Bức tranh vẽ Tôn Ngộ Không của họa sĩ Nhật Bản Katsushika Hokusai, (Ảnh: Miền công cộng)
“Tây Du Ký” ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa và lớp lớp nội hàm. Nếu như mỗi quan nạn là một cửa ải, mỗi yêu quái và ma vương là thể hiện của một loại ma tính mà người tu luyện phải trừ bỏ, thì sự xuất hiện của một số tiểu yêu cũng khiến độc giả phải suy ngẫm.
Tinh Tế quỷ, Lanh Lợi trùng
Trong hồi thứ 33, thầy trò Đường Tăng đi qua núi Bình Đỉnh, trên núi có động Liên Hoa vốn là sào huyệt của hai yêu quái Kim Giác đại vương và Ngân Giác đại vương.
Yêu quái sai hai tên lâu la dưới trướng là Tinh Tế quỷ và Lanh Lợi trùng mang tịnh bình và hồ lô đi bắt Tôn Ngộ Không. Trên đường cả hai gặp một vị Đạo sĩ, ông đã thuyết phục chúng đổi hai pháp bảo “gói người” lấy một chiếc hồ lô “gói trời”. Hai tên tiểu yêu bị lừa không biết Đạo sĩ chính là Ngộ Không hóa thành nên vui vẻ đồng ý. Trong truyện viết:
Hành Giả hỏi: “Bảo bối gì đấy?”
Tinh Tế quỷ thưa: “Thứ của tôi là hồ lô hồng, còn của anh đây là bình ngọc mỡ dê”.
Hành Giả hỏi: “Làm cách nào gói hắn?”
Yêu quái thưa: “Dốc đáy của bảo bối này lên trời, dốc miệng xuống đất, rồi gọi hắn. Nếu hắn thưa thì bị gói vào ngay, sau đó dán lên trên đạo bùa ‘Thái Thượng Lão Quân cấp cấp như luật lệnh phụng sắc’, chỉ trong vòng một giờ ba khắc thịt hắn sẽ nhũn ra như cháo”.
Tưởng rằng vừa đổi được món hời lớn, Tinh Tế quỷ và Lanh Lợi trùng không ngần ngại thề rằng: “Chúng tôi đổi hai bảo bối gói người lấy một bảo bối gói trời, nếu mà oán hận thay đổi thì quanh năm bốn mùa mắc bệnh ôn dịch”.
Nhưng nào ngờ Đạo sĩ vừa rời đi thì hồ lô gói trời cũng biến mất. Hai tên tiểu yêu cuống quýt lo sợ: “Làm thế nào bây giờ? Làm thế nào bây giờ? Lúc đi đại vương trao bảo bối cho chúng ta, bảo đi bắt Tôn Hành Giả. Bây giờ Hành Giả không bắt được, bảo bối cũng mất nốt, trở về biết ăn nói làm sao? Phen này nhất định bị đại vương đánh chết mất! Biết làm sao bây giờ? Biết làm sao bây giờ?”
Con người hiện đại cho rằng, làm người thì cần phải khôn khéo, cần phải tinh tế và lanh lợi, không được chịu lép vế. Nhưng ở đây, “tinh tế” với “lanh lợi” lại trở thành tên gọi của bầy tiểu yêu. Thực vậy, người tu luyện nếu coi trọng sự khôn khéo và giảo hoạt thì chính là đang bị ma chướng làm mê hoặc.
Tinh Tế quỷ và Lanh Lợi trùng tham lam hám lợi, chỉ muốn chiếm lợi riêng về mình, có thể nói đây chính là biểu hiện của ma tính. Tôn Ngộ Không đánh trúng vào yếu điểm của đối phương, qua đó khiến độc giả ý thức được sự nguy hại của lòng tham: Đừng hám của cải bất chính, hãy mau mau tỉnh ngộ, trở về với bản tính thuần chân thuần thiện thuở ban sơ.
Vân Lý Vụ, Vụ Lý Vân, Cáp Như Hỏa, Khoái Như Phong, Hứng Hồng Hân, Hân Hồng Hứng
Trên đây là tên gọi sáu kiện tướng của Thánh Anh đại vương Hồng Hài Nhi ở động Hỏa Vân, khe Khô Tùng, núi Hiệu. Trong đó, “Vân Lý Vụ” và “Vụ Lý Vân” nghĩa là không lý trí, “Cấp Như Hỏa” ám chỉ tính cách vội vàng, hấp tấp, “Khoái Như Phong” ám chỉ tính tình bột phát, còn “Hứng Hồng Hân” và “Hân Hồng Hứng” là chỉ tính khí nóng nảy.
Trong truyện viết:
Lúc ấy thấy sáu tiểu yêu là những tên gần gũi thân thiết với ma vương, được phong kiện tướng. Đó là những tên Vân Lý Vụ, Vụ Lý Vân, Cáp Như Hỏa, Khoái Như Phong, Hứng Hồng Hân và Hân Hồng Hứng. Sáu kiện tướng bước tới gần, quỳ xuống.
Ma vương hỏi: “Các ngươi có biết lão đại vương nhà ta không?”
Sáu kiện tướng thưa: “Thưa, biết ạ”.
Ma vương nói: “Các người đi ngay đêm nay, mời lão đại vương ta đến đây, nói với ngài rằng ta có bắt được Đường Tăng, hầm nhừ mời ngài xơi, sẽ được sống lâu nghìn tuổi”.
Sáu kiện tướng phụng mệnh đi mời Ngưu Ma Vương, kết quả lại mời Ngưu Ma Vương giả do Tôn Ngộ Không biến thành để đưa về Hỏa Vân động.
Trong mỗi người đều có một phần nóng nảy, hấp tấp, vội vàng, lại có người chỉ muốn đạt được thành công nhanh chóng và lợi ích tức thì. Khi cảm xúc mạnh hơn lý trí thì không nên đưa ra quyết định, bởi vì bản thân đang bị cảm xúc khống chế, tâm trí bị mê hoặc, không thể có cái nhìn sáng suốt. Chỉ khi bình tâm tĩnh ý, suy nghĩ lại kỹ càng thì mới nhìn nhận và suy xét được thấu đáo, rõ ràng. Do đó, làm người thì nên giữ tâm thái bình thản, hành sự phù hợp với Thiên Đạo, như thế mới có thể đạt được thanh tĩnh, cảm thụ được vẻ mỹ hảo của sinh mệnh.
Bôn Ba Nhi Bá, Bá Ba Nhi Bôn
Đây là hai tiểu yêu ở đầm Bích Ba xuất hiện trong hồi thứ 62 của “Tây Du Ký”. Bôn Ba Nhi Bá là con cá trê đã thành tinh, còn Bá Ba Nhi Bôn là con cá sộp thành tinh. Khi bị Ngộ Không bắt được, chúng đã thành thật khai rằng:
“Hai chúng tôi là người của Vạn Thánh Long Vương ở đầm Bích Ba, núi Loạn Thạch được sai đến tuần tháp. Tên này là Bôn Ba Nhi Bá, còn tôi là Bá Ba Nhi Bôn. Hắn là yêu quái cá trê, tôi là yêu tinh cá sộp.
Vạn Thánh Long Vương tôi có sanh được một người con gái, tên gọi Vạn Thánh công chúa. Công chúa mặt hoa da phấn, tài giỏi hơn người, kén được một vị phò mã tên gọi Cửu Đầu phò mã, thần thông quảng đại. Năm ngoái Long Vương tới đây, trổ pháp lực giáng xuống một trận mưa máu làm ô uế bảo tháp, lấy trộm báu vật nhà Phật là xá lị đặt ở trong tháp. Công chúa lại lên tầng trời Đại La, đến điện Linh Tiêu, lấy trộm chín lá cỏ Linh Chi của Vương Mẫu mang về trồng ở đáy đầm, nên ráng đẹp hào quang chiếu rọi suốt ngày đêm.
Gần đây nghe nói có tên Tôn Ngộ Không sang phương tây lấy kinh, tên ấy thần thông quảng đại, dọc đường chuyên trừng trị những kẻ bất nghĩa, cho nên Long Vương thường sai chúng tôi đến đây tuần tra. Nếu biết tin có tên Tôn Ngộ Không ấy tới thì chuẩn bị đối phó.”
Cái tên “Bôn Ba Nhi Bá” và “Bá Ba Nhi Bôn” ngụ ý rằng: Con người dành cả đời mải miết, cả đời phấn đấu bôn ba nhưng cuối cùng vẫn không đạt được mục đích thật sự của kiếp người. Giống như hai tiểu yêu nói trên, dù chúng rất thành khẩn khai báo nhưng vẫn không tránh khỏi bị trừng phạt. Ngộ Không và Bát Giới lôi hai tên yêu tới đầm Bích Ba, cắt tai yêu quái cá sộp và cắt môi yêu tinh cá trê rồi quăng xuống đầm Bích Ba để truyền tin, yêu cầu Vạn Thánh Long Vương phải trả lại bảo bối cho chùa Kim Quang, nước Tế Trại.
Đôi khi chúng ta nhận ra rằng: Lao thân vất vả là vì lòng tham quá lớn, suy tính thiệt hơn là bởi biển dục quá đầy, nhưng vì bản tính quá mê mờ trong danh lợi nên con người vẫn không ngừng lặn lội bôn ba. Danh vọng làm bá chủ đang khuấy động những tranh đấu trong lòng, khiến người ta ăn không ngon, ngủ không yên, thân tâm bị giày vò thống khổ. Cả đời đã tạo bao nhiêu tội nghiệp để đến kiếp sau phải hoàn trả mãi không ngừng. Đến cuối cùng khi tan cuộc, chẳng phải sẽ hối hận lắm sao?
Có Đi Có Đến
Quốc vương nước Chu Tử mắc bệnh, thì ra là vì vương hậu đã bị yêu quái bắt đi biệt tích mấy năm trời. Lần này Ngộ Không lại có cơ hội trổ tài hàng yêu phục quái, giải mối âu sầu cho quân vương.
Trong lúc bay đi tìm yêu quái ở động Giải Trãi, núi Kỳ Lân, Ngộ Không bắt gặp một tên tiểu yêu đang đi gửi chiến thư. Hắn vừa đi vừa làu bàu trách móc:
“Lão đại vương nhà mình thực độc ác! Ba năm trước đã tới nước Chu Tử cưỡng đoạt Kim Thánh hoàng hậu, nhưng đến nay vẫn vô duyên chẳng được nằm kề, chỉ khổ những cô cung nữ đội vò thôi. Hai cô đến cũng bị giết chết. Bốn cô đến cũng bị giết chết. Năm kia bắt, năm ngoái bắt, năm nay lại bắt.
Nhưng lần này gặp phải tay đối thủ. Tướng tiên phong đi bắt cung nữ, bị tên Tôn Hành Giả nào đó đánh bại, không bắt được cung nữ, đại vương ta vì thế tức giận, muốn đánh nhau với nước họ, bắt mình đi đưa chiến thư gì đó. Chuyến đi này, quốc vương kia không nhận lời đánh thì may, mà đánh sẽ bất lợi. Đại vương ta mà dùng khói lửa cát bay thì vua tôi trăm họ nước ấy ắt chẳng còn sống sót một mống. Lúc ấy bọn ta chiếm thành trì của họ, đại vương ta lên ngôi vua, chúng ta làm bề tôi. Tuy có quan tước nhỏ thật, nhưng trái với lẽ trời lắm lắm”.
Thì ra đây chính là tên tiểu hiệu tâm phúc “Có Đi Có Đến” của đại vương Trại Thái Tuế. Trong truyện miêu tả:
Bỗng nghe soạt một tiếng, chiếc thẻ bài ngà bịt vàng trong bụng cái xác chết thòi ra. Trên tấm thẻ bài có hàng chữ:
“Tiểu hiệu tâm phúc đây.
Tên ‘Có Đi Có Đến’
Thân lùn tì ngũ đoản,
Mặt choắt lại không râu.
Đeo đi khắp đâu đâu,
Không thẻ bài tức giả.”
Hành Giả xem xong cười, nói: “Tên này tên là Có Đi Có Đến, thế mà chỉ một gậy trở thành Có Đi Không Đến”.
Mặc dù chỉ là tiểu yêu nhưng Có Đi Có Đến vẫn còn một chút thiện lương, không muốn làm điều trái Thiên lý. Chỉ tiếc là hắn không giữ vững lương tri, cúi đầu trước quyền thế, cam chịu làm tay sai cho ma vương, vì thế mà đánh mất cơ duyên được bảo toàn tính mệnh. Tiểu yêu vẫn giao thân thể cho tà ác thao túng, nghe theo mệnh lệnh, gọi đến thì đến, bảo đi thì đi. Cuối cùng vận mệnh ‘có đi có đến’ trở thành ‘có đi mà không thể đến, có đến lại không thể trở về’, âu cũng là kết cục tất yếu.
Tiểu Toàn Phong
Trên núi Sư Đà, động Sư Đà, đâu đâu cũng thấy các Tiểu Toàn Phong vâng lệnh đại vương đi tuần núi. Ngộ Không liền biến thành con nhặng xanh nhẹ nhàng bay đến đậu trên mũ của một tiểu yêu, lắng tai nghe ngóng. Chỉ thấy tiểu yêu đi lên đường lớn, vừa gõ mõ vừa rung nhạc, miệng lẩm bẩm: “Bọn đi tuần núi chúng ta phải cẩn thận đề phòng Tôn Hành Giả, hắn hay biến thành nhặng xanh lắm!”
