Báo động ở các quốc gia khác khi hiện tượng mua thuốc số lượng lớn dẫn đến thiếu hụt nguồn cung thuốc. (Harly Triballeau/AFP via Getty Images)
Báo động ở các quốc gia khác khi hiện tượng mua thuốc số lượng lớn dẫn đến thiếu hụt nguồn cung thuốc.
Số ca mắc COVID tăng đột biến đã khiến các thành phố và thị trấn trên khắp Trung Quốc rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn thuốc trầm trọng. Hàng triệu người Trung Quốc phải tranh nhau mua thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh và thuốc giảm ho. Những người Trung Quốc ở nước ngoài cũng đổ xô đi mua thuốc để gửi về Trung Quốc đại lục. Việc mua thuốc số lượng lớn đang gây ra tình trạng báo động ở các quốc gia khác.
Một dược sĩ ở Osaka, Nhật Bản tên là Kitajima, đã nói với tờ The Epoch Times vào ngày 21 tháng 12 rằng các miếng dán hạ sốt, thuốc điều trị ho và cảm lạnh, khẩu trang và thuốc nhỏ mắt đang bị những người mua để gửi về Trung Quốc “chộp lấy”.
Tình trạng mua số lượng lớn đã khiến các hiệu thuốc tại Nhật Bản thiếu nguồn cung cấp thuốc.
Anh Kitajima nói thêm: “Một số hiệu thuốc [ở Nhật Bản] đã bắt đầu kiểm soát số lượng thuốc được mua. Lượng thuốc mỗi ngày không đủ, cho thấy là nguồn cung cấp thuốc ở đây đang bị thiếu hụt”.
Những hàng dài người xếp hàng mua thuốc
Vào ngày 7 tháng 12, các cơ quan y tế của Trung Quốc đã ban hành quy định phòng dịch mới, có tên là “Kế hoạch 10 điểm” báo hiệu sự chấm dứt của chính sách Zero COVID và chuyển sang chế độ sống chung với virus.
Sự quay đầu đột ngột trong chính sách phòng dịch của ĐCSTQ đã tạo nên sự bùng nổ về số ca nhiễm, đồng thời gây nên sự hoang mang cho người dân. Tại nhiều thành phố, người ta đã chứng kiến những hàng dài người xếp hàng để mua thuốc cảm và thuốc hạ sốt, thậm chí những sản phẩm như đào vàng đóng hộp và các loại nước chứa điện giải cũng hết sạch.
Trương Dương (hóa danh), một cư dân sống tại thành phố Tô Châu phía đông Trung Quốc, đã nói với tờ The Epoch Times vào ngày 21 tháng 12 rằng: “Mấy hôm nay tôi bị ho nhưng tôi không thể mua được thuốc cảm ở hiệu thuốc. Tôi đã thử tìm đến nhiều hiệu thuốc nhưng vẫn không thể tìm được viên thuốc nào. Dì của tôi bị sốt 40 độ C. Gia đình tôi đều có kết quả dương tính nhưng cũng không có thuốc hạ sốt, chúng tôi chỉ có thể cầm cự thôi”.
Tào Hoa (bút danh), là cư dân sống ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc, cho biết dịch bệnh ở thành phố của anh đang rất nghiêm trọng: “Tôi không thể mua bất kỳ viên hạ sốt nào. Những người thân của tôi đều bị sốt và tất cả đều có kết quả dương tính. Ở nhà tôi không có thuốc… Anh trai và cháu gái tôi bị sốt 39 độ C nhưng họ cũng không có thuốc”.
Anh Tào cho biết giá bán khẩu trang đã tăng chóng mặt. Lúc này khẩu trang N95 được bán với giá gấp 4-5 lần giá bình thường.
Sự thất vọng của người dân đã có trước từ trước khi “Kế hoạch 10 điểm” được ban hành
Anh Tào cho rằng việc người dân không thể mua các loại thuốc để điều trị triệu chứng của COVID đã xảy ra từ trước khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch của chính sách Zero COVID.
Anh Tào nói rằng: “Trong thời gian thành phố bị phong tỏa, chúng tôi không được phép mua thuốc cảm do quy định hạn chế bán thuốc tại các hiệu thuốc. Ông giải thích rằng nếu người dân có thể mua được thuốc hạ sốt, chính quyền sẽ không thể thực hiện các biện pháp hà khắc như cách ly.
“Bây giờ đã mở cửa nhưng vẫn thể không mua được thuốc cảm. Tôi cảm thấy chính phủ đang đùa giỡn với chúng tôi” Anh Tào nói.
Vương Diệu (hóa danh), một người gốc Trung Quốc sống ở Nhật Bản đã nói với tờ The Epoch Times rằng cô không thể làm được gì nhiều cho người thân của mình ở Bắc Kinh “ngoài việc lo lắng”. Cô Vương nói: “Tôi đã đến nhiều hiệu thuốc, nhưng vẫn không thể mua được thuốc hạ sốt”
Thiếu sự tin tưởng
Theo Đổng Hồng (hóa danh), một người Trung Quốc sống ở Nhật Bản, còn có một lý do khác khiến Hoa kiều phải mua thuốc để gửi về Trung Quốc.
“Ngày nay, người dân tại Trung Quốc không còn tin tưởng vào chính phủ. Họ nghĩ rằng thuốc men và hàng hóa từ nước ngoài tốt hơn hàng nội địa. Ngay cả khi họ [có thể] mua thuốc, họ vẫn nghĩ rằng tác dụng của những loại thuốc ở nước ngoài tốt hơn, bởi từ khi còn nhỏ họ đã bị ĐCSTQ lừa dối”
Truyền thông quốc tế đưa tin về tình trạng đổ xô đi mua thuốc của người Trung Quốc
“Tìm kiếm thuốc điều trị COVID-19” đang là chủ đề hàng đầu trên khắp thế giới.
