Một nghiên cứu mới gây chấn động cho thấy bệnh Alzheimer có thể lây truyền từ người này sang người khác. (EUSKALANATO Flickr / CC BY-NC-SA 4.0 DEED)
Một nghiên cứu mới gây chấn động cho thấy bệnh Alzheimer có thể lây truyền từ người này sang người khác.
Các nhà khoa học đã xác định một số bệnh nhân có khả năng mắc bệnh Alzheimer do sử dụng một loại phương pháp điều trị hiện đã ngừng áp dụng, liên quan đến việc chiết xuất hormone tăng trưởng từ não người đã chết.
Mặc dù phát hiện này không có nghĩa là bệnh Alzheimer có thể lây lan như cảm lạnh thông thường, nhưng nó cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy trong những trường hợp hiếm hoi, bệnh này vẫn có khả năng lây truyền giữa người với người.
Tại sao liệu pháp hormone bị cấm?
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine tuần này có tác động sâu rộng đến cả nghiên cứu về bệnh Alzheimer trong quá khứ và tương lai.
Phương pháp điều trị bằng hormone tăng trưởng từ người đã chết, hiện đã bị cấm, từng là liệu pháp phổ biến cho trẻ em bị thiếu hụt hormone.
Trong khoảng thời gian từ năm 1959 đến 1985, gần 1.900 bệnh nhân ở Vương quốc Anh đã được điều trị bằng hormone tăng trưởng từ người chết. Ngoài ra, từ năm 1963 đến 1983, khoảng 7.700 trẻ em ở Mỹ và 27.000 trẻ em trên toàn thế giới cũng áp dụng phương pháp điều trị này.
Trên toàn cầu, hơn 200 trường hợp mắc bệnh Creutzfeldt-Jakob đã được liên kết với quy trình này. Bệnh Creutzfeldt-Jakob xảy ra khi prion, một loại protein bị gấp sai, kích hoạt các protein bình thường trong não gấp sai lệch và gây ra tổn thương.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, các bệnh prion như Creutzfeldt-Jakob tiến triển nhanh chóng và luôn gây tử vong.
Trong gần bốn thập kỷ, hormone tăng trưởng tổng hợp đã được sử dụng để điều trị các vấn đề về tăng trưởng.
Bác sĩ Richard Oakley, giám đốc phụ trách nghiên cứu và đổi mới tại Hiệp hội Alzheimer, cho biết trong một tuyên bố:
“Phương pháp điều trị này không được sử dụng kể từ năm 1985, do đó không có lý do gì để lo ngại cho sức khỏe của người dân nói chung. Ngày nay, bệnh nhân có quyền chọn lựa các phương pháp đã được phê duyệt về độ an toàn và không gây nguy cơ truyền bệnh”.
Protein Prion bị đổ lỗi cho sự lây truyền của bệnh Alzheimer
Theo nghiên cứu, thủ phạm chính là prion. Prion, một loại protein kích hoạt các bệnh thoái hóa thần kinh nghiêm trọng bằng cách khiến các protein bình thường trong não gấp lại thành hình dạng bất thường, hoạt động như những hạt giống tập trung lại thành rễ của các sợi dài, cuối cùng trở thành mảng bám. Quá trình này tương tự như cách protein amyloid-beta và tau nhân đôi và lan truyền trong não của bệnh nhân Alzheimer.
Trước đây, các nhà nghiên cứu đã phân tích não bộ của những người chết vì bệnh Creutzfeldt-Jakob sau khi sử dụng phương pháp điều trị bằng hormone tăng trưởng từ người chết trước đó.
Mặc dù não bộ của họ cho thấy dấu hiệu của bệnh Alzheimer, nhưng không rõ liệu những người đã chết có trải qua các triệu chứng của bệnh hay không.
Nghiên cứu riêng biệt cho thấy bệnh Alzheimer cũng có thể lây lan qua cùng một quá trình gieo mầm prion, nhưng lý thuyết này chưa được chứng minh cho đến nay.
Trong nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra não bộ của tám cá nhân đã nhận được liệu pháp hormone từ thi thể người nhưng không phát triển bệnh Creutzfeldt-Jakob. Nghiên cứu lưu ý rằng họ không có tiền sử gia đình mắc chứng mất trí nhớ khởi phát sớm hoặc bệnh Alzheimer.
Năm trong số tám bệnh nhân cho thấy dấu hiệu của chứng mất trí nhớ khởi phát sớm, với các triệu chứng bắt đầu từ 38-55 tuổi. Phân tích thêm não và tủy sống của bệnh nhân đã cung cấp đủ bằng chứng cho thấy hai bệnh nhân khác có thể được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer.
Nghiên cứu lưu ý rằng dạng bệnh Alzheimer do iatrogenic này, được gây ra bởi các phương pháp điều trị y tế như quy trình hormone tăng trưởng từ người chết, khác với bệnh Alzheimer tự phát và di truyền.
Bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer do iatrogenic thường trải qua bệnh khởi phát sớm, nhưng các triệu chứng nhận thức của họ có xu hướng diễn biến chậm trong hơn một thập kỷ.
Nó có ý nghĩa gì với công chúng?
Andrew Doig, giáo sư hóa sinh tại Đại học Manchester và chuyên gia về bệnh Alzheimer, cho biết: “Mặc dù loại bệnh Alzheimer mới được báo cáo ở đây rất thú vị về mặt khoa học, vì nó tiết lộ một cách mới để lây lan bệnh, nhưng không có lý do gì phải lo sợ, vì cách gây bệnh đã bị dừng lại cách đây hơn 40 năm. Việc truyền bệnh từ não người sang não người theo cách này không bao giờ xảy ra nữa”.
Vì bệnh về cơ bản có thể “lây truyền” từ não người này sang não người khác, nên những phát hiện này sẽ thúc đẩy các nhà khoa học xem xét thêm về tác động của nó đối với sức khỏe cộng đồng và phòng ngừa bệnh Alzheimer do iatrogenic. Ví dụ, điều này có thể bao gồm việc tẩy rửa dụng cụ phẫu thuật cẩn thận hơn.
Susan Kohlhaas, giám đốc điều hành nghiên cứu và hợp tác tại Alzheimer’s Research UK, cho biết: “Điều quan trọng cần nhấn mạnh rằng đây là trường hợp duy nhất được ghi nhận về việc truyền bệnh Alzheimer giữa người với người. Không có bằng chứng nào cho thấy nó có thể truyền qua bất kỳ đường nào khác, chẳng hạn như các hoạt động hàng ngày hoặc các thủ tục y tế thông thường”.
Tuy nhiên, bà nói thêm, nghiên cứu đã tiết lộ thêm về cách các mảnh amyloid có thể lan truyền trong não, cung cấp manh mối mới về tiến trình của bệnh Alzheimer và các mục tiêu điều trị tiềm năng.
Theo Amie Dahnke – The Epoch Times
Bảo Vy biên dịch
NTD Việt Nam