Nói chung, con người không thể sống lại sau khi chết, nhưng bắt nguồn từ Đạo pháp tự nhiên của Đông y cổ đại, đã không ngừng diễn dịch các phép lạ y học giúp người chết sống lại (Shutterstock)
Người xưa có câu, nhất đức, nhị mệnh, tam phong thuỷ. Có thể thấy rằng số phận được hình thành từ âm đức tích lũy trong nhiều kiếp. Nói chung, con người không thể sống lại sau khi chết, nhưng bắt nguồn từ đạo pháp tự nhiên của Đông y cổ đại, đã không ngừng diễn dịch các phép lạ y học giúp người chết sống lại. Nếu như ‘đức’ là căn bản của ‘mệnh’ thì những người từ cõi chết hồi sinh sống lại chính là mệnh chưa tuyệt, và sự xuất hiện đúng lúc của những Thần y mang y thuật thần kỳ cũng là do nhân quả sinh ra giữa Đức, Phúc, Lộc và Thọ.
Diệu thủ hồi xuân của thầy thuốc thời đại nhà Tống
Vào thời Hoàng đế Tống Cao Tông trước đây khi còn là Khang Vương, có ông Hàn Công Duệ (tự Tử Ỷ) từng là một đại công thần phò trợ hoàng đế sáng lập cơ nghiệp, kế vị ngai vàng. Đến năm Thiệu Hưng, Hoàng đế đã bổ nhiệm ông làm Quan sát sứ ở Quảng Châu, và yêu cầu ông vào cung diện thánh, nhưng ông lại đột ngột bị đổ bệnh. Hoàng đế cử ngự y Vương Kế Tiên đi chữa trị, nhưng thái y sau khi nhìn thấy ông đã nói: “Bệnh này hết cách chữa rồi.”
Một lúc sau, Hàn Công Duệ quả nhiên tắt thở, cả nhà vây quanh giường gào khóc. Vương Kế Tiên lập tức viết một tấu chương gửi cho Hoàng đế, thỉnh ngài ban cho Hàn gia ba trăm lạng bạc và ba trăm tấm lụa để làm chi phí tang lễ.
Người nhà đã chuẩn bị xong quan tài, bàn tính đưa Hàn Công Duệ nhập liệm mai táng. Đột nhiên, có một vị thầy thuốc dân gian đi ngang qua cửa nhà ông, sau đó quay trở lại cửa nhà và nói lớn vào trong: “Ở đây có ai mắc bệnh nan y không?”
Con cái nhà họ Hàn nghe thấy vậy lập tức chạy ra mời vị thầy thuốc này vào nhà.
Vị thầy thuốc xem sắc mặt Hàn Công Duệ, bắt mạch, rồi châm cứu trên cánh tay tay và chân của ông. Sau khi làm lặp đi lặp lại ba lần, thì mũi Hàn Công Duệ bắt đầu có hơi thở. Một lúc sau, trong miệng ông còn phát ra tiếng rên nhẹ. Vị thầy thuốc sai người bón thuốc sắc cho ông, đến nửa đêm thì ông tỉnh hẳn.
Ngày hôm sau, Hàn Công Duệ đã có thể ra khỏi giường. Ông tấu với Hoàng đế rằng muốn trả lại ba trăm lượng bạc và ba trăm tấm lụa, nhưng Hoàng đế không thu hồi mà lại ban lại cho ông để lấy tiền chữa bệnh. Người nhà họ Hàn thấy Hoàng đế quá sủng ái ông như thế, đã nói đùa rằng: “Nhà họ Hàn chúng tôi luôn nghèo khó, nếu chúng tôi thực sự có thể chết một lần như Hàn Công Duệ thì tốt biết mấy!”
Thấy ông chết mà lại được phục sinh, Hoàng đế cũng rất vui mừng, thậm chí còn sủng ái ông nhiều hơn trước. Tần Cối đã xúi giục các quan cấp dưới buộc tội ông, Hoàng đế phải cử ông đi nơi khác làm quan. Sau khi Tần Cối chết, Hoàng đế phục chức cho ông, còn ban cho ông một dinh thự. Cao Tông nói với ông: “Trẫm và Thái tử đều muốn gặp khanh thường xuyên, nên an bài để khanh ở gần một chút.”
Về sau, Hàn Công Duệ làm Tiết độ sứ quân Hoa Dung trong hơn 30 năm rồi mới qua đời. Vào năm ông trao quyền về nghỉ hưu, Hoàng đế Hiếu Tông để khen ngợi lòng trung nghĩa cùng công lao của ông, đã hạ chiếu đến châu quận, nha môn hậu đãi ông. Sau khi ông qua đời, Hoàng đế Hiếu Tông đã thêm quan tước cho ông, còn ban thụy hiệu cho ông, ngay cả tám người thân thích của ông cũng được phong quan. Tiền mai táng do Hoàng đế ban thưởng cũng được đổi từ lụa bạc thành lụa vàng.
Tiên đan diệu dược của cư sĩ thời Hậu Đường
Vào cuối đời Đường, có một cư sĩ họ Vương tu Phật, ông ngày ngày vui vẻ ha ha, là một người thông đạt và lạc quan. Ông thường cầm một chuỗi tràng hạt, miệng tụng niệm kinh, đi dạo qua các ngõ phố và đưa cho người khác những viên thuốc bí chế của mình. Tuy rằng đã bảy tám mươi tuổi nhưng ông vẫn tráng kiện tóc bạc mặt hồng, không có chút dấu hiệu của sự già nua. Nhà ông trên dưới tổng cộng có mười mấy người đều có cuộc sống không quá nghèo cũng không quá dư dả.