Các hiệu thuốc ở Hồng Kông, Ma Cao và Úc báo cáo tình trạng thiếu thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt do hiện tượng mua hàng ồ ạt. Các hiệu thuốc ở đây đã buộc phải hạn chế số lượng thuốc được mua, theo Thông tấn xã Trung ương (CNA) có trụ sở tại Đài Loan đưa tin vào ngày 16 tháng 12.
Theo Đài phát thanh quốc tế Pháp, nhiều người đã gọi đến Đài phát thanh Ma Cao để báo về tình trạng thiếu kit xét nghiệm (test sàng lọc) và thuốc điều trị Covid-19 ở Ma Cao, cũng như các loại thuốc cảm và thuốc hạ sốt khác. Cục Quản lý Dược phẩm Ma Cao đã ban hành hướng dẫn cho các hiệu thuốc, yêu cầu đưa ra hạn chế mỗi lần mỗi người chỉ được mua năm bộ kít xét nghiệm Covid-19 và một hộp thuốc giảm đau, hạ sốt.
Gần đây những người Trung Quốc sống ở Úc đã bắt đầu gửi thuốc Panadol cho gia đình và bạn bè tại Trung Quốc. Loại thuốc do Úc sản xuất này được các cơ quan chức năng đưa vào danh sách các loại thuốc có thể dùng để điều trị các triệu chứng của COVID-19.
Tại Hoa Kỳ, cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc trùng với thời điểm xảy ra dịch cúm tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ qua, các hiệu thuốc lớn đã bắt đầu thiếu thuốc hạ sốt và phải hạn chế số lượng mua.
Một trang web cộng đồng của người Trung Quốc ở New York vào ngày 17 tháng 12 cho biết, một hiện tượng phổ biến trong giai đoạn đầu của đại dịch, đó là khẩu trang được mua với số lượng lớn và gửi về Trung Quốc đã xuất hiện trở lại. Cơn sốt mua hàng lần này liên quan đến thuốc hạ sốt và thuốc giảm ho.
Một người Trung Quốc đã đăng video lên mạng xã hội về chuyến mua hàng của cô tại cửa hàng U.S.Costco vào ngày 15 tháng 12: Xe đẩy hàng của cô chất đầy các loại thuốc cảm, thuốc hạ sốt và vitamin C.
Bài đăng đã nhận được những bình luận đầy tức giận khi người dùng mạng xã hội phàn nàn rằng những người Trung Quốc đang làm cạn kiệt nguồn cung cấp y tế rất cần thiết của Mỹ.
Những người Trung Quốc cũng phàn nàn rằng nhiều người Trung Quốc khác đang tích trữ thuốc.
Người mẹ Trương Lăng Văn, 42 tuổi, sống tại Bắc Kinh, cho biết cô đã nhờ một người bạn ở Úc mua thuốc hạ sốt cho con trai của mình: “Tôi muốn mua hai lọ Panadol và hai lọ Nurofen… … [nhưng] bạn tôi nói nói rằng các hiệu thuốc gần nhà cô ấy ở Melbourne đã bán hết thuốc hạ sốt vì có quá nhiều người Trung Quốc mua những loại thuốc này.”
Làn sóng hoảng loạn
Kitajima lo lắng rằng nếu những người mua Trung Quốc tiếp tục dự trữ thuốc, Nhật Bản có thể gặp khủng hoảng nếu dịch bệnh bùng phát trở lại. Dược sĩ này cho biết hiện tượng này rất đáng lo ngại vì người Nhật thường thích tự điều trị tại nhà hơn là đến bệnh viện.
Mizobe Hgasi, một người dân Nhật Bản, lo lắng rằng cô sẽ không thể mua thuốc cho con nếu cần.
Mizobe phàn nàn: “Người Trung Quốc ở Nhật Bản đang lấy hết thuốc cảm cúm, trong khi các nhà máy không thể sản xuất kịp.
“Tôi thấy người Trung Quốc [ở Nhật Bản] đăng tin bán thuốc trên WeChat của họ… họ mua thuốc ở Nhật… và bán cho người Trung Quốc [ở Trung Quốc], và lợi nhuận thu được gấp 10 lần, hơn 700 nhân dân tệ (khoảng 100 đô la), thật quá đáng sợ”. Mizobe cho biết thêm.
Giá cao trên thị trường chợ đen
Vào ngày 14 tháng 12, Tập đoàn Meheco Trung Quốc đã ký thỏa thuận với Pfizer Inc. về việc nhập khẩu và phân phối Paxlovid của Pfizer tại Trung Quốc đại lục, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc.
Đầu tháng 12, Reuters đưa tin, khi một sàn thương mại của Trung Quốc bắt đầu bán Paxlovid. Đây là lần bán lẻ đầu tiên của loại thuốc này tại Trung Quốc. Toàn bộ số thuốc đã được bán hết chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ.
Trong khi đó, các loại thuốc generic của Paxlovid và Merck’s Molnupiravir đang được bán trên thị trường chợ đen trong nước với giá rất cao, theo South China Morning Post. Yicai Global đã báo cáo vào ngày 14 tháng 12, loại thuốc generic do Ấn Độ sản xuất đang được bán với giá 1.000 nhân dân tệ (khoảng 144 USD) một hộp trên các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc.
Bài viết này có sự đóng góp của Ellen Wan.
Theo The Epoch Times
Song Hoài biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam