Ngày 26 tháng 10 năm 2019, kênh truyền hình Fox News đã đưa tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công đang diễn ra ở Trung Quốc, trong đó có nạn sát hại các học viên để lấy nội tạng của chính quyền cộng sản nước này. Phóng viên Hollie Mckay đã phỏng vấn nhiều học viên và các nhà nghiên cứu độc lập, đồng thời viện dẫn một báo cáo của Tòa án Trung Quốc tại London. Những lời chứng và phát hiện đã củng cố nhận định rằng, hiện nay, vấn nạn thu hoạch nội tạng từ những học viên Pháp Luân Công còn sống vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc.
Bài viết “Những người sống sót và nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng kinh hoàng do chính quyền hậu thuẫn ở Trung Quốc”, mở đầu bằng câu chuyện của bà Jennifer Tằng, người bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 2 năm 2000. Tại một trại lao động ở quận Đại Hưng, bà đã bị thẩm vấn về tiền sử bệnh tật của mình và bị ép làm xét nghiệm máu. Bà đã nói với các nhân viên thẩm vấn rằng bà từng bị viêm gan C trước khi tu luyện Pháp Luân Công.
12 ngày sau, một phạm nhân cùng buồng giam với bà đã chết vì bị bức thực. Tại các trại lao động, việc ngược đãi các học viên Pháp Luân Công, từ ngược đãi thân thể tới cưỡng bức thu hoạch nội tạng, là điều phổ biến. Bà Tằng chia sẻ với Fox News rằng: “Mắc viêm gan C ‘giúp’ tôi không đủ tiêu chuẩn để trở thành người hiến tạng.”
Báo cáo của Tòa án Trung Quốc: Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc
Sau một năm độc lập đánh giá tất cả các bằng chứng sẵn có, tháng 6 năm 2019, Hội đồng Tòa án Trung Quốc đã công bố các phát hiện của mình. Tòa án Trung Quốc được Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc (ETAC), một tổ chức từ thiện nhân quyền quốc tế, thành lập, và chủ tọa bởi Ngài Geoffrey Nice QC, người từng chủ trì việc truy tố cựu tổng thống Nam Tư cũ Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế.
Báo cáo của Tòa án Trung Quốc nêu rõ: “Hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã được hậu thuẫn trong nhiều năm, và các học viên Pháp Luân Công có thể là nguồn cung cấp nội tạng chủ yếu.”
NgàiGeoffrey Nice QC, chủ tịch của Tòa án Trung Quốc
Báo cáo này cũng nhấn mạnh đến thời gian chờ ghép tạng ngắn bất thường ở Trung Quốc, cũng như nhiều trang web quảng cáo bán tim, phổi và gan. Bằng chứng này hướng sự chú ý vào một ngành công nghiệp [cấy ghép] mà người hiến tạng luôn sẵn có theo yêu cầu. Tòa án đưa ra kết luận rằng các học viên Pháp Luân Công và những người Duy Ngô Nhĩ là những nạn nhân của tội ác chống lại loài người.
Lời khai của các nhân chứng
Ngày 20 tháng 7 năm 2015, cô Hàn Vũ bị bắt và bị giam giữ tại trại tạm giam Quận Hải Điến ở Bắc Kinh trong 37 ngày. Tháng 5 năm 2004, cô Hàn nhận được một cuộc điện thoại thông báo rằng cha cô, một học viên Pháp Luân Công, đã bị giam ở một trại tạm giam trong 3 tháng và ông đã qua đời. Mãi đến một tháng sau gia đình cô mới được phép tới nhận thi thể của ông tại nhà xác thôn Hiếu Trang, quận Lương Hưởng, trong sự giám sát của vài chục cảnh sát.
Cô Hàn kể: “Tôi trông thấy rõ nhiều vết thương trên mặt cha tôi, dù là trang điểm rồi nhưng vết bầm tím nặng dưới mắt trái ông vẫn hiện rõ. Có một vết khâu bắt đầu từ cổ họng xuống tới vùng thắt lưng của ông. Tôi đã tìm cách cởi y phục của cha tôi nhưng cảnh sát trông thấy và lập tức kéo tôi ra. Một lúc sau, một thành viên khác của gia đình tôi đi vào và tiếp tục mở cúc, và phát hiện nhiều vết khâu chạy tới dạ dày.”