Một ngày nọ, ông đến thăm Linh Ứng Đài ở Chung Nam Sơn, ông nhìn thấy một ngôi chùa Quan Âm vừa được đặt nền móng. Ông hỏi thăm một nhà sư, mới biết cột trụ và xà nhà đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng vì đường núi khó đi, đang cần phải quyên góp ba trăm quan tiền để thuê nhân công vận chuyển gỗ dưới chân núi lên. Nghe những gì nhà sư nói, Vương cư sĩ ngay lập tức đồng ý giúp nhà sư quyên góp số tiền này trong vòng mười ngày.
Sau khi xuống núi, ông không về nhà mà đi đến kinh thành, tìm gặp một số người quen mà ông biết trước đó và nói với họ: “Tôi muốn quyên góp tiền để xây dựng chùa Quan Âm. Nếu ông biết có gia đình giàu có nào có người mắc bệnh nan y, xin hãy báo cho tôi biết ngay“.
Mấy ngày sau, có người tìm đến ông và nói rằng ở phường Diên Thọ có một nhà bán đồ ngọc, vàng, bạc, chủ tiệm có một cô con gái mười lăm tuổi bị bệnh rất nặng, đã mời rất nhiều thầy thuốc đến khám chữa nhưng đều không khỏi, bây giờ muốn ông đến xem xem.
Vừa nhìn thấy chủ tiệm, ông liền cầu xin: “Chùa Quan Âm mà tôi muốn xây cất đã phải ngừng thi công nhiều ngày rồi, tôi muốn gửi tiền đến đó trước để họ nhanh chóng khởi công xây dựng, còn bệnh tình của con gái ngài thì đừng lo lắng, tôi sẽ cố gắng hết sức để chữa khỏi bệnh cho cháu. Đây là viên thuốc hoàn dùng để trị bệnh, xin hãy bảo quản nó cẩn thận trước, tôi đi rồi sẽ sớm quay lại“.
Cư sĩ Vương cũng lập một chứng cứ thỉnh cầu người chủ tiệm vàng đợi ông trong mười ngày. Chủ tiệm vàng cũng là một Phật tử nên đã đồng ý với yêu cầu của ông.
Mười ngày trôi qua, cư sĩ Vương vẫn chưa trở lại, còn con gái của chủ tiệm vàng thì đột nhiên qua đời. Ngay khi người nhà cô vừa chuẩn bị quan tài xong, thì cư sĩ Vương phong trần mệt mỏi chống gậy quay trở lại. Người chủ tiệm vàng vừa nhìn thấy ông đã nổi trận lôi đình, còn tuyên bố sẽ đưa ông đến quan phủ. Nhưng cư sĩ Vương lại an ủi ông và nói: “Nếu tôi thực sự muốn lừa gạt ngài, tôi đã không quay lại, mau cho tôi đi gặp con gái của ngài đi!“
Ông bước vào phòng trong thoạt nhìn thì thấy người con gái đã toàn thân cứng ngắc, đã chết từ lâu. Ông yêu cầu người nhà chuẩn bị một căn phòng riêng, kê một chiếc giường trong đó rồi sai người khiêng cô gái lên giường. Sau đó, ông bắt đầu đốt những cành liễu và cành nguyệt quế ở trong phòng, để khói từ từ bốc lên. Ông bóc mấy viên thuốc mang theo, rắc lên trán và mũi của bệnh nhân, rồi sai người mang một cái chậu đồng, đổ nước ấm vào, đặt vào chỗ lồng ngực của người bệnh. Cuối cùng, ông yêu cầu mọi người xung quanh rời đi, còn ông ở lại trong phòng, đóng cửa ra vào và cửa sổ.
Ông canh chừng cho đến rạng sáng, khói trong phòng tản đi hết, nhưng những vách tường thì bị khói hun đến đen kịt. Ông chạm tay vào muội than trên tường, nhúng ngón tay vào nước trong chậu đồng và nói: “Còn cứu được.”
Lúc này, cư sĩ Vương sai người mang đến một bát sữa nhỏ, nghiền nát các viên thuốc rồi rắc lên trên. Ông nhỏ giọt sữa lên môi người bệnh, nhìn thấy sữa nhanh chóng chảy vào miệng cô gái, ông vui mừng nói: “Không sao rồi.”
Sau đó, ông nhẹ nhàng đặt một mảnh vải lụa lên miệng và mũi của người bệnh, rồi đặt lại chiếc chậu đồng đựng nước ấm lên trên lồng ngực cô. Đêm đến, ông lại thắp nến và tiếp tục chờ đợi, chỉ nhìn vào bình đồng nhỏ giọt (công cụ đếm thời gian trước kia). Một lát sau, tấm vải lụa bắt đầu hơi gợn sóng, cuối cùng, một chút hơi thở từ mũi và miệng của cô gái thoát ra. Một lúc sau, trong chậu đồng chứa nước cũng xuất hiện những gợn sóng.
Vương cư sĩ lại nhỏ một ít sữa vào mũi cô gái. Không lâu sau, cô đột nhiên hắt hơi. Đến rạng sáng, hơi thở và nhịp tim của cô gái đã hoàn toàn trở lại bình thường.
Tận mắt chứng kiến việc người nhà chết đi sống lại, gia đình vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, còn chủ tiệm vàng thì cảm thấy rất có lỗi với cư sĩ Vương. Không lâu sau, cô gái kết hôn, sinh được mấy người con rồi mới qua đời.
Theo Vương Du Duyệt – The Epoch Times
Đức Nhã biên dịch
Tài liệu tham khảo: “Di Kiên Chí” quyển 3, tập 18
NTD Việt Nam