Những người mắc hội chứng chân không yên thường có cảm giác thôi thúc phải cử động chân không thể cưỡng lại được vào ban đêm (Minh họa của The Epoch Times, Shutterstock)
Có đến 10 phần trăm người trưởng thành mắc hội chứng chân không yên khiến hội chứng này trở thành nguyên nhân gây mất ngủ đứng thứ tư.
Những người mắc hội chứng chân không yên thường có cảm giác thôi thúc phải cử động chân không thể cưỡng lại được vào ban đêm (Minh họa của The Epoch Times, Shutterstock)
Hội chứng chân không yên (RLS) là một rối loạn giấc ngủ phổ biến ảnh hưởng đến tới 10% người lớn và 4% trẻ em ở Hoa Kỳ. Điều này khiến nó trở thành nguyên nhân gây mất ngủ thứ tư. Với RLS, mọi người có một ham muốn không thể kiểm soát được là cử động chân, kèm theo cảm giác khó chịu. Điều này gây rối loạn giấc ngủ và nghỉ ngơi ban đêm cho hàng triệu người, làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống.
Hội chứng chân không yên, còn gọi là bệnh Willis-Ekbom, được Thomas Willis mô tả lần đầu tiên vào năm 1672. Sau đó hội chứng này được Karl-Axel Ekbom mô tả chi tiết hơn và đặt tên vào năm 1944. Mặc dù đã được xác định từ lâu và có các triệu chứng rất đặc biệt nhưng hội chứng này thường không được chẩn đoán. Điều trị RLS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về căn bệnh này.
Triệu chứng và Dấu hiệu Sớm của Hội chứng Chân Không Yên (RLS)
Hội chứng Chân Không Yên (RLS) biểu hiện với các triệu chứng riêng biệt, có thể thay đổi về mức độ nghiêm trọng và cách xuất hiện. Các triệu chứng và dấu hiệu sớm chủ yếu của RLS bao gồm:
- Nhu cầu không thể cưỡng lại được để cử động chân: Triệu chứng đặc trưng của RLS là ham muốn không thể kiểm soát được để di chuyển chân, thường kèm theo cảm giác khó chịu. Nhu cầu này thường xuất hiện vào ban đêm hoặc khi nghỉ ngơi, và được giảm bớt tạm thời bằng cách cử động. Những cảm giác này, được mô tả như điện giật, ngứa, kim châm, kiến bò, hoặc đau, thường xuất phát từ sâu bên trong chân. Trẻ em có thể thể hiện những cảm giác này bằng cách đạp chân, chân bồn chồn hoặc kiến cắn.
- Các cử động chi định kỳ trong giấc ngủ (PLMS): Khoảng 90% người mắc RLS cũng mắc PLMS, đây là những cử động chân lặp đi lặp lại trong giấc ngủ, có thể thay đổi về tần suất.
- Rối loạn giấc ngủ và mất ngủ: RLS có thể khiến bạn khó ngủ và duy trì giấc ngủ do nhu cầu mãnh liệt phải cử động chân. Điều này có thể dẫn đến mất ngủ và không có được giấc ngủ ngon. Nó cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động hàng ngày.
Ngoài các triệu chứng chính này, RLS còn biểu hiện các đặc điểm sau:
- Phân bố triệu chứng: Các triệu chứng của RLS thường ảnh hưởng đến vùng phía dưới đầu gối ở phía sau bắp chân, nhưng chúng cũng có thể lan đến cánh tay và đùi. Những cảm giác này thường ảnh hưởng đến cả hai chân nhưng có thể luân phiên nhau.
- Phân biệt triệu chứng: Điều quan trọng là phải phân biệt RLS với chuột rút chân, đau cơ, khó chịu do viêm khớp, thói quen gõ chân kinh niên hoặc yếu cơ. Ở trẻ em, RLS thường liên quan đến chứng đau nhức khi lớn và rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), dẫn đến khả năng chẩn đoán nhầm.
- Mạch kinh và Tác động: Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng RLS có thể từ khó chịu nhẹ đến gián đoạn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể bằng cách gây rối loạn giấc ngủ, hoạt động hàng ngày và sức khỏe tâm thần.
Có những loại hội chứng chân không yên nào?
Hội chân không yên có hai loại là nguyên phát và thứ phát. RLS nguyên phát là loại không tìm được nguyên nhân. Các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào và thường nặng dần theo thời gian.
RLS thứ phát thường do các các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hoặc một số yếu tố kích hoạt khác gây ra. Nếu điều trị được nguyên nhân chính thì các triệu chứng chân không yên sẽ thuyên giảm hoặc biến mất hoàn toàn.
Các yếu tố kích hoạt RLS thứ phát thường gặp gồm có:
- Một số bệnh lý
- Thuốc kháng histamine
- Thuốc tâm thần
- Thuốc chống nôn
Nguyên nhân của hội chứng chân không yên
RLS là một hội chứng phức tạp với nhiều mảnh ghép mà các nhà khoa học vẫn đang cố gắng lắp rắp lại. Nguyên nhân gây bệnh tùy thuộc vào loại nguyên phát hay thứ phát.
1. Hội chứng chân không yên nguyên phát
RLS nguyên phát không có nguyên nhân trực tiếp, thường biểu hiện theo nhiều con đường khác nhau. Các nghiên cứu hiện tại cho thấy thiếu sắt trong não, cơ địa di truyền và các yếu tố môi trường là những yếu tố chính góp phần vào quá trình sinh lý phức tạp gây nên rối loạn này.
Thiếu sắt
Khi cơ thể có tình trạng viêm, giống như trong trường hợp RLS, cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều hepcidin hơn. Hormone này đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa lượng sắt. Tuy nhiên nếu dư thừa hepcidin có thể dẫn đến sự phân bố sắt không hợp lý. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng sự mất cân bằng này có thể dẫn đến tình trạng thiếu sắt tương đối trong não, góp phần gây ra các triệu chứng chân không yên. Do đó, giảm viêm có thể đóng vai trò quan trọng giúp giảm nhẹ và ngăn ngừa triệu chứng trong trường hợp này
Trong hội chứng này, hệ thống giao tiếp của não bộ bị rối loạn, đặc biệt là các chất hóa học giúp tế bào thần kinh giao tiếp với nhau, được gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Các chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến RLS là dopamine, glutamate và adenosine. Dopamine giúp kiểm soát cử động, glutamate là chất dẫn truyền thần kinh kích thích chính trong não và adenosine có vai trò thúc đẩy giấc ngủ và trạng thái thư giãn. Sự rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh này khiến hoạt động của não tăng cao, tạo ra sự thôi thúc phải cử động chân không thể kiểm soát được, từ đó dẫn đến cơ thể khó ngủ và không thể nghỉ ngơi.
Các nghiên cứu hình ảnh học của não cho thấy não và dịch não tủy ở những người mắc hội chứng chân không thấp có nồng độ sắt thấp, đi kèm với tình trạng giảm chất trắng và những rối loạn trong hệ thống dopamine. Thiếu sắt trong não ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh và quá trình sản xuất myelin. Không đủ sắt để sản xuất myelin có thể khiến quá trình dẫn truyền tín hiệu thần kinh chậm hơn hoặc bị gián đoạn. Sắt còn có vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển oxy. Khi não thiếu sắt, có thể các tế bào sẽ không nhận được đủ oxy, dẫn đến nồng độ oxy thấp (giảm oxy máu).
Các yếu tố môi trường
Các yếu tố môi trường đặc trưng của từng cá nhân có thể tương tác với yếu tố di truyền, từ đó làm tăng thêm các triệu chứng của RLS. Mặc dù các nghiên cứu ghi nhận kết quả khác nhau, một số nghiên cứu cho thấy các yếu tố như béo phì, hút thuốc, lối sống ít vận động, ăn đường vào buổi tối và uống rượu có thể ảnh hưởng đến hội chứng này. Trong thời kỳ mang thai, sự thay đổi hormone và nhu cầu dinh dưỡng tăng cao có thể kích hoạt hoặc làm nặng thêm các triệu chứng chân không yên.
Yếu tố di truyền
Theo ước tính, các yếu tố di truyền chiếm tới 50-60% các trường hợp có RLS. Khoảng 1/3 dân số chung có cơ địa dễ mắc hội chứng này nếu nồng độ sắt trong não giảm. Yếu tố di truyền cũng ảnh hưởng đến quá trình điều hòa lượng sắt ở não. Sắt là một trong những khoáng chất thiết yếu trong quá trình vận chuyển oxy và tối ưu chức năng của não. Sự gián đoạn quá trình hấp thụ sắt có thể ảnh hưởng đến tín hiệu thần kinh và sự duy trì tính toàn vẹn của tế bào thần kinh, dẫn đến thiếu sắt trong não và các thay đổi thần kinh. Sự thiếu hụt sắt trong não có thể xảy ra ngay cả khi xét nghiệm máu cho thấy nồng độ sắt và ferritin trong máu ở mức bình thường.
