Kiểm soát cholesterol cần kết hợp giữa thuốc và lối sống lành mạnh, không thể thiếu một trong hai. (Hình minh hoạ: Ảnh tạo bởi AI)
Nhiều người nói rằng họ gặp khó khăn trong việc giảm cholesterol, nhưng hầu hết đều mắc sai lầm trong điều trị giảm cholesterol và không nắm được biện pháp kiểm soát mỡ máu đúng cách.
Kiểm soát cholesterol cần kết hợp giữa thuốc và lối sống lành mạnh, không thể thiếu một trong hai.
Khi điều trị, cần tuân theo trình tự các bước và phù hợp với mỗi từng trường hợp để đảm bảo hiệu quả, làm tiêu giảm hoặc ngăn ngừa sự bong tróc của các mảng bám động mạch, từ đó phòng ngừa hiệu quả các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Tại sao phải kiểm soát cholesterol?
Không phải ai cũng có nhận thức đầy đủ về nguy cơ tiềm ẩn của cholesterol, vì nồng độ cholesterol cao thường không có triệu chứng, chỉ có thể phát hiện khi xét nghiệm máu. Tuy nhiên, không có triệu chứng không tương đương rằng không có vấn đề, đặc biệt khi nồng độ cholesterol xấu (LDL-C) cao, vốn là nguyên nhân chính gây ra xơ vữa động mạch.
Xơ vữa động mạch có thể gây hẹp động mạch, kể cả khi mức độ hẹp dưới 50% vẫn hầu như không gây ra triệu chứng, dễ bị bỏ qua. Nhưng các mảng bám xơ vữa sẽ tiếp tục phát triển và có thể vỡ ra gây huyết khối, dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Nghiên cứu cho thấy, nếu giảm LDL-C xuống 1mmol/L thì có thể giảm 23% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong. Vì vậy, mức cholesterol có liên quan mật thiết đến sức khỏe.
Các bước kiểm soát cholesterol đúng cách
Bước 1: Hiểu rõ yêu cầu về mức LDL-C khác nhau đối với từng nhóm người
-
Đối với người khỏe mạnh không có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, mức LDL-C cần được kiểm soát dưới 3,4mmol/L;
-
Nếu có các yếu tố nguy cơ tim mạch như cao huyết áp, tiểu đường, hút thuốc… thì mức LDL-C cần được kiểm soát dưới 2,6mmol/L;
-
Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh tim mạch, hoặc đã từng bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ thì mức LDL-C cần được kiểm soát dưới 1,8mmol/L;
-
Trường hợp nặng, tốt nhất nên kiểm soát ở mức 1,4mmol/L trở xuống.
Bước 2: Cải thiện lối sống lành mạnh
Kiểm tra xem cân nặng của bạn có vượt quá mức hay không, vận động thường xuyên hay không, chế độ ăn uống có nhiều dầu mỡ, muối, rượu bia hay không? Đây đều là những thói quen xấu làm tăng cholesterol. Nếu có, cần khắc phục.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, chỉ 30% lượng cholesterol trong cơ thể liên quan đến chế độ ăn uống và vận động, còn 70% là do chính nó tự tổng hợp. Do đó, chế độ ăn kiêng và tập thể dục chỉ có thể kiểm soát được mức cholesterol nhẹ. Nếu nó lớn hơn, có thể cần dùng thuốc để kiểm soát.
Bước 3: Chọn đúng loại thuốc hạ cholesterol
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc hạ cholesterol, nhưng trong các nghiên cứu, chỉ có thuốc nhóm statin mới có thể hiệu quả trong việc ngăn chặn sự tiến triển của mảng bám xơ vữa động mạch, ổn định mảng bám, tránh bong tróc, đồng thời có tác dụng tiêu giảm mảng bám, giúp ngăn ngừa đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Các loại thuốc hạ cholesterol khác cũng có thể giúp giảm LDL-C, nhưng hiệu quả không bằng thuốc nhóm statin. Vì vậy, trừ khi có chống chỉ định, bạn nên chọn thuốc nhóm statin để kiểm soát cholesterol.
Bước 4: Lợi ích của việc điều trị giảm cholesterol là sự kiên trì lâu dài
Thuốc nhóm statin có tác dụng hiệu quả trong việc ổn định và đảo ngược mảng bám xơ vữa động mạch, nhưng cần dùng lâu dài mới phát huy tác dụng. Các nghiên cứu cho thấy, cần dùng thuốc ít nhất 6 tháng để thấy được tác dụng đảo ngược mảng bám. Tuy nhiên, ở hầu hết bệnh nhân, cần dùng thuốc ít nhất 2-4 năm để thấy được tác dụng.
Điều này có nghĩa là, lợi ích của việc sử dụng thuốc statin để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch chỉ có thể đạt được nếu điều trị lâu dài. Trong trường hợp không có phản ứng phụ nghiêm trọng hoặc chống chỉ định, không nên tự ý ngừng thuốc. Hiện tại, thời gian sử dụng thuốc statin càng lâu thì lợi ích cho tim mạch càng lớn.
Kết luận, để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, đột quỵ và các bệnh tim mạch khác, việc kiểm soát tốt cholesterol xấu (LDL-C) là rất quan trọng. Khi kiểm soát cholesterol, cần nắm vững các bước, ngoài lối sống lành mạnh, còn cần sử dụng thuốc hạ cholesterol đúng cách theo chỉ định của bác sĩ.
(*) Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không có tác dụng thay thế hướng dẫn của bác sĩ. Nếu có vấn đề về cholesterol, bạn nên lắng nghe lời khuyên trực tiếp từ người có chuyên môn về sức khoẻ.
Theo Wang He – Aboluowang
Bảo Vy biên dịch
NTD Việt Nam