Jussuf Kaifi cho biết: “Đây là một phát hiện đầy hứa hẹn có khả năng cải thiện quá trình sàng lọc, cải thiện kết quả điều trị ung thư và giảm các can thiệp không cần thiết cũng như các bệnh tật liên quan”. (Ảnh: unsplash.com)
Các nhà nghiên cứu cho biết xét nghiệm máu có thể giúp xác định liệu các cục u được phát hiện trong quá trình chụp CT có phải là ung thư phổi hay không.
Việc tầm soát và sàng lọc hàng năm đối với người có nguy cơ mắc ung thư phổi cao giúp phát hiện sớm khối u và cải thiện tiên lượng lâu dài cho bệnh nhân. Tuy nhiên, chụp cắt lớp vi tính mức thấp (LDCT) có tỷ lệ dương tính giả cao khiến bệnh nhân phải làm các xét nghiệm sinh thiết không cần thiết.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện “dấu ấn sinh học” (Biomarker – những phân tử biểu hiện một dữ kiện sinh học) trong máu nhằm hỗ trợ cho LDCT phân biệt ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) với các u lành, giảm thiểu sinh thiết xâm lấn.
Theo chuyên gia Jussuf Kaifi – bác sĩ phẫu thuật ung thư tại MU Health Care và là trợ lý giáo sư phẫu thuật tại Đại học Y Missouri: “Đó là một xét nghiệm máu đơn giản để kiểm tra hai điều: (1) các tế bào khối u tuần hoàn (CTC) tách ra khỏi khối u nguyên phát và lưu thông trong máu; (2) các tế bào hợp nhất khối u (đại thực bào TMF) đã được xác định là có tiên lượng sống kém sau phẫu thuật ung thư phổi”.
Nhóm của Kaifi đã thu thập mẫu máu từ 221 bệnh nhân, gồm 90 bệnh nhân NSCLC, 74 bệnh nhân sàng lọc nguy cơ cao không có u hoặc lành tính và 37 bệnh nhân được xác định là có nốt đáng ngờ bằng LDCT. Các nhà nghiên cứu cũng đã thử nghiệm với một nhóm đối chứng gồm 20 người chưa bao giờ hút thuốc và có nguy cơ mắc ung thư phổi thấp.
Kaifi cho biết: “Khi chúng tôi thu thập các mẫu từ các bệnh nhân trong nghiên cứu của mình, chúng tôi đã tìm thấy CTC ở tất cả 90 bệnh nhân mắc NSCLC, không có bệnh nhân nào trong nhóm đối chứng và ở 29 trong số 37 bệnh nhân có nốt đáng ngờ. Chúng tôi cũng tìm thấy các tế bào TMF ở một số bệnh nhân NSCLC và những tế bào này không có ở những bệnh nhân có u lành tính”.
Tuy nhiên, nhóm của Kaifi nhận thấy rằng sự hiếm có của các tế bào TMF có thể khiến chúng trở thành dấu ấn sinh học không phù hợp để phát hiện ung thư sớm. Chỉ 48% bệnh nhân mắc NSCLC được xét nghiệm dương tính với đại bào TMF. Bước tiếp theo là tiến hành một thử nghiệm lâm sàng đa chiều, quy mô lớn và tiềm năng để xác nhận vai trò của xét nghiệm máu trong việc cải thiện độ chính xác của chẩn đoán.
Kaifi cho biết: “Nghiên cứu đã chứng minh rằng việc tích hợp các dấu ấn sinh học dạng lỏng của tế bào, tế bào CTC và tế bào TMF vào các giao thức sàng lọc LDCT được tiêu chuẩn hóa có thể cải thiện độ chính xác của việc phát hiện NSCLC ở những bệnh nhân có nguy cơ cao qua các nốt chụp từ LDCT”.
“Đây là một phát hiện đầy hứa hẹn có khả năng cải thiện quá trình sàng lọc, cải thiện kết quả điều trị ung thư và giảm các can thiệp không cần thiết cũng như các bệnh tật liên quan”.
Nghiên cứu của họ xuất hiện trên tạp chí JCO Precision Oncology.
Nghiên cứu được báo cáo trong ấn phẩm này được hỗ trợ bởi Giải thưởng thí điểm của Trung tâm Ung thư Ellis Fischel và tài trợ từ Bộ Cựu chiến binh. Nội dung hoàn toàn thuộc trách nhiệm của các tác giả và không nhất thiết thể hiện quan điểm chính thức của các cơ quan tài trợ.
(Bài đăng trên The Epoch Times – Epoch Health theo: University Of Missouri)
Theo The Epoch Times – Epoch Health tiếng Anh
Thanh Trúc biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam