Các mảng kiến tạo lục địa Ấn Độ và Á-Âu đang hoạt động theo một cách khác biệt – Hình ảnh dãy Himalaya. (12019/Pixabay)
Đất nước Tây Tạng huyền bí có thể bị chia tách làm đôi và dãy Himalaya vẫn đang tiếp tục cao hơn lên, bởi vì các mảng lục địa bên dưới nó đang dịch chuyển một cách khác thường.
Các nhà địa vật lý đã phát hiện ra rằng sự chuyển động của mảng kiến tạo Ấn Độ khiến dãy Himalaya tiếp tục cao hơn lên và quá trình tương tự cũng có thể chia cắt Tây Tạng thành hai phần.
Theo LiveScience, dãy Himalaya đang tiếp tục cao hơn lên là do các mảng kiến tạo lục địa Ấn Độ và Á-Âu đang va chạm nhau dưới dãy núi. Thông thường, khi hai mảng kiến tạo va vào nhau, mảng dày đặc hơn thường trượt bên dưới mảng kia trong một hiện tượng gọi là hút chìm. Tuy nhiên, vì hai mảng lục địa có mật độ dày đặc gần tương tự như nhau, nên các nhà địa chất không hoàn toàn chắc chắn mảng nào sẽ nằm chồng lên mảng nào.
Theo tạp chí Science, một số nhà khoa học tin rằng mảng Ấn Độ có thể sẽ không chìm sâu xuồng lớp phủ Trái đất mà nó tiếp tục trượt theo chiều ngang bên dưới Tây Tạng. Bởi vì mảng Ấn độ này dày và nhẹ hơn so với mảng kiến tạo dày đặc dưới đáy đại dương, do đó chúng không dễ chìm xuống trong các vụ va chạm.
Nhưng những nhà khoa học khác lại cho rằng phần nổi nhất của mảng Ấn Độ sẽ nhăn lại như một tấm thảm dọc theo mép của vụ va chạm trước, khiến nửa dưới của mảng dễ dàng chìm xuống.
Một nhóm các nhà địa vật lý quốc tế đã phân tích các đợt động đất ở Tây Tạng và chỉ ra một khả năng khác có thể đứng giữa hai kịch bản trên. Rất có khả năng mảng Ấn Độ đang “tách lớp” khi nó trượt bên dưới mảng Á-Âu, với phần đáy dày đặc của nó bong ra khỏi lớp đỉnh phía trên. Hơn nữa, họ cũng tìm thấy bằng chứng về vết nứt khá lớn ở ranh giới giữa phần bị bong tróc của mảng này, trong khi mảng Á-Âu vẫn còn nguyên vẹn.
Theo các nhà nghiên cứu, họ không biết rằng các mảng lục địa có thể hành xử theo cách này và nó có thể thay đổi căn bản khoa học trái đất. Nghiên cứu này được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Địa vật lý Hoa Kỳ và có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự hình thành của dãy Himalaya và trong tương lai, thậm chí có thể giúp hiểu rõ hơn về các nguy cơ động đất trong khu vực.
NTD Việt Nam