Ảnh minh họa, không liên quan tới bài viết này. Trong ảnh là những ngôi nhà bị sập sau trận lũ lụt ở thành phố Mai Châu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc vào ngày 21/6/2024. (Ảnh: STR/AFP via Getty Images)
Mưa lớn như đổ nước từ trời xuống, các tỉnh miền nam Trung Quốc ngập trong biển nước mênh mang.
Ngày 24/6, lượng mưa trút xuống thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc trong một tiếng đồng hồ có số lượng nước đã đủ để đổ đầy 54 Tây Hồ ở Hàng Châu; Ở Trường Sa, có nơi nước sâu đến cổ người lớn. Nhiều nơi khác ở miền nam Trung Quốc cũng đang có mưa lớn và lũ lụt như là các tỉnh Chiết Giang, An Huy, Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam, Quý Châu và Quảng Đông, và Khu vực Quảng Tây.
Thành phố Quế Lâm tỉnh Quảng Tây hứng chịu trận lũ lụt tồi tệ nhất trong 30 năm qua. Kể từ giữa tháng 6, do mưa lớn liên tục và lũ từ thượng nguồn xả ra khiến mực nước dâng cao đột ngột, đã ảnh hưởng đến hơn 180.000 người. Mực nước tại trạm thủy văn thành phố Quế Lâm từng có thời điểm lên tới gần 149 mét, nước sông dâng cao và tràn vào khu vực đô thị. Thành phố Mai Châu tỉnh Quảng Đông biến thành biển nước.
Người dân Trung Quốc ở nhiều địa phương miền nam cho biết: chưa bao giờ thấy mưa lớn và lũ dâng lên nhanh đến vậy.
Tài sản mất mát, sinh hoạt khó khăn, môi trường sống bị hủy hoại và tính mạng người dân bị đe dọa nghiêm trọng. Những công trình và di tích văn hóa có hàng trăm năm, cả nghìn năm tuổi thọ cũng bị chôn vùi tan nát trong dòng nước. Chẳng hạn như ở tỉnh An Huy.
Có phải chỉ vì “nước từ trời tuôn xuống”?
Ở tỉnh An Huy có làng Trình Khảm (Chengkan), là nơi mà nhà triết học Chu Hy (Zhu Xi) từng gọi là “Giang Nam Đệ Nhất Thôn”. Đây là một trong những ngôi làng có số lượng di tích kiến trúc cổ Huệ Châu lớn nhất, chẳng hạn như đền La Đông Thư (Luodong Shu) và quần thể tòa nhà cổ. Ở đây còn có cây cầu Hoàn Tú được xây dựng từ thời nhà Nguyên, đến nay đã có khoảng 700 năm tuổi, song đã bị lũ lụt làm hư hại.
Chưa hết, Đài Phát thanh Văn nghệ Thanh Đảo hôm 24/6 đưa tin, tượng nhà thơ Lý Bạch ở thị trấn Đào Hoa Đàm, thành phố Tuyên Thành, tỉnh An Huy đã bị ngập tới ngực. Đây là bức tượng nằm trong quần thể di tích miêu tả cảnh tượng hào sĩ Uông Luân tiễn thi tiên Lý Bạch bên bờ đầm Đào Hoa. Đi cùng với nó là một kiệt tác thi ca về tình bạn khi ly biệt. Một thi phẩm chỉ có 4 câu 28 chữ mà còn để lại nghìn năm lưu luyến cho hậu thế, nó có tên là “Tặng Uông Luân”.
Lý Bạch thừa chu tương dục hành,
Hốt văn ngạn thượng đạp ca thanh.
Đào hoa đàm thủy thâm thiên xích,
Bất cập Uông Luân tống ngã tình.
Dịch giả Ngô Văn Phú dịch là:
Lý Bạch lên thuyền sắp sửa xa
Trên bờ nhịp nhảy rộn lời ca
Đào hoa đầm rộng sâu ngàn thước
Khôn sánh tình Uông đưa tiễn ta.
Chuyện kể rằng, vào năm 754 (tức năm Thiên Bảo thứ 13 đời nhà Đường), có Uông Luân là một hào sĩ ở Kinh Xuyên, từng làm Huyện Lệnh ở Kinh huyện, nay thuộc tỉnh An Huy, rất thích giao du với các danh sĩ và vô cùng hâm mộ Lý Bạch. Một lần nghe nói Lý Bạch đang trên đường du ngoạn sắp qua nơi đây, Uông Luân bèn gửi thư đón mời, trong thư có nói rằng: “Trộm nghe thơ, mỗ ngưỡng mộ tiên sinh đã lâu. Tiên sinh thích du sơn ngoạn thủy chăng? Ở đây có mười dặm đào hoa. Tiên sinh thích uống rượu à? Ở đây có vạn gia tửu điếm (vạn quán rượu). Xin chắp tay đứng chờ trước cửa.”
Lý Bạch xem thư cho rằng đó là nơi rất đáng đi ngao du, nên nhận lời mời. Đến nơi, Uông Luân mới cho biết, cái gọi là “mười dặm đào hoa” là đầm nước có tên đầm hoa đào (Đào hoa đàm), cái gọi là “vạn gia tửu điếm” (vạn quán rượu) chỉ là một quán rượu có tên “Vạn gia”. Chỉ có tấm tình ngưỡng mộ, quyến luyến Lý Bạch là thật mà thôi.
Lý Bạch nghe xong không giận mà cười lớn, rồi ở lại chơi với Uông Luân vài ngày.
Khi từ biệt, Uông Luân tặng Lý Bạch 8 con ngựa và 10 cuộn gấm đẹp. Cuộc chia ly diễn ra trong một sớm thu hơi may man mác, Uông Luân đích thân tiễn chân Lý Bạch, cả hai người đều trong tâm trạng dùng dằng nửa ở nửa về, dường như họ biết cuộc tao ngộ này lần đầu cũng là lần cuối, vì đất Thần Châu này đủ bao la cho một đời ưa xê dịch của Lý Bạch. Hốt nhiên, Lý Bạch nghe tiếng Uông Luân hát điệu Đạp ca, tức là vừa đi vừa hát vừa giậm chân làm nhịp phách, tình cảm vừa thuần phác vừa chân thành. Lý Bạch trong lòng xúc động, ví von rằng nước đầm Đào trong vắt sâu đến ngàn thước cũng chẳng sâu sắc bằng tình bằng hữu mà Uông Luân dành tặng cho mình.
Phép tắc thơ cổ đại là “Lời kỵ thẳng, ý kỵ nông, mạch kỵ lộ, vị kỵ ngắn”. Nhưng với bài thơ này, Lý Bạch “phạm” các kiêng kỵ phép tắc thơ ca: thẳng thắn, dung dị, bộc lộ. Tuy “lời thẳng”, “mạch lộ”, mà “ý chẳng nông”, “vị càng nồng”, được người đời ca ngợi là “Không gọt không rũa, tự nhiên thành vần điệu, lời nói từ tình cảm hết sức chân thành, cho nên trở thành tuyệt diệu”.
Và quần thể tượng Uông Luân tiễn Lý Bạch trên bờ đầm Đào Hoa cũng nhờ đó mà trở nên nổi tiếng.
Song, bức tượng Uông Luân ngồi lúc này chìm nghỉm trong dòng nước dữ. Uông Luân nếu là người thật ngồi đó, thì giờ đây chỉ có thể thở ra mấy cái bong bóng để đáp lễ vì Đào Hoa đầm nay đã sâu hơn cả ngàn thước, cũng chẳng phân biệt được đâu là đầm, đâu là bờ nữa.
Còn tượng Lý Bạch bị nước ngập lên ngang ngực, chỉ còn thấy khuôn mặt ông ngước lên, tay trái giơ chén rượu hướng lên trời như muốn than với bạn mình:
Anh không thấy:
Nước Hoàng Hà từ trời tuôn xuống
Chảy nhanh ra biển, chẳng quay về,
Chính là câu thơ mở đầu trong tuyệt phẩm “Tương tiến tửu” của Lý Bạch mà giờ đây được cư dân mạng Trung Quốc coi như một lời tiên tri của vị tiên thơ.