Cô Hàn lo sợ rằng cha cô chính là một nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng. Thi thể của cha cô không được phép khám nghiệm và đã bị hỏa thiêu ngay lập tức. Cô nói: “Chúng tôi thậm chí còn không được phép khóc khi an táng cho ông.” Trong toàn bộ thời gian đó, cảnh sát luôn theo sát họ và cấm không cho quay phim chụp ảnh. Cô cho biết: “Sau khi nghe nói đến nạn thu hoạch nội tạng, tôi không thể hình dung được điều gì đã xảy ra đối với cha tôi trước khi ông chết. [Nhưng] điều đó đã xảy ra, và nó vẫn đang tiếp diễn.”
Một nạn nhân khác: Gia đình chỉ được phép nhìn phần đầu của ông
Cô Giang Lỵ miêu tả kết thúc bi thương của cha mình, ông Giang Tích Thanh.
Cô Giang Lỵ cho biết cha cô, ông Giang Tích Thanh, một học viên Pháp Luân Công, cũng là nạn nhân của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Ông Giang bị bắt vào tháng 5 năm 2008 và bị đưa tới một trại lao động cưỡng bức. Cô Giang cùng ba thành viên khác trong gia đình đã tới thăm ông vào ngày 27 tháng 1 năm 2009, thời điểm đó trông ông vẫn bình thường.
Cô Giang tiếp tục: “Rồi đến 3 giờ 40 phút chiều ngày hôm sau, trại lao động này gọi điện cho em trai tôi báo rằng cha tôi đã qua đời và cúp máy luôn. Bảy người trong gia đình tôi đã tới nhà xác vào lúc 10 giờ 30 phút tối theo sự hướng dẫn của cảnh sát. Họ đọc các quy định- chúng tôi chỉ được nhìn thi thể trong vòng 5 phút, không được sử dụng máy quay phim hay các thiết bị thông tin liên lạc khác. Chúng tôi chỉ được vào phòng lạnh để nhìn phần đầu của cha tôi mà không được trông thấy toàn bộ thi thể của ông.”
Khi chị gái của cô Giang Lỵ ghé gần mặt cha mình, cô đã hét lên bởi vùng mũi của ông vẫn còn ấm, hàm răng trên đang cắn môi dưới – ông ấy vẫn còn sống.
Cô Giang Lỵ tiếp tục: “Chúng tôi kéo nửa thân trên của cha tôi ra. Chúng tôi sờ vào ngực ông và thấy vẫn còn ấm. Cha tôi mặc một chiếc áo khoác lông vũ. Khi chị gái tôi chuẩn bị thực hiện kỹ thuật hồi sức tim phổi (CPR) thì bốn người dùng vũ lực kéo chúng tôi ra khỏi buồng lạnh. Các cảnh sát mặc thường phục đã đẩy cha tôi trở lại buồng lạnh. Họ yêu cầu chúng tôi nhanh chóng ký vào đơn [đồng ý] hỏa táng và trả các khoản chi phí.
Ông Giang Tích Thanh, đầu tiên từ bên phải hàng đầu, cũng là một nạn nhân của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Gia đình đã cố gắng để tìm lại công lý nhưng luật sư bào chữa cho họ đã bị cảnh sát bắt giữ và nhà họ cũng đã bị lục soát. Ngoài ra, cô Giang Lỵ còn bị mất việc làm vào năm 2010 mà không một lời giải thích và sau đó cô bị bắt giữ.
Các học viên Pháp Luân Công thường xuyên bị kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm máu trong khi bị giam giữ trong hệ thống nhà tù Trung Quốc.
Bài báo của Fox News cho hay các học viên Pháp Luân Công đã bị ép kiểm tra sức khỏe thường xuyên, kể cả siêu âm và chụp X-quang để giám sát chất lượng các cơ quan nội tạng của họ. Họ cũng bị cảnh sát tra tấn tàn bạo để buộc phải từ bỏ đức tin của mình.
Những tội ác do chính quyền hậu thuẫn
Sau khi làm chứng trước Tòa án Trung Quốc, vào tháng 7 năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu Thu hoạch Nội tạng ở Trung Quốc (COHRC) đã công bố một báo cáo của chính trung tâm này dựa trên những nghiên cứu và phân tích trong nhiều năm. Báo cáo viết “việc sát hại theo yêu cầu những tù nhân lương tâm do nhà nước Trung Quốc kiểm soát, vận hành trên quy mô công nghiệp và được thực hiện bởi các tổ chức quân sự lẫn dân sự.”
