Điều 24 (Chương II) của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng…”. Tuy nhiên dạo gần đây, người dân Việt Nam chứng kiến một sự lúng túng trong cách xử lý vấn đề này từ phía chủ trương của nhà nước. Đặc biệt gần đây nhất là vụ phát biểu của Tướng Nguyễn Đức Chung, tân Chủ tịch UBND, kiêm Giám Đốc Công An Thành phố Hà Nội về vấn đề Pháp Luân Công tại buổi tiếp xúc với cử tri Q. Bắc Từ Liêm.
Trong khi ở nhiều nơi trên toàn quốc, việc luyện tập của môn tu luyện theo trường phái Phật mang tên Pháp Luân Công diễn ra đường hoàng, công khai và đông đảo, thì thi thoảng đâu đó lại có những buổi “tuyên truyền nhỏ” cho người dân về Pháp Luân Công, hay phát biểu mang tính chất “không chính thức” về Pháp Luân Công từ một số đại diện cơ quan chính quyền, những văn bản “nội bộ” hay “bí mật”, xem đây là “trái phép”, “tà đạo”, tà “giáo” hay những thành phần gây rối loạn và gây ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Với cộng đồng quốc tế thì tuyên bố của Việt Nam vẫn là “Việt Nam không hề có chủ trương cấm Pháp Luân Công”, với học viên Pháp Luân Công, câu trả lời cũng là “Việt Nam không cấm Pháp Luân Công”. Trong sự mâu thuẫn và nhập nhằng giữa phát ngôn chính thức và không chính thức, trực diện và không trực diện này, nhiều người đã đặt ra vô số nghi vấn và thắc mắc. Gần đây nhất là phát biểu của Tân Chủ tịch Ủy ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung xung quanh vấn đề này. Thực hư chuyện này ra sao?
Phóng viên Đại Kỷ Nguyên đã có cuộc phỏng vấn với anh Hưng, một học viên Pháp Luân Công để làm rõ về vấn đề này.
Phóng viên Đại Kỷ Nguyên (ĐKN): Thi thoảng trên truyền thông của Việt Nam lại xuất hiện những bài báo hay tin hình nói Pháp Luân Công là “tà đạo” hay “trái phép”, trong khi tuyên bố của Việt Nam với cộng đồng quốc tế vẫn là “Việt Nam không hề có chủ trương cấm Pháp Luân Công”. Tại sao có sự mâu thuẫn kỳ lạ này? Khi tiếp xúc với chính quyền, câu trả lời của đại diện chính quyền với các học viên Pháp Luân Công là gì?
Anh Hưng: Vâng, khi chúng tôi có dịp tiếp xúc với chính quyền và đặt câu hỏi về chủ trương với Pháp Luân Công, thì câu trả lời cũng là Việt Nam không cấm Pháp Luân Công.
Nên cứ mỗi khi có bài báo hay tin tức đưa về nhận định “trái phép”, hay “tà đạo”, chúng tôi lại hết sức ngạc nhiên. Bởi vì Pháp Luân Công vô cùng đường hoàng trên thế giới, chỉ nhìn qua cũng biết không thể là “tà đạo” rồi. Ở Việt Nam, nhìn các học viên tập luyện công khai tại hàng trăm công viên, cũng biết là chúng tôi không phải bị cấm, không phải là “trái phép” rồi. Vì thế nhiều lần chúng tôi hỏi thẳng các nhà chức trách:thực ra tại sao các anh lại cứ nói Pháp Luân Công như thế, các anh biết là Pháp Luân Công là tốt mà.. Họ trả lời chúng tôi: Rồi, chúng tôi biết Pháp Luân Công là tốt, nhưng chỉ là phải làm theo lệnh thôi, không để phát triển quá, là sức ép bên kia ghê quá. Chúng tôi hiểu “bên kia” mà họ nhắc tới là Trung Quốc.
Phóng viên ĐKN: Vậy tức là chịu sức ép từ phía chính quyền Trung Quốc, chứ không phải Pháp Luân Công có điều gì không tốt đối với người dân?
Anh Hưng: Vâng, chính quyền cũng trả lời chúng tôi như vậy. Thực sự họ cũng biết Pháp Luân Công là rất tốt và họ cũng công nhận với chúng tôi như vậy. Bởi vì việc cấm Pháp Luân Công đối với cộng đồng quốc tế là không có cơ sở và vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, trái với Hiến Pháp Việt Nam, việc chịu sức ép của Trung Quốc thì lại là lý do không thể nêu ra với cộng đồng quốc tế, nên khi cộng đồng quốc tế hay các học viên Pháp Luân Công có chất vấn, thì câu trả lời vẫn là Việt Nam không có cấm Pháp Luân Công.
Phóng viên ĐKN: Như vậy, theo tôi hiểu thì là việc “không để phát triển mạnh quá” là mục đích của những tuyên truyền hạ thấp Pháp Luân Công này?
Anh Hưng: Sức ép là từ phía “bên kia” nên các nhà chức trách cũng khó xử, chúng tôi biết họ cũng lúng túng, vì họ biết Pháp Luân Công rất tốt. Hiện giờ cũng có rất nhiều quan chức cấp cao của Việt Nam đã bước vào luyện tập Pháp Luân Công, nên ngay bản thân trong chính quyền cũng có mâu thuẫn về quan điểm đối với Pháp Luân Công rồi.
Dù sao chúng tôi cũng thấy thật đáng tiếc nếu một môn tập tốt như thế này bị kiềm chế “không để phát triển mạnh quá”. Chẳng phải thêm nhiều người khỏe mạnh, thêm nhiều người tốt thì xã hội sẽ tốt hơn sao?
Phóng viên ĐKN: Anh nghĩ gì về câu chuyện của ông Nguyễn Đức Chung, tân Chủ tịch UBND, kiêm Giám Đốc Công An Thành phố Hà Nội, nói rằng trong “nhiều năm qua” đã “tuyên truyền để người dân không tham gia [Pháp Luân Công]”?
Anh Hưng: Chúng ta đều biết, công an là cơ quan công quyền, và phải hoạt động trên cơ sở luật pháp. Nếu luật pháp không nghiêm cấm điều gì, thì công an không thể ngăn cấm người dân làm điều đó. Đúng không?
Nếu coi đây là quyết định, thì xem ra là quyết định thiếu cơ sở luật pháp đằng sau. Mà thực chất, chúng tôi cũng bất ngờ với lời phát biểu của ông Chung vừa rồi, vì chưa có một văn bản chính thức công khai nào được ban hành cả. Nếu coi đây là chủ trương ngầm nay được trình bày ra một cách không hoàn toàn chính thức, để đạt một mục đích nào đó, thì đó lại là chuyện khác rồi.
Sẽ là không khôn ngoan nếu công nhiên công bố một chủ trương trái ngược với luật pháp hiện hành. Cho nên vụ việc khiến người ta phải suy nghĩ xem động cơ nào ẩn đằng sau thúc đẩy việc này.
Phóng viên ĐKN: Vừa rồi công an và chính quyền địa phương đã có buổi tuyên truyền cho học sinh và người dân ở Quảng Nam Đà Nẵng về Pháp Luân Công, có quay cảnh học viên Pháp Luân Công giăng biểu ngữ, kéo tượng Lê Nin, đập lăng Hồ Chủ Tịch, vấn đề này có thực hay không?
Anh Hưng: Pháp Luân Công đã có mặt trên thế giới 23 năm qua. Trong thời gian đó, tức là từ năm 1991 đến nay, từ khi các chính quyền Đảng Cộng sản ở Đông Âu bị sụp đổ, rất nhiều tượng đài lãnh đạo Cộng sản bị nhân dân ở các nước trên thế giới hủy bỏ, nhưng chúng ta không hề thấy có bất kỳ báo cáo nào liên quan đến Pháp Luân Công. Tại sao? Vì Pháp Luân Công không bao giờ can thiệp vào chính trị.
Nhóm đứng đằng sau sự vụ kéo tượng Lê Nin, mà họ tự gọi họ là nhóm “tam thập tam”, đòi đập lăng nói trên hoàn toàn không phải là Pháp Luân Công như họ tuyên bố. Đọc website của nhóm này thì sẽ thấy ngay. Pháp Luân Công không thành lập tôn giáo, nhưng nhóm đó tuyên bố chính thức lập tôn giáo với Phạm Xuân Giao làm giáo chủ. Pháp Luân Công không can thiệp chính trị, nhưng nhóm đó viết tối hậu thư đòi trao chính quyền cho họ. Pháp Luân Công hoạt động bất bạo động, nhưng nhóm đó kêu gọi thành lập quân đội.
