Trong “Tăng quảng hiền văn” được viết vào thời Vạn Lịch nhà Minh có một câu nói nổi tiếng: “Vạn ác dâm vi thủ, bách thiện hiếu vi tiên” (Trong mọi điều ác thì tà dâm đứng đầu, trong mọi điều thiện thì hiếu trước tiên).
Một số người có thể cho rằng “ăn uống và tình dục” là bản năng của con người. Nhưng nếu không tiết chế mà phóng túng những bản năng ấy thì sẽ chiêu mời đến ác quả. Đặc biệt, dâm dục là trái ngược với lý trí và hủy hoại đạo đức con người. Vì vậy, trong văn hóa Trung Quốc cổ đại coi tà dâm là nguồn gốc của mọi tội ác, và điều này đã có trong chuẩn mực văn hóa từ xa xưa. Vì dâm dục giống như sóng biển, nếu phóng túng nuông chiều sẽ hủy hoại đê chắn sóng vùng đệm phòng thủ đạo đức của con người, từ đó làm băng hoại hết thảy mọi thứ trong cuộc sống.
Ngược lại, người có thể khống chế bản thân, không buông thả phương diện sắc dục của bản năng con người, là người đã vượt ra khỏi yêu cầu tự ngã của thường nhân, và cũng là biểu hiện của sự tự kiềm chế vượt trội hơn người khác. Thế nên, họ cũng nhận được nhiều sự khen ngợi của Thần giới. Chúng ta hãy xem một số ví dụ về việc cổ nhân kiên quyết cự tuyệt tà dâm và đắc phúc báo.
Lục Dung tích âm đức, làm quan đến chức Tham chính
Lục Dung là người Thái Thương, diện mạo tuấn mỹ. Vào năm Thiên Thuận thứ ba thời nhà Minh, chàng đến Nam Kinh dự kỳ khảo thí. Chủ nhà trọ nơi Lục Dung tá túc tại kinh thành có một cô con gái, ban đêm nàng lén vào phòng trọ bày tỏ lòng ái mộ với chàng thư sinh. Vì để thoát thân, Lục Dung nói với nàng ấy rằng bản thân đang bị ốm và hẹn tối hôm sau nàng hãy đến. Sau khi nữ tử rời đi, Lục Dung viết một bài thơ:
“Phong thanh nguyệt bạch dạ song hư,
Hữu nữ lai khuy tiếu độc thư,
Dục bả cầm tâm thông nhất ngữ,
Thập niên tiền dĩ bạc tương như”.
(Tạm dịch:
Gió mát trăng thanh cửa sổ vắng,
Thiếu nữ lén nhìn cười với thư sinh,
Muốn lấy tiếng đàn thay nỗi lòng,
Mười năm trước cũng đã bị xem thường như thế.)
Khi trời sắp sáng, Lục Dung kiếm cớ rời đi.
Phụ thân Lục Dung có một giấc mơ, trong mơ ông nhìn thấy quan chức địa phương đang thổi sáo, đánh trống và mang theo tấm bảng trên viết dòng chữ “Nguyệt bạch phong thanh” (Trăng thanh gió mát). Lục phụ cho rằng đây là điềm báo con trai mình sẽ đỗ kỳ thi nên đã viết thư cho con kể lại điều mình đã mơ thấy. Lục Dung do vậy càng cảnh giác hơn. Vào mùa thu năm đó, Lục Dung đã thi đậu Tiến sỹ, về sau làm quan đến chức Tham chính.
Tạ Thiên cự tuyệt thiếu nữ cầu hoan ái, đỗ Trạng nguyên, làm quan đến chức Tể tướng
Tạ Thiên, người thời nhà Minh, làm quan đến chức Tể tướng, sau khi qua đời được đặt tên thụy là “Văn Chính”. Khi còn trẻ, ông từng dạy học trong một gia đình ở Bì Lăng. Cô con gái nhà đó nhân lúc phụ mẫu đi vắng đã vội vàng đi vào phòng Tạ Thiêm để cầu hoan ái. Tạ Thiên kiên quyết cự tuyệt và dùng tấm lòng nhân từ khuyên nhủ cô: “Nếu cô nương thất thân trước khi kết hôn thì sẽ là vết nhơ suốt đời và khiến phụ mẫu, nhà chồng mất mặt”. Sau khi cô gái nghe xong liền xấu hổ rời đi.
Ngày hôm sau, Tạ Thiên liền từ chức về nhà. Vào năm Ất Mùi niên hiệu Thành Hóa, Tạ Thiên thi đỗ Trạng nguyên. Sau này, con trai ông là Tạ Phi cũng làm quan đến chức Thị lang.
Tào Sinh cự tuyệt người phụ nữ cầu hoan ái, được khen ngợi thi đậu Tiến sỹ
Trên đường đến kinh đô dự thi, Tào thư sinh ở Tùng Giang trọ lại ở một lữ quán. Đêm đó, người phụ nữ ở lữ quán đến tìm chàng cầu hoan ái. Tào sinh trong đêm liền rời đi và đi đến lữ quán khác tá túc. Lúc đi được nửa đường đến gần ngôi miếu cổ, chàng chợt nhìn thấy một nhóm người cầm đèn đang la hét dọn đường để vào miếu. Trong miếu truyền ra âm thanh đánh trống thăng đường.
