Chuyện đời tan trong chén rượu nồng. (Tranh Winnie Wang)
Nói đến lịch sử, chúng ta đều biết rằng Trung Hoa có lịch sử lâu đời nhất được ghi nhận trên thế giới, kéo dài trên dưới 5 nghìn năm, mà không hề bị gián đoạn. Ở đây có các bộ lịch sử chính thức được quốc gia biên soạn và những bộ sử do dân gian biên soạn.
Lịch sử và cách thức biên soạn sử sách
Có một truyền thống được lưu lại ở Trung Quốc sau thời nhà Hán, gọi là “Cách đại tu sử”, tức là hoàng đế của một triều đại sẽ cử một sử gia để ghi lại chi tiết tất cả các sự kiện lớn xảy ra trong triều đại đó, bao gồm thiên tai , tình hình kinh tế, chính trị, quân sự, chế độ quan lại, gồm cả những gì các đại thần tâu với hoàng đế, hoàng đế phê duyệt như thế nào, v.v. đều được ghi lại. Sau đó, những tài liệu gốc này được lưu trữ trong ‘sử quán’, đợi đến khi một triều đại sụp đổ, hoàng đế của triều đại tiếp theo sẽ chỉ định những nhà Nho kiệt xuất lấy những tài liệu gốc này, chỉnh lý lại thành bộ lịch sử chính thức của triều đại trước. Đây là bộ lịch sử chính thức được quốc gia biên soạn.
Chúng ta biết rằng trong 24 bộ sử ký, hầu hết sử sách đều là bộ lịch sử chính thức được quốc gia biên soạn, chẳng hạn như “Tam quốc chí” do Trần Thọ của triều đại Tây Tấn biên soạn, và tất nhiên sau đó là “Cựu Đường thư”, “Tân Đường thư”, “Tống sử”, “Nguyên sử”, ”Minh sử”, v.v. đều là những bộ lịch sử chính thức được quốc gia biên soạn (gọi là ‘quan tu chính sử’).
Ngoài bộ lịch sử chính thức được quốc gia biên soạn, còn có một số bộ lịch sử do tư nhân trong dân gian biên soạn. Điển hình nhất là cuốn “Sử ký” do Tư Mã Thiên thời nhà Hán viết, đây là việc ông tự mình làm, không phải là việc Hoàng đế Hán Vũ Đế yêu cầu ông làm, bởi vì cha ông là sử quan. Trước lúc lâm chung, người cha đã nắm tay Tư Mã Thiên và yêu cầu Tư Mã Thiên nhất định phải hoàn thành cuốn “Sử ký” này, Tư Mã Thiên đã rơi lệ đáp ứng thỉnh cầu của cha.
Sau đó, Tư Mã Thiên đã biên soạn lịch sử từ thời Hoàng đế đến thời Hán Vũ Đế – thời mà Tư Mã Thiên đang sống, biên soạn thành cuốn thông sử đầu tiên thể kỷ truyện của Trung Quốc, đó là “Sử ký”. Chúng ta đã biết có một đại văn hào thời Bắc Tống tên là Âu Dương Tu. Ông viết cuốn “Tân Ngũ Đại sử”, cũng là một trong 24 bộ sử và cũng là bộ sử do tư nhân biên soạn.
Ở Trung Quốc có hai phương pháp chính để ghi lại lịch sử, một phương pháp được gọi là “Kỷ truyện thể”, ví dụ “Sử ký” Tư Mã Thiên thuộc loại này.
Kỷ truyện thể là gì? “Kỷ” là biên niên sử, “Truyện” là tiểu sử, nói một cách đơn giản là ghi lại câu chuyện của các nhân vật. Về cơ bản, mỗi cuốn biên niên sử hoặc tiểu sử trong “Sử ký” đều kể câu chuyện của một hoặc một số người. Ví dụ, “Tần Thủy Hoàng bản kỷ” kể về câu chuyện của Tần Thủy Hoàng; “Hạng Vũ bản kỷ” kể về Hạng Vũ; “Lão Tử và Hàn Phi liệt truyện” kể về Lão Tử và Hàn Phi Tử. Lấy nhân vật làm trung tâm để viết, đây gọi là lối viết tiểu sử – Kỷ truyện thể do Tư Mã Thiên sáng tạo ra.