Tương phản với số lượng lớn các ca ghép tạng diễn ra hàng năm, ở Trung Quốc không hề có hệ thống tự nguyện hiến tạng. Giới chức Trung Quốc đã xác nhận rằng có 10,000 ca cấy ghép được thực hiện hàng năm ở Trung Quốc, nhưng các nhà nghiên cứu, dựa trên những phân tích của mình, ước tính rằng con số thực tế còn cao hơn rất nhiều, khoảng từ 60,000 tới 100,000 ca hàng năm.
COHRC giải thích trong báo cáo của họ rằng lợi nhuận kinh tế chính là động cơ của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Fox News cho biết: “Dữ liệu từ năm 2007 cho thấy nhiều bệnh viện đã thu 65,000 USD cho mỗi ca ghép thận, 130,000 USD cho ghép gan và hơn 150,000 USD cho ghép phổi hoặc tim. Những bệnh nhân đang tuyệt vọng còn ‘quyên góp’ nhiều tiền để có thể mua được một cơ quan tạng mới trong thời gian nhanh nhất.”
Hành vi phi pháp kinh hoàng này có thể đã bắt đầu vào những năm 90 ở quy mô nhỏ, nhưng tăng nhanh vào khoảng năm 2000 khi các học viên Pháp Luân Công trở thành nguồn cung cấp nội tạng chủ yếu.
Bài báo của Fox News viết: “Về sau, [chính quyền] Trung Quốc khẳng định rằng các tử tù đã hiến nội tạng của họ cho chính quyền để chuộc lại những tội lỗi mà họ đã gây ra, và Trung Quốc xác nhận đã chấm dứt thông lệ này vào tháng 1 năm 2015. Tuy nhiên, từ năm 2000, ở Trung Quốc lại bùng nổ các hoạt động cấy ghép nội tạng, cùng với các báo cáo cho biết có hàng nghìn khách du lịch tới Trung Quốc để mua nội tạng cấy ghép. Điều đó cho thấy có một nguồn cung cấp nội tạng lớn hơn nguồn nội tạng từ các tử tù.” Bài báo này cũng viện dẫn báo cáo của Tòa án Trung Quốc: “Quy mô của ngành công nghiệp ghép tạng của Trung Quốc, cùng với nhiều bằng chứng khác đã chỉ ra một khả năng rằng Trung Quốc đã tham gia vào hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng và buôn bán kiếm lời từ nội tạng của các tù nhân lương tâm.”
Tòa án Trung Quốc khẳng định rằng “không có bằng chứng nào cho thấy cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành công nghiệp ghép tạng của Trung Quốc đã bị tháo dỡ và không có một lời giải thích thỏa đáng về nguồn nội tạng sẵn có, điều này kết luận rằng nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng vẫn còn tiếp diễn tới ngày nay.”
Bà Grace Yin làm việc tại COHRC cho biết chính phủ Trung Quốc chỉ thừa nhận sự ngược đãi không mấy nghiêm trọng bằng cách giải thích rằng điều đó chỉ xảy ra với những tử tù để “chuyển hướng sự chú ý khỏi một vấn đề nghiêm trọng hơn”. Bà cho biết thêm: “Vấn đề cốt lõi vẫn là cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với các nhóm tín ngưỡng và sự thù địch đối với những nhóm mà Đảng này coi là mối đe dọa tới sự kiếm soát ý thức hệ của nó.”
Bà Olivia Enos, một nhà phân tích chính sách cao cấp về nghiên cứu Châu Á của tổ chức Quỹ Di sản (The Heritage Foundation), cho biết hành vi thu hoạch nội tạng là một phương diện của nạn ngược đãi nhân quyền đã hầu như bị bỏ qua và chủ yếu được báo cáo bởi các học viên Pháp Luân Công.”
Một số quan chức Hoa Kỳ đã bắt đầu chú ý tới vấn nạn này. Ông Shawn Steel, thành viên của Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa của California (RNC) cho biết: “Điều này kỳ lạ đến mức khó có thể tin rằng những chính phủ đó lại có thể chà đạp nhân quyền như thế. Du lịch chữa bệnh là một nghành kinh doanh quan trọng; nếu bạn giàu có, bạn có thể có bộ phận nội tạng mình cần trong vòng vài tuần. Hàng ngàn người đang trở thành vật thế mạng mỗi năm nhưng vấn đề này vẫn chưa được thảo luận.”
Đầu năm nay, ông Steel đã đề xuất một nghị quyết cho RNC để lên án Bắc Kinh về hành vi cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân. Nghị quyết này đã được nhất trí thông qua tại hội nghị của RNC hồi tháng 8.
vn.minghui.org/