Nếu như tiền bạc và của cải đến từ phúc đức tích lũy từ đời trước, vậy thì vì sao người giàu lại khó tu Đạo?
Vì sao con người cần tu luyện?
Rất nhiều người bước vào cửa tu luyện đều xuất phát từ các mục đích khác nhau. Có người tu Đạo vì muốn rời xa chốn thế tục rối ren hỗn loạn, thông qua cầu nguyện và thiền định để tìm về tầng diện nội tâm, từ đó đạt được sự an lạc trong tâm hồn. Có người tu Đạo vì muốn khám phá ý nghĩa và mục đích của sinh mệnh. Lại có người tu Đạo vì muốn truy cầu các giá trị đạo đức như thiện lương, từ bi, nhân ái, chân thành, thông qua giáo nghĩa tôn giáo và các chuẩn tắc đạo đức mà điều chỉnh và tu dưỡng bản thân. Cũng có người tu Đạo vì muốn kiến lập mối liên hệ với Thần, tìm cầu được dẫn dắt tâm linh…
Mục đích cuối cùng của tu Đạo là để trở về Thiên giới chứ không phải để truy cầu sự bình yên trong tâm hồn, khám phá điều mà con người cho là ý nghĩa nhân sinh, hay để khôi phục chuẩn mực đạo đức trong luân lý làm người.
Nhưng có phải bất kỳ người tu Đạo nào cũng có thể trở lại Thiên đường? Câu trả lời là không. Bởi vì mỗi tầng Trời đều có tiêu chuẩn khác nhau, người tu luyện phải thông qua tu hành, hiểu ra tiêu chuẩn của các tầng cảnh giới khác nhau, đạt đến những tiêu chuẩn ấy mới có thể trở lại Thiên giới.
Đến đây câu hỏi đặt ra là: Tiêu chuẩn các tầng Trời là gì? Làm sao con người biết được những tiêu chuẩn ấy có yêu cầu ra sao?
Người giàu khó tu Đạo?
Chúng ta biết, trong lịch sử nhân loại thời kỳ này, các đấng giác ngộ như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Chúa Jesus, Lão Tử đều xuất hiện trong cùng một thời đại. Kinh Phật và các giáo nghĩa tôn giáo giảng về Thiên quốc, dạy nhân loại cần phải làm người như thế nào, cho con người biết muốn trở thành Thần thì cần có đức hạnh và những yêu cầu gì. Tuy nhiên, các bậc Thánh nhân cũng từng nhắc đến vấn đề này: Người giàu khó có thể tu Đạo.
“Phật Thuyết Kinh Bốn Mươi Hai Chương” chép rằng, thiên hạ có năm cái khó:
- Thứ nhất, nghèo khổ bố thí là khó.
- Thứ hai, giàu sang học Đạo là khó.
- Thứ ba, bỏ sinh mạng vì lẽ phải là khó.
- Thứ tư, được thấy kinh Phật và hiểu được kinh Phật là khó.
- Thứ năm, sinh cùng thời với Đức Phật và được gặp Phật là khó.
Trong đó điều thứ hai là: Giàu sang học Đạo là khó. Người có nhiều tiền tài và thế lực sẽ thấy việc học Đạo là không hề dễ dàng. Bởi vì cuộc sống của những người như vậy thông thường bị vây quanh bởi ngũ dục, họ được thỏa thê hưởng thụ trên mọi phương diện của cuộc sống, mỗi ngày đều tíu tít bận rộn với đủ mọi hoạt động, quá nhiều trách nhiệm phải gánh vác, quá nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành, gần như không còn thời gian và tâm trí nghĩ đến tu Phật nữa.
Chúa Jesus từng giảng: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”.
Trong “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử cũng có câu: “Kim ngọc mãn đường, mạc chi năng thủ; phú quý nhi kiêu, tự di kỳ cữu” (vàng ngọc đầy nhà, làm sao giữ nổi, giàu sang kiêu căng, tự rước lấy họa). Tiền bạc và châu báu mặc dù rất quý giá, nhưng thế sự vốn vô thường, trên đời không có gì là vĩnh cửu. Khi người ta trở nên giàu có cao sang, họ sẽ dễ dàng chìm đắm trong vật chất, lạc lối trong tiền tài và danh vọng. Vinh quang và hoa lệ khiến họ trở nên kiêu ngạo, ỷ thế lộng quyền, sống hoang đàng phóng túng, dẫn đến những bi kịch đáng buồn về sau.
Vậy vì sao sau khi trở nên giàu có người ta lại dễ dàng bị mê hoặc bởi vẻ hào nhoáng của tiền tài? Trong xã hội hiện đại, tài phú và kim tiền thường được coi là thước đo của thành công và hạnh phúc. Con người ai cũng muốn có cuộc sống tốt đẹp, trải qua những ngày an nhàn sung sướng. Vì thế, thỏa mãn nhu cầu sinh tồn, cải thiện chất lượng cuộc sống, hưởng thụ cảm giác độc lập và tự chủ về kinh tế, thực hiện những mộng tưởng nhân sinh, cuối cùng có địa vị cao trong xã hội và được mọi người công nhận… những điều này đã trở thành động lực khiến người ta truy cầu tiền bạc.
Như vậy, tiền không phải chỉ có hình thức vật chất mà đồng thời còn có ý nghĩa ở phương diện tâm lý và xã hội. Ai mà không ao ước những tháng ngày tươi đẹp? Muốn sống được thoải mái thì cần phải có tiền, vậy nên tiền ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi, giá trị quan và địa vị xã hội của mỗi người. Cũng vì thế, rất nhiều người cả đời lao lực vì tiền, chạy theo đồng tiền mãi không có điểm dừng.