Trước “Sử ký”, vẫn có một số phương pháp ghi chép lịch sử. Ví dụ, cuốn sách lịch sử theo niên đại của Trung Quốc là “Tả truyện”, được Tả Khâu Minh viết vào thời Xuân Thu. Biên niên sử này không lấy nhân vật làm trung tâm mà viết theo thời đại, ghi lại những gì đã xảy ra trong một năm nào, năm nào đó. Sau này, có một số phương thức chép sử không chính thống, chẳng hạn như “Quốc ngữ” ghi lại những lời nói. Còn có thể loại như “Chiến Quốc sách” thuộc thể loại dân tộc, ghi lại lịch sử của một quốc gia. Sau đó, một loại phương thức biên niên sử đã xuất hiện, đó là cách viết lịch sử lấy sự kiện làm trung tâm.
Cuốn “Sử ký” do Tư Mã Thiên viết có về các sự kiện lịch sử trong 3000 năm, đây là một con số không thể nghĩ bàn. Chúng ta biết rằng cuốn lịch sử đầu tiên của phương Tây được viết bởi Herodotus, gọi là “Lịch sử”. Herodotus sau này được gọi là cha đẻ của lịch sử và cuốn sách ông viết có tên là “Lịch sử”. Nó ghi lại cuộc chiến giữa Hy Lạp cổ đại và Ba Tư, các sự kiện lịch sử chỉ kéo dài 50 năm.
Herodotus, người đã viết về các sự kiện lịch sử trong 50 năm, được mệnh danh là cha đẻ của lịch sử, ông dường như là người khai sáng việc viết sử.
Sau đó, một người khác tên là Thucyrid đã viết cuốn sách “Lịch sử chiến tranh Peloponnesian”. Nói về một cuộc chiến trên bán đảo Peloponnese, là các sự kiện trong khoảng thời gian chỉ hơn 20 năm. Nhưng bộ “Sử ký” viết về các sự kiện lịch sử kéo dài trong 3000 năm, vượt qua cuốn “Lịch sử” và cuốn “Lịch sử cuộc chiến Peloponnesian” từ 60 đến 100 lần. Vì vậy, lịch sử Trung Quốc có nhiều ưu điểm mà các ghi chép lịch sử phương Tây không thể so sánh được.
Hơn nữa, khi Tư Mã Thiên viết lịch sử, không chỉ là ghi lại một số sự kiện hay đối thoại, mà còn liên quan đến nhiều thứ như thiên văn học, thủy lợi, lễ nghi , âm nhạc, v.v. Chẳng hạn như ở một nơi có những loại sản phẩm nào, rồi đến hoạt động thương mại, tình hình như thế nào, bao gồm cả trường phái tư tưởng khác nhau của Bách gia Chư tử, tư tưởng triết học của họ, v.v. Vì vậy, đây là bộ sử có tính tổng hợp, chứ không chỉ ghi lại một số sự kiện hoặc những cuộc đối thoại.
Chẳng hạn, phần “Thiên quan thư” trong “Sử ký” nói về sự sắp xếp của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao trên bầu trời tương ứng với con người và sự việc trên mặt đất. Phần “Hà cừ thư” ghi chép về thủy lợi kênh mương sông ngòi… Vì vậy, các ghi chép lịch sử của Trung Quốc có tính hệ thống và tổng hợp.
Không chỉ có vậy. “Sử ký” không chỉ nói về lịch sử của Trung Quốc mà còn bao gồm lịch sử của các quốc gia hoặc dân tộc thiểu số khác trong tầm nhìn của người Trung Quốc lúc bấy giờ.
Ví dụ: “Đại Uyên liệt truyện” kể về lịch sử đất nước Đại Uyên ở Tây Vực; “Tây Nam di liệt truyện” kể về lịch sử của các dân tộc thiểu số ở Tây Nam Trung Quốc; “Triều Tiên liệt truyện” kể về lịch sử của bán đảo Triều Tiê . Vì vậy, “Sử ký” không chỉ là một cuốn sách lịch sử rất đầy đủ và có hệ thống mà còn là cuốn lịch sử chung có tính chất thế giới lúc bấy giờ.
Khi Tư Mã Thiên viết “Sử ký”, ông đã đặt ra một chí hướng. Ông viết sử ký có ba mục đích:
- Thứ nhất là “Cứu thiên nhân chi tế” (nghiên cứu mối quan hệ giữa Trời và người);
- Thứ hai là “Thông cổ kim chi biến” (Thông hiểu được sự biến đổi xưa nay);
- Thứ ba là “Thành nhất gia chi ngôn” (Lập lên một gia phái riêng).
