Lần thứ ba bà chuyển nhà đến gần trường học. (Tranh Bình Minh – NTDVN)
Mạnh Tử (372 TCN – 289 TCN) là người Trâu Thành, tỉnh Sơn Đông. Ông là một nhà tư tưởng và nhà giáo dục vĩ đại thời Trung Quốc cổ đại, ông cũng là một trong những nhân vật đại biểu của Nho giáo trong thời Chiến Quốc. Ông được mệnh danh là ông tổ thứ hai của Nho giáo và được hậu thế tôn làm “Á Thánh Mạnh Tử” (tức là chỉ đứng sau Khổng Tử).
Mẹ của Mạnh Tử là người nước Trâu (tên gọi vào thời Chu, nay ở vùng huyện Trâu, tỉnh Sơn Đông) trong thời Chiến Quốc. Mạnh Tử lên ba tuổi thì mồ côi cha, ông lớn lên dưới sự chăm sóc và dạy dỗ ân cần của mẹ. Mẹ của Mạnh Tử là người cần cù tiết kiệm, giỏi chịu đựng gian khổ, luôn giữ vững sự chính trực và trinh tiết của mình.
Bà rất thận trọng trong việc nuôi dạy con trai lên người, luôn lấy bản thân để truyền nguồn cảm hứng cho con, dạy con tính trung thực, khích lệ con học tập chăm chỉ. Mạnh Tử sau này đã đạt được rất nhiều thành tựu, tất nhiên, chúng ta không thể không nhắc đến người mẹ mẫu mực của ông.
Khi Mạnh Tử còn nhỏ, cha ông mất sớm, hai mẹ con ông sống nương tựa vào nhau. Lúc đầu, hai mẹ con Mạnh Tử sống cạnh nghĩa trang, Mạnh Tử thường chơi trò tang lễ với trẻ con hàng xóm, bắt chước cách người lớn quỳ xuống và khóc lóc. Mẹ của ông nhìn thấy vậy và cho rằng, đây không phải là nơi con mình nên sống. Thế là, bà dẫn Mạnh Tử chuyển nhà ra gần chợ.
Khi đến khu chợ, Mạnh Tử và những đứa trẻ hàng xóm thường bắt chước cách buôn bán của các thương nhân, lúc thì đứng cúi chào khách, lúc thì lại mặc cả giá với khách. Sau khi mẹ ông phát hiện ra, bà cảm thấy nơi này cũng không thích hợp đối với trẻ con. Vì vậy, hai mẹ con Mạnh Tử liền chuyển đến gần trường học. Ở đây, Mạnh Tử bắt đầu hình thành lối sống ngăn nắp, hiểu phép tắc lịch sự và thích đọc sách.
Lúc này, mẹ Mạnh Tử hài lòng nói: “Đây mới chính là nơi con trai mình nên ở!”
Mẹ Mạnh Tử đã nhiều lần chuyển nhà để lựa chọn được môi trường tốt nhất cho việc giáo dục con cái.
Mẹ của Mạnh Tử không chỉ chú trọng đến môi trường sống xung quanh, mà còn rất chú trọng đến sự mẫu mực trong lời nói và việc làm. Bà đã dùng chính lời nói và hành động của mình để truyền cảm hứng cho con, dạy dỗ con tính trung thực và lương thiện, cho con hiểu thế nào là “ngôn tất hành, hành tất quả” (nói ắt phải thực hiện, thực hiện ắt phải có kết quả).
Lúc hai mẹ con sống cạnh chợ, hàng xóm có người đang giết lợn, Mạnh Tử bối rối hỏi mẹ: “Nhà hàng xóm giết lợn làm gì vậy ạ?”
Mẹ của Mạnh Tử khi đó đang bận, bà thuận miệng trả lời: “Để cho con ăn đó!”.
Mạnh Tử nghe xong liền cảm thấy rất vui mừng, thế là cậu chờ đợi để có thịt ăn. Để không thất hứa với con trai, mẹ của Mạnh Tử đã phải bỏ ra một số tiền mà bản thân vất vả tích góp, sau đó mua thịt để cho con trai ăn.
Khi Mạnh Tử còn nhỏ, ban đầu cậu học hành không chăm chỉ. Một lần nọ khi Mạnh Tử đi học về, mẹ ông đang ngồi dệt vải, thấy Mạnh Tử bà liền hỏi: “Việc học của con thế nào rồi?”
Mạnh Tử thản nhiên trả lời: “Cũng giống như xưa thôi ạ”.
Mẹ Mạnh Tử nhìn thấy vẻ mặt thờ ơ của con trai liền cảm thấy rất tức giận, bà đã dùng kéo cắt tấm vải mới dệt.
Mạnh Tử thấy vậy liền rất sợ hãi, ông không hiểu nguyên do sự việc nên đã hỏi mẹ. Mẹ ông nói: “Con xao nhãng việc học, cũng giống như mẹ cắt tấm vải này. Người có đức hạnh học tập là để dựng lập danh tiếng, chỉ có học tập mới có thể nâng cao kiến thức. Do vậy, họ bình thường có thể bình an vô sự, làm việc thì có thể tránh được tai họa. Nếu bây giờ con bỏ bê việc học, sau này sẽ khó tránh khỏi những công việc lao động thấp hèn, cũng khó tránh khỏi tai họa”.
Mạnh Tử nghe xong liền cảm thấy rất cảm động, từ đó, ông siêng năng học hành từ sáng đến tối, cuối cùng trở thành một nhà Nho nổi tiếng khắp thiên hạ.
Theo Sở Thiên – The Epoch Times
Thiện Bảo biên dịch
NTD Việt Nam