Tào thư sinh tò mò nên trốn trong bóng tối và nghe xướng danh sách những người đậu Tiến sỹ tân khoa. Khi xướng đến tên người ở vị trí thứ sáu, có người xen vào nói: “Người này gần đây có hành vi bất lương, Thượng đế đã cắt bỏ công danh của hắn. Vậy nên bổ sung người nào?” Có người đáp: “Tào thư sinh ở Tùng Giang, không dâm dật với nữ tử ở lữ quán, chính khí đáng khen, có thể bổ sung người này vào”. Tào thư sinh nghe xong, vừa ngạc nhiên vừa vui mừng! Khi công bố danh sách thi đậu, tên chàng quả nhiên đứng thứ sáu.
Dương Hy Trọng nghiêm khắc cự tuyệt lời trêu ghẹo của thê thiếp xinh đẹp, được Thần khen ngợi, thi đậu khoa cử
Dương Hy Trọng, người ở Tân Tân, thời nhà Tống. Trước khi đắc được công danh, chàng từng đến dạy học tại nhà một phú hào ở Thành Đô, Tứ Xuyên. Người này có một thiếp thất xinh đẹp nhìn trúng Dương Hy Trọng. Người thiếp này đã đến thư phòng để trêu ghẹo nhưng Dương Hy Trọng nghiêm giọng cự tuyệt. Đêm đó, thê tử của Dương Hy Trọng nằm mộng thấy Thần nói với nàng ấy rằng: “Trượng phu ngươi một mình ở đất khách không làm việc tà dâm, chàng ta sẽ được ban thưởng cho đỗ đầu kỳ thi, để biểu dương thiện báo”. Năm thứ hai, Dương Hy Trọng quả nhiên xếp thứ nhất ở Tứ Xuyên.
Đường Cao cự tuyệt nữ tử câu dẫn, thi đỗ Trạng nguyên
Đường Cao đỗ Trạng nguyên giữa niên hiệu Chính Đức thời nhà Minh. Khi còn trẻ, khi đang đọc sách dưới ngọn đèn, có một nữ tử đã dụ dỗ chàng, cố ý cấu rách cửa sổ giấy. Đường Cao sửa lại giấy dán cửa sổ và viết dòng chữ lên trên đó: “Cấu rách cửa sổ giấy thì dễ sửa, nhưng tổn hại âm đức thì khó sửa nhất”.
Một tăng nhân đi ngang qua nhà nhìn thấy tấm biển Trạng nguyên treo trên cửa và hai chiếc đèn lồng treo ở hai bên, trên đó có viết hai câu kia. Tăng nhân cảm thấy kỳ lạ bèn tìm Đường Cao hỏi lý do. Sau này, Đường Cao thật sự thi đậu Trạng nguyên.
Lục Thụ Thanh không làm việc dâm đãng phóng túng, được tiến cử làm Thành Hoàng
Lục Thụ Thanh, người Vân Gian, sống thời nhà Minh. Vào năm Tân Sửu, chàng tới kinh thành ứng thí. Vương Công Hoa, quan chức địa phương ở Vân Gian, một đêm nằm mộng thấy rất nhiều người tiến cử Lục Thụ Thanh là người tốt trước mặt Thành Hoàng.
Sau khi trời sáng, Vương Công Hoa gọi nhạc phụ của Lục Thụ Thanh là Lý mỗ đến và hỏi rằng hàng ngày chàng ta làm những việc tốt gì. Lý mỗ trả lời: “Những chuyện khác tôi không chắc, nhưng có một điều rõ ràng, đó là Lục Thụ Thanh không bao giờ làm điều dâm đãng phóng túng”. Sau đó, Lục Thụ Thanh thi đậu Hội Nguyên (đỗ đầu khoa thi Hội). Con trai ông ấy là Ngạn Chương sau này cũng thi đỗ Tiến sỹ vào năm Kỷ Sửu.
Trương Úy Nham bình sinh không tà dâm, được bổ sung vào danh sách trúng cử khảo thí
Trương Úy Nham là người Giang Âm, sống thời nhà Minh. Ban đêm, chàng mộng thấy mình bước một căn phòng lớn và nhìn thấy bản danh sách trúng tuyển khoa cử. Tuy nhiên, trong danh sách có nhiều chỗ trống và thiếu dòng. Ông hỏi người bên cạnh đây là cái gì? Đối phương đáp: “Đây là danh sách trúng tuyển năm nay”.
Trương Úy Nham lại hỏi: “Sao thiếu nhiều tên thế nhỉ?”
Đối phương trả lời: “Khoa cử cách ba năm khảo thí một lần. Chỉ những người tích được âm đức, không phạm lỗi lầm gì mới được đưa vào danh sách. Những tên bị thiếu đó vốn là đã đậu kỳ thi, nhưng sau này người đó đã phạm phải việc tổn đức nên bị Thượng Thiên xóa tên”.
Đối phương chỉ vào dòng tiếp theo nói: “Ngươi bình sinh không tà dâm, có thể được bổ sung cho dòng này, ngươi cần trân quý bản thân”. Quả nhiên, Trương Úy Nham trong kỳ thi tại triều đình năm đó đã trúng tuyển đứng thứ 105.
Những câu chuyện trên đều tỏ rõ cho con người biết mối liên hệ mật thiết giữa “công lao sự nghiệp” và “thực hành đạo đức”. Trong các câu chuyện, người giữ giới và cự tuyệt dâm đãng đã đắc được phúc báo. Phúc báo là thi đậu, là bổ sung chỗ khuyết trong danh sách trúng tuyển, và điều đó đến rất nhanh! Cổ nhân nói “tích âm đức” quả thực không sai. Trong khi làm việc chăm chỉ để lập công, nếu không giữ vững các tiêu chuẩn đạo đức thì công danh sự nghiệp rồi cũng sẽ trôi đi như nước chảy! Đời người có đức mới có phúc. Đây không phải là lời nói suông!
Nguồn: epochtimesviet
Xem thêm
Vạn Điều Hay