Tôi cho rằng đó là những người nếu không phải đầu óc bất bình thường thì chắc chắn có động cơ không tốt. Những người công an trực tiếp xử lý vụ việc này cũng hiểu vấn đề là hoàn toàn không liên quan đến Pháp Luân Công. Vụ việc cũng vì thế không xử một cách rầm rộ và cũng không được đưa lên các phương tiện truyền thông chính thức của Việt Nam vào thời điểm xử lý vụ việc, tức là thời điểm bắt và kết án tù mấy thành viên ra kéo tượng đập lăng. Kết án cũng là với lý do gây rối trật tự công cộng, không liên quan đến Pháp Luân Công. Thời điểm đó thì có thể thấy các phương tiện truyền thông chính thức, như đài BBC, đưa tin rất rõ ràng, và ghi là “nhóm người tự nhận là Pháp Luân Công”.
Tuy nhiên tôi chứng kiến là có hiện tượng “đồn thổi”, đưa tin một cách ác ý qua các con đường không chính thức, bóp méo sự việc này, đổ vấy cho Pháp Luân Công, gây hại đến uy tín của Pháp Luân Công.
Chủ trương phản đối đàn áp ở Trung Quốc bằng hình thức bất bạo động, phản đối đàn áp chứ không can thiệp sự vận hành chính trị, cái đó là hình ảnh rất rõ ràng của Pháp Luân Công trên thế giới rồi.
Một ví dụ khác để minh hoạ. Một nhóm khác đứng đầu bởi một kẻ tâm thuật bất chính là Hồ Hoàng Thái, chuyên đi lừa tình các cô gái trẻ như sinh viên. Hình thức của nhóm này là thông qua những “giáo lý” tà ác để tham gia học tập một mớ những thứ mà họ gọi là “Hoả Linh Công” “Bạch Long Công” và “Pháp Luân Công”. Tất nhiên cái mà họ gọi là “Pháp Luân Công” này là một mớ lộn xộn họ tự xào nấu mà thành thôi, không liên quan gì đến Pháp Luân Công, và đương nhiên không ai công nhận đó là Pháp Luân Công cả. Nói chung, nếu ai trộn lẫn Pháp Luân Công với bất kỳ cái gì khác, dù đó là môn tập khác hay là do điều gì đó họ tự trong đầu “nghĩ ra”, thì người đó không thể được gọi là học viên Pháp Luân Công. Đây là điều ghi rõ trong tài liệu của Pháp Luân Công rồi.
Riêng vụ việc Hồ Hoàng Thái, học viên Pháp Luân Công địa phương và một số gia đình cô gái bị nạn cũng đã đưa vụ việc lừa đảo này ra ánh sáng và đưa ra công an để kiện từ năm 2014. Nhưng đến hiện nay Hồ Hoàng Thái vẫn ở ngoài vòng luật pháp, và như chúng tôi được biết, vẫn lén lút hoạt động lừa đảo này.
Việc học Pháp Luân Công là không có ghi danh gì cả, ai muốn tập là tập, cũng không có bất kỳ hình thức kết nạp nào cả. Như vậy làm thế nào để biết ai đó có phải là học viên Pháp Luân Công hay không?
Trong nguyên tắc để trở thành học viên Pháp Luân Công là hành xử theo Chân Thiện Nhẫn, không vi phạm pháp luật, không tham gia chính trị. Chính vì thế nếu ai đó cho mình là học viên Pháp Luân Công nhưng lại vi phạm pháp luật, hay tham gia chính trị thì chắc chắn họ chỉ tự xưng là Pháp Luân Công.
Việc có những thành viên làm những việc như vậy, ngay từ đầu các học viên đã không xem họ là hành động của học viên Pháp Luân Công và thông báo rất nhiều trên mạng xã hội rồi, họ làm những gì đó là việc của vài cá nhân họ thôi, không có quan hệ đến các học viên Pháp Luân Công.
Cũng giống như ở trường học, thầy cô dạy cho học sinh phải nghe lời cha mẹ, không nói dối, nói bậy, ăn cắp. Nhưng học sinh không nghe lời, mà cứ nói dối, vậy nếu nói rằng nhà trường dạy học sinh nói dối thì có hợp lý không?
Phóng viên ĐKN: Trong một đoạn phim thời sự trình chiếu nói xấu Đại Pháp cho người dân xem có đoạn nói rằng Sư Phụ của Pháp Luân Công có nhấn mạnh cần phải phản kháng, phản kháng, điều này cụ thể là thế nào?
Anh Hưng: Trước khi Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7/1999, thì truyền thông Trung Quốc được tự do viết về Pháp Luân Công, nhiều bài ca ngợi Pháp Luân Công giúp chữa bệnh khỏe người cũng như nâng cao đạo đức người dân.
Vì thế để có lý do đàn áp Pháp Luân Công, từ năm 1997 đến 1999 công an Trung Quốc đã tìm chứng cớ để đàn áp nhưng họ không tìm được bất kỳ chứng cớ nào. Vì thế mà truyền thông Trung Quốc phải bịa ra rất nhiều chứng cớ để đàn áp, trong đó có cả chỉnh sửa lời nói của Sư phụ chúng tôi để có lý do đàn áp, ví như kêu gọi phải phản kháng gì đấy chẳng hạn.
Sau đó Trung Quốc đưa những chứng cớ kiểu này sang Việt Nam, và Việt Nam lại dùng nó để “tuyên truyền” cho người dân.
Thực tế chứng minh là trong suốt 16 năm bị bức hại vừa qua, các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới vẫn chỉ dùng biện pháp ôn hòa là đi nói rõ sự thật với con người thế gian, với các cấp chính quyền tại các nước, nhằm nâng cao sự nhận biết của mọi người đối với cuộc đàn áp giết hại người tu luyện tại Trung Quốc. Mong muốn của chúng tôi là, càng nhiều người biết thì Trung Quốc sẽ không thể mãi tiếp tục hành ác được nữa.
Phóng Viên ĐKN: Trong các “tuyên truyền” của chính quyền địa phương thì các học viên Pháp Luân Công ở Việt Nam chống lại ĐCS Trung Quốc, vấn đề này là như thế nào?
Anh Hưng: Hiện nay trên thế giới nhiều người đều biết rõ Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công, không chỉ cấm đoán tập luyện, mà còn phạm một tội ác to lớn là mổ cắp nội tạng người đang sống, thống kê cho thấy hơn 2 triệu học viên Pháp Luân Công bị mổ cắp nội tạng. Đứng trước tội ác này không chỉ là học viên Pháp Luân Công mà cả nhiều người khác cũng lên tiếng phản đối cuộc bức hại này.
Ở Việt Nam các học viên vẫn đi phát tờ rơi cho từng người, nói với bạn bè người thân, lên diễn đàn, hay chia sẻ trên mạng xã hội để cho mọi người biết Pháp Luân Công bị bức hại như thế nào, mục đích để nhiều người trên thế giới biết đến nhằm giúp chấm dứt tội ác này ở Trung Quốc.
Nếu như chúng tôi biết rõ tội ác này mà không nói ra thì liệu có còn lương tâm không? Có thể nào thấy chết mà không cứu không?
Vì thế các học viên chúng tôi thường dùng Thiện tâm nói lên sự thật nhằm chấm dứt tội ác ở Trung Quốc, chứ không phải nhằm mục đích chống lại ĐCS Trung Quốc.
Phóng viên ĐKN: Vậy việc tập luyện của các học viên trong nước hiện nay như thế nào, liệu Trung Quốc có can thiệp vào việc luyện tập của các học viên ở Việt Nam hay không?
Anh Hưng: Ở Việt Nam các học viên vẫn hay ra tập ở các công viên, một số nơi vẫn bị phía công an can nhiễu, đa phần bằng cách thông qua bảo vệ công viên hoặc những nhóm người lạ mặt nào đó, cũng có khi là trực tiếp công an địa phương và điều này đúng là có xuất phát từ Trung Quốc. Chẳng hạn như ở công viên Lê Văn Tám trong Sài Gòn năm 2011, ban đầu việc luyện tập diễn ra rất suôn sẻ, nhưng sau đó công an đến can nhiễu rất dữ dội, thậm chí đánh cả những người đến tập. Khi các học viên kiên quyết vẫn tập, thì có công an nói thẳng rằng: Lãnh Sự Quán Trung Quốc sắp chuyển tới gần đây (trên đường Hai Bà Trưng ngay kế công viên Lê Văn Tám), vì thế tốt nhất đi nơi khác tập.
Rõ ràng là phía Việt Nam họ sợ Trung Quốc biết trong nước có học viên tập luyện công khai mà không bị cấm, đó là nguyên nhân có việc can nhiễu từ phía công an.
Phóng Viên ĐKN: Pháp Luân Công là môn khí công tập luyện nhằm nâng cao sức khỏe, vậy vì sao ở Trung Quốc lại đàn áp, anh có thể nói qua về vấn đề này được không.
Anh Hưng: Pháp Luân Công bắt đầu được phổ truyền ở Trung Quốc vào năm 1992, Hiệp Hội Khí Công Trung Quốc có tổ chức “Hội sức khỏe đông phương” 2 năm liền 1992 và 1993, quy tụ tất cả các môn khí công nổi tiếng nhất Trung Quốc, cũng như các nơi khác. Kết quả 2 năm này Pháp Luân Công đều đứng đầu và đoạt hầu hết các danh hiệu cao quý nhất, như ‘minh tinh công phái’, ‘giải vàng đặc biệt’, giải thưởng ‘thúc đẩy tiến bộ khoa học’, và người sáng lập Pháp Luân Công là ông Lý Hồng Chí đoạt giải thưởng ‘Khí công sư được yêu thích nhất’.
