Vì sao nhóm người Trung Quốc gây sự với nghệ sĩ piano nổi tiếng ở nước Anh? (Chụp màn hình)
Bạn sẽ cảm thấy sao nếu bạn đang biểu diễn văn nghệ say sưa nhưng hợp pháp ở nơi công cộng trên đất nước mình, bỗng có một nhóm người ngoại quốc tiếp cận bảo bạn đã làm họ lộ bí mật, sau đó họ hét vào mặt bạn và cáo buộc bạn những thứ tội trạng linh tinh mà bạn không làm, còn gọi cả cảnh sát ra để can thiệp…
Đó là những gì đã diễn ra với nghệ sĩ piano người Anh có tên Brendan Kavanagh còn gọi là tiến sĩ K vào ngày 19/1 vừa rồi, hôm đó Brendan Kavanagh đã phát sóng trực tiếp một màn diễn tấu piano ngẫu hứng của mình tại nhà ga King’s Cross St. Pancras ở London. Đoạn video trực tiếp cho thấy, ban đầu có một nhóm người gốc Á cầm cờ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phía sau tiến sĩ K, đôi bên rất vui vẻ.
Tuy nhiên, sau đó không rõ lý do gì, họ bất ngờ thay đổi thái độ, họ tự nhận mình đến từ Đài truyền hình Trung Quốc và nói rằng không muốn hình ảnh, giọng nói của mình bị camera của tiến sĩ K ghi lại, có thể khiến họ lộ bí mật. Họ yêu cầu ông phải xóa đoạn video có hình ảnh của họ, và rằng đây là vi phạm luật pháp Trung Quốc, nên Kavanagh có thể bị kiện.
Kavanagh đáp lại: “Đây không phải là Trung Quốc Cộng sản! Đây là Vương quốc Anh. Vương quốc Anh là một quốc gia tự do cho phép người dân quay phim và chụp ảnh ở những nơi công cộng”. Một người phụ nữ trẻ tiến lại gần Kavanagh nói với ông rằng cô cũng là người Anh và mong tiến sĩ K tôn trọng quyền lợi của họ.
Nhận thấy Kavanagh không làm theo ý mình, nhóm người Trung Quốc bắt đầu căng thẳng. Một người đàn ông trẻ trong nhóm sửng cồ lên, hét vào tiến sĩ K: “Why you’re touching her? stop touching her, you are not at the same age”, tức là: “không được chạm vào người cô ấy, ông và cô ấy không cùng độ tuổi.”
Tiến sĩ K nói rằng ông chỉ tay vào lá cờ của ĐCSTQ, chứ không muốn và không chạm vào cô ấy và chúng ta không phải đang ở Trung Quốc. Người đàn ông trẻ lặp đi lặp lại: “pls don’t touch her” và “pls say sorry to her”, “we’re not talking about two races, this is not a racist issue.” nghĩa là: “hãy xin lỗi cô ấy”, “chúng ta không nói về hai chủng tộc, ở đây không được phân biệt chủng tộc”, và liên tục cáo buộc Kavanagh chạm vào người phụ nữ trẻ mà không được phép.
Sau đó, họ gọi cảnh sát đến, một nữ cảnh sát Anh có vẻ thiên vị nhóm người Trung Quốc, nhưng Kavanagh khẳng định rằng ông đang tuân thủ luật pháp của một đất nước tự do về quyền tự do ngôn luận. Cuối cùng, nhóm người Trung Quốc và cả cảnh sát cũng bỏ đi. Kavanagh ngồi lại cây đàn piano, đàn một bản để ăn mừng sự bảo vệ quyền tự do của ông đã thắng lợi. “Free speech prevail” ông nói, tức là “quyền tự do ngôn luận đã thắng thế”.
Video live của Kavanagh lập tức trở nên “viral”, tức là nhanh chóng lan truyền, chỉ trong 8 ngày đã có hơn 9 triệu lượt xem và hơn 5 trăm nghìn lượt thích, tạo nên một làn sóng dư luận râm ran trên khắp các diễn đàn Đông Tây, cũng như các sản phẩm clip chế giễu nhóm người Trung Quốc của dân mạng.
Đây là một tình huống hết sức thú vị giúp chúng ta hiểu về những giá trị phương Tây và sự khác biệt của nó với văn hóa hiện nay của rất nhiều người Trung Quốc. Trước hết, hãy nói về Kavanagh và công cuộc bảo vệ tự do ngôn luận của ông.
