Trong quá trình nuôi con, những ông bố, bà mẹ đôi khi cũng cần “lười”, “lười” ở đây không phải nói về sự vô trách nhiệm, không chăm chỉ làm việc hay không quan tâm đến con cái, mà là nói về sự sáng suốt, lý trí trong cách dạy con tự lập, tự đứng trên đôi chân của mình, biết cách từ bỏ những bận rộn vốn dĩ không nên có trong cách chăm con.
Cha mẹ càng làm “hộ” cho con, thì con càng lười biếng
Con nhỏ vác cặp sách đi học rồi, thân là phụ huynh, chúng ta cũng phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn, tâm cũng theo đó mà không thoải mái, hình bóng lúc nào cũng bận rộn hơn trước: Sáng sớm gọi con dậy, giúp con chuẩn bị sách vở, buổi tối lại kèm con học, rồi kiểm tra bài vở, hướng dẫn con cách làm bài…
Chúng ta đã vì con cái mà hao tâm tổn trí đến vậy, nhưng con trẻ lại không hiểu được nỗi vất vả của mẹ cha. Chúng vẫn thích làm theo ý mình, thành tích học tập không có gì khởi sắc, trong khi chúng ta đã hao phí biết bao tâm lực, đến cuối cùng tất cả đều là công dã tràng. Quả thực, thành tích của con cái không tỉ lệ thuận với những gì cha mẹ đã phó xuất cho con.
Suy cho cùng, tôi cho rằng nguyên nhân căn bản vẫn thuộc về các bậc phụ huynh. Bởi cha mẹ quá siêng năng sẽ dưỡng thành tính lười của con trẻ. Cha mẹ quá chú ý đến bài vở, con trẻ trái lại lại càng trở nên vô trách nhiệm và không tự giác. Mục tiêu học tập cũng không rõ ràng, chúng sẽ cho rằng học là học cho bố mẹ, chứ không phải học cho chính mình.
Lâu dần như vậy, con trẻ sẽ rất khó dưỡng thành lối sống. Mà thói quen tốt lại chính là điều then chốt bảo đảm cho thành tích xuất sắc, là tiền đề chi trả cho sự thành tài sau này, là bảo chứng trong việc bồi dưỡng nên nhân cách độc lập và kiện toàn.
Nhìn thấy nhiều bậc phụ huynh tận tụy “phục vụ” con cái như vậy, cá nhân tôi lại có cách làm trái ngược. Bởi vì siêng năng và lười biếng là dẫn động lẫn nhau, bổ trợ cho nhau. Vậy nên khi người lớn siêng năng, sót con, làm thay cho con thì con trẻ sẽ trở nên lười nhác. Người lớn nếu lãnh đạm một chút, con trẻ nói không chừng sẽ siêng năng hơn.
Mẹ ‘lười’ đưa rước, con tự mình đến trường
Nhiều đứa trẻ lên lớp hay tan trường đều được cha mẹ đưa đón. Gia đình tôi cũng vậy. Khi con mới bắt đầu vào học, chồng tôi cũng từng đưa rước cu cậu mấy lần. Nhưng tôi thì chưa bao giờ đưa đón con, bởi vì lộ trình từ nhà đến trường là gần 1 cây số, đám trẻ chỉ cần băng qua con đường cái là tới nơi. Sau khi giảng giải về kiến thức an toàn rồi, tôi quyết định sẽ để con tự mình bước đi.
Một buổi tối con trai tôi ngủ muộn, hôm sau dậy trễ giờ, cu cậu phụng phịu muốn tôi lái xe đưa đến trường. Tôi nghiêm khắc đáp: “Mẹ cũng sắp trễ làm rồi, không thể đưa con đi được”. Cu cậu giận dỗi đến mức vừa giậm chân vừa chạy bộ đến trường, kết quả là đến muộn nên bị phạt quét rác.
Tôi biết con sợ nhất là bị thầy cô phạt, vậy nên chỉ bằng cách để nó muộn một lần mới có thể rút ra bài học, lần sau không dám thức khuya nữa. Quả nhiên, từ đó về sau hễ đến 8 giờ rưỡi là cu cậu đã lên giường đi ngủ, ngày hôm sau lại dậy sớm đúng giờ.
Tôi nghĩ, nếu hôm ấy đưa con đến trường, thì thói quen giờ giấc đó sẽ thật khó mà hình thành được.