Kể từ đó người dân tham gia luyện tập rất đông, báo chí, truyền hình đều ca ngợi Pháp Luân Công giúp người dân nâng cao sức khỏe và đề cao đạo đức xã hội nhờ sống theo tiêu chuẩn “Chân-Thiện-Nhẫn”, điều này đem lại sự đố kỵ cho lãnh đạo Trung Quốc lúc đó là Giang Trạch Dân, ông ta chỉ muốn tư tưởng của Đảng là duy nhất chi phối người dân, vì thế mà luôn muốn tiêu diệt Pháp Luân Công.
Việc đàn áp Pháp Luân Công diễn ra vào tháng 7/1999, bất chấp trước đó Chủ tịch Quốc Hội Kiều Thạch vừa kết thúc nhậm kỳ, năm 1998 đã lập một nhóm điều tra của mình và đưa ra kết luận thẳng thắn: “Pháp Luân Công đối với đất nước và nhân dân chỉ có trăm điều lợi mà không có một điều hại.” Đồng thời Ủy ban Thể thao Quốc gia cũng vào cuộc, sau 5 tháng điều tra, ủy ban này đưa ra kết luận rằng họ đã bị thuyết phục hoàn toàn bởi tác dụng kỳ diệu của Pháp Luân Công và đồng thời kiến nghị cần có cái nhìn đúng đắn về môn tập này.
Phóng viên ĐKN: Liệu các việc làm của học viên Pháp Luân Công có làm ảnh hưởng đến ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc hay không?
Anh Hưng: Tôi nghĩ rằng đây chỉ là áp lực của Trung Quốc lên lãnh đạo cấp cao thôi, còn ở cấp độ quốc gia thì không thể ảnh hưởng gì. Mà tình thế Trung Quốc cũng đang thay đổi rồi, ông Tập Cận Bình cũng đang muốn kết thúc cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Vì thông qua chiến dịch đả hổ diệt quan tham, ông Tập Cận Bình đã “xử lý” dần dần tất cả “tay chân” của ông Giang Trạch Dân và đang tiến áp sát ông ta. Theo giới phân tích nhìn nhận thì sẽ không lâu nữa, người cầm đầu đàn áp Pháp Luân Công, ông Giang Trạch Dân sẽ bị bắt giữ. Đây cũng là cách ông Tập Cận Bình âm thầm giải quyết luôn vấn đề làm ông ấy đau đầu với cộng đồng quốc tế và làm xấu mặt Trung Quốc trên thế giới: vấn đề Pháp Luân Công.
Phóng viên: Cuối cùng anh có điều gì muốn chia sẻ với độc giả Đại Kỷ Nguyên hay không
Anh Hưng: Việt Nam đã tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, và mới đây nhất là tham gia Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Thiết nghĩ Việt Nam nên hòa vào trào lưu tiến bộ trên thế giới.
Hiện nay các nơi trên thế giới đều phản đối Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công, nhất là tội ác mổ cắp nội tạng học viên là điều không ai chấp nhận được. Nhân ngày Nhân quyền Quốc tế vừa qua, rất nhiều Nghị viên châu Âu đã giơ biểu ngữ “xử ông Giang Trạch Dân theo pháp luật” để ủng hộ học viên Pháp Luân Công và kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp tại Trung Quốc.
Trong cuộc thi chung kết Hoa hậu Thế giới tại Trung Quốc vừa rồi, Hoa hậu Thế giới Canada Anastasia Lin, một học viên Pháp Luân Công đại diện cho Canada đến Trung Quốc tham gia cuộc thi này nhưng chính quyền Trung Quốc tìm mọi cách ngăn cản không cấp visa nhập cảnh vì sợ cô sẽ nói sự thật cho người Trung Quốc biết. Rốt cuộc là truyền thông hãng lớn của các nước Anh, Mỹ, Pháp, Hàn v.v… đều đưa tin về việc này. Điều đó chứng tỏ thế giới đã biết rõ về những việc làm này của Trung Quốc và đang lên tiếng cho các học viên Pháp Luân Công. Việt Nam cũng nên hòa vào trào lưu tiến bộ này của thế giới mà không nên bao che tội ác cho Trung Quốc nữa.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn anh đã tham gia buổi phỏng vấn
daikynguyenvn.com