Nhưng nước từ trời tuôn xuống cũng chẳng hại bằng nước do người dâng lên, vì thảm họa lụt lội này quyết không phải chỉ vì mưa lớn.
Đập nước xả lũ không báo trước là nguyên nhân của lũ lụt tăng nhanh
Mưa lớn cũng chỉ là một phần nguyên nhân gây ra lũ lụt, bởi vì chưa bao giờ mưa có thể khiến cho lũ lụt dâng lên nhanh như vậy ở đồng bằng. Chẳng hạn, vào ngày 23/06, tài khoản “Video Tiêu Điểm” (Jiaodian Video) trích dẫn một đoạn video từ Đài truyền hình Tứ Xuyên, tiết lộ quá trình nước dâng cao trong thực tế tại một ngôi làng ở An Huy, chỉ trong vòng mười mấy phút nước dâng lên cao 4 đến 5 mét. Còn tại thành phố Trường Sa, hai nhân viên của một nhà hàng ở khu thương mại Khê Duyệt Hội cho biết, nước bắt đầu dâng cao vào khoảng 9h sáng, đến khoảng 11h thì toàn bộ tầng 1 của nhà hàng đã bị ngập. Chứng tỏ nước dâng lên rất nhanh.
Tất cả những trận mưa lớn ở thành phố Mai Châu tỉnh Quảng Đông, Quế Lâm tỉnh Quảng Tây, và tỉnh Phúc Kiến v.v. không thể khiến mực nước dâng cao nhanh đến thế nếu không có bàn tay của nhà nước trong việc xả lũ không báo trước. Và đây là điều mà truyền thông chính thống của Trung Quốc im lặng không hé môi.
Ngày 16/06/2024, hồ chứa Hoàng Điền ở thôn Hoàng Điền, huyện Bình Viễn, thành phố Mai Châu (Meizhou) đột ngột xả lũ. Camera giám sát đã ghi lại quá trình một ngôi nhà ở thôn Chương Diễn, huyện Bình Viễn bị chìm ngập. Video cho thấy mực nước ở địa phương này dâng cao đột ngột lên 2 mét trong vòng 3 giờ.
Trong hình ảnh này, chỉ cần nhìn vị trí của con lợn bám vào thì có thể biết được mực nước lũ dâng cao như thế nào khi xả lũ ở Quảng Đông.
Mới đây, nhiều video trên mạng xã hội X cho thấy, vào ngày 22/6 do mưa lớn ở Hàm Ninh, Hồ Bắc khiến hơn 20.000 con gà của một nông dân bị chết đuối. Theo người nông dân trong video, “Nhiều hồ chứa cùng lúc mở cửa (xả lũ), nước đột ngột dâng cao hơn 1m trong 10 phút. Không có cách nào tự cứu, cứu được 1.000 con gà, còn hơn 20.000 con bị chết đuối. Thiệt hại khoảng 200.000 nhân dân tệ. Chúng tôi tự nuôi, làm sao mua bảo hiểm được?”
Theo thông báo của chính quyền thì tính đến 15 giờ ngày 21/06, nạn mưa lớn ở huyện Bình Viễn, thành phố Mai Châu đã khiến 38 người tử vong và 2 người mất tích. Song con số thực là bao nhiêu thì có trời mới biết được.
Tờ Vision Times đã phỏng vấn bà Thịnh Tuyết (Sheng Xue), một nhà văn sống ở Canada và là Phó chủ tịch toàn cầu của Mặt trận Dân chủ. Bà nói:
“Khi nhìn thấy trận lũ lụt này, suy nghĩ đầu tiên của tôi là trận lũ lụt ở Trác Châu, tỉnh Hà Bắc năm ngoái cũng là do ĐCSTQ cố tình dẫn lưu xả nước lũ và gây ra thảm họa lũ lụt vào thời điểm đó. Rốt cuộc là bao nhiêu người chết khi đó, không ai có thể biết, và ĐCSTQ sẽ không bao giờ nói cho mọi người biết sự thật.
