Vị vua vĩ đại nhất của người Ba Tư – Cyrus Đại đế. (Nguồn: User Coyau on Wikimedia Commons/ SA-3.0)
Đã từng tồn tại các vương triều đế quốc Iran cổ đại hùng mạnh với quốc giáo là Hỏa giáo trong hơn một thiên niên kỷ (khoảng từ năm 600 TCN tới năm 650), nhưng mọi thứ bắt đầu đổi khác từ thế kỷ 7 do người Ả Rập Hồi giáo chinh phục Ba Tư (633–654), cùng với sự đàn áp Hỏa giáo trên diện rộng.
Nước mất nhà tan, lại còn bị bách hại tín ngưỡng, nên người Ba Tư phải chạy đi tị nạn. Trong đó những câu chuyện tị nạn ở Ấn Độ và Trung Quốc là nổi bật hơn cả, phản ánh đức hạnh cao đẹp của họ.
Trong “Truyện kể Sanjan” (“Qissa-i Sanjan”) có ghi lại câu chuyện như sau:
Những người Ba Tư chạy đến xin tị nạn ở vương quốc nọ mà nay là vùng Gujarat thuộc Ấn Độ. Nhà vua Jadi Rana của vương quốc này đồng ý tiếp kiến họ. Vì bất đồng ngôn ngữ, ngài đưa cho họ một bát sữa đầy. Các nhà thông thái Ba Tư hiểu ý nhà vua rằng vương quốc của ngài đủ tốt đẹp rồi, hơn nữa cũng đã chật chội, không thể tiếp nhận người tị nạn. Họ liền bỏ vào bát sữa vài thìa đường và bát sữa không hề trào ra. Nhà vua hiểu ý những người Hỏa giáo rằng họ sẽ làm phong phú thêm cho đất nước ngài chứ không hề tổn hại. Vậy là ngài đồng ý cho họ cư trú và tự do thực hành tín ngưỡng của mình.
Những người Ba Tư sau đó bắt đầu mở mang ra khắp Tiểu lục địa Ấn Độ, và di cư cả đến Đông Nam Á.
Cũng có rất nhiều người Ba Tư đã di cư đến Trung Quốc, đặc biệt vào thời Đường – thời kỳ đỉnh cao của văn minh Trung Hoa. Qua nhiều thế kỷ phát triển giao thương, đặc biệt thông qua con đường tơ lụa, người Trung Quốc không còn xa lạ gì với con người và văn hóa Tây Vực nữa. Thời Đường lại là thời đại vô cùng phóng khoáng, cởi mở, thậm chí người ngoại quốc định cư tại Trường An còn được chăm lo phúc lợi không khác gì người bản xứ.
Thành phần người Ba Tư di cư đến Đại Đường, cũng như đóng góp của họ là rất phong phú, và trải rộng trên nhiều lĩnh vực.
Các hoàng tử Peroz III và Bahram VII cùng nhiều quý tộc Ba Tư đã tị nạn đến Đại Đường và được hoàng đế Cao Tông đón nhận, sau khi Đế quốc Sasan, đế chế Hỏa giáo cuối cùng, sụp đổ. Peroz được phong làm Hữu võ vệ tướng quân, kiêm lãnh đạo Ba Tư đô đốc phủ, sau lại được phong Tả uy vệ tướng quân, khi mất được dựng tượng tại Càn Lăng. Con trai Peroz là Nashier cũng được thừa ấm của cha. Bahram nỗ lực quay về chiến đấu để khôi phục vương triều, nhưng không thành công, và đành phải giành thời gian cuối đời ở Lạc Dương.
Nói chung, khá nhiều người Ba Tư đã tham gia vào lực lượng quân sự Đại Đường, họ được coi trọng và gia phong nhiều chức vụ, như Vệ tướng quân, Quả nghị đô úy, Chiết trùng đô úy, Trung lang tướng v.v… Những người này đã có đóng góp không nhỏ vào chiến lược “an Tây” của nhà Đường.
Người Ba Tư di cư đã hình thành những cộng đồng lớn ở Quảng Châu, Hồng Châu, Dương Châu, Lạc Dương, Trường An. Họ nổi tiếng là những thương nhân giỏi và trung thực, đặc biệt như ở khu Chợ Tây tại Trường An.
Trong “Dậu dương tạp trở” có ghi chép một câu chuyện như sau: Có một hòa thượng được tể tướng Lý Lâm Phủ cúng dường một vật, nhìn như cây gậy dài khoảng 1 trượng, ông không biết là vật gì, nhưng vẫn cầm đến tiệm của người Ba Tư để đổi ra tiền. Hòa thượng nói giá 1000 lượng, chủ tiệm cười nói: “Thêm lên”, hòa thượng tăng thêm 500 lượng, chủ tiệm cười to nói: “Đây là xương quý, đáng giá 1 triệu lượng”. Đoạn, chủ tiệm giao đúng số tiền đó cho hòa thượng.