Bài học rút ra: Tự mình bước trên con đường đến trường, con trẻ vừa được rèn luyện sức khỏe, lại vừa có thể dưỡng thành thói quen tốt không còn dựa dẫm vào người khác, quan trọng nhất là dạy con bài học về sự tự giác, tự đi trên đôi chân của mình.
Mẹ ‘lười’ kèm học, con tự giác hoàn thành bài vở của mình
Tôi vẫn thường nhắc nhở con rằng: Con hãy tự giác làm bài tập về nhà, làm xong thì nói với mẹ một tiếng. Với những bài tập kiểm tra ở trường, con vẫn phải tự mình làm lấy, còn mẹ chỉ phụ trách ký tên.
Con trai tôi không vui, nói rằng: “Mẹ các bạn khác đều kiểm tra bài giúp các bạn ấy, sao mẹ lại lười như vậy chứ?”.
Tôi giảng giải: “Không phải là mẹ lười. Con nghĩ xem, nếu mẹ giúp con kiểm tra, thì con có biết mình sai ở đâu không? Mai này đi thi nếu con làm sai, ai sẽ giúp con kiểm tra đây? Bình thường con làm tốt, vậy mà lúc thi cử lại mắc lỗi, khi đó thầy cô và bạn bè sẽ nghĩ thế nào?”.
Tôi nhấn mạnh, học hành là việc của tự mình. Nếu gặp phải đề bài khó, con cần tự mình động não. Nếu con vẫn không thể nghĩ ra thì mẹ mới gợi ý cho con tìm tư liệu ở đâu.
Có lần không biết nghĩa của một số từ, con trai vì để bớt phiền, bớt suy nghĩ mà tự tìm đến hỏi tôi. Tôi không trả lời mà chỉ bảo con hãy đi tra từ điển. Vì để hoàn thành bài vở, nó không thể không tự mình tra từng nét từng nét một.
Sau chuyện này, tôi tự hỏi nguyên nhân vì sao con không thích tra từ điển? Thì ra là bởi cu cậu mỗi khi tra một chữ thường phải mất cả buổi trời. Nếu từ mới quá nhiều, thì không chỉ trẻ con, mà ngay đến cả người lớn chúng ta cũng cảm thấy nhàm chán. Thế là, tôi bèn cùng con chơi trò tra từ điển. Tôi liệt kê ra những từ mới và thi xem ai tra nhanh hơn. Tôi cố tình nhường cho con thắng, khiến cu cậu phấn khích không thôi. Sau vài lần như vậy, tốc độ tra từ điển của con trai tôi có bước tiến lớn, cu cậu không những không cảm thấy phiền phức mà còn chủ động giúp các bạn học cách tra từ.
Bài học rút ra: Trên phương diện hướng dẫn con cái học tập, thay vì cần mẫn chỉ dạy từng li từng tí thì hãy để ý xem chỗ nào con trẻ có thể làm được và chưa làm được, chỗ nào trẻ có thể tự lập và chỗ nào cần chúng ta giúp đỡ. Điều ấy sẽ khuyến khích trẻ độc lập suy nghĩ mà chúng ta cũng có thể buông tay.
Mẹ lười cằn nhằn, con càng thêm tự giác
Có những phụ huynh vì để đốc thúc con cái học hành, mà cả ngày từ sáng đến tối phải giống như chim sẻ lải nhải mãi không thôi. Họ không biết rằng, những lời lặp đi lặp lại sẽ thành quen tai, dần dần con trẻ sẽ không xem đó là việc gì to tát cả.
Một ngày chủ nhật, con trai tôi mải mê chơi điện thoại mà không làm bài tập về nhà. Tôi hỏi: “Con định chơi đến mấy giờ?”. Nó nhìn đồng hồ rồi nói: “Thêm 10 phút nữa ạ!”.
Tôi nói: “Được, quân tử nhất ngôn, nói lời phải giữ lời”. 10 phút trôi qua, tôi quay lại thấy con vẫn còn đang mải miết cắm đầu vào máy tính. Tôi nén cơn giận, điềm tĩnh nói: “Ngày thường con vẫn nói rằng ‘nói lời phải giữ lấy lời’ phải không?”.
Cu cậu cảm thấy xấu hổ, trong lòng có đôi chút áy náy, bèn lập tức tắt máy vi tính.
Trước đó, tôi đã từng giảng giải cho con hiểu rõ đạo lý làm người phải giữ lời hứa, vậy nên lần này nó mới có thể thản nhiên tiếp nhận.
Bạn thử nghĩ xem, nếu như lúc đó tôi nổi cơn tam bành, lải nhải một chập, đại loại như: “Đừng có chơi nữa, còn không mau mau làm bài tập đi! Cứ chơi như thế này, thành tích làm sao tốt được? Sau này làm sao thi đậu đại học đây?”, thì e rằng nó trên miệng phục mà trong tâm không phục, lúc làm bài tập tư tưởng vẫn sẽ “đứng núi này trông núi nọ”. Những lần sau này khi chơi điện thoại, tôi yêu cầu con phải quy định thời gian, hễ thời gian đến là phải lập tức tắt máy.
Thời gian đầu tôi vẫn cần phải đốc thúc, nhưng về sau này con tôi đã hình thành tính tự giác, thời gian vừa đến liền không chơi nữa.
Từ đó, thằng bé đã học cách kiểm soát và khống chế bản thân, thêm năng lực nhẫn nại, ý chí thêm kiên định… Tôi cho rằng so với thành tích học tập thì những tố chất này còn quan trọng hơn nhiều.
Bài học rút ra: Chuyên cần giáo dục chưa chắc đã hữu hiệu, mà còn cần xem chuyên cần ở phương diện nào. Nếu cha mẹ chỉ cằn nhằn và nói đạo lý suông thì hiệu quả sẽ không cao. Thay vào đó, cần chịu khó tìm kiếm phương pháp và đối sách, đồng thời có thể thực thi hữu hiệu mới đáng để lấy làm gương vậy.
Mẹ lười động tay, con thêm độc lập
Phàm là những việc con cái có thể tự mình giải quyết được, tôi đều không giúp đỡ. Nếu thấy căn phòng của con bề bộn quá, tôi chỉ cần nhắc nhở. Con trai tôi cứ lúi húi lau dọn, còn tôi thì đứng ở cửa vui vẻ nhìn con dọn phòng.
Thằng bé học môn Tự nhiên nên thường phải chuẩn bị các loại dụng cụ. Tôi bảo nó hãy tự mình chuẩn bị, nếu thiếu thì con có thể đến cửa hàng mua đồ. Vậy nên từ nhỏ, con trai tôi đã quen với việc tự giác, tự lập, và học cách giao tiếp với mọi người.
Cha mẹ giúp con trẻ làm mọi việc, sẽ khiến trẻ sinh ra tâm thái ỷ lại và bị động, do đó không thể bồi dưỡng được ý thức trách nhiệm. Bởi vậy, cha mẹ càng “lười” thì con lại càng phải chăm chỉ và nỗ lực nhiều hơn.
Năm học mới bắt đầu, thầy cô yêu cầu bọc sách mới. Con trai tôi không biết bọc, tôi bèn bảo con hãy nhìn xem mẹ làm như thế nào rồi tự mình bọc lấy. Cu cậu tỏ ra khó chịu và nói sao mà phiền phức thế. Tôi không động tâm mà chỉ ngồi bên cạnh hướng dẫn con một hồi. Thấy tôi “chỉ động khẩu mà không động thủ”, cu cậu đành phải nhẫn nại bọc lấy từng quyển một. Nếu lúc đó tôi tham nhanh bớt phiền, giúp con bọc tất cả sách vở, thì có thể nó sẽ không bao giờ động tay vào những việc cỏn con này.
Bài học rút ra: Cha mẹ giúp con trẻ làm mọi việc, không để chúng tự lập, sẽ khiến trẻ sinh ra tâm thái ỷ lại và bị động, do đó không thể bồi dưỡng được ý thức trách nhiệm. Bởi vậy, cha mẹ càng “lười” thì con lại càng phải chăm chỉ và nỗ lực nhiều hơn.
Có những lúc cha mẹ nên phải buông tay thì hãy buông tay, nên lười thì không ngại hãy cứ lười xem sao. Những gì chúng ta cần, chỉ là lặng lẽ đặt sự quan tâm và lo lắng ở trong lòng. Cất đi đôi cánh chở che và để cho con trẻ tự mình bay lượn. Chỉ có như vậy, thì đại bàng con mới có thể luyện thành một đôi cánh kiên cường, mới có thể hình thành thói quen học tập tốt và năng lực sống độc lập sau này.
Nguồn: Secretchina
Vạn Điều Hay