Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến
[ChanhKien.org]
Ghi chú của người biên tập: Nhằm hoằng dương văn hóa Thần truyền Trung Quốc, thanh trừ ảnh hưởng của văn hóa tà đảng, các đệ tử Đại Pháp trong lĩnh vực giáo dục dùng chính kiến tu xuất được từ trong Đại Pháp, bắt đầu biên soạn một bộ tài liệu giảng dạy Văn hóa chính thống Trung Quốc. Bởi vì mới cất những bước đi đầu tiên nên khó tránh khỏi thiếu sót, chúng tôi mong được các đệ tử Đại Pháp trên toàn thế giới, nhất là đệ tử Đại Pháp trong lĩnh vực giáo dục, tham dự và góp ý. Chúng tôi chân thành hy vọng rằng, những đồng tu dùng tài liệu giảng dạy này có thể phản hồi cho chúng tôi những vấn đề gặp phải trong khi đứng lớp và những ưu khuyết điểm của giáo trình, nhằm giúp chúng tôi không ngừng sửa chữa nâng cao, làm cho giáo trình ngày càng đầy đủ và hoàn chỉnh. Đồng thời, chúng tôi cũng hoan nghênh các đồng tu có nguyện ý tham dự sáng tác biên tập tới gia nhập ban biên tập, để cùng nhau biên soạn hoàn thành giáo trình này.
◇◇◇ ◇◇◇ ◇◇◇
Hướng dẫn đọc (câu chuyện về Thiên Tự Văn)
Trước thời kỳ mạt của nhà Thanh, “Thiên Tự Văn”, “Tam Tự Kinh”, “Bách Gia Tính” là tài liệu cơ bản về giáo dục vỡ lòng dành cho trẻ em Trung Quốc, chúng được gọi chung là “Tam, Bách, Thiên”. Bởi vì văn tự ngắn gọn thiết thực, dễ thuộc, cho nên được xã hội đương thời tiếp nhận rộng rãi và trở thành sách mà trẻ em nhất định phải đọc. Bởi vậy, tại thời đại đó, người đi học nói chung đều từng đọc qua những cuốn này. Tới nay, dù không còn là sách học của bậc tiểu học nhưng vẫn còn rất nhiều cha mẹ khuyến khích con cái đọc những cuốn này và coi đây là sách đọc ngoại khóa.
Trong ba cuốn trên, “Thiên Tự Văn” xuất hiện sớm nhất, ước chừng cách ngày nay hơn 1500 năm. Bản “Thiên Tự Văn” mà chúng ta học ngày nay là do Chu Hưng Tự thời Nam Bắc triều biên soạn. Tương truyền, Lương Vũ Đế vì muốn dạy các hoàng tử viết chữ nên đã ra lệnh lấy 1000 chữ không trùng lặp trong các thư pháp của Chung Dao và Vương Hi Chi rồi in khắc ra để các hoàng tử tập viết theo. Sau khi các chữ này được in khắc ra, Lương Vũ Đế thấy rằng chúng lộn xộn không theo thứ tự, các hoàng tử muốn học tập theo thì rất khó, nên đã nghĩ tới việc chiểu theo phương pháp thanh vận mà biên soạn lại các chữ này thành câu văn có ý nghĩa, nhằm giúp các hoàng tử học tập. Thế là vua triệu kiến Chu Hưng Tự – một người có tài học vấn – rồi nói: “Khanh có tài văn chương, hãy gieo vần giúp ta!” Sau khi Chu Hưng Tự nhận lệnh, ông đã vắt óc suy nghĩ, chỉ trong thời gian một buổi tối mà đã biên soạn xong, nghe nói vì vậy mà râu tóc Chu Hưng Tự bạc hết. Lương Vũ Đế sau khi xem qua thì khen ngợi không ngớt, bởi vì Chu Hưng Tự đã đem 1000 chữ hỗn loạn không trật tự kia biên soạn thành một áng văn tuyệt diệu vừa có thể đọc thuộc làu làu lại còn mang ý nghĩa sâu xa.
Do trong “Thiên Tự Văn” không có một chữ nào bị lặp lại, mà còn đều là những chữ thông dụng, cho nên sau khi học được 1000 chữ này, đối với một người bình thường thì từng ấy chữ cũng coi như đủ dùng trong cuộc sống thường ngày; hơn nữa kết cấu và các nét viết của những chữ này có thể nói là tiêu biểu của chữ Hán; nên rất đỗi tự nhiên mà trở thành một tài liệu tốt để dạy trẻ viết chữ, ngay cả rất nhiều nhà thư pháp nổi tiếng trong các thế hệ cũng thích viết chúng. Cho dù thời đại có chuyển biến thế nào, tri thức truyền thống của Trung Quốc trước sau vẫn là tài sản trân quý nhất; mặc dù “Thiên Tự Văn” chỉ vỏn vẹn 1000 chữ, nhưng lối viết tinh xảo, vế đối tinh tế, khí thế hùng hồn, dễ đọc dễ nhớ, nội dung bao hàm thiên văn, địa lý, tự nhiên, lịch sử, giai thoại về các nhân vật, quy chế pháp luật, đạo đức luân lý và đạo lý “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, là cuốn sách hay hiếm có.
Bản giáo trình này tổng cộng chia làm 60 bài, nội dung mỗi bài gồm các phần Nguyên văn, Bính âm, Chú âm, Âm Hán – Việt, Chú thích, Lời dịch tham khảo, Câu chuyện văn tự, Suy ngẫm và thảo luận, còn có những hoạt động ngữ văn thú vị và sinh động. Hy vọng các em thiếu nhi mới học chữ Trung Quốc có thể nắm được văn tự và lĩnh hội được vẻ đẹp của chữ Hán thông qua loạt bài này; đồng thời từ những kiến thức về thiên văn địa lý, những sự tích về nhân vật lịch sử, những đạo lý về đối nhân xử thế, cùng những phương pháp tu dưỡng phẩm hạnh được dạy trong mỗi bài mà định hình nên nguyên tắc làm người; qua đó nhận thức được văn hóa Trung Hoa bác đại tinh thâm của chúng ta.
Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp
Thiên Tự Văn (1)
Nguyên văn
天地玄黃(1) 宇宙洪荒(2) 日月盈昃(3) 辰宿列張(4)
Bính âm
天(tiān) 地(dì) 玄(xuán) 黃(huáng)
宇(yǔ) 宙(zhòu) 洪(hóng) 荒(huāng)
日(rì) 月(yuè) 盈(yíng) 昃(zè)
辰(chén) 宿(xiù) 列(liè) 張(zhāng)
Chú âm
天(ㄊㄧㄢ)地(ㄉㄧˋ) 玄(ㄒㄩㄢˊ) 黃(ㄏㄨㄤˊ)
宇(ㄩˇ) 宙(ㄓㄡˋ) 洪(ㄏㄨㄥˊ) 荒(ㄏㄨㄤ)
日(ㄖˋ) 月(ㄩㄝˋ) 盈(ㄧㄥˊ) 昃(ㄗㄜˋ)
辰(ㄔㄣˊ) 宿(ㄙㄨˋ) 列(ㄌㄧㄝˋ) 張(ㄓㄤ)
Âm Hán – Việt
Thiên Địa huyền hoàng
Vũ trụ hồng hoang
Nhật nguyệt doanh trắc
Thần tú liệt trương.
Chú thích
(1) Thiên 天 Địa 地 Huyền 玄 Hoàng 黃 là cảnh tượng được hình dung vào thời viễn cổ khi địa cầu mới được sinh ra. Lúc ấy, thiên thể mới đang được tổ hợp tạo thành, giữa thiên và địa là một cảnh hỗn độn nóng rực. Do khí quyển bị thiêu đốt mà bầu trời lẫn lộn hai màu đỏ đen, biến hóa khó lường, cho nên gọi đó là “Thiên huyền”. Đại địa vì bị thiêu đốt mà trở nên khô vàng, cho nên gọi đó là “Địa hoàng”.
Cổ nhân gọi không gian la liệt các vì sao trên đầu là “Thiên” (Trời), cũng gọi nơi Thần linh trú ngụ là Thiên, do đó đối với “Trời” thì phi thường kính sợ.
“Địa” 地 chính là địa cầu (Trái Đất) mà nhân loại đang ở, một trong chín đại hành tinh của Thái Dương hệ (hệ Mặt Trời), là nơi cung cấp vật chất cho rất nhiều sinh mệnh.
“Huyền” 玄: màu đen có lẫn màu đỏ thì được gọi là “huyền”, sau này “huyền” thường được dùng để chỉ màu đen; “huyền” còn bao hàm sự thâm áo vi diệu, khó đo lường giải thích, như trong cuốn “Lão Tử” viết “Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn”.
“Hoàng” 黃: là một loại màu sắc, tựu chung với màu đỏ và màu lam thì được gọi là “Tam nguyên sắc” (ba màu gốc, ba màu cơ bản). “Hoàng” cũng là một họ lớn của Trung Quốc; “Hoàng Đế” là thủy tổ chung của dân tộc Trung Hoa.
(2) Vũ 宇 Trụ 宙 Hồng 洪 Hoang 荒 là nói, khi đó địa cầu có một đoạn thời gian rất dài bị chìm ngập trong hồng thủy, khắp nơi đều hoang vu thê lương.
“Vũ” 宇 là sự hình dung của cổ nhân về không gian bao la vô hạn, chỉ Trên, Dưới cùng bốn phương Đông, Nam, Tây, Bắc.
“Trụ” 宙 có nghĩa là từ xưa đến nay, ý chỉ thời gian.
Hai chữ “vũ trụ” 宇宙 hợp lại, có hàm ý là không gian lớn vô hạn và thời gian dài vô hạn.
“Hồng” 洪 có nghĩa là “đại” (to lớn), khi làm danh từ thì mang nghĩa là “đại thủy” (lũ lụt).
“Hoang” 荒 là cỏ dại mọc đầy đất, hễ là vùng đất không có hoặc không thể trồng bất cứ loại cây gì thì được gọi là đất hoang.
(3) Nhật 日 Nguyệt 月 Doanh 盈 Trắc 昃 là nói cho chúng ta biết rằng Mặt Trời và Mặt Trăng chuyển động trên bầu trời, do chịu ảnh hưởng của việc Trái Đất tự xoay quanh trục của chính nó nên có hiện tượng Mặt Trời mọc – Mặt Trăng lặn và trăng tròn – trăng khuyết.
“Nhật” 日 là Thái Dương (Mặt Trời), nó là một hằng tinh (hằng tinh là một thiên thể cố định bất động, không thay đổi vị trí, có thể tự phát ra ánh sáng rất mạnh và nóng), chiếu sáng cả hệ Mặt Trời bao gồm Trái Đất ở bên trong. Ngoại trừ hệ Mặt Trời này của chúng ta, tại hệ Ngân Hà trong vũ trụ còn có sự tồn tại của vô số hệ Mặt Trời khác, do khoảng cách quá xa, đôi mắt thường của nhân loại chúng ta không nhìn thấy được.
“Nguyệt” 月 là Mặt Trăng, nó là vệ tinh quay quanh Trái Đất chúng ta, hơn nữa lại là nhân tạo! Nhưng đó là do nhân loại tiền sử xa xưa đã phóng lên. Khoa học kỹ thuật hiện tại của chúng ta còn làm chưa được, điều này cũng chứng minh rằng trước nền văn minh nhân loại kỳ này của chúng ta, trên Trái Đất đã từng xuất hiện những nền văn minh khác và được gọi chung là văn minh tiền sử.
“Doanh” 盈 là chỉ tình trạng tràn đầy và dư thừa, cổ nhân gọi Mặt Trăng vào đêm 15 âm lịch mỗi tháng là “doanh nguyệt”, cho nên “doanh” còn có ý là “viên” (tròn).
“Trắc” 昃 là chỉ Mặt Trời ngả về Tây, cổ nhân nhìn thấy Mặt Trời buổi sáng xuất hiện từ đường chân trời phía Đông, rồi từ từ leo lên trên, đến chính ngọ (giữa trưa, 12:00 trưa) thì Mặt Trời ở ngay trên đỉnh đầu của chúng ta. Nhưng hễ qua chính ngọ thì Mặt Trời bắt đầu hạ về phía Tây, giống như kiểu rơi xuống. Kỳ thực, Mặt Trời là một hằng tinh, nó không hề di động, là vì Trái Đất tự quay quanh trục nên tạo thành giả tượng, tưởng rằng Mặt Trời mọc rồi lặn. Cho nên có cách nói “Nhật trung tắc trắc”, tức là khi Mặt Trời tới trung ngọ (chính ngọ) thì ắt ngả về Tây (ý chỉ sự vật sự việc lên tới cực thịnh rồi sẽ suy, tương tự câu “vật cực tất phản”).
(4) Thần 辰 Tú 宿 Liệt 列 Trương 張 ý chỉ những vì tinh tú lớn nhỏ khác nhau lấp đầy bầu trời vô biên vô tế.
“Thần” 辰 nghĩa là “tinh thần” (tinh trong chữ “tinh tú”, thần trong chữ “giờ thần”), là tên gọi chung của các vì sao trên trời. “Thần” còn là cách gọi thời gian thời cổ đại, buổi sáng từ 7:00 – 9:00 là giờ Thần (giờ Thìn), khi mở rộng nghĩa thì “thời khắc” cũng được gọi là “thời thần”.
“Tú” 宿 có ba cách phát âm là “sù” (túc), “xiù” (tú) và “xiǔ” (âm Hán – Việt cũng là túc).
Khi đọc là “xiù” (tú) thì ý chỉ các vì “tinh tú”. Người Trung Quốc cổ đại tập hợp một số ngôi sao lại gọi là tú, phương Tây gọi là chòm sao, như Cơ Tú là do bốn ngôi sao hợp thành.
Còn khi đọc là “sù” (túc) thì là chỉ nơi có thể nghỉ ngơi; như “túc xá” (ký túc xá, nhà ở tập thể).
Còn nếu là “xiǔ” thì bằng nghĩa với từ “dạ” (đêm), ví như “chỉnh túc vị miên” (cả đêm chưa ngủ).
“Liệt” 列, là trưng bày, phô bày.
“Trương” 張 ý là phân bố; “Liệt trương” 列張 chính là trưng bày phân bố.
Ý nghĩa văn bản
Bốn câu trên là đoạn mở đầu của toàn bộ cuốn “Thiên Tự Văn”. Nó kể về hoàn cảnh lúc khai thiên tịch địa, vũ trụ vừa mới sinh ra và sự vận hành, sắp xếp của Mặt Trời, Mặt Trăng cùng các ngôi sao, đó là điều mà người Trung Quốc cổ đại quan sát vũ trụ thấy được.
Lời dịch tham khảo
Vào lúc Trái Đất mới sinh ra, bốn bề Trái Đất được bao quanh bởi một thể khí màu đỏ đen hỗn độn không rõ và biến ảo khó lường, còn đại địa (mặt đất) là một vùng khô vàng. Khắp nơi đều là lũ lụt, phóng mắt nhìn đều là cảnh hoang vu. Trải qua một đoạn thời gian rất dài, không gian giữa thiên và địa dần sáng tỏ, lúc này có thể nhìn thấy Mặt Trời, Mặt Trăng vận hành rất có quy luật trên bầu trời. Cứ đến đêm 15 (âm lịch), Mặt Trăng sẽ lại sáng và tròn. Còn Mặt Trời hễ qua giữa trưa là bắt đầu dần ngả về hướng Tây, hiện tượng này chưa từng thay đổi. Vô số vì sao phân bố trên bầu trời rộng lớn vô hạn, hoặc tốp năm tốp ba, hoặc một mình đơn lẻ, lấp lánh ánh quang khiến con người say mê ngắm nhìn, mang đến suy tư vô hạn cho nhân loại.
Suy ngẫm và thảo luận
Phạm vi của vũ trụ lớn cỡ nào?
Đối với nhân loại mà nói thì Trái Đất tương đối lớn, bán kính của nó ước chừng 6371,2 km, nhưng còn chưa bằng 1% bán kính của Mặt Trời. Trong khoảng cách từ Mặt Trời đến sao Diêm Vương – hành tinh xa nhất trong Thái Dương hệ, ước chừng có thể đặt vừa hai triệu cái Trái Đất. Mà Mặt Trời chỉ là một hằng tinh trong hệ Ngân Hà. Trong hệ Ngân Hà khổng lồ, ước chừng có hơn 100 tỷ hằng tinh lớn như Mặt Trời, thậm chí có hằng tinh còn lớn hơn Mặt Trời mấy nghìn lần. Từ đó có thể thấy hệ Ngân Hà khổng lồ biết bao.
Sách tham khảo: “Thiên Tự Văn”, “Tam Dân Thư Cục”, “Kiều Giáo Song Chu San”, “Kiều Vụ Ủy Viên Hội”.
Dịch từ:
http://big5.zhengjian.org/node/41430
Ngày đăng: 28-04-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org