Phật gia cho rằng, tiền tài nhiều hay ít là do phúc đức tích lũy từ kiếp trước dày hay mỏng mà thành. Người giàu có lắm tiền nhiều của, ấy đều là phúc đức tích lũy từ đời trước. Họ có đức lớn, có phúc phận dồi dào, đáng lẽ sẽ rất dễ dàng tu luyện, vậy vì sao các bậc Thánh nhân đều cho là người giàu khó tu Đạo?
Tháp nhu cầu Maslow
Để trả lời cho câu hỏi trên, tháp nhu cầu Maslow của nhà tâm lý học trứ danh nước Mỹ Abraham Harold Maslow có thể cho chúng ta đôi lời gợi ý.
Thông qua quan sát và nghiên cứu, Maslow cho rằng con người có nhu cầu tâm lý và sinh lý cả về mặt di truyền và bản năng, những nhu cầu này dẫn đến một số ham muốn khá nhất trí và gần như không thay đổi giữa những người khác nhau. Maslow đã phân chia các nhu cầu ấy thành 5 tầng từ thấp đến cao, thể hiện dưới hình thức kim tự tháp.
- Tầng thấp nhất là nhu cầu về phương diện sinh lý, như thực phẩm, nước, không khí, ngủ, nghỉ.
- Tầng thứ hai là nhu cầu về an toàn, ví dụ như an toàn thân thể, ổn định cuộc sống, tránh được nỗi khổ vì bị đe dọa hoặc bệnh tật, có được thân thể khỏe mạnh, an toàn về tài sản và cá nhân, v.v.
- Tầng thứ ba là nhu cầu về tình cảm và được trực thuộc, ví dụ như tình bạn, tình yêu và các mối quan hệ giữa người với người.
- Tầng thứ tư là nhu cầu về sự tôn nghiêm, bao gồm cảm giác cá nhân về thành tựu hoặc giá trị của bản thân, cũng như sự tôn trọng và công nhận của người khác về bản thân mình.
- Tầng cuối cùng là nhu cầu thể hiện bản thân, bao gồm đề cao cảnh giới nhân sinh, phát huy tiềm năng, thể hiện bản thân, v.v.
Cũng chính là nói, khi một người trở nên giàu có, họ đã thỏa mãn phần lớn các tầng nhu cầu trên tháp Maslow, đến lúc này thông thường họ đã có đời sống vật chất sung túc, đã quen với cuộc sống hưởng thụ và xa hoa. Họ thường đảm đương những công việc bận rộn và nhiệm vụ kinh doanh chủ chốt, xử lý lượng lớn sự vụ và quyết sách, hơn nữa còn phải đối mặt với áp lực và kỳ vọng từ xã hội. Áp lực bên ngoài đè lên vai khiến họ càng nỗ lực để đạt được thêm nhiều thành tựu và tài phú hơn nữa. Chính những truy cầu vật chất ấy khiến họ khó có thể hướng sự chú ý đến tu hành nội tâm.
Thông thường, người giàu coi tài phú và địa vị là tiêu chí quan trọng để được công nhận trong xã hội và khẳng định bản thân. Họ cho rằng những thành tựu bên ngoài là định nghĩa về giá trị của mình. Nếu buông bỏ giá trị vật chất để tìm cầu giá trị tâm linh, thì với họ đó là một thách thức cự đại. Kỳ thực, theo đuổi sự giàu có là do ham muốn lèo lái, ham muốn vô tận khiến người giàu càng truy cầu nhiều hơn. Khi không thể buông bỏ truy cầu về vật chất, họ khó có thể thực hiện được mục tiêu tu hành.
J. Paul Getty là ông trùm dầu mỏ nổi tiếng nước Mỹ, đồng thời cũng là một trong những người giàu nhất thế kỷ XX. Ông từng thốt lên rằng: “Tiền bạc cũng giống như phân bón, bạn phải rải nó ra nếu không nó sẽ bốc mùi”.
Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch người Ireland là Oscar Wilde cũng chia sẻ: “Tôi nguyện ý có của cải mà không có tiền”.
Có thể thấy, đối với những người khôn ngoan, tiêu chuẩn của giàu có không phải là kim tiền. Vì thế Mạnh Tử cho rằng đại trượng phu cần đạt được ba tiêu chuẩn: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu sang không mê hoặc được, nghèo hèn không thay đổi được, uy vũ không khuất phục được).
Quay trở lại câu hỏi ban đầu: Liệu có phải người giàu không cách nào tu Đạo? Kỳ thực không phải vậy. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vốn là thái tử tôn quý, là người kế thừa ngôi vị của vương tộc Gautama ở tiểu quốc Shakya. Ngài là đấng chí tôn có trong tay tất cả mọi vinh diệu của thế gian: hoàng quyền, của cải, mỹ nữ, danh tiếng, uy vọng… Nhưng ngài lại coi vương vị là bụi trần, coi danh lợi chỉ là bóng câu qua cửa. Ngài dứt áo từ bỏ phú quý vinh hoa, kiên quyết xuất gia tu hành, cuối cùng chứng đắc được Phật quả.
Có thể thấy, dẫu là kẻ giàu hay người nghèo, chỉ cần kiên định ý chí, chân tâm thành ý, tinh tấn tu Đạo thì bất kỳ ai cũng có thể tu thành chính quả.
Theo Lý Minh – Xinbuxinyouni
Minh Hạnh biên dịch
NTD Việt Nam