Sự thật là khi biết sắp có thời tiết tự nhiên như vậy, họ không hề nghĩ biện pháp cứu người để dân chúng có thể tránh khỏi thảm họa, mà là khi mọi người đang ngủ, vào ban đêm, khi mọi người hoàn toàn không có sự chuẩn bị trước, thậm chí không có khả năng trốn thoát, họ đã dùng biện pháp xả lũ để đạt được mục đích chính trị của mình…”
Không chỉ có bà Thịnh Tuyết, cựu nhân vật truyền thông chính thống của Trung Quốc là Triệu Lan Kiện cũng nhớ đến sự việc năm ngoái ở Trác Châu, tỉnh Hà Bắc, nơi ĐCSTQ đã xả lũ để bảo vệ Hùng An. Ông mô tả vụ việc là một “cơn lũ chính trị”.
Hùng An là một thành phố được xây dựng theo chủ trương của ông Tập Cận Bình nhằm biến nó thành một thành phố kiểu mẫu để ghi dấu ấn chính trị của ông. Song đây vốn là vùng xả lũ tự nhiên ở đồng bằng Trung Quốc. Về logic mà nói, một khi nơi xả lũ tự nhiên được xây dựng thành một thành phố, thì các thành phố và khu dân cư xung quanh nó đương nhiên sẽ phải trở thành nơi xả lũ. Vì vậy, để ngăn Hùng An bị dòng chảy siết từ dãy núi Thái Hằng Sơn cuốn trôi, một con đê kiểm soát lũ đã được xây dựng ở phía tây thành phố này, khiến một lượng lớn nước lũ tràn vào vùng ngoại vi của vùng xả lũ, gây lũ lớn ở những vùng hàng trăm năm nay chưa từng bị lũ lụt.
Ông Triệu Lan Kiện cũng chỉ trích quyết định xả lũ không báo trước của chính quyền vào lúc nửa đêm khi người dân đang ngủ là một vụ thảm sát cực kỳ tàn ác. Bởi vì nếu xả lũ ban ngày thì họ sẽ không giấu được người dân về nguồn gốc của những cơn lũ. Trong khi ấy, truyền thông Trung Quốc tiếp tục ngậm miệng.
Cũng không chỉ có các “cơn lũ chính trị”, còn có “cơn lũ trách nhiệm” và “hạn hán lợi ích” nữa. Chúng là như thế nào?
Chẳng hạn, vào hôm 21/06, ông Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), chuyên gia thủy lợi nổi tiếng sống tại Đức, đã nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng các hồ chứa nước ở Trung Quốc có cái gọi là mực nước giới hạn. (Theo tài liệu của chính quyền Trung Quốc, mực nước giới hạn là mực nước mà vào mùa mưa, nếu cao hơn nó thì phải xả lũ.) Nhưng với mực nước giới hạn thấp như thế này, thì hồ chứa hầu như không có khả năng chứa thêm nước để chống lũ. Nhưng hiện nay vì sao lại nói vượt quá mực nước giới hạn thì phải xả nước ngay lập tức? Đó là vì chính quyền Trung Nam Hải áp dụng chế độ trách nhiệm quản lý hồ chứa, người quản lý do lo ngại chất lượng không tốt của đập, rất sợ xảy ra vỡ đập, nên họ “thà xả lầm còn hơn bỏ sót”. Do đó, có thể gọi đây là những “cơn lũ trách nhiệm”.
Vậy còn “hạn hán lợi ích”? Chẳng hạn như ngay lúc các tỉnh miền nam đang lũ lụt tràn trề, thì các tỉnh miền bắc Trung Quốc nóng như thiêu người, đồng ruộng cạn khô, cỏ không mọc được nữa là cây lương thực. Ở Hàm Đan, Hà Bắc cũng cạn khô, nắng nóng còn sinh ra ảo ảnh. Nhiều khu vực ở tỉnh Hà Nam, đã hơn nửa năm nay không có giọt mưa nào, người nông dân cố gắng chắt chiu những dòng nước quý giá để tưới lên đồng ruộng khô nẻ, mong cứu được hoa màu trong cái nóng trên 40 độ C. Trong khi người dân Hà Nam lập đàn cầu mưa, thì chính quyền cho bắn đại bác lên trời để tạo mưa, song cũng không có giọt nước nào.
