Tác giả: Lan Nhược
[ChanhKien.org]
Khi nói đến “gia đình”, rất nhiều người hiện đại chỉ cho rằng trung tâm nhất của khái niệm này bao gồm bản thân mình, người phối ngẫu với mình và con cái. Còn cha mẹ, anh chị em và những người thân thích khác đều ở phạm vi rộng hơn, xoay quanh trung tâm. Con người hiện đại cho rằng con cái một tuần về thăm cha mẹ một lần được coi là hiếu thuận, những đứa con trong tâm còn có cha mẹ thì một hoặc hai tuần gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe cha mẹ một lần, đây là hiện tượng phổ biến. Chỉ cần chuẩn bị đủ tiền đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão hoặc sắp xếp trước được viện dưỡng lão cao cấp cho cha mẹ thì con cái đã có thể tự hào với bạn bè rằng mình là người hiếu thuận rồi.
Vậy thì lý niệm đạo đức trong văn hóa truyền thống cổ đại yêu cầu như thế nào với người phụ nữ trong quan hệ đối xử với cha mẹ ruột, cha mẹ chồng và người thân? Thời cổ đại, nữ nhi sau khi xuất giá sẽ ở nhà chồng cả đời, từ cha mẹ chồng cho tới hết thảy người thân khác đều là thân nhân của chồng, trong sách cổ nhấn mạnh việc xử lý mối quan hệ giữa người phụ nữ với cha mẹ chồng và người thân của chồng.
Nữ hiếu kinh viết: “Con gái phụng sự cha mẹ chồng, kính như cha ruột, yêu như mẹ ruột. Tuân thủ được là nghĩa, chấp hành được là lễ. Gà vừa gáy sáng, chuẩn bị đồ rửa mặt súc miệng. Đông ấm hạ mát, sớm thăm tối viếng, kính với người nhà, nghĩa với người ngoài, giữ lễ giữ tín mà thực hành được”.
Kinh Thi viết: “Con gái xuất giá, xa cha mẹ anh em”.
Diễn dịch ra chính là: Làm phụ nữ cần hiếu kính cha chồng của mình giống như hiếu kính cha ruột, yêu thương mẹ chồng của mình giống như yêu thương mẹ ruột. Có thể kiên trì nguyên tắc này thì chính là nghĩa nữ, từ đầu tới cuối đều làm được vậy thì chính là món lễ vật tốt nhất tặng cho cha mẹ chồng. Gà vừa gáy sáng đã phải dậy khỏi giường, rửa mặt chải đầu rồi chuẩn bị bữa sáng, đun nước nóng cho cha mẹ chồng rửa mặt súc miệng, mùa đông cần làm ấm chăn trước, mùa hạ cần quạt mát chiếu trước rồi mới mời cha mẹ chồng nghỉ ngơi. Trong tâm lúc nào cũng cung kính đối với cha mẹ chồng, lời nói và việc làm đều khiến cho cha mẹ chồng cảm thấy thoải mái. Người con gái như thế xuất giá mới khiến cha mẹ đẻ an lòng, làm vẻ vang cho gia đình cha mẹ đẻ.
Nếu như những người con gái xuất giá đều làm được những yêu cầu kể trên thì còn có chuyện mẹ chồng nàng dâu bất hòa, gia đình mâu thuẫn hay không? Không nói người thường, chúng ta là những nữ đệ tử tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, đối với cha mẹ chồng mình liệu lúc nào cũng có thể thành kính hữu lễ, kính trọng yêu thương họ như yêu kính cha mẹ ruột của mình không? Xem xét lại bản thân, trong mắt cha mẹ và chồng, tôi là một người con gái vô cùng hiếu thuận, nhưng trong thâm tâm tôi chưa làm được chăm sóc cha mẹ chồng với tấm lòng “phụng sự tận tâm”. Khi cha mẹ tuổi tác ngày càng cao, các hành vi của người lớn tuổi xuất hiện bất ngờ khảo nghiệm nhân tâm khiến tôi bộc lộ tâm chấp trước, tuy rằng thường xuyên nhắc nhở bản thân cần chiểu theo tiêu chuẩn của người tu luyện để đối đãi với hết thảy hành vi của cha mẹ không phù hợp với quan niệm của bản thân tôi, nhưng đối chiếu với những lời dạy của người xưa ở trên lại phát hiện trong cái gọi là “kiềm chế” đã khuyết thiếu đi một chữ “kính”. Không có “kính” thì làm sao có “lễ”, không có “lễ” càng dễ tự ý làm càn, không có ước thúc.
Người xưa nói “phụng sự song thân như phụng sự trời”. Vào thời cổ đại, cung phụng cơm ăn áo mặc cho cha mẹ là hình thức thấp nhất của “hiếu”, không có “kính yêu” thì làm sao nói đến chữ “hiếu”, khi làm được hiếu kính đến mức cao nhất thì trên có thể câu thông với thần minh, dưới có thể cảm hóa bách tính.
Nếu như đối xử với cha mẹ của mình thiếu đi “kính” và “ái”, thế thì việc xử lý đối với bất cứ mối quan hệ nào khác cũng ngày càng xa rời yêu cầu của văn hóa truyền thống. Trong sách cổ, chữ “hiếu” hàm chứa bí sách giúp người con dâu ứng xử các mối quan hệ bên nhà chồng. Trong bài “Nữ đức tu thân” đề cập rằng đức hạnh quan trọng nhất đối với phụ nữ xưa là “ti nhược”, đặt mình ở vị trí thấp nhất trước bất kỳ ai, giống như biển cả, giống như mặt đất luôn ở trạng thái “khôn đức” (đức của đất), không như thế thì không thể chịu đựng được tất cả những điều mà người bình thường không thể chịu đựng được.
Tào đại cô nói: “Người thục nữ xưa lấy hiếu mà đối xử với cửu tộc, không dám thất lễ ngay cả với thê thiếp trẻ, huống chi với con cháu! … để cửu tộc hoà bình, không sinh gièm pha, không gây họa loạn. Người thục nữ xưa lấy hiếu đối xử với người trên kẻ dưới là như vậy”. “Người phụ nữ quản lý gia đình không dám coi thường gà chó, huống chi là những người thân phận nhỏ bé khác trong nhà? Cố gắng làm cho trên dưới đều vui lòng”.
Thời xưa, nếu một người phụ nữ có thể lấy hiếu để xử lý mối quan hệ với họ hàng, thì gia tộc sẽ hưng vượng. Ngay cả gà chó trong nhà họ cũng không bắt nạt huống chi là đối xử với kẻ ăn người ở thân phận thấp hèn. Họ đối đãi với thê thiếp của chồng đều không dám kiêu ngạo, đều quan tâm đầy đủ, vậy thì làm sao có thể không giữ lễ cung kính đối với những người thân thích khác của nhà chồng? Khi một người phụ nữ hiền lương được cha mẹ chồng, họ hàng cho tới tôi tớ đều yêu mến, thì sao chồng có thể không vui, gia đình có thể không thịnh vượng chứ? Để hòa thuận với họ hàng thân thích, sách cổ yêu cầu người con dâu phải có tấm lòng nhân ái vị tha, họ hàng thân thích cùng dòng tộc, không phân biệt thân thiết hay không, nhất định phải ghi nhớ từng ân huệ nhỏ nhặt họ cho mình, đối với người gây cho mình bất kỳ tổn hại nào, dù lớn nhỏ đến đâu đều phải mau chóng quên đi. Trị nội an ngoại, bên trong hòa thì bên ngoài hòa, gia đình hòa thì quốc gia hòa, quốc gia hòa thì thiên hạ hòa.
Ngay cả trong thời cổ đại, đối với mỗi thục nữ mà nói để hoàn toàn làm được những yêu cầu trên là một việc cực kỳ khó khăn. Nguyên nhân căn bản làm không được là do xuất phát điểm trong tâm có vấn đề, nếu là một người có tư tâm, thì dù có giáo hóa sâu sắc thế nào cũng chỉ là ước thúc bề ngoài mà thôi. Nhìn suốt lịch sử Trung Hoa, người có thể hoàn toàn làm một người phụ nữ hoàn mỹ, phụng sự chồng, dạy bảo con, đồng thời hoàn toàn lấy tâm vô tư đối đãi với hết thảy việc nhà chồng và người nhà chồng, đối với hết thảy mọi người đều giữ đạo hiếu, kính yêu, từ bi, thủy chung từ đầu đến cuối, lật lại hết các sách cổ thì khó tìm được mấy người. Tác giả Ban Chiêu của sách Nữ giới đã là tấm gương về nữ đức, nhưng điều kiện sống đặc biệt của bà thì người phụ nữ bình dân khó mà tiếp tục noi theo được.
Tuy nhiên, những yêu cầu khắt khe trong sách cổ đối với các nữ học viên Đại Pháp không phải là việc không thể đạt được. Trong quá khứ, sở dĩ không thể hoàn toàn làm theo những yêu cầu về đạo đức của phụ nữ trong văn hóa truyền thống vì những yêu cầu này đã bị lãng quên và vứt bỏ, con người hiện đại không hề biết rằng có rất nhiều quy tắc khuôn phép dành cho phụ nữ. Các nữ đệ tử Đại Pháp có thể làm được điều này bởi vì Sư phụ đã dạy chúng ta “tu thành bậc Chính Giác vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã” (“Phật tính vô lậu”, Tinh tấn yếu chỉ), không có cơ sở tu luyện như thế, không triệt để chuyển biến xuất phát điểm sống thì không thể đạt được trình độ giác ngộ đặt chúng sinh trong lòng bàn tay, yêu mến bảo hộ chúng sinh.
Vậy nên, nhờ có các đệ tử Đại Pháp tìm ra những chuẩn mực làm người chính thống nhất trong sách cổ để thức tỉnh thế nhân, truyền thụ cho họ, đồng thời làm gương cho họ, điều này có phải là một trong những ý nghĩa sâu sắc của việc đại bộ phận các đệ tử Đại Pháp theo Sư phụ Pháp Chính Nhân Gian hay không?
Loạt bài “Hữu đức tự nhiên hương” được chia thành bốn phần tập hợp những yêu cầu cụ thể đối với việc bồi dưỡng nữ đức theo văn hóa truyền thống, bao gồm “tu thân”, “phụng sự chồng”, “dạy con”, “hiếu thân, hòa thích”. Hy vọng sẽ giúp độc giả tìm về những giáo huấn lễ nghĩa truyền thống và chuẩn mực chính thống.
“Tĩnh lặng, thong dong, đoan trang, thành thật, nhất quán là các đức tính của người phụ nữ. Hiếu kính, nhân từ, rõ ràng, hoà ái, nhu thuận, là đầy đủ đức tính” (Nội huấn).
Hiếu thân (hiếu thảo với thân nhân), kính dưỡng (cung kính phụng dưỡng), nhân ái, sáng suốt, từ thục (từ ái hiền thục), nhu thuận, nhàn tĩnh, đoan trang là tám đức tính cần có của người phụ nữ xưa. Trau dồi được những đức tính đó thì mới có thể như ngọc bích xinh đẹp không tì vết, mới có thể xứng đôi vừa lứa với người quân tử đại đức, giúp gia đình hưng vượng, xứng đáng là bậc mẫu nghi thiên hạ.
Đối với các nữ đệ tử đang tu luyện Đại Pháp, những yêu cầu chuẩn mực này của người xưa giúp chúng ta thể ngộ sâu sắc hơn các bài giảng Pháp cũng như kỳ vọng tha thiết của Sư phụ đối với các nữ đệ tử. Chúng ta hãy cùng khởi đầu cho sự trở lại của văn hóa truyền thống.
(Ghi chú: Nội dung các sách cổ trong bộ sách này được lấy từ cuốn Nữ Đức Bảo Điển của Đới Tích Hoa)
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/279277
Ngày đăng: 18-04-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org