Các yếu tố khác
Các nghiên cứu cho thấy mối liên quan tiềm ẩn giữa tình trạng thiếu vitamin D và RLS. Vitamin D đóng vai trò điều chỉnh các đường dẫn truyền dopamine trong não. Nồng độ vitamin D thấp có liên quan đến các triệu chứng chân không yên nặng hơn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng liệu pháp bổ sung vitamin D có thể giúp cải thiện các triệu chứng chân không yên ở những người bị thiếu vitamin D
Ngoài ra, yếu tố nội tiết tố cũng có thể ảnh hưởng đến sự xuất hiện và tiến triển của hội chứng này. Trong ba tháng cuối thai kỳ, khi nồng độ estrogen tăng cao, tỷ lệ mắc RLS sẽ gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, mối liên hệ này rất phức tạp vì RLS thường không giảm đi khi nồng độ estrogen giảm ở thời kỳ mãn kinh.
Các bằng chứng chỉ ra rằng sự mất cân bằng giữa hormone tuyến giáp và hệ thống dopamine có thể góp phần gây ra các triệu chứng chân không yên. Thiếu sắt ở não có thể làm suy yếu cả quá trình sản xuất dopamine và quá trình chuyển hóa bình thường của hormone tuyến giáp. Điều này dẫn đến dopamine của hệ thần kinh trung ương thấp và nồng độ hormone tuyến giáp cao hơn. Các báo cáo ca bệnh cho thấy khi sử dụng levothyroxine, một loại thuốc được dùng để điều trị suy giáp, có thể gây ra các triệu chứng của RLS. Các triệu chứng cũng sẽ biến mất khi ngừng thuốc.
Có nhiều yếu tố góp phần vào tiền triển của RLS, trong đó bao gồm cả các yếu tố môi trường và di truyền (Minh họa của The Epoch Times, Shutterstock)
2. Hội chứng chân không yên thứ phát
Trong RLS thứ phát, các một số bệnh lý có thể gây ra. Mặc dù có nhiều tình trạng liên quan đến RLS, nhưng không phải tất cả những tình trạng này đều trực tiếp gây ra hoặc làm tăng nguy cơ mắc RLS. Ví dụ, mặc dù RLS thường gặp hơn ở những người mắc bệnh đa xơ cứng, nhưng hiện tại chúng ta vẫn không rõ rằng liệu bệnh đa xơ cứng có thể gây ra RLS thứ phát hay cả hai bệnh này chỉ có chung cơ chế sinh bệnh.
Dựa trên nhiều kết quả nghiên cứu nhất quán, một số tình trạng có thể gây ra RLS thứ phát gồm có:
- Thiếu sắt hoặc thiếu máu do thiếu sắt
- Mang thai
- Bệnh thận
- Bệnh thần kinh
- Bệnh Parkinson (đã được điều trị, bệnh Parkinson chưa điều trị không gây ra RLS thứ phát)
- Đột quỵ
Ai có nguy cơ mắc hội chứng chân không yên?
Có một số yếu tố khiến một người có nguy cơ cao mắc RLS cao hơn như:
- Tuổi: RLS có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng ít gặp ở trẻ em và thường gặp ở người lớn tuổi hơn. RLS khởi phát sớm, xuất hiện trước 45 tuổi thường có tính gia đình và tiến triển chậm. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là từ 20 đến 40 tuổi. RLS khởi phát muộn bắt đầu sau 45 tuổi, thường liên quan đến các tình trạng sức khỏe khác và có xu hướng nặng lên nhanh hơn.
- Giới tính: RLS thường gặp hơn ở phụ nữ. Điều này có thể liên quan đến việc RLS hay xảy ra trong thời kỳ mang thai. Có một điều thú vị chính là phụ nữ chưa từng mang thai có tỷ lệ mắc bệnh tương đương với nam giới cùng độ tuổi.
- Thai kỳ: Phụ nữ có tiền sử gia đình hoặc tiền căn mắc RLS có nhiều khả năng bị RLS trong thai kỳ. Ngược lại, phụ nữ từng bị RLS trong thai kỳ có nguy cơ mắc lại bệnh này cao gấp ba đến bốn lần.
- Dân tộc: Người châu Á có tỷ lệ mắc RLS thấp hơn, thường chỉ từ 1 đến 3%. Ngược lại, tỷ lệ mắc bệnh ở các nước Châu Âu và Bắc Mỹ cao hơn đáng kể, dao động từ 5 đến 13%.
