Quất (hay tắc) có hình dạng và kết cấu giống cam quýt, nhưng kích cỡ nhỏ hơn. Loại quả này thường được sử dụng làm gia vị cho món ăn hoặc nước chấm. (Paro Nguyen Flickr – CC BY-NC-ND 4.0 DEED)
Quất (hay tắc) có hình dạng và kết cấu giống cam quýt, nhưng kích cỡ nhỏ hơn. Loại quả này thường được sử dụng làm gia vị cho món ăn hoặc nước chấm. Tuy nhiên, bạn có biết quất cũng có những công dụng kỳ diệu đối với sức khỏe, kể cả hạt quất cũng không hề vô dụng.
Những công dụng bất ngờ từ quả quất
1. Nâng cao miễn dịch
Chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan Lin Li Cen nói rằng quả quất không chỉ chứa nhiều vitamin C, mà còn rất giàu cryptoxanthin, giúp kích hoạt các tế bào miễn dịch trong cơ thể, ngăn ngừa sự xâm nhập của virus cũng như sự xuất hiện của tế bào ung thư.
2. Chống say xe
Quả quất có mùi thơm đặc trưng giúp thư thái tinh thần, góp phần làm giảm các triệu chứng khó chịu khi ngồi trên xe.
3. Ngừa ho
Y học cổ truyền cho rằng tính ấm của quất và mùi thơm đặc biệt giúp nó có tác dụng điều hòa khí và giảm ho, giảm đờm, rất phù hợp để trị ho, viêm họng hoặc cảm lạnh.
4. Ngăn ngừa lão hóa
Ăn quất thường xuyên giúp làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể và giảm thiểu nếp nhăn, đốm đồi mồi. Điều này có được là nhờ hàm lượng vitamin C trong quất có thể loại bỏ các gốc tự do, từ đó thúc đẩy tổng hợp collagen.
5. Bảo vệ sức khỏe của mạch máu
Quất chứa các chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin P, vitamin C – có thể tăng cường độ đàn hồi của mao mạch, ngăn ngừa xơ cứng và vỡ động mạch.
6. Thúc đẩy tiêu hóa
Axit hữu cơ trong quất cùng các thành phần dễ bay hơi (hesperidin) của vỏ giúp kích thích tiết dịch tiêu hóa, tạo cảm giác ngon miệng và hỗ trợ tiêu hóa thức ăn hiệu quả.
Trong quả quất có gì?
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, 100 gram quất sống chứa:
- 75 kcals năng lượng
- 15,9 gram carbohydrate
- 1,8 gram chất đạm
- 0,8 gram chất béo
- 6,5 gram chất xơ
So với nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày (DV), lượng vitamin và các khoáng chất có trong quất bao gồm:
- Vitamin A: 15 mcg (2% DV)
- Riboflavin: 0.09 mg (8% DV)
- Choline: 8.4 mg (2% DV)
- Canxi: 62 mg (6% DV)
- Sắt: 0.87 mg (7% DV)
- Magie: 20 mg (6% DV)
- Mangan: 0.13 mg (6% DV)
- Kẽm: 0.17 mg (2% DV)
Để bổ sung vitamin C, bạn có thể ăn khoảng 4-5 quả mỗi ngày. Mức này đủ đáp ứng hơn 50% nhu cầu của cơ thể.
Ăn quất như thế nào?
Thông thường, nhiều người quen bóc vỏ và ăn thịt quả, phần hạt bỏ đi. Tuy nhiên, cách ăn loại quả này không chỉ dừng ở đó.
Theo Vinmec, để có tác dụng tốt nhất, bạn nên ăn cả thịt và vỏ quất.
Nếu bạn không chịu được vị chua, có thể ép hết nước của quả trước khi ăn. Tất nhiên, có người sẽ ăn cả trái quất trong một lần, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào sở thích của mỗi người.
Một cách khác, bạn thử vo tròn nhẹ trái cây, điều này giúp giải phóng tinh dầu trong vỏ cũng như trộn lẫn hương vị của vỏ và thịt quả.
Ngoài ra, bạn có thể ăn hạt quất (nếu muốn), mặc dù có vị đắng, nhưng hạt ăn được và vỏ của quả quất cung cấp một lượng nhỏ chất béo omega-3, tốt cho não bộ.
Hướng dẫn chọn quất ngon và bảo quản
Tốt nhất nên ăn các loại quất hữu cơ, tuy nhiên giá thành của chúng thường không quá rẻ. Nếu quất không phải là nguồn hữu cơ, bạn nên rửa thật sạch để giảm thiểu dư lượng thuốc trừ sâu.
Về màu sắc, bạn nên chọn quất có màu cam tươi sáng, màu xanh lá là dấu hiệu cho thấy quất chưa chín. Nếu quất có các đốm mềm hoặc vỏ đổi màu thì không nên chọn.
Để cảm nhận, bạn nên bóp nhẹ và chỉ chọn những quả căng mọng, săn chắc.
Bạn nên bảo quản quất trong tủ lạnh tối đa hai tuần, nếu bảo quản ở nhiệt độ bình thường, quất sẽ nhanh hỏng.
Ngoài ăn trực tiếp, quất còn có thể dùng để làm mứt, salad, kẹo, ngâm mật ong, thậm chí pha trà cùng với nước ngâm quất…
Nhật Duy tổng hợp
NTD Việt Nam