Nói cách khác, Tư Mã Thiên muốn khám phá mối quan hệ giữa trời và người, ghi lại tất cả những thay đổi từ xưa tới nay vào cuốn sử của mình, đồng thời đưa ra những quan điểm nhìn nhận của mình về lịch sử.
Sau đó, cuốn biên niên sử dài nhất Trung Quốc có tên là “Tư trị thông giám”, được viết bởi Tư Mã Quang thời Bắc Tống. Mục đích của Tư Mã Quang khi viết “Tư trị thông giám” khác với Tư Mã Thiên. Mục đích của Tư Mã Thiên là “Nghiên cứu mối quan hệ giữa Trời và người, tìm hiểu những biến động xưa nay và lập lên một gia phái riêng”, trong khi mục đích của Tư Mã Quang khi viết “Tư trị thông giám” là để dạy hoàng đế cách cai trị đất nước.
Tư Mã Quang viết “Tư trị thông giám”, được truyền qua các triều đại Anh Tông và Thần Tông của triều đại Bắc Tống. Sau khi ông giao tận tay bộ sách cho hoàng đế, hoàng đế cho rằng đọc cuốn sách này sẽ rất hữu ích cho việc cai trị đất nước, vì vậy được hoàng đế ban tên là “Tư trị thông giám”. “Tư” có nghĩa là cho, “Trị” có nghĩa là quản lý, và “Thông giám” có nghĩa là lịch sử chung và có thể được dùng làm gương tham khảo, nên được gọi là “Tư trị thông giám” (Tấm gương lịch sử giúp ích cho việc quản trị quốc gia).
Đây là cuốn biên niên sử dài nhất của Trung Quốc, có khoảng thời gian bắt đầu từ những năm đầu của thời Đông Chu và thời Chiến Quốc cho đến khi Triệu Khuông Dận trở thành hoàng đế nhà Bắc Tống, tổng cộng là 1362 năm.
Như vậy chúng ta thấy trong thế giới lịch sử có hai vị Tư Mã, Tư Mã Thiên và Tư Mã Quang, họ nghiên cứu và viết lịch sử với những mục đích khác nhau. Tất nhiên, ngày nay người Trung Quốc rất nhiều người thích đọc lịch sử, nhưng tại sao các bạn thích đọc lịch sử, tôi nghĩ mỗi người đều có cách giải thích riêng.
Dòng sông dài lịch sử
Hoàng Đế Hiên Viên được mệnh danh là “Nhân văn sơ tổ”, Thương Hiệt – người phát minh ra chữ Hán, là sử quan bên cạnh Hoàng Đế Hiên Viên. Điều này dường như cho thấy Trung Hoa đã có mối liên hệ không thể tách rời với lịch sử kể từ khi bước vào nền văn minh. Trên khắp thế giới, chưa từng có dân tộc nào tôn kính lịch sử như người Trung Quốc, và họ cũng đã để lại ghi chép lịch sử tin cậy duy nhất của nhân loại liên tục suốt 5 nghìn năm.
Từ cuốn lịch sử niên đại đầu tiên “Tả truyện”, bộ thông sử tiểu sử nhân vật đầu tiên “Sử ký”, rồi biên niên sử tổng quát đầu tiên “Tư trị thông giám”, cho đến những bộ chính sử được các triều đại kế tiếp biên soạn, người Trung Quốc đã tổng hợp nhiều sự kiện lịch sử quý giá, trí tuệ sâu sắc, phản ánh về lịch sử, được ghi lại và trở thành phương tiện quan trọng để tiếp tục nền văn minh Trung Hoa.
Nhắc đến lịch sử, tôi thường nghĩ đến bài từ mở đầu của “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, tựa đề của bài này là “Lâm Giang Tiên” (Ông Tiên bên sông).
