Con người ai cũng có lỗi lầm, nhưng có thể thành tâm lắng nghe ý kiến phê bình và chỉ trích, hơn nữa còn khiêm tốn chỉnh sửa lại, thì chỉ người có Đức mới làm được. Đường Thái Tông là vị Thánh quân minh chủ hiếm có trong lịch sử. Ông cho phép tự do ngôn luận, khiêm tốn chiêu nạp người can gián. Dưới đây là những câu chuyện xưa được ghi chép lại trong sử sách, kể về việc Đường Thái Tông “Thành tâm cầu lời khuyên, vui mừng khi được góp ý”. Thân là Thiên tử nhưng sự khiêm tốn và tấm lòng quảng đại của Đường Thái Tông xứng đáng là gương mẫu cho con cháu đời sau.
Thái Tông từng nổi giận với Mục Dụ là một vị quan chuyên trông coi vườn thượng uyển phía Tây, đã hạ chiếu chém đầu tại triều đình. Hoàng thái tử vội vàng khuyên can, Thái Tông vui vẻ nói: “Trẫm ban đầu có được Ngụy Chinh, ông ấy có thể ngày đêm cố vấn cho ta. Ngụy Chinh qua đời rồi, thì Lưu Ký, Sầm Văn Bổn, Mã Chu, Chử Toại Lương tiếp tục việc ấy. Con trai ta một thời gian dài thấy ta thích nghe lời khuyên can, bởi vậy hôm nay cũng bước ra khuyên can, quả thật là thói quen đã trở thành tự nhiên rồi!”.
Có một lần Thái Tông đột nhiên bảo quần thần: “Trẫm hôm nay muốn nghe người khác kể ra lỗi lầm của bản thân, các khanh hãy vì Trẫm mà nói ra đi”. Rất nhiều quan đại thần đều từ chối nói rằng Hoàng đế có Đức lớn đã làm cho thiên hạ được thái bình, họ không phát hiện ra lỗi lầm nào cả. Chỉ có quan Thượng thư hữu thừa tên là Lưu Ký nói:“Gần đây đúng là có người dâng thư kể ra những điều thánh chỉ không phù hợp. Có khi bệ hạ ở trước mặt truy hỏi căn nguyên cho đến tận cùng, không ai không xấu hổ thẹn thùng, đây sợ rằng không phải là điều mà người can ngăn muốn gặp phải”. Thái Tông nói: “Khanh nói đúng, Trẫm cần phải sửa”.
Thái Tông căm giận bọn tham quan ô lại, muốn nghiêm khắc tăng cường trừng trị bọn chúng, thế là để cho thuộc hạ phái người âm thầm tặng quà cho các vị Tào ti. Có một người tiếp nhận quà biếu, Thái Tông hạ lệnh xử chém. Lúc ấy Thượng thư bộ dân tên là Bùi Cự nói: “Quan lại nhận hối lộ tất nhiên cần phải xử tử, song bệ hạ dùng mứu kế lừa gạt người đó. Đó gọi là phạm tội lừa gạt người khác, không phải là biện pháp dùng Nhân nghĩa mà hướng dẫn cho người dân”. Thái Tông nghe xong, bảo quần thần: “Bùi Cự có thể tranh luận giữa triều đình, không thuận theo những điều không thích đáng, nếu việc gì cũng được như thế, thiên hạ chắc chắn phồn vinh ổn định”.
Lúc Thái Tông lên ngôi, nhiều lần đi chơi và phi ngựa bắn cung, lúc ấy quan Đại lý thiếu khanh là Tôn Phục Già khuyên can, cho rằng đây không phải là chuyện làm gương mẫu cho đời sau, không thể làm như vậy được. Thái Tông nói: “Khanh có thể chỉ ra lỗi lầm của Trẫm, Trẫm có thể sửa chữa lỗi lầm, thiên hạ có thể được thái bình!”.
Năm đầu thời Trinh Quán, quan Trung thư xá nhân tên là Cao Phùng dâng sớ khuyên can, kèm theo kể rõ ra 5 sự việc mà Hoàng đế dùng người không thích đáng, không trân quý tài lực vật lực. Thái Tông xem xong hết sức tán thưởng. Cao Phùng sau này lại nhiều lần dâng sớ trình bày những chỗ hay dở của triều chính, ngôn từ thành khẩn, Thái Tông cũng luôn đón nhận một cách chân thành.
Có lần sao chổi xuất hiện một cách lạ thường, duy trì suốt 100 ngày. Thái Tông trưng cầu ý kiến của quần thần, đại thần Ngu Thế Nam kể chuyện Tề Cảnh Công làm việc có Đức chính khiến sao chổi biến mất làm thí dụ, khuyên Thái Tông không nên bởi vì công cao mà tự tâng bốc bản thân, không nên bởi được thái bình lâu dài mà kiêu ngạo, trước sau cần phải thận trọng. Thái Tông nói: “Đúng vậy, ta quả thật không có lỗi lầm như Tề Cảnh Công. Ta năm 18 tuổi thì cầm nghĩa binh, 24 tuổi bình định được thiên hạ, không đến 30 tuổi thì lên ngôi Hoàng đế, tự nhận từ thuở 3 vị Vương (chỉ Nghiêu Thuấn Vũ) tới nay, các vị Đế vương chưa ai được như ta, cho nên tự kiêu ngạo tâng bốc, khinh thường nhân sỹ trong thiên hạ. Thượng Thiên hiển bày hiện tượng kỳ dị, sợ rằng chính vì lý do này chăng? Tần Thủy Hoàng tiêu diệt 6 nước, Tùy Dương Đế giàu có 4 bể, cuối cùng đều vì kiêu ngạo mà thất bại, ta sao có thể không lấy đó làm gương?”.
Trong cung có quan Ngự sử tên là Trương Hành Thành một lần hầu tiếp tiệc rượu, Thái Tông nói tới người Sơn Đông và người Quan Trung, ngữ khí có chỗ thiên vị. Trương Hành Thành nói: “Thiên tử lấy bốn bể là nhà, không thể lấy Đông Tây làm giới hạn, như thế chính là để cho người dân thấy mình nhỏ nhen hẹp hòi”. Thái Tông tán thưởng, ban cho ông ta một con ngựa tốt, 10 vạn tiền, một bộ y phục. Hơn nữa từ đó về sau gặp chuyện chính sự trọng đại, Hoàng đế đều để cho ông ta tham dự bàn luận. Thái Tông có lần nói với quần thần trong lịch sử rất nhiều Đế vương, đều nhờ có được những người phò tá tài giỏi mà nắm được thiên hạ, còn bản thân Thái Tông là Đế vương, lại tự mình kiêm làm những sự việc ấy. Trương Hành Thành bởi vậy dâng sớ, cho rằng đó là tranh công cùng với quần thần, Thái Tông cũng tiếp nhận ý kiến của ông ta.
Đỗ Chính Luân, Vi Đỉnh, Ngu Thế Nam và Diêu Tư Liêm có thể không quan tâm an nguy bản thân, thường xuyên mạo phạm can gián. Có một lần Thái Tông đặc biệt mở tiệc chiêu đãi 4 người, nói với họ: “Các khanh mạo phạm Trẫm, giúp Trẫm sửa chữa được lỗi lầm, Trẫm còn lo lắng gì nữa đây? Nghĩ đến thành ý của các khanh cho nên Trẫm mở tiệc ăn mừng”. Hoàng đế còn ban thưởng thêm lụa là gấm vóc.