Quan thanh liêm được dân dâng tấu 2 lần xin triều đình cho ông ở lại. (Tranh: Hạ Quỳnh Phần – Epoch Times)
Vương Nguyên (1376 – 1455) là danh sĩ triều Minh và là một vị quan thanh liêm. Năm Vĩnh Hòa thứ 2 (năm 1404), Vương Nguyên đỗ tiến sĩ, rồi được bổ nhiệm làm Tri huyện Thâm Trạch, Hà Bắc, sau được bổ nhiệm các chức như Tư tả Trực lang Tả Xuân Phường, Đồng tri Tùng Giang Thượng Hải, Tri phủ Triều Châu Quảng Đông.
Vương Nguyên chuyên cần chính sự, yêu thương người dân, thanh liêm cương trực, nên được người dân rất kính yêu. Khi Vương Nguyên hết nhiệm kỳ Tri huyện Thâm Trạch, được thăng cấp và điều đi, bách tính 2 lần dâng tấu, thỉnh cầu triều đình điều ông trở lại Thâm Trạch.
Trong thời gian nhậm chức Tri phủ Triều Châu, Vương Nguyên đã xây dựng rất nhiều công trình công ích, trong đó nổi tiếng nhất là việc trùng tu cầu Quảng Tế.
Cầu Quảng Tế thường được gọi là cầu Tương Tử ở ngoài Đông Môn, thành Triều Châu, là 1 trong 8 thắng cảnh Triều Châu. Cầu được xây dựng vào thời Nam Tống, dùng 24 chiếc thuyền gỗ liên kết thành cầu phao, bắc ngang sông Hàn. Chiếc cầu này là 1 trong 4 cây cầu lớn cổ đại của Trung Quốc, cũng là chiếc cầu kiểu đóng mở đầu tiên trên thế giới.
Năm Tuyên Đức thứ 10 (năm 1435), Vương Nguyên đến nhậm chức ở Triều Châu, và bắt đầu chủ trì tu bổ, phục hồi cầu Quảng Tế đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Vương Nguyên quyên góp được hơn 1 vạn lạng bạc, gia cố toàn diện các trụ cầu, và dùng dây thép nặng mấy nghìn cân liên kết 24 chiếc thuyền lại với nhau. Từ đó dân chúng không phải đi đò qua sông nữa.
Vương Nguyên còn sử dụng số tiền còn dư sau khi trùng tu cầu để xây dựng 12 lầu các, 126 nhà cầu, để các thương gia sử dụng, khiến cây cầu phao biến thành một con phố thương mại náo nhiệt.
Trong thời gian Vương Nguyên chủ trì việc xây dựng mở rộng cầu Quảng Tế, đã xảy ra một chuyện kỳ lạ. Khi đó trên núi Tây Hồ có 2 tảng đá lớn hình con cóc thường xuyên tác quái, khiến địa phương xảy ra lũ lụt và hỏa hoạn, hơn nữa, bách tính Triều Châu cũng thường xuyên kiện tụng, không có ngày nào được yên.
Sau khi biết chuyện, Vương Nguyên dẫn theo quan lại và dân phu, tổng cộng 100 người, lên núi phá đá. Đến trước hai tảng quái thạch, có người sợ quái vật báo thù, chần chừ không dám ra tay. Vương Nguyên liền ngửa mặt lên trời thề nguyện rằng: “Xưa Hàn Dũ xua đuổi cá sấu, Vương Nguyên này há chẳng dám trừ quái thạch sao? Nếu phá đá dẫn đến tai họa, thì tất cả do một mình bản quan gánh chịu”.
Nói xong, ông dẫn đầu phá đá. Dũng khí của ông đã khích lệ mọi người, tất cả đều tiến lên ra tay. Rất nhanh chóng, hai tảng quái thạch khổng lồ này đã bị đập vỡ thành những tảng đá nhỏ, rồi vận chuyển về xây cầu. Theo tài liệu ghi chép, từ đó Triều Châu “trừ tận gốc xấu ác, thuần phong mỹ tục phục hồi”.
Mồng 7 tháng 7 năm Chính Thống thứ nhất (năm 1436), Vương Nguyên viết một bài thơ trừ quái thạch rằng: “Ở trên núi Tây họa đã lâu, đập vỡ nát tan để xây cầu, hai tảng quái thạch nay đã diệt, yêu khí trăm đời đã hết tiêu. Thuần phong mỹ tục bỗng phục hồi, quan dân cùng hát khúc thái bình, từ nay ứng nghiệm Tam Dương sấm, bá quan dốc sức giúp Thánh triều”.
Bài thơ này và hàng chữ “Tri phủ Triều Châu Vương Nguyên phá quái thạch” đều được khắc lên một tảng đá lớn.
Sự việc này được ghi chép rõ ràng trong ấn phẩm “Hải Dương huyện chí” xuất bản thời Quang Tự nhà Thanh, trong đó có viết rằng: “Tây Hồ có 2 quái thạch, một tảng lớn vài chục người ôm, cao vài trượng, còn một tảng chỉ bằng một nửa. Hai tảng quái thạch này đứng sừng sững bên bờ Hồ Tây, hình dạng chúng rất giống hình con cóc, nên dân gian gọi là Đá Cóc. Đá Cóc thường tác quái gây họa. Vương Nguyên phụng chỉ làm Tri phủ Triều Châu, ông lệch cho 100 người phá đá, đập nhỏ dùng để xây cầu Quảng Tế (tức cầu Tương Tử). Từ đó các hiện tượng quái dị biến mất. Vương Nguyên bèn ghi lại (bằng thơ) và khắc lên đá”.
Năm 1445, Vương Nguyên từ trần, dân chúng Triều Châu xây từ đường kỷ niệm. Nhà thư pháp triều Minh, thi nhân Trần Bạch Sa đã từng ca ngợi hai vị quan Triều Châu rằng: “Quan lại Triều Châu có rất nhiều, có công dân nhớ chỉ có hai, triều Đường có quan tên Hàn Dũ, triều ta (Minh) không ai sánh Vương Nguyên”.
Thời gian thấm thoắt, cầu Quảng Tế đã trải qua 800 năm gió gió mưa mưa, nhưng vẫn còn đó đón ánh triều dương mỗi ngày. Đáng tiếc thay, tảng đá khắc chữ ghi lại chuyện Vương Nguyên phá quái thạch lại bị bộc phá phá hủy trong thời “Cách mạng Văn hóa”.
Cao Thiên Vận – Epoch Times
Đức Nhã biên dịch
NTD Việt Nam