Kavanagh bảo vệ quyền tự do ngôn luận
Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” có tích “Gia Cát Lượng thiệt chiến quần nho”. “Thiệt” là lưỡi, “thiệt chiến” là cuộc chiến miệng lưỡi. Lần ấy, Gia Cát Lượng một mình theo Lỗ Túc sang Đông Ngô làm thuyết khách, mong đạt được kết quả Tôn – Lưu hai nhà liên minh để chống lại đại quân Bắc Ngụy của Tào Tháo đang nam chinh. Nhưng trước khi thuyết phục được Tôn Quyền, ông phải vượt qua cửa ải là các mưu sĩ của Tôn Quyền trước đã, do vậy mà có sự việc Gia Cát một mình tranh biện mà khiến các Nho sĩ của Đông Ngô lần lượt á khẩu. Kết quả Thục Hán – Đông Ngô hợp tác đánh cho Bắc Ngụy đại bại trong trận chiến Xích Bích.
Ngày 19/1/24 cũng có sự kiện “nghệ sĩ Brendan Kavanagh thiệt chiến quần Trung đảng nhân”, tức là Kavanagh tranh biện với các nhân vật của ĐCSTQ tại nhà ga King’s Cross St. Pancras ở London. Điều Kavanagh bảo vệ là gì? Là giá trị tự do trong đó có tự do ngôn luận, là nhân quyền vốn được con người phương Tây rất mực coi trọng.
Nếu chúng ta để tâm quan sát, sẽ thấy nhiều người Trung Quốc đương đại xuất ngoại nhưng mang theo những thói quen sinh hoạt trong nước khiến ngoại giới, đặc biệt xã hội phương Tây văn minh thấy rất phản cảm. Chẳng hạn như nói to, ồn ào nơi công cộng, thói quen khạc nhổ, hoặc chen lấn xô đẩy, tranh mua tranh bán, tranh ăn tranh uống, hoặc ra vào không giữ cửa cho người đi ngay sau, hoặc không biết nói “cảm ơn”, “xin lỗi”, thậm chí còn phóng uế bừa bãi nơi công cộng v.v.
Nếu một người Trung Quốc làm như vậy với một người phương Tây sẽ khiến người phương Tây tức giận, không phải vì cá nhân người ấy bị xâm phạm, mà là vì khiến người phương Tây cảm thấy những giá trị của văn minh phương Tây đang bị người Trung Quốc đe dọa. Nếu như người Việt có câu: “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” thì người phương Tây nói rằng: “hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ cho anh biết anh là người như thế nào”. Nếu ai ai cũng học theo phong cách sống nói trên của một bộ phận lớn người Trung Quốc, thì văn minh phương Tây sẽ bị hủy hoại, và dần dần ai cũng sống theo kiểu “người Trung Quốc xấu xí.”
Và giá trị mà văn minh phương Tây coi trọng nhất là gì? Tự do, trong đó có tự do ngôn luận. Nếu chúng ta nhớ lại sự kiện năm 2015 tòa soạn Charlie Hebdo ở Pháp bị hai tay súng Hồi giáo cực đoan xả súng giết chết nhiều nhân sự của mình, thì nguyên lai cũng là vì các họa sĩ biếm họa của tòa soạn này muốn thực thi quyền tự do ngôn luận bằng cách vẽ biếm họa nhà tiên tri Muhammad. Chỉ có điều, như chúng tôi đã từng phân tích, trong tình huống ấy cách hiểu và hành động của họ thật là cực đoan thái quá, thiếu tế nhị và thiếu lý trí.
Nhưng ở đây có ý muốn nói rằng, tự do ngôn luận là một quyền bất khả xâm phạm của người phương Tây. Và nghệ sĩ Brendan Kavanagh đang bảo vệ quyền tự do ngôn luận chính đáng, ngay trên đất nước mình, có luật pháp bảo hộ và có cả nền văn minh phương Tây sau lưng. Vì vậy ông đã tuyên bố: “free speech prevail” tức là “tự do ngôn luận thắng thế” chứ ông không nói “tôi đã thắng”. Đây không phải chuyện cá nhân mà là bảo vệ hệ giá trị của xã hội.
Còn nhóm người Trung Quốc thì đang bảo vệ điều gì?
Cuộc phô diễn tinh thần sô vanh nước lớn, văn hóa chiến lang và chiêu thức ăn vạ
Khi đến một đất nước xa lạ chúng ta sẽ làm gì? Người Việt Nam và Trung Quốc nói: “nhập gia tùy tục”, còn người Anh nói: “When in Rome, do as Romans do.” cũng là lời Kavanagh đáp lại những người Trung Quốc kia. Ý nghĩa của những câu nói ấy là: khi bạn làm khách, thì bạn theo tập tục, luật lệ của chủ nhà. Cụ thể với trường hợp này, khi bạn là người ngoại quốc đang ở trên nước Anh, thì bạn tuân theo luật pháp và tập quán của nước Anh. Khi đó nếu bạn vi phạm tập quán của nước Anh, thì bạn bị coi là người kém đường ứng xử; còn nếu bạn vi phạm luật pháp nước Anh, thì bạn phải chịu chế tài của luật pháp Anh quốc.
Nhưng nhóm người Trung Quốc kia thì nói rằng Kavanagh thu hình họ là vi phạm luật pháp Trung Quốc, đe dọa sẽ kiện Kavanagh nếu không xóa hình của họ. Dường như nhiều người Trung Quốc hiện nay đã bị nhà nước tuyên truyền đến mức mụ mị, trở nên ảo tưởng vào sức mạnh quốc gia, nghĩ rằng Trung Quốc đã trở thành bá chủ hoàn cầu và ngoại giới chẳng qua chỉ là các chư hầu phải tuân theo luật chơi của Trung Nam Hải, như thể “luật An ninh quốc gia Hong Kong” mà Trung Quốc cưỡng ép lên Hong Kong vậy.
Nhân thể, xin nói sơ qua về luật này. Tiền thân của nó là “điều 23” trong “Luật cơ bản Hong Kong”, mục đích của nó là để áp chế tiếng nói phản đối ĐCSTQ ở Hong Kong. Vì nó hoàn toàn vi phạm thỏa thuận Trung – Anh khi Hong Kong được trao trả, và với chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc, nên 500 nghìn người Hong Kong đã biểu tình vào ngày 1/7/2003 khiến điều luật này bị gác lại. ĐCSTQ hết sức bất an, cuối cùng vào ngày 30/6/2020 nó đã cố thông qua được “Luật an ninh quốc gia Hong Kong” còn cực đoan hơn điều 23 Luật cơ bản Hong Kong.
Điều 38 trong “Luật an ninh quốc gia Hong Kong” quy định đại ý rằng: một người dù có hộ chiếu ngoại quốc, nhưng nếu họ phê phán ĐCSTQ thì theo luật trên, họ đã vi phạm “Luật an ninh quốc gia Hong Kong”. Có nghĩa là, chẳng kể quốc tịch của bạn là gì, dẫu bạn ở Mỹ, ở Anh, hay ở bất cứ nơi nào khác mà bạn phản đối ĐCSTQ, thì theo điều 38 trong bộ luật này, ĐCSTQ vẫn có quyền quản chế bạn. Một khi bạn đặt chân lên lãnh thổ Hong Kong, hoặc chỉ cần là hãng bay Hong Kong, thì ĐCSTQ có quyền bắt bớ và xét xử bạn, thậm chí dẫn độ bạn về Trung Quốc để tống giam và xét xử. Bạn lý luận là ở nước bạn, quyền tự do ngôn luận được luật pháp bảo vệ ư? ĐCSTQ bảo rằng luật của nó mới là điều bạn phải tuân thủ.
Hẳn là điều bất bình thường này vượt quá sức tưởng tượng của những người bình thường chúng ta có phải không?
Nghệ sĩ Kavanagh đã bảo vệ quyền tự do ngôn luận của nước Anh, còn nhóm người Trung Quốc thì bảo vệ điều gì? Bảo vệ cá nhân họ mà thôi. Bởi vì nếu hình ảnh họ xuất hiện trong clip của Brendan Kavanagh, thì có thể họ sẽ gặp rắc rối với chính quyền ĐCSTQ.
Đã vậy, nếu biết tiến sĩ K đang live, không muốn bị ghi hình thì đứng gần ông và trò chuyện với ông làm gì? Cứ cho rằng do sơ ý không biết có ghi hình đi, thì sau khi sực tỉnh có thể trình bày lịch sự với nghệ sĩ Brendan Kavanagh chẳng hạn như là: “Thưa ông, chúng ta đã có một thời gian thật vui vẻ, xin cảm ơn ông vì điều đó. Nhưng chúng tôi bỗng nhớ ra rằng, theo quy định của quốc gia chúng tôi đối với công việc chúng tôi đang làm, thì không được xuất hiện giọng nói hay hình ảnh chúng tôi trong một clip như của ông. Cảm phiền ông có thể xóa giúp hình ảnh và giọng nói chúng tôi được không? Điều này quả thực rất phiền phức nhưng mong ông thông cảm và hiểu cho tình cảnh của chúng tôi.”
Những người Trung Quốc này ở vị trí xã hội và trình độ của họ hoàn toàn có thể có cách nói và ứng xử thích hợp để xử lý tình huống một cách mềm dẻo, có tình có lý. Nhưng không, sau khi đe dọa rằng Kavanagh đã vi phạm luật Trung Quốc và có thể bị kiện, người đàn ông trẻ trong nhóm gầm lên, phỏng theo phong cách ngoại giao chiến lang của Bộ Ngoại giao Trung Quốc mà anh ta nghĩ nó có thể là một “tuyệt chiêu” hiệu quả.
Rồi anh ta bồi thêm một liên hoàn chiêu thức, có tên gọi là vu cáo và ăn vạ. Khi tiến sĩ K chỉ tay vào lá cờ Trung Quốc được nhóm người cầm trên tay, có ý rằng người phụ nữ trong nhóm là người của ĐCSTQ chứ không phải người Anh như cô ta nói, thì bị vu cáo là sờ mó vào người cô ta, tức là quấy rối tình dục. Khi tiến sĩ K nói đây là nước Anh, không phải Trung Quốc thì bị vu cáo là phân biệt chủng tộc. Quấy rối tình dục và phân biệt chủng tộc là hai tội danh nghiêm trọng của xã hội phương Tây, chiêu thức thật là hiểm ác. Và chiêu ăn vạ để đánh lạc hướng có lẽ là “lấy cảm hứng” từ ứng xử trên đường phố Trung Quốc, khi người ta vô cớ lao vào đầu xe ô tô để đòi bồi thường, hay là túm chặt lấy người vì lòng tốt mà đỡ mình dậy… để bắt đền.
Nhưng nghệ sĩ Brendan Kavanagh rất tỉnh táo, lý lẽ vững vàng và không bị kích động, kể cả khi nhóm người Trung Quốc tung ra chiêu cuối cùng: gọi cảnh sát đến để giải quyết, trong đó có một nữ cảnh sát Anh không rõ vì sao có phần thiên vị những người Trung Quốc. Nhưng cuối cùng tất cả bọn họ đều phải rút lui, và quyền tự do trên xứ sở tự do đã chiến thắng.
Lai lịch của nhóm người Trung Quốc này đã được xác định như sau: anh Lưu Mộng Dĩnh (Liu Mengying), CEO của Top Offer Academy, một cơ quan tuyển dụng của Anh ở London; cô Lãnh Tuyết Niên (Leng Xue Nian), cựu nhân viên của Viện Khổng Tử, và cô Trương Ninh (Zhang Ning), người dẫn chương trình thường tổ chức các lễ kỷ niệm của người Hoa ở Anh quốc. Những người này bị nghi là có mối liên hệ với chính quyền ĐCSTQ. Họ có thể là thành viên của chiến dịch “tuyên truyền đối ngoại lớn” của ĐCSTQ.
Những người này đều có địa vị xã hội nhất định trong hệ thống của ĐCSTQ, một người còn từng là nhân viên của Viện Khổng tử, vậy họ có hiểu và làm theo lời dạy của Khổng tử hay không? Và bản chất của Viện Khổng tử là gì?
Đức Khổng tử và Viện Khổng tử
Hơn hai nghìn năm trước, đức Khổng tử đã dạy học trò mình về nhiều phương diện, trong đó có cả ngoại giao. Học trò của ông sau này có những nhà ngoại giao như Công Tôn Xích, hoặc xuất sắc như Tử Cống, đi đến nơi nào cũng được vua chúa nơi đó trọng vọng.
Sách “Luận ngữ” còn chép lại những tình huống ông dạy học trò những bài học về ngoại giao như sau:
Một lần Tử Trương hỏi ông làm cách nào để đi đâu cũng trót lọt, Khổng tử nói: “Lời nói trung thực, đáng tin, hành vi phải thân thiết, kính cẩn, như vậy dù đến nước Man, nước Mạch (là các nước lạc hậu ở phương Nam, phương Bắc) cũng trót lọt. Lời nói không trung thực, đáng tin, hành vi không thân thiết, kính cẩn, thì dù ở trong làng, trong châu (một châu gồm 2500 nhà) của mình cũng làm sao trót lọt được? Khi đứng, thì thấy như mấy chữ “trung tín, cẩn trọng” đang ở trước mặt. Khi ngồi xe, thì thấy mấy chữ “trung tín, cẩn trọng” như khắc trên thành xe. Như vậy thì mới trót lọt.”