Trong “Thái Bình quảng ký” có ghi chép truyện “Lô, Lý nhị sinh” trong đó có đoạn: Người họ Lô nhờ người họ Lý đến tiệm Ba Tư lấy hộ 2 vạn lạng tiền họ nợ ông, khi đi chỉ đưa một chiếc gậy làm bằng. Họ Lý đến nơi, chủ tiệm lập tức nhận ra chiếc gậy của họ Lô, hỏi han qua một lượt, rồi đưa đầy đủ tiền.
Trong các tác phẩm khác như “Quảng dị ký”, “Nguyên Hóa ký”, đều có ghi chép các câu chuyện tương tự như vậy. Điều đó cho thấy ấn tượng tốt đẹp của xã hội thời Đường đối với phẩm chất tín nghĩa của người Ba Tư.
Thi Tiên Lý Bạch trong bài “Thiếu niên hành” có đoạn:
Lạc hoa đạp tận du hà xứ
Tiếu nhập Hồ cơ tửu tứ trung
Nghĩa là:
Giẫm nát hết hoa, đi đâu chơi đây ?
Vừa cười vừa bước vào quán rượu có các cô người Hồ
Câu thơ này phản ánh một sự thực lịch sử, đó là đương thời có rất nhiều quán rượu mà chủ là người Hồ, cũng tức là những người đến từ phía Tây, mà phần lớn là người Ba Tư. Trong các quán này thường có các cô gái người Hồ múa hát.
Dấu tích đóng góp của người Ba Tư trong nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật thời Đường lại càng đặc biệt nhiều.
Những nhạc cụ bộ dây, bộ hơi, bộ gõ v.v… như đàn tỳ bà, đàn nhị hồ, đàn tam thập lục, kèn sona, chũm chọe đeo tay, trống lắc v.v… đều có nguồn gốc phía Tây với công du nhập rất lớn của người Ba Tư. Kiến trúc mái vòm cũng như nghệ thuật trang trí hoa văn của Ba Tư đã được kiến trúc thời Đường tiếp thu. Người Ba Tư cũng mang đến kỹ nghệ dệt thổ cẩm, chế tác thủy tinh, kim khí, thủ công mỹ nghệ, làm thuốc v.v… Hay rất gần gũi với chúng ta, bản thân tên gọi một loại gia vị là “hồ tiêu” cũng cho ta biết xuất xứ du nhập của nó.
Người Ba Tư cũng đã du nhập các tác phẩm thiên văn và toán học của Al-Khwarizmi, các tác phẩm vật lý, hóa học, y học của Jabir ibn Hayyan và Abu Bakr al-Razi v.v… – chúng đều được người Đại Đường tán thưởng, học hỏi.
Hậu duệ của người Ba Tư ở Đại Đường cũng có những người nổi tiếng. Điển hình là Lý Tuần (sinh khoảng 855 – mất khoảng 930) người nước Tiền Thục thời Ngũ Đại. Ông vừa là nhà thơ giỏi vừa là thầy thuốc giỏi.
Lý Tuần làm thơ chủ đề đa dạng, phong cách giản dị, cảm xúc tinh tế, cấu tứ khéo léo, sinh động. “Toàn Đường thi” có ghi lại 54 bài thơ của ông. Có thể ví dụ như bài “Hoán khê sa”:
Phỏng cựu thương ly dục đoạn hồn,
Vô nhân trùng kiến ngọc lâu nhân,
Lục nhai vi vũ lũ hương trần.
Tảo vị bất phùng Vu Giáp mộng,
Na kham hư độ Cẩm giang xuân?
Ngộ hoa khuynh tửu mạc từ tần.
Dịch (bản dịch của Điệp Luyến Hoa):
Thăm nơi từ biệt não lòng ôi,
Người cũ không sao gặp nữa rồi,
Sáu phố mưa phùn hương khắp nơi.
Đã không gặp được mộng Vu Giáp,
Cam nhìn xuân tại Cẩm Giang tươi,
Nghiêng chén, say hoa, chẳng muốn rời.
Lý Tuần từng thăm thú Lĩnh Nam, tham khảo 10 loại sách cổ, về soạn “Hải dược bản thảo” (còn có tên gọi khác là “Nam dược hải phổ”) gồm 6 quyển, được coi là một trong những đầu sách Trung y truyền thống độc đáo.
Khi Tiền Thục mất, Lý Tuần không ra làm quan nữa, nên được người đời ca tụng là kẻ sỹ khí tiết. Em trai Lý Tuần là Lý Huyền cũng là một thuật sỹ luyện đan, một thầy thuốc có tiếng.
Hữu Đức
NTD Việt Nam