Chỉ có các tổ chức vận hành đập nước là im hơi lặng tiếng, không xả nước để cứu hạn cho dân. Bởi vì họ còn giành nước để phát điện, vì phát điện là có tiền, và tiền là của nhóm lợi ích, không phải của người dân. Cho nên có thể gọi đó là “hạn hán lợi ích”.
Cho nên khi hạn hán, thì đập thủy điện, đập thủy lợi chúng tôi quyết không xả nước để cứu dân, nhưng khi trời mưa thì sẽ xả nước để cứu chúng tôi trước, thậm chí còn xả đêm để chẳng ai biết đấy là đâu. Trong mưu lược chiến tranh, người Trung Hoa gọi đó là kế “sấn hỏa đả kiếp”, hoặc sát hơn nữa thì người Việt có một câu là “tát nước theo mưa”.
Người xem Tam Quốc Diễn Nghĩa chắc vẫn nhớ đến trận chiến Tân Dã. Để bài binh bố trận, Khổng Minh sai sai Quan Vũ đem một nghìn quân lên thượng lưu sông Bạch Hà mai phục, mang theo nhiều bao tải đựng đầy đất cát để lấp khúc sông, đợi đến cuối canh ba hôm sau, hễ nghe tiếng người ngựa rầm rộ ở hạ lưu thì vớt những túi đất lên cho nước tràn xuống, rồi cứ thuận dòng sông kéo về tiếp ứng. Quả thực, sau khi bị lửa đốt và bị mai phục đánh cho tơi tả, quân Tào chạy một lúc nữa lại có con sông chặn trước mặt, nhưng vì nước cạn nên quân Tào không lo ngại mà lội qua. Thế là, Quan Vũ phục ở mé trên, bèn cho quân xả nước xuống, nước chảy xuống như thác vỡ bờ cuốn trôi vô số quân Tào.
Nhưng đó là trong thời chiến. Còn như áp dụng mưu lược sát phạt của thời chiến cho thời bình, đánh úp dân như đánh kẻ địch, thì nó phơi bày thứ triết lý ngược ngạo của nhà cầm quyền Trung Nam Hải.
Triết lý ngược ngạo của ĐCSTQ là nguồn gốc của mọi tai họa lớn nhỏ
Một câu nói nổi tiếng của người được phong là “người thầy vĩ đại, lãnh tụ vĩ đại, thống soái vĩ đại, người cầm lái vĩ đại” của ĐCSTQ là ông Mao Trạch Đông: “Đấu Trời, đấu Đất, đấu người, thật thống khoái” đã xác lập tinh thần cho ĐCSTQ và xã hội Trung Quốc hơn 70 năm nay. Từ khóa nghiêm trọng ở đây là “Đấu”.
Đấu tức là chống lại, đã đấu thì phải thắng, đã thắng thì phải buộc kẻ bại theo ý mình. Cho nên sông thì phải chặn, núi thì phải phá, nước chảy xuôi nam thì phải bắt nó chảy ngược về bắc, còn phải “quây hồ làm ruộng”, “đốt rừng làm ruộng”, “diệt cỏ thảo nguyên để làm ruộng” v.v. với tinh thần bừng bừng “dám bảo nhật nguyệt hoán đổi trời mới”, với tham vọng kiêu ngạo “cải tạo thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ con người”.
Nhưng hết thảy đều đã phải trả giá rồi. 3 trong 5 thảo nguyên lớn của Trung Quốc đã biến mất, sa mạc đang ngày càng lan rộng, cát bay cả vào Bắc Kinh. Việc quây hồ làm ruộng khiến khu vực trung hạ lưu của Trường Giang trong vòng 50 năm đã mất đi 12.000 km2 diện tích sông hồ, vượt quá tổng diện tích của 5 hồ nước ngọt lớn hiện nay. Còn việc xây dựng vô số đập thủy điện và xả lũ bừa bãi thì như chúng ta đã và đang thấy. Cho đến ngày nay, chính quyền Trung Quốc của ông Tập Cận Bình vẫn trung thành với triết lý Đấu ấy khi bạt núi rồi dẫn nước lên núi để trồng lúa, hoặc san đất trên đường nhựa để trồng cây, bắn đại bác lên trời để mong mưa v.v. kết quả cây chết, núi chết, môi trường hủy hoại, con người ngắc ngoải.
Nó đi ngược lại với tinh thần khiêm tốn và trí tuệ khôn ngoan của cổ nhân Trung Hoa: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Từ khóa quan trọng ở đây là chữ “thuận”.
Bởi vì sức người dầu sao cũng có hạn không so được với sức mạnh kinh khủng của thiên nhiên, đời người ngắn ngủi sao sánh được với Trời Đất trường cửu, trí người nông cạn chỉ có thể học theo Tạo hóa. Con người lại cũng thật lắm sai lầm, chỉ nên cúi mình khiêm tốn và học cách thuận theo tự nhiên mà thôi.
Sai lầm về xây dựng và quản lý đập nước của ĐCSTQ không phải bây giờ mới có.
Năm 2005, một chương trình truyền hình của kênh Discovery đã tiết lộ một loạt thảm họa do con người tạo ra. Đứng đầu danh sách không phải là vụ nổ hạt nhân Chernobyl, mà đó là sự cố của Đập Ban Kiều năm 1975 mà người dân Trung Quốc hiếm khi biết tới.
Theo Discovery, ngày 8/8/1975, Đập Ban Kiều ở tỉnh Hà Nam bị sập do mưa lớn, và đã làm ngập 9 quận của một khu vực rộng 150kmx75km. Hơn 100.000 thi thể trôi nổi đã được vớt lên, 140.000 người khác đã chết do nạn đói và ôn dịch xảy ra sau trận lụt.
Con đập này đã không được quản lý tốt để xả lũ đúng thời điểm, nó thuộc về sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo cao nhất Trung Quốc lúc ấy là ông Đặng Tiểu Bình, hơn nữa chất lượng xây dựng của nó cũng lắm vấn đề. Đập Ban Kiều là một trong nhiều đập được xây dựng vào đầu những năm 1950 như một sản phẩm của phong trào Đại Nhảy vọt. Cũng như các thứ đồ được sản xuất theo chính sách vô trách nhiệm đó, con đập được xây dựng vội vàng mà không được kiểm soát chất lượng đầy đủ, thiếu công tác bảo trì thường xuyên từ khi xây dựng xong. Tại thời điểm khẩn cấp, chỉ có 5 trong tổng số 17 cửa lũ có thể nâng lên được, những cửa còn lại đều bị kẹt cứng vì han gỉ.
Tin tức về thảm họa do con người gây ra này đã bị chính quyền ĐCSTQ bưng bít. Không có đài tưởng niệm nào được xây dựng để lưu lại tên của những người bị thiệt mạng. Thay vào đó, chính quyền lại xây một đài tưởng niệm để biểu dương và ghi nhớ chiến công của ĐCSTQ trong công tác chống lũ.
Bởi vậy, trong đợt lũ lần này, ông Triệu Lan Kiện, một cựu phóng viên của truyền thông chính thống Trung Quốc nói: Lũ lụt ở miền Nam Trung Quốc khiến ông nhớ lại những trải nghiệm bi thảm thời thơ ấu. Ông than thở rằng ĐCSTQ đã không thay đổi trong nhiều thập kỷ qua, nhưng người dân không có cách nào biết được sự thật vì bị phong tỏa tin tức.
Trung Quốc ngày nay là nước có số lượng hồ chứa lớn nhất thế giới, cũng như là tiềm năng tai họa lớn nhất thế giới. Khi bắt đầu xây dựng thì họ lý luận rằng: để kiểm soát lũ lụt và cứu trợ thiên tai, nhưng thực tế cứ đi ngược lại những tuyên ngôn của chính quyền nước này. Hỏi rằng ở Trung Quốc, lũ lụt do Trời hay do con người thì câu trả lời đã quá rõ ràng. Đằng sau những con đập và cách vận hành nó, là thứ triết học đấu tranh, văn hóa giả dối và tinh thần lợi mình hại người. Chừng nào chưa diệt được tận gốc những thứ phản giá trị ấy, thì làm sao người dân Trung Quốc có thể có được cuộc sống an bình đây?
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)
Nguyên Vũ
NTD Việt Nam