp.
Vào ngày con gái được nhận vào Đại học Thanh Hoa, bà đã lập tức chụp ảnh thông báo và đăng lên nhóm, đồng thời tự hào nói: “Thông báo nhập học của Đại học Thanh Hoa thật tuyệt vời!”
Tưởng chừng bạn bè sẽ ghen tị và chúc cô mọi điều tốt lành nhưng ai biết rằng thứ cô nhận được lại là thông báo “xóa khỏi nhóm trò chuyện”.
Khi tiếp xúc với bạn bè, chúng ta thường mắc phải điều cấm kỵ là “nói chuyện một mình”. Nhóm bạn cùng lớp đều bằng tuổi nhau, nếu con bạn thuộc loại giỏi nhất thì có đứa phải học kém, nếu con bạn được nhận vào Đại học Thanh Hoa thì sẽ có bạn thi rớt.
Những người thích thể hiện sự vượt trội của mình sẽ không có bạn bè thật lòng. Bởi vì người thực sự thông minh sẽ biết rõ mình giỏi hơn người khác, nhưng sẽ không bao giờ dễ dàng thể hiện tài năng vượt trội của mình, bởi vì sự vượt trội này sẽ khiến mọi người cảm thấy không vui.
Một người biết cách khiêm tốn trước mặt người khác thật sự cao quý vì họ biết đặt mình vào vị trí của người khác và biết cách để ý đến cảm xúc của người khác. Nếu một người thật lòng nghĩ cho người khác thì không những khiến người khác cảm thấy như một làn gió xuân mà còn khiến tình cảm của họ bền lâu mãi mãi.
Có một câu tục ngữ của người Tây Ban Nha như thế này: “Tình bạn giống như ngọn lửa phốt pho. Môi trường càng tối thì càng tỏa sáng”.
Tất cả chúng ta đều biết rằng tình bạn đẹp là điều rất quý giá, nhưng xin đừng quên rằng dù mối quan hệ có tốt đến đâu thì cũng có một số quy tắc nhất định. Nếu bạn có thể quan tâm đến cảm xúc của người khác và không xâm phạm vào thế giới riêng của người khác thì bạn sẽ được mọi người xung quanh tin yêu và tôn trọng.
Thùy Dung biên tập
Nguồn: aboluowang (Tống Vân)
Vạn Điều Hay