Trong dân gian, có rất nhiều tập tục truyền lại từ xa xưa nhưng lại không được người hiện nay lý giải. Và vì không thể lý giải, họ lại cho đó là thói quen và hủ tục, chứ không thể hiểu được dụng ý sâu xa của người xưa.
Chẳng hạn như, vì sao phải che mặt cho người đã khuất bằng vải trắng? Và vì sao thân nhân phải trông coi linh cữu của người chết qua đêm?
Có người cho rằng, tập tục nói trên bắt nguồn từ một câu chuyện lịch sử cách đây khoảng 2500 năm. Vào năm 494 TCN, Ngô vương Phù Sai dẫn binh tiêu diệt Việt quốc, bắt sống Câu Tiễn, quân chủ của nước Việt. Câu Tiễn bị đưa về nước Ngô làm nô lệ lao dịch cho Phù Sai.
Sau khi đến Ngô quốc, ý chí của Việt vương Câu Tiễn không hề tiêu tán, ngược lại lại hết sức ẩn nhẫn, mặc dù bản thân phải quỳ gối khom lưng, chịu vô vàn nhục nhã. Việt vương Câu Tiễn không ngừng cống nạp mỹ nữ và tiền tài, bảo vật cho Phù Sai, nhưng trong lòng vẫn bí mật lên kế hoạch phục thù.
Sau này, Phù Sai cho rằng Câu Tiễn đã hoàn toàn thần phục, liền cho Câu Tiễn trở về Việt quốc. Vào lúc đó, Ngũ Tử Tư, một thần tử trung thành của Phù Sai đã nói lời can gián:“Câu Tiễn trong lòng chứa đầy ác ý, ở trước mặt bệ hạ tỏ ra đáng thương nhưng thật ra thâm tâm mang chí lớn. Bệ hạ tuyệt đối không nên thả hắn trở về Việt quốc, mà cần phải diệt trừ hậu hoạ”.
Phù Sai nghe xong lập tức nổi cơn thịnh nộ:“Ngươi dám nghi ngờ con mắt nhìn người của trẫm, vậy ngươi không cần phải lên triều nữa”. Sau đó, Phù Sai tỏ ra không còn tín nhiệm đại thần Ngũ Tử Tư nữa. Về sau khi Ngũ Tử Tư đi sứ trở về, Ngô vương Phù Sai lại vứt xuống một thanh kiếm buộc ông phải tự sát.
Khoảng mười năm sau khi Ngũ Tử Tư qua đời, Câu Tiễn tại Việt quốc đã có thể vực dậy tinh thần, phát triển đất nước, làm cho đất nước ngày càng lớn mạnh. Khi thấy lực lượng đủ hùng hậu, Câu Tiễn bèn dẫn binh tiêu diệt nước Ngô, bắt được Phù Sai.
Phù Sai không thể chấp nhận nỗi nhục này, bèn quyết định kết liễu đời mình. Ông cầm thanh kiếm trên tay, cảm khái vạn phần, hận rằng bản thân trước đây đã không nghe lời khuyên của công thần Ngũ Tử Tư. Vì vậy trước khi chết ông đã nói rằng:
“Sau khi ta chết, xin hãy dùng vải trắng che mặt ta lại, bởi vì ta không còn mặt mũi nào để gặp Ngũ Tử Tư được nữa”.
Có người cho rằng, câu chuyện trên đã khởi đầu cho việc dùng vải trắng che mặt người đã khuất. Về sau cách làm này dần dần được lưu truyền và trở thành một tục lệ trong dân gian.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng dùng vải trắng che mặt người chết là để phòng ngừa hiện tượng “chết giả”. Trước đây, khi một người nhắm mắt xuôi tay, thân nhân cho rằng người này đã chết, bèn đem đi mai táng.
Vài năm sau khi thu hồi xương cốt, họ kinh ngạc phát hiện ra người nằm trong quan tài kia đã từng sống lại, bởi bộ xương không phải ở tư thế nằm ngửa, mà là nằm sấp xuống.
Hiện tượng “chết giả” là khi khí tức yếu ớt, tim đập không rõ, thân thể có biểu hiện như đã chết nhưng lại không phải chết thật. Chỉ cần dịch độc trong cơ thể tiêu mất hoặc vì một nguyên nhân nào đó, người này sẽ sống lại. Việc đắp khăn trắng lên mặt có mục đích là để dễ dàng phát hiện ra hơi thở của người chết giả.
Cho nên, ngoài việc cho rằng người chết sau ba ngày linh hồn sẽ trở về nơi đặt thi thể của mình, thì thân nhân cũng cần túc trực bên cạnh linh cữu. Trong lúc trông coi linh cữu, người nhà có thể quan sát tấm vải trắng trên mặt người chết.
Bởi lớp vải mỏng và màu trắng nên chỉ cần có hơi thở sẽ dễ dàng lay động, giúp thân nhân phán đoán được người đang nằm kia có khả năng sống lại hay không.
Còn một cách nói khác là sau khi con người chết đi, huyết sắc trên mặt không còn, da thịt bắt đầu thay đổi. Để tránh gây ra nỗi sợ hãi cho người khác, đồng thời cũng vì để thân nhân không nhìn thấy mà thêm đau buồn nên họ đã phủ khăn lên mặt để che đi.
Ngoài ra còn có một nguyên nhân nữa. Đó là, sau khi qua đời, linh hồn của họ đã thuộc về cõi âm nên rất sợ ánh sáng ở chốn dương gian. Do đó, dùng khăn che thi thể sẽ giúp họ tránh được ánh mặt trời ban ngày, âm hồn nhờ đó mà được bảo tồn cho đến khi đầu thai chuyển kiếp.
Che mặt cho người đã khuất chỉ là một trong số rất nhiều phong tục còn truyền thừa đến ngày nay. Đằng sau mỗi một tập tục, mỗi một lễ nghi ấy đều hàm chứa những ý nghĩa sâu xa, chỉ tiếc rằng con người hiện đại vì không thể lý giải nên mới quy chụp thành “cổ hủ”, “phong kiến”, “lạc hậu” mà thôi.
Nhưng dẫu vì cớ gì, thì đó đều là những sợi dây văn hóa mong manh còn sót lại, để chúng ta níu giữ được nét văn hóa truyền thống đang ngày càng mai một này…
Theo Secretchina
Khải Phong biên dịch