Một mảng các vết nứt hình đa giác trong bùn cổ đại trên sao Hỏa, là bằng chứng về các chu kỳ khô-ẩm trong quá khứ, có thể đã giúp sự sống ngoài Trái đất xuất hiện trên hành tinh Đỏ. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech/MSSS/IRAP)
Một “mảng các vết nứt trong bùn cổ đại được bảo tồn tốt” trên bề mặt sao Hỏa gợi ý rằng sự sống ngoài Trái đất có thể đã tồn tại trên hành tinh Đỏ trong quá khứ, một nghiên cứu mới tiết lộ.
Vào năm 2021, xe tự hành Curiosity của NASA đã chụp được những bức ảnh về các hình đa giác trên sườn Núi Sharp, một đỉnh núi cao 5km trong Miệng núi lửa Gale – một vùng trũng lớn nơi Curiosity đã hạ cánh lần đầu tiên vào năm 2012 và dành toàn bộ thời gian của sứ mệnh tại đó. Các hình dạng, chủ yếu có năm hoặc sáu cạnh riêng biệt, có niên đại từ 3,8 tỷ đến 3,6 tỷ năm trước.
Ban đầu, các nhà nghiên cứu xác định các hình dạng này là vết nứt của bùn, và điều này là bằng chứng nữa cho thấy sao Hỏa từng là một hành tinh ẩm ướt hơn nhiều. Nhưng trong một nghiên cứu mới, được công bố vào ngày 9/8 trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu đã phân tích lại các dấu hiệu và phát hiện ra rằng chúng được hình thành trong các chu kỳ khô-ẩm mà chưa được biết đến trước đây xảy ra trên sao Hỏa và chúng tương tự như các chu kỳ theo mùa trên Trái đất.
Tác giả chính của nghiên cứu William Rapin, một nhà khoa học hành tinh tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS) của Pháp cho biết: “Đây lần đầu tiên chúng ta thấy bằng chứng rõ ràng về việc khí hậu cổ đại của sao Hỏa có chu kỳ khô-ẩm đều đặn giống như Trái đất”.
Rapin nói thêm: “Nhưng điều quan trọng hơn nữa là các chu kỳ khô-ẩm rất hữu ích – thậm chí có thể cần thiết – cho quá trình tiến hóa phân tử có thể dẫn đến sự sống”.
Các vết nứt bùn được phát hiện ở một khu vực phía trên một khu vực giàu đất sét, nơi từng là lòng hồ cổ đại, và bên dưới một khu vực giàu sunfat, là những gì còn lại sau khi nước biến mất. Ban đầu, điều này gợi ý rằng các vