Nghiên cứu trên chuột đã khám phá ra một cơ chế, trong đó giải thích chế độ ăn nhiều chất béo và đường của phương Tây có thể gây bệnh gan mãn tính. (Pexels)
Nghiên cứu trên chuột đã khám phá ra một cơ chế, trong đó giải thích chế độ ăn nhiều chất béo và đường của phương Tây có thể gây bệnh gan mãn tính.
Một nghiên cứu mới trên chuột từ Đại học Missouri–Columbia đã phát hiện cách chế độ ăn uống thay đổi cấu trúc vi khuẩn cụ thể của ruột, đồng thời kích hoạt quá trình trao đổi chất dẫn đến tích tụ chất béo trong gan.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có ít triệu chứng. Các yếu tố rủi ro bao gồm béo phì, kháng insulin hoặc tiểu đường loại 2, mức cholesterol hoặc chất béo trung tính cao, tuổi tác và các đặc điểm của hội chứng chuyển hóa. Bệnh gan nhiễm mỡ ảnh hưởng đến khoảng 24% người trưởng thành ở Hoa Kỳ, nhiều người không biết mình mắc chứng rối loạn này và ngày càng có nhiều trẻ em cũng mắc bệnh.
Bệnh gan nhiễm mỡ có liên quan đến di truyền và rối loạn tiêu hóa, nhưng yếu tố nguy cơ rõ ràng, chẳng hạn như chế độ ăn uống tiêu chuẩn của người Mỹ, phần lớn bị xem nhẹ. Chế độ ăn giàu chất béo tốt hay xấu? Chất béo nào là xấu? Có phải tất cả đường đều xấu? Fructose có trong trái cây và mật ong có ổn không?
Trong nghiên cứu nói trên, chuột thí nghiệm được cho ăn với chế độ tương tự người phương Tây, với nhiều đường và chất béo. Các nhà nghiên cứu đã xác định một loại vi khuẩn cụ thể, được gọi là Blautia producta (B. producta), chịu trách nhiệm tạo ra chất chuyển hóa 2-oleoylglycerol, có liên quan đến viêm gan và xơ hóa. Các kết quả đã được công bố trên Tạp chí Nature vào tháng Giêng. Sự tích tụ 2-oleoylglycerol cũng được tìm thấy trong gan của những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
Đồng điều tra viên chính của nghiên cứu, Guangfu Li, đã viết trong một bài báo đăng trên Tạp chí Science Daily: “Chúng tôi mới bắt đầu hiểu ra cách thức ăn và hệ vi sinh vật đường ruột tương tác với nhau để tạo ra các chất chuyển hóa, từ đó góp phần vào sự phát triển của bệnh gan”.
Ông Li, phó giáo sư tại khoa phẫu thuật, vi sinh phân tử và miễn dịch học, có bằng tiến sĩ tại Đại học Y khoa Nam Kinh ở Nam Kinh (Trung Quốc), nói thêm: “Tuy nhiên, các vi khuẩn và chất chuyển hóa cụ thể, cũng như các cơ chế cơ bản, vẫn chưa được hiểu rõ cho đến nay. Nghiên cứu này đang mở khóa cách thức và lý do”.
Hệ vi sinh vật đường ruột là tất cả các vi sinh vật, đặc biệt là hàng nghìn loài vi khuẩn, tồn tại bên trong đường tiêu hóa và giúp cơ thể con người hoạt động. Cộng đồng vi khuẩn này thường được gọi chung là hệ vi sinh vật đường ruột, một lĩnh vực mà phần lớn chưa được con người khám phá. Các chất chuyển hóa là kết quả của nhiều chức năng trong số đó và bao gồm các axit amin, chất béo và đường có liên quan đến các quá trình như tiêu hóa và tuần hoàn.
Vai trò của gan trong quá trình tiêu hóa
Là một phần quan trọng của quá trình tiêu hóa, gan nhận máu, cùng với các chất dinh dưỡng cực nhỏ và chất độc từ chế độ ăn uống, thông qua tĩnh mạch cửa. Chất độc được loại bỏ khỏi máu và cuối cùng bài tiết qua nước tiểu hoặc phân. Máu được đưa trở lại hệ thống, cuối cùng đi đến tim. Cùng với nhau, tĩnh mạch cửa, ruột non và gan được gọi là trục ruột-gan.
Gan là cơ quan nội tạng rắn lớn nhất, nặng tới 2,27kg. Nó thực hiện nhiều quá trình phức tạp và quan trọng ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Các tác giả của nghiên cứu kết luận rằng những phát hiện về cơ chế tế bào và phân tử của họ đã nâng cao đáng kể sự hiểu biết về vai trò của chế độ ăn uống, hệ vi sinh vật và chức năng gan trong bệnh gan nhiễm mỡ.
Gan tích trữ chất béo dư thừa có thể bị viêm và tổn thương, gây ra viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, một dạng bệnh gan nhiễm mỡ tiến triển hơn. Một ước tính kết luận rằng 9 triệu – 15 triệu người Mỹ mắc phải tình trạng này, gây ra sẹo, xơ gan và làm tăng nguy cơ ung thư gan, theo American Liver Foundation. Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, hay viêm gan nhiễm mỡ, được dự đoán sẽ tăng 63% từ năm 2015 đến năm 2030.
Được coi là một mối đe dọa sức khỏe mới nổi, bệnh gan nhiễm mỡ cũng ảnh hưởng đến giới trẻ Mỹ. Theo Tổ chức Gan Hoa Kỳ, rối loạn này là dạng phổ biến nhất của bệnh gan ở trẻ em và đã tăng hơn gấp đôi trong hai thập kỷ qua do tình trạng béo phì ở trẻ em gia tăng. Từ 5% đến 10% trẻ em được ước tính mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
Tiến sĩ Kevin Staveley-O’Carroll, một trong những nhà nghiên cứu chính của nghiên cứu chuyên về ung thư gan và phẫu thuật, cho biết: “Gan nhiễm mỡ là một dịch bệnh toàn cầu đối với sức khỏe. Nó không chỉ là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư và xơ gan, mà nhiều bệnh nhân tôi gặp với các bệnh ung thư khác cũng mắc bệnh gan nhiễm mỡ mà thậm chí không biết”.
Một phần của vấn đề hệ thống
Mặc dù bản thân bệnh gan nhiễm mỡ có thể không dễ nhận biết, nhưng hệ vi sinh vật đường ruột tiết lộ những bí mật của nó. Bên cạnh việc B. producta dường như gây viêm gan và xơ hóa ở chuột, một số chủng vi khuẩn khác có liên quan đến gan và béo phì.
Béo phì có liên quan đến hai ngành chiếm ưu thế là Firmicutes và Bacteroidetes, có thể đóng vai trò là dấu ấn sinh học cho các tình trạng sức khỏe liên quan trong xét nghiệm phân. Các dấu ấn sinh học dựa trên hệ vi sinh vật khác, chẳng hạn như Lactobacillales và Verrucobacteriales có thể chỉ ra tình trạng xơ hóa gan ở giai đoạn đầu.
Các nhà nghiên cứu cho biết, những phát hiện mới của họ có thể đưa ra các giải pháp điều trị bằng vi sinh vật và chế độ ăn uống cụ thể. Là một phần của nghiên cứu, những con chuột được điều trị bằng một loại hỗn hợp kháng sinh, được phát hiện là làm giảm viêm gan và tích tụ lipid đồng thời giảm bệnh gan nhiễm mỡ.
Thêm thuốc kháng sinh?
Tuy nhiên, có thể có những biến chứng với phương pháp này ở người, vì các hướng dẫn của bác sĩ đã kêu gọi sử dụng ít kháng sinh hơn. Việc lạm dụng kháng sinh là một vấn đề y tế có liên quan đến chứng rối loạn vi khuẩn, trong đó nhiều vi khuẩn vượt qua hệ vi sinh vật đường ruột và gây bệnh. Thuốc kháng sinh có thể là một nguyên nhân quan trọng gây ra chứng rối loạn vi khuẩn liên quan đến bệnh gan nhiễm mỡ.
Có những cảnh báo về việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong cuốn sách “Missing Microbes” của Tiến sĩ Martin Blaser, chủ tịch Human Microbiome tại Đại học Rutgers, nơi ông cũng là giáo sư y học, bệnh học và y học phòng thí nghiệm.
“Tất nhiên, thuốc kháng sinh mạnh có thể ảnh hưởng đến vi khuẩn tốt, ông viết trong phần kết của cuốn sách năm 2014. Bất kỳ thứ gì tác động đến chúng đều có khả năng khiến chúng ta phải trả giá. Chúng ta đã thay đổi chúng rất nhiều. Những cái giá phải trả đã ở đây, nhưng chúng ta chỉ mới bắt đầu nhận ra chúng. Chúng sẽ leo thang”.
Mặc dù có thể còn quá sớm để coi việc sử dụng kháng sinh là nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là những hạn chế trong các nghiên cứu trên chuột và hệ vi sinh vật nói chung.
Tiến sĩ Michael Greger, người sáng lập Nutrition Facts, nói với The Epoch Times rằng “có những khó khăn cố hữu khi ngoại suy từ loài gặm nhấm sang con người”.
Tuy nhiên, đó là con đường chủ yếu mà nghiên cứu chọn, vì cả chuột và người đều có hệ vi sinh vật đường ruột bao gồm khoảng 90% Firmicutes và Bacteroidetes. Một bài báo năm 2021 trên Tạp chí Microorganisms đã xem xét các biến chứng và lợi ích của phương pháp nghiên cứu này, chỉ ra rằng các quy trình và kỹ thuật tinh chỉnh trong phòng thí nghiệm đang chuyển thành các phép so sánh đáng tin cậy hơn.
Bài báo kết luận: “Mặc dù có những hạn chế, các mô hình chuột vẫn là một công cụ có giá trị, thiết thực và không thể thay thế để nghiên cứu bệnh tật ở người. Không có mô hình động vật nào lý tưởng 100% để mô hình hóa bệnh tật ở người”.
Chế độ ăn uống phù hợp cho gan
Nếu chế độ ăn tiêu chuẩn của người Mỹ đang được thử nghiệm, thì nghiên cứu mới này sẽ là bằng chứng chứng minh tác hại của nó. Việc nắm được cơ chế hoạt động đằng sau căn bệnh này xác nhận rằng chúng ta nên tránh chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và đường.
Bệnh gan nhiễm mỡ cần được chú ý vì bản chất của nó nhưng cũng vì nó có thể tránh được và đảo ngược. Xơ gan không được điều trị cuối cùng dẫn đến suy gan hoặc ung thư gan. Tin tốt là bệnh gan nhiễm mỡ là dấu hiệu cảnh báo sớm của một tình trạng hoàn toàn có thể đảo ngược, vì gan có thể tự tái tạo đến một điểm nào đó.
Ngoài việc giữ cân nặng khỏe mạnh, Cleveland Clinic khuyến nghị chế độ ăn Địa Trung Hải, có nhiều rau, trái cây và chất béo lành mạnh với mức tiêu thụ cá và gia cầm vừa phải.
Vào năm 2021, tiến sĩ Greger đã chỉ ra trong một podcast về bệnh gan nhiễm mỡ và cách phòng tránh.
Ông nói: “Một lon soda mỗi ngày có thể làm tăng tỷ lệ gan nhiễm mỡ lên 45%, những người ăn lượng thịt tương đương với 14 miếng thịt gà mỗi ngày có tỷ lệ gan nhiễm mỡ gần gấp ba lần, so với người ăn 7 miếng hoặc ít hơn”.
Tiến sĩ Greger đề xuất những lợi ích của chế độ ăn uống dựa trên thực vật là tương thích nhất với việc giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ, nhưng ông cũng chỉ ra rằng theo thống kê, có một lý do khác khiến những người mắc bệnh nên giải quyết chế độ ăn uống của họ.
Ông nói: “Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất ở những bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Chúng tôi có các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên chứng minh một chế độ ăn uống lành mạnh dựa trên thực vật và các chương trình lối sống có thể đẩy lùi bệnh tim, mở các động mạch mà không cần dùng thuốc, không cần phẫu thuật, không cần đặt stent.”
Vị tiến sĩ cho biết những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ có khả năng phát triển bệnh xơ gan, “nhưng chỉ trong trường hợp họ không chết vì bệnh tim mạch trước”.
Theo Amy Denney từ The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch
NTD Việt Nam