Ngộ Không lại biến thành một tiểu yêu tuần núi đón đường Tiểu Toàn Phong. Trong truyện kể:
Đại Thánh liền nhảy từ trên mũ xuống, đậu vào ngọn cây, để cho tiểu yêu đi trước mấy bước, rồi lộn người biến thành một tiểu yêu hệt như tên kia, cũng gõ mõ rung nhạc, cũng vai cầm cờ, quần áo cũng giống hệt, có điều cao hơn tên kia chừng dăm tấc, miệng cũng lầm rầm đuổi theo tên kia, gọi: “Anh đi đường ơi, đợi tôi với!”
Tiểu yêu quay đầu nói: “Nhà anh ở đâu tới?”
Hành Giả cười nói: “Ông anh giỏi giang ơi, người cùng nhà mà không nhận ra à?”
Tiểu yêu nói: “Nhà tôi làm gì có anh”.
Hành Giả nói: “Sao lại không có tôi? Anh nhìn lại xem”.
Tiểu yêu nói: “Lạ lắm, nhận không ra! Nhận không ra!”
Hành Giả nói: “Cũng hơi lạ đấy. Vì tôi là lính nấu bếp, anh ít gặp”.
Tiểu yêu lắc đầu nói: “Đâu có! Đâu có! Mấy anh em nấu bếp trong động tôi không có ai mồm nhọn cả”.
Hành Giả nghĩ thầm: “Lại phải cái mồm biến hơi nhọn một chút rồi”. Bèn cúi đầu, lấy tay che miệng, vuốt một cái nói: “Mồm tôi có nhọn đâu”.
Lúc này đúng là mồm Hành Giả không nhọn thật. Tiểu yêu kia nói: “Vừa rồi mồm anh nhọn, làm sao vuốt một cái đã hết nhọn? Thật đáng ngờ lắm! Không nhận ra được! Không phải người nhà tôi đâu! Không biết! Không biết! Nghi lắm! Nghi lắm! Gia pháp đại vương nhà tôi rất nghiêm, nấu cơm là nấu cơm, đi tuần là đi tuần. Không bao giờ có chuyện bảo anh đi nấu cơm, rồi lại bảo anh đi tuần núi!”
Kỳ thực, nếu ai cũng mang tâm thái đề phòng người khác thì vĩnh viễn không có được cảm giác an toàn. Cho dù giám sát nhiều bao nhiêu, nhưng nếu nhân tâm đã trở nên suy đồi thì ai có thể phòng bị được đây? Do đó yêu tinh không thắng được đức hạnh, chỉ có tâm hướng thiện mới là chính đạo.
Điêu Toàn Cổ Quái, Cổ Quái Điêu Toàn
Trong hồi thứ 89 có hai tên tiểu yêu tên là “Điêu Toàn Cổ Quái” và “Cổ Quái Điêu Toàn”, ý nghĩa là xảo trá, tai quái.
Hai tiểu yêu là thủ hạ của yêu quái Hoàng Sư. Hoàng Sư quái hí hửng vì vừa mới đánh cắp được ba pháp khí thần kỳ nên sai hai tên lâu la mua lợn dê về mở tiệc, tổ chức đại hội Đinh Ba. Trên đường đi, hai tên mải bàn bạc làm cách nào chiếm mấy đồng bạc lẻ đút túi ư, vừa hay bị Ngộ Không phát hiện. Ngộ Không liền định trụ chúng lại và khám xét khắp người:
“Hành Giả vật ngửa hai đứa ra cởi áo lục soát, quả nhiên thấy một gói hai mươi lạng bạc bỏ trong hầu bao thắt quanh cạp quần. Mỗi tên còn đeo một thẻ bài sơn phấn, một chiếc đề Điêu Toàn Cổ Quái, chiếc kia đề Cổ Quái Điêu Toàn.”
Sau đó Ngộ Không phá hủy hang ổ ma quỷ, kỳ thực cũng là cấp cho hai tiểu yêu cơ hội tỉnh ngộ. Nhưng Điêu Toàn Cổ Quái và Cổ Quái Điêu Toàn vẫn coi ma vương là chỗ dựa vững chắc, vẫn quỳ bái cung phụng ma vương, làm tay sai thân tín cho ma vương. Cuối cùng, cả hai đều không tránh khỏi kiếp số hẩm hiu, vận mệnh đã bị chính tay mình hủy hoại.
Khi con người có nội tâm thuần tịnh, suy nghĩ thuần khiết thì yêu ma không dám xâm phạm. Làm người thì nên gìn giữ phẩm hạnh đạo đức, quay về với các giá trị truyền thống, biết kính Thiên tri mệnh, hành sự theo Thiên ý. Nếu nhân gian là một thế giới kiền tịnh, thì chẳng phải nỗ lực của mỗi người sẽ viết nên câu chuyện thần thoại cho con người tương lai đó sao?
Theo Nguyên Hinh – Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch
NTD Việt Nam