Cổn cổn trường giang đông thệ thủy
Lãng hoa đào tận anh hùng
Thị phi thành bại chuyển đầu không
Thanh sơn y cựu tại
Kỷ độ tịch dương hồng
Bạch phát ngư tiều giang chử thượng
Quán khán thu nguyệt xuân phong
Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng
Cố kim đa thiểu sự
Đô phó tiếu đàm trung
Bản dịch phim Tam Quốc Diễn Nghĩa:
Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng
Thị phi thành bại theo dòng nước
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không
Núi xanh nguyên vẹn cũ
Bao độ ánh triều hồng
Bạn ngư tiều dãi dầu trên bãi
Vốn đã quen gió mát trăng trong
Một vò rượu nếp vui gặp gỡ
Chuyện đời tan trong chén rượu nồng
Bài thơ này là mở đầu của “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, nhiều người cho rằng vì là câu mở đầu của “Tam Quốc Diễn Nghĩa” nên tác giả phải là La Quán Trung. Điều này sai rồi, tác giả là một học sĩ tên Dương Thận sống vào giữa thời nhà Minh. Sau này tới thời nhà Thanh, khi cha con Mao Tông Cương chỉnh lý và chú thích cho “Tam Quốc”, họ đã đặt bài thơ của Dương Thận (ban đầu bài thơ được gọi là “Thuyết Tần từ”) làm phần mở đầu cho “Tam Quốc Diễn Nghĩa”.
Tại sao tôi muốn nói về bài thơ này? Bởi vì nó cho chúng ta một tâm thái khi nhìn vào lịch sử. Lịch sử Trung Quốc rất phong phú, nó có sử thi hào hùng của nhà Hán, vạn quốc lai triều thời Đại Đường, đến nền kinh tế và văn hóa phát triển của nhà Tống, còn có văn trị võ công thời Khang Càn thịnh thế triều Thanh. Ngoài ra còn có đỉnh cao nghệ thuật của Đường thi, Tống; còn có sự thông tục hòa cùng trang nhã của tiểu thuyết thời Minh-Thanh; còn có hùng tài đại lược của Tần Hoàng, Hán Vũ; có tinh trung báo quốc của Nhạc Phi, có nghĩa át mây trời của Quan Vân Trường; lại còn có thánh nhân Khổng Tử, danh tướng ngàn năm thiên cổ lưu danh như Nhạc Phi, Hàn Tín; còn có những tông sư Phật giáo như các Đạt Ma, Huyền Trang, rồi chân nhân Đạo gia Trương Tam Phong; còn có các thích khách nghĩa khí như Chuyên Chư, Dự Nhượng. Ngoài ra còn có trí huệ của Đạo gia, có lòng từ bi của Phật gia, lòng nhân nghĩa của Nho gia, còn có những kỳ mưu của Binh gia, và cả những mưu kế quỷ quyệt của Pháp gia…
Những vị ấy, cho dù họ đã đạt được những thành tựu oanh liệt nào trong lịch sử, họ đã đưa ra những học thuyết gì, hay họ đã làm được những gì, thì nay các vị ở đâu?
Họ đều đã thành người thiên cổ, nên khi nghĩ đến những nhân vật này, chúng ta thường buông tiếng thở dài – “Thị phi thành bại chuyển đầu không” (Đúng sai thành bại rồi không cả).
Nhiều thành tựu vĩ đại giống như một cái chớp mắt trên dòng sông dài lịch sử, nháy mắt đã trôi qua.
Nhưng đối với Dương Thận, ông đã nhìn thấy sự vĩnh hằng trong khoảnh khắc ấy. Trong lời từ của ông: “Thanh sơn y cựu tại, kỷ độ tịch dương hồng” (Núi xanh vẫn như xưa, ráng chiều nhuốm đỏ đã bao lần).
Lịch sử năm nghìn năm của Trung Quốc giống như một vở kịch lớn, diễn dịch biết bao cảnh buồn vui ly hợp, ân oán ái hận, thành bại hưng suy, thiện ác, trung thần và gian thần…
Hôm nay chúng ta hãy cùng nhìn lại giai đoạn lịch sử này với một tâm thái nhẹ nhàng: “Cổ kim đa thiểu sự, đô phó tiếu đàm trung” (Xưa nay bao nhiêu chuyện, đều đưa cả vào câu chuyện mà cười vui).
(Còn tiếp)
Chương Thiên Lượng – NTD
Thái Bình biên dịch từ:
Chương trình lịch sử quy mô lớn của Đài truyền hình NTD (Tân Đường Nhân) “Tiếu đàm phong vân” do Giáo sư Chương Thiên Lượng chủ trì: Tập 1 – Gió mây khó lường (1)
NTD Việt Nam