Một lần khác ông dạy học trò Nhiễm Cầu cách đối đãi với người ở xa rằng nếu người ta không phục thì “sửa văn đức để người ta đến với mình, họ đến với mình rồi thì làm sao cho họ được yên ổn.”
Những người Trung Quốc làm việc cho Viện Khổng tử ngày nay từ trong tâm khảm liệu có chút gì giống với phong thái quân tử mà đức Khổng tử đã chỉ dạy hay không? Bởi lẽ hệ thống Viện Khổng tử mà ĐCSTQ thiết lập ở nước ngoài chỉ là một cơ sở tuyên truyền, địch vận và tình báo. Nó đã bị các nước phương Tây chú ý và dè chừng hoặc tống cổ. Ở Hoa Kỳ, Viện Khổng Tử đã bị buộc tội với ba tội danh: một là vi phạm quyền tự do ngôn luận, hai là vi phạm nhân quyền; ba là tham gia hoạt động gián điệp. Thực ra, Viện Khổng tử chỉ là cách mà ĐCSTQ mượn danh đức Khổng tử để làm bậy, là một dạng “Họa bì” hay “bộ da vẽ” trong tiểu thuyết Liêu Trai mà thôi.
Muốn người ta không biết thì đừng làm
Hôm 23/01, nghệ sĩ Kavanagh cho biết ĐCSTQ đang gây áp lực buộc YouTube gỡ video của ông, nhưng họ không thể làm được. Ông Kavanaugh cho biết ông quyết tâm giữ video này trên mạng.
Vốn là muốn che giấu hành tung, nhưng ngược lại nhóm người Trung Quốc đã trở nên nổi tiếng một cách bất đắc dĩ. Chỉ sau 8 ngày, đã có hơn 9 triệu lượt xem clip của nghệ sĩ Brendan Kavanagh vốn là một chương trình live trực tiếp không qua dàn dựng. Cách cư xử của nhóm người Trung Quốc bị dư luận quốc tế chỉ trích và kể cả nhiều cư dân mạng Trung Quốc cũng không đồng tình. Ngày 24/01, xuất hiện một video trên nền tảng X (Twitter trước đây) cho thấy, tại hiện trường của cuộc tranh cãi mấy hôm trước, có một người đàn ông chơi piano bài “Glory to Hong Kong” là một bài hát chống dẫn độ của Hong Kong, đã được các khán giả ở nhà ga dừng lại lắng nghe và tán thưởng.
Ngoài ra, còn có cảnh một cô gái gốc Hoa chơi piano, đằng sau là một thanh niên người Hoa cầm một tấm biển viết khẩu hiệu bằng tiếng Anh như là: “Hãy để cây đàn piano tự do,” “Chấm dứt sự xâm nhập của ĐCSTQ,” “Cảm ơn Tiến sĩ K,” “Không phải tất cả người Hoa đều muốn có trại tập trung toàn trị của ĐCSTQ,” “ĐCSTQ không phải Trung Quốc”, v.v. Cư dân mạng đã ca ngợi chàng trai trẻ cầm tấm biển rất “chính trực, dũng cảm,” “một người hùng yêu nước thực sự.” Đồng thời, họ để lại những bình luận như “ĐCSTQ không đại diện cho người dân Trung Quốc,” “Thế giới sẽ không tốt đẹp nếu ĐCSTQ không kết thúc”, v.v.
Kết quả này cũng tương tự như việc ĐCSTQ phá hoại show diễn của đoàn nghệ thuật Thần Vận (Shen Yun) nhưng lại trở thành quảng cáo thay cho họ. Chẳng hạn hễ đoàn Thần Vận đến đâu biểu diễn, lãnh sự quán của ĐCSTQ liền gọi điện thoại cho tất cả những lãnh sự quán các nước ở quanh đó, bảo rằng họ đừng có đến xem Thần Vận diễn xuất; nhưng ngược lại đều khiến họ đến xem. Và thế là rất nhiều người đã được thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao, mang lại những giá trị truyền thống tốt đẹp trái ngược hẳn với tuyên truyền của ĐCSTQ.
Chẳng phải người xưa đã từng nói: “Muốn người ta không biết thì đừng làm” hay sao?
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)
Nguyên Vũ
NTD Việt Nam