- Tiền sử gia đình: Khoảng 63% người mắc RLS cho biết những thành viên trực hệ trong gia đình như cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con cái cũng mắc bệnh này.
- Lối sống: Các yếu tố lối sống như rượu, thuốc lá và hút thuốc có thể làm tăng khả năng mắc RLS.
Hiểu được các yếu tố nguy cơ này có thể giúp chúng ta phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị được RLS.
Hội chứng chân không yên được chẩn đoán như thế nào?
Không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán RLS. Đo đa ký giấc ngủ có thể giúp đếm các cử động chân khi ngủ nhưng không nhất thiết phải thực hiện kỹ thuật này để chẩn đoán. Chẩn đoán RLS dựa hoàn toàn vào việc bệnh nhân mô tả triệu chứng, không cần bất kỳ xét nghiệm nào. Điều này sẽ gây khó khăn khi chẩn đoán RLS cho trẻ em hoặc những người có vấn đề về nhận thức. Đây là những đối tượng thường không thể mô tả chính xác triệu chứng.
Tiêu chí chẩn đoán đầu tiên của RLS là cảm giác thôi thúc mãnh liệt phải cử động chân, thường nhưng không phải luôn luôn đi kèm với cảm giác khó chịu và không thoải mái ở chân. Tiếp theo đó, cảm giác thôi thúc cử động chân phải đáp ứng đủ tất cả các điều kiện sau:
- Xuất hiện hoặc tăng lên trong thời gian nghỉ ngơi hoặc không hoạt động, ví dụ như nằm hoặc ngồi.
- Giảm một phần hoặc hoàn toàn khi cử động, ví dụ như đi bộ hoặc duỗi chân, ít nhất là phải giảm trong khi thực hiện hoạt động.
- Xuất hiện hoặc tăng lên vào buổi tối hoặc ban đêm, nhiều hơn so với ban ngày.
Bên cạnh đó, các triệu chứng không phải do một tình trạng bệnh lý y khoa hoặc một hành vi nào khác. Các bác sĩ có thể sử dụng thang điểm để đánh giá mức độ nặng của bệnh.
Có một số tiêu chí khác đóng vai trò hỗ trợ chứ không bắt buộc như tiền sử gia đình mắc RLS, hội chứng cử động chi chu kỳ trong giấc ngủ và đáp ứng với thuốc dopaminergic.
Đo sắt huyết thanh và ferritin có thể giúp xác định xem người bệnh có thiếu sắt hay không. Đây là những tình trạng này có thể gây ra hoặc làm nặng thêm các triệu chứng của RLS.
Tiêu chuẩn chẩn đoán ở trẻ em linh hoạt hơn do khả năng mô tả triệu chứng của trẻ còn hạn chế
- RLS xác định: Trẻ đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của RLS ở người lớn và có thể mô tả cảm giác khó chịu ở chân bằng chính lời của mình, phù hợp với tình trạng bệnh.
- RLS nghi ngờ: Trẻ đáp ứng tất cả các tiêu chí quan trọng của RLS ở người lớn, ngoại trừ tiêu chí là cảm giác thôi thúc cử động hoặc khó chịu chân nặng hơn vào buổi tối hoặc ban đêm. Bên cạnh đó, trẻ em có bố mẹ hoặc anh chị em ruột có tiền sử mắc RLS xác định
- Có thể là RLS: Trẻ có hội chứng cử động chi chu kỳ trong giấc ngủ và có bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc RLS xác định nhưng không đáp ứng đủ tất cả các tiêu chuẩn của RLS.
Tác hại của hội chứng chân không yên
Nếu tình trạng thiếu sắt trong não không được kiểm soát sẽ làm nặng thêm RLS, gây ra các triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng hơn. Các biến chứng chính của RLS liên quan đến quá trình tiến triển của bệnh và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, giấc ngủ và sức khỏe tâm thần. Những tác động này có thể gây ra các nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe chung của người bệnh như:
- Mất ngủ
- Lo âu
- Trầm cảm
- Cách ly xã hội
- Mệt mỏi vào ban ngày
- Thay đổi cảm xúc và hành vi
- Khó khăn ở trường học hoặc nơi làm việc
- Những khó khăn về tài chính liên quan
- Suy giảm khả năng tập trung và suy nghĩ
Phụ nữ từng mắc RLS khi mang thai có nguy cơ cao mắc các biến chứng trong thai kỳ như tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, trầm cảm chu sinh, sau sinh và sinh non.
Ngoài ra, có đến 31% bệnh nhân RLS cảm thấy buộc phải ăn vào ban đêm, tương tự như cảm giác muốn cử động chân. Thói quen ăn đêm này có thể nặng hơn khi sử dụng các loại thuốc an thần, gây ngủ như benzodiazepine và có thể dẫn đến tăng cân.
Các phương pháp điều trị hội chứng chân không yên
Điều trị RLS khác nhau tùy theo mức độ nặng của triệu chứng. Những trường hợp nhẹ có thể không cần điều trị nhưng một số biện pháp thay đổi lối sống sẽ có lợi cho người bệnh. RLS không liên tục có thể cần phải điều trị khi cần thiết. Trong trường hợp RLS nặng, các triệu chứng thường xuyên ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh, cần điều trị hàng ngày với liều thuốc càng thấp càng tốt. Với RLS thứ phát, cần ưu tiên giải quyết nguyên nhân nền vì tình trạng của người bệnh sẽ nặng hơn nếu các nguyên nhân này không được điều trị.
Tuy nhiên, các phương pháp điều trị thông thường hiện có—trừ trường hợp thiếu sắt—chỉ có thể điều trị triệu chứng chứ không thể chữa khỏi bệnh.
Điều trị bằng thuốc
Các phương pháp điều trị bằng thuốc hiện nay đều là off-label (ngoài chỉ định) và đi kèm với những nguy cơ đáng kể như lạm dụng, phụ thuộc và tăng nặng triệu chứng. Tăng nặng triệu chứng là một vấn đề đáng lo ngại. Đó là tình trạng triệu chứng nặng hơn một cách nghịch lý trong khi những loại thuốc này được sử dụng để làm giảm triệu chứng. Hiện tượng này có thể nhầm lẫn với việc bệnh đang tiến triển nặng thêm.
Hãy thảo luận kỹ với bác sĩ để tìm hiểu những lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng các phương pháp điều trị hiện có. Bạn cũng nên hỏi về những tác dụng phụ có thể xảy ra.
Phương pháp điều trị bằng thuốc cho RLS gồm có:
- Các chất chủ vận dopamine: Các chất chủ vận dopamine như ropinirole, levodopa, rotigotine, pramipexole và cabergoline làm tăng nồng độ dopamine trong não để giảm nhẹ triệu chứng. Điều này có vẻ hơi nghịch lý vì RLS thường liên quan đến nồng độ dopamine cao. Tuy nhiên, sự gia tăng dopamine vào ban ngày có thể dẫn đến tình trạng các thụ thể dopamine kém đáp ứng hơn theo thời gian. Tình trạng này sẽ nặng hơn vào ban đêm khi nồng độ dopamine tự nhiên giảm. Dù từng được coi là phương pháp điều trị hàng đầu nhưng hiện nay do những nguy cơ đáng kể khi sử dụng các chất chủ vận dopamine nên các chất này chỉ nên sử dụng ngắn hạn và gabapentinoid được khuyến cáo để điều trị lâu dài RLS.
- Các phối tử alpha-2-delta kênh canxi (gabapentinoid): Các thuốc Gabapentinoid như pregabalin, gabapentin và gabapentin enacarbil điều hòa hoạt động của các kênh canxi trong não, tác động đến quá trình giải phóng chất các dẫn truyền thần kinh và hoạt động của tế bào thần kinh. Ở bệnh nhân có RLS, các loại thuốc này giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm cử động chân tay khi ngủ. Gabapentinoid rất có lợi ở những người bệnh RLS đi kèm với tình trạng đau thần kinh, đau mạn tính, mất ngủ hoặc lo âu. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ có nguy cơ gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng như các vấn đề về hô hấp và phải nhập viện nếu dùng chung với opioid hoặc các thuốc an thần khác. Cần sử dụng Gabapentinoid một cách thận trọng do khả năng lạm dụng, phụ thuộc và nguy cơ suy giảm nhận thức hoặc sa sút trí tuệ liên quan đến việc sử dụng lâu dài nhóm thuốc này.
- Opioid: Các thuốc như oxycodone, oxycodone/naloxone, tramadol, morphine và methadone có thể sử dụng trong các trường hợp RLS mức độ nặng, kháng trị hoặc có hiện tượng tăng nặng triệu chứng. Tuy nhiên, có một điều thú vị là tramadol cũng có thể làm tăng nặng triệu chứng và hội chứng cai opioid cũng có thể kích hoạt các triệu chứng của RLS. Cơ chế chính xác giúp opioid có tác dụng làm giảm nhẹ các triệu chứng của hội chứng này vẫn chưa rõ ràng. Cần sử dụng Opioid một cách thận trọng do khả năng lạm dụng, phụ thuộc và gây nghiện.
- Benzodiazepine: Các thuốc Benzodiazepine, đặc biệt là clonazepam, đã được sử dụng off-label cho các bệnh nhân mắc RLS trong nhiều năm qua. Một số nghiên cứu nhỏ và báo cáo ca bệnh cho thấy nhóm thuốc Benzodiazepine có hiệu quả làm giảm nhẹ các triệu chứng và cải thiện giấc ngủ. Tuy nhiên, do thiếu các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng, một bài đánh giá của Cochrane kết luận rằng hiệu quả của clonazepam vẫn chưa rõ ràng. Những nguy cơ khi sử dụng benzodiazepine lâu dài cũng nên được cân nhắc.
- Ketamine: Vốn là một loại thuốc gây mê, ketamine có khả năng được sử dụng off-label để điều trị RLS. Một báo cáo ca bệnh vào năm 2002 mô tả hai bệnh nhân mắc RLS đã cải thiện các triệu chứng rất đáng kể sau khi sử dụng ketamine đường uống trong thời gian tối đa sáu tháng. Tuy nhiên, một điều quan trọng cần lưu ý là việc sử dụng ketamine cho RLS vẫn là phương pháp điều trị rất chuyên biệt và chủ yếu được sử dụng bằng đường truyền tĩnh mạch ở các trung tâm chuyên khoa do thuốc có tác dụng phụ nghiêm trọng phụ thuộc vào liều dùng.
Các phương pháp điều trị không dùng thuốc
Các phương pháp điều trị không dùng thuốc bao gồm:
- Liệu pháp bổ sung sắt: Với một số bệnh nhân mắc RLS, chỉ cần điều chỉnh tình trạng thiếu sắt đã có thể giải quyết hoàn toàn triệu chứng. Liệu pháp bổ sung sắt thường được khuyến nghị nếu nồng độ ferritin huyết thanh dưới 75 mg/L và độ bão hòa transferrin dưới 25%. Khi bổ sung sắt bằng đường uống ví dụ như sắt ferrous sulfat nên uống hàng ngày cùng với vitamin C để hỗ trợ quá trình hấp thu. Đây là phương pháp bổ sung sắt thiết thực nhất. Nếu bạn có các vấn đề về đường tiêu hóa hoặc hấp thu sắt thì có thể truyền tĩnh mạch sắt carboxymaltose trong vòng vài giờ.
- Thiết bị nén khí (PCDs): Không phải tất cả nhưng có một số nghiên cứu chỉ ra rằng thiết bị nén khí có hiệu quả cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm buồn ngủ vào ban ngày và nâng cao chất lượng cuộc sống chung cho những người mắc RLS. Có giả thuyết cho rằng khi những thiết bị này tác dụng lực lên chân sẽ kích thích giải phóng nitric oxide, dẫn đến lưu lượng máu tăng lên và giúp giảm tình trạng khó chịu và bồn chồn.
- Châm cứu: Một nghiên cứu kéo dài sáu tuần cho thấy châm cứu giúp giảm bớt tình trạng bồn chồn và cử động chân tay vào ban đêm, làm giảm mức độ nặng của triệu chứng và giảm buồn ngủ vào ban ngày. Một yếu tố quan trọng chính là phương pháp châm cứu thường dung nạp tốt, không ghi nhận được tác dụng phụ nào.
- Kích thích từ xuyên sọ (rTMS): Kích thích từ trường xuyên sọ là phương pháp đặt một cuộn điện từ lên da đầu và tạo ra các xung từ kích thích tế bào thần kinh ở vùng não mục tiêu. Phương pháp này được FDA chấp thuận để điều trị chứng trầm cảm và nhiều bệnh lý khác. Trong hai nghiên cứu nhỏ, phương pháp này đã làm cải thiện đáng kể các triệu chứng của RLS và triệu chứng lo âu.
Ảnh hưởng của tư duy đến hội chứng chân không yên
Tư duy sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cách người bệnh kiểm soát và cảm nhận RLS. Do hội chứng này thường có tính chất mạn tính và tiến triển nên người bệnh sẽ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy quá mức chịu đựng và dẫn đến trầm cảm hoặc lo âu. Những cảm xúc này không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần của người bệnh mà còn làm nặng thêm các triệu chứng của RLS. Trạng thái căng thẳng sẽ kích thích cơ thể giải phóng các hormone có thể làm tăng tình trạng viêm, ảnh hưởng đến hệ thần kinh và khiến hội chứng này nặng nề hơn.
Khi nhận thức được mối quan hệ qua lại giữa tâm trí và cơ thể, chúng ta có thể thực hiện các bước để kiểm soát cả phương diện tâm lý và phương diện thể chất của RLS. Thực hành chánh niệm, các kỹ thuật thư giãn và các liệu pháp hỗ trợ khác có thể giúp phá vỡ vòng xoắn của những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực.
Những lợi ích tiềm năng của phương pháp này đã được chứng minh trong nghiên cứu. Trong một nghiên cứu nhỏ, những người mắc RLS từ mức độ trung bình đến nặng đã tham gia tám buổi trị liệu nhóm, mỗi buổi kéo dài 90 phút. Sau khi trị liệu, những người tham gia đã có cải thiện đáng kể về sức khỏe tâm thần và chất lượng cuộc sống. Tác dụng tích cực của phương pháp này kéo dài đến ba tháng, từ đó cho thấy những lợi ích tiềm năng của quá trình hỗ trợ tâm lý để kiểm soát các triệu chứng và nâng cao sức khỏe chung.
Các phương pháp tự nhiên điều trị RLS
Tìm hiểu thêm các phương pháp tự nhiên điều trị RLS có thể giúp bạn có thêm nhiều lựa chọn trong phác đồ điều trị. Mặc dù hiệu quả của các phương pháp này sẽ cần nhiều thời gian hơn so với các phương pháp điều trị bằng thuốc nhưng lợi ích đối với sức khỏe sẽ lâu dài hơn. Kiên nhẫn và kiên trì sẽ là hai yếu tố then chốt giúp bạn tìm ra phương pháp phù hợp với mình
- Vitamin C và E: Một nghiên cứu nhỏ đã cho thấy sự cải thiện các triệu chứng của bệnh nhân có RLS đang chạy thận nhân tạo khi sử dụng vitamin C (200 mg) và E (400 mg) trong thời gian ngắn.
- Bổ sung Pycnogenol: Nghiên cứu cho thấy Pycnogenol, một chất chiết xuất tự nhiên từ vỏ của cây thông biển Pháp, có hiệu quả kiểm soát RLS. Trong một nghiên cứu nhỏ được công bố gần đây trên Panminerva Medica, những người dùng 150 mg Pycnogenol mỗi ngày trong bốn tuần đã ghi nhận sự cải thiện các triệu chứng của RLS so với nhóm chứng, với các biểu hiện cụ thể như giảm cảm giác kiến bò, nhói, đau nhức và các vấn đề về giấc ngủ.
- Các bài tập aerobic và bài tập kháng lực vừa phải: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động tập thể dục vừa phải có hiệu quả làm giảm mức độ nặng của các triệu chứng trong RLS. Trong đó, hiệu quả cao nhất là khi kết hợp các bài tập aerobic và các bài tập kháng lực. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần thực hành các bài tập này cách giờ ngủ ít nhất từ hai đến ba giờ vì hoạt động thể chất sẽ kích thích cơ thể và làm nặng thêm các triệu chứng của RLS.
- Ánh sáng cận hồng ngoại (NIR): Ánh sáng cận hồng ngoại là ánh sáng có dải bước sóng cao có thể xuyên sâu vào da. Cơ chế để giải thích hiệu quả của phương pháp này trong trường hợp RLS là do khả năng tạo ra nitric oxide, dẫn đến tăng lưu lượng máu và oxy mô. Trong hầu hết các nghiên cứu, ánh sáng cận hồng ngoại sẽ được sử dụng trong 30 phút, ba lần một tuần và trong vòng bốn tuần.
Duy trì thói quen ngủ tốt, hay còn gọi là vệ sinh giấc ngủ, cũng có thể là một phương pháp tự nhiên quan trọng để kiểm soát RLS. Trong đó bao gồm:
- Xây dựng thời gian biểu giấc ngủ cố định bằng cách đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, ngay cả vào ngày cuối tuần
- Tạo thói quen thư giãn trước khi đi ngủ bằng các hoạt động thư giãn như đọc sách hoặc thiền định
- Tắm nước ấm giúp thư giãn cơ bắp
- Để chân mát mẻ khi đi ngủ
- Cải thiện môi trường ngủ bằng cách để phòng ngủ mát mẻ, tối, yên tĩnh và không có thiết bị điện tử.
- Tránh ăn nhiều, ăn sôcôla, uống cà phê và rượu bia trước khi đi ngủ.
- Uống bổ sung magiê trước khi ngủ để giúp thư giãn và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Trong lúc có triệu chứng chân không yên, bạn sẽ dễ chịu hơn bằng những cách đơn giản như đi lại nhẹ nhàng hoặc kéo giãn cơ. Chườm nóng hoặc lạnh hoặc massage chân cũng có thể giúp giảm bớt khó chịu.
Cách phòng ngừa hội chứng chân không yên
Mặc dù không thể hoàn toàn phòng ngừa được RLS nguyên phát nhưng bạn có thể thực hiện một số biện pháp chủ động để kiểm soát tình trạng này và phòng ngừa sự xuất hiện của RLS thứ phát. Thay đổi lối sống có thể khó khăn với một số người nhưng chỉ cần giữ suy nghĩ tích cực và tập trung vào những gì bạn có thể thay đổi được sẽ giúp bạn có thể phòng ngừa thành công hội chứng này. Các biện pháp phòng ngừa gồm có thay đổi lối sống, chú ý đến chế độ dinh dưỡng và giải quyết các nguyên nhân tiềm ẩn.
- Tránh các yếu tố kích hoạt: Hạn chế các chất và các hoạt động có thể làm nặng thêm triệu chứng chân không yên, ví dụ như: sôcôla, caffeine, rượu bia, thuốc lá và các hoạt động kích thích hệ thần kinh trung ương quá mức.
- Kiểm soát căng thẳng và viêm: Bạn có thể áp dụng các kỹ thuật giảm căng thẳng và áp dụng chế độ ăn chống viêm nhằm giảm thiểu tác động của các yếu tố này lên RLS.
- Uống đủ nước: hãy tập thói quen uống đủ nước (khoảng 2 -2,5 lít/ngày) và tốt nhất là bạn nên nước lọc hoặc nước suối tinh khiết.
- Đảm bảo đủ lượng sắt: Duy trì lượng sắt dự trữ thích hợp trong cơ thể bằng cách bổ sung sắt nếu cần thiết.Yếu tố này đặc biệt quan trọng ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi trong giai đoạn phát triển quan trọng.
- Tối ưu hóa lượng vitamin và khoáng chất hấp thu vào cơ thể: Hãy ăn các loại thực phẩm ở trạng thái tự nhiên và có thể cân nhắc bổ sung thêm các chất dinh dưỡng như vitamin D, magiê và folate, nếu chế độ ăn không đủ. Bạn có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để xác định nhu cầu cá nhân của mình và chọn lựa các loại thực phẩm bổ sung phù hợp.
- Phòng ngừa các bệnh lý tiềm ẩn: Bạn nên thực hiện các bước để ngăn ngừa hoặc quản lý tốt những bệnh lý tiềm ẩn có thể gây ra RLS thứ phát ví dụ như bệnh thận, đột quỵ, các bệnh lý thần kinh và bệnh Parkinson. Mặc dù yếu tố di truyền có thể khiến bạn dễ mắc những căn bệnh này nhưng nếu có thể áp dụng một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn giảm tiếp xúc với các độc tố, từ đó ngăn ngừa sự xuất hiện và tiến triển của bệnh.
- Đánh giá lại các thuốc đang dùng: Hãy kiểm tra xem những loại thuốc bạn đang dùng có làm nặng thêm RLS hay không và thảo luận với bác sĩ để chỉnh liều hoặc tìm các loại thuốc khác để thay thế.
Khi thực hiện các biện pháp phòng ngừa này, bạn có thể chủ động kiểm soát nguy cơ mắc RLS hoặc giảm nhẹ mức độ nặng của những triệu chứng đang có. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có được một phương pháp phòng ngừa và quản lý RLS một cách toàn diện và cá nhân hóa.
Theo Terri Ward, The Epoch Times
Đức Nhân biên dịch
Terri Ward là một chuyên gia trị liệu dinh dưỡng chức năng và là chuyên gia về gluten đã được chứng nhận, có bằng thạc sĩ về dinh dưỡng con người và y học chức năng. Anh chuyên giúp đỡ những người nhạy cảm với thức ăn, có bệnh tự miễn và các vấn đề về đường ruột khác. Anh giúp họ giảm viêm, chữa lành đường ruột để lấy lại năng lượng và sức sống, đồng thời khởi động lại hệ miễn dịch. Terri đã viết sách dạy nấu ăn về chế độ ăn kiềm và bệnh viêm túi thừa.
NTD Việt Nam