Các loại ớt khác nhau chứa lượng capsaicin khác nhau, từ đó gây ra mức độ kích ứng miệng và dạ dày khác nhau. Cảm giác nhức nhối này khiến người ta ảo tưởng rằng ăn đồ cay sẽ làm tổn thương dạ dày, viêm hoặc loét dạ dày. (Pichpik)
Không phải ai cũng có thể ăn cay, một số người cho rằng ăn cay sẽ khiến cơ thể bị nóng, ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá, thậm chí gây ung thư. Tuy nhiên, một số nghiên cứu lại cho thấy kết quả ngược lại.
Các loại ớt khác nhau chứa lượng capsaicin khác nhau, từ đó gây ra mức độ kích ứng miệng và dạ dày khác nhau. Cảm giác nhức nhối này khiến người ta ảo tưởng rằng ăn đồ cay sẽ làm tổn thương dạ dày, viêm hoặc loét dạ dày.
Trên thực tế, ớt cay không phải là thủ phạm gây viêm và loét dạ dày, nghiên cứu cho thấy nhiễm Helicobacter pylori, axit dạ dày và thuốc chống viêm không steroid là những tác nhân chính gây viêm dạ dày và loét dạ dày.
Ớt cay có thực sự gây ung thư?
Năm 2021, các nhà nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Bắc Kinh và Đại học Oxford ở Vương quốc Anh đã công bố một nghiên cứu trên Tạp chí Dịch tễ học Quốc tế cho thấy rằng, ăn ớt có thể làm giảm nguy cơ ung thư đường tiêu hóa.
Nghiên cứu đã phân tích mối quan hệ giữa việc ăn đồ cay và tỷ lệ mắc ba khối u đường tiêu hóa chính (bao gồm: ung thư thực quản, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng). Nghiên cứu có sự tham gia của khoảng 512.000 người trong độ tuổi 30-79 từ 10 vùng ở Trung Quốc và theo dõi họ trong 10 năm.
Kết quả cho thấy tần suất ăn đồ cay tỉ lệ nghịch với nguy cơ ung thư thực quản.
So với những người không bao giờ hoặc hiếm khi ăn đồ cay, những người thỉnh thoảng ăn cay, người ăn 1-2 ngày/tuần, 3-5 ngày/tuần và 6-7 ngày/tuần có:
- Nguy cơ ung thư thực quản giảm lần lượt là 12%, 24%, 16% và 19%;
- Nguy cơ ung thư dạ dày tương ứng giảm lần lượt là 3%, 5%, 8% và 11%;
- Nguy cơ ung thư đại trực tràng giảm lần lượt 0%, 5%, 13% và 10%.
Nhưng tại sao một số người lại bị tiêu chảy mỗi khi ăn đồ cay?
Thực ra, điều này còn liên quan đến chất capsaicin vốn gây ra hiện tượng “ngứa ran”.
Sau khi capsaicin xâm nhập vào, nó liên kết với “thụ thể capsaicin” trong cơ thể. Lúc này, lượng capsaicin dư thừa không thể bị đường tiêu hoá phân hủy và chuyển hóa hoàn toàn.
Để trục xuất capsaicin ra khỏi cơ thể càng nhanh càng tốt, tốc độ nhu động của đường tiêu hóa sẽ tăng lên. Việc tăng tốc đột ngột sẽ phá vỡ chuyển động đều đặn của ruột, gây rối loạn đường ruột, khiến nhu động ruột trở nên bất thường. Vì phân lưu lại trong thời gian ngắn hơn, nên lượng nước được ruột hấp thụ cũng giảm đi. Kết quả là phân lỏng và không có hình dạng cụ thể, làm xuất hiện triệu chứng tiêu chảy.
Phản ứng sau khi ăn cay có mối quan hệ nhất định với thể chất và điều kiện sống của mỗi người. Một số người có thể ăn đồ ăn cực cay, nhưng không bị tiêu chảy. Ngược lại, một số người bị căng thẳng tâm lý hoặc thể chất mệt mỏi, đường tiêu hóa của họ sẽ phản ứng dữ dội hơn sau khi bị capsaicin kích thích.
Làm thế nào để ăn ớt vừa ngon miệng vừa tốt cho sức khỏe?
Ớt có lượng calo thấp và giàu chất dinh dưỡng, là nguồn cung cấp vitamin A và C, kali, axit folic và chất xơ tuyệt vời. Ngoài ra, hương vị cay có thể làm sống động những món ăn nhạt nhẽo và tăng cảm giác thèm ăn.
Mặc dù ớt có rất nhiều lợi ích và việc ăn cay không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, nhưng cũng cần phải điều độ và phù hợp.
Người bệnh trĩ, loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, viêm túi mật… nên ăn ít ớt. Một số người có thể gặp các triệu chứng như nổi mề đay, ngứa và sưng tấy sau khi ăn ớt. Nếu bạn cảm thấy khó chịu sau khi ăn ớt, bạn nên ngừng ăn ngay lập tức và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn.
Nói chung, bạn nên ăn ớt một cách hợp lý, giả sử bạn tiêu thụ quá nhiều ớt cay trong cùng một lúc, thì nó có thể gây ra nhiều phản ứng bất lợi. Muốn ăn uống thoải mái, an toàn thì bạn cũng cần áp dụng phương pháp phù hợp.
- Chọn mức độ cay của riêng bạn
Những người khác nhau có phạm vi dung nạp capsaicin khác nhau, bạn nên chọn độ cay tùy theo hoàn cảnh của mình, ngay cả khi bạn gọi món “hơi cay” và bị người khác “chế giễu”, tại sao không? Suy cho cùng, sức khỏe tốt hay xấu là do bạn quyết định.
- Dùng ít dầu, ít muối và ít đường khi nấu ăn
Quá mặn, quá nhiều dầu, quá nhiều đường đều có thể gây hại cho cơ thể, bạn có thể kết hợp với một số loại rau hoặc trái cây có tính thanh nhẹ để ăn kèm.
- Tránh ăn ớt khi bụng đói
Ăn ớt khi bụng đói dễ gây kích ứng mạnh cho niêm mạc dạ dày, về lâu dài dễ gây tổn thương niêm mạc dạ dày.
- Để bớt cay, hãy uống sữa, sữa đậu nành
Sau khi ăn cay, sữa, sữa đậu nành… là “thuốc trị cay” hiệu quả. Chất casein trong sữa có thể làm giảm kích ứng do capsaicin gây ra và ngăn không cho nó “đốt” lưỡi của chúng ta.
Theo Wang He – Aboluowang
Chấn Hưng biên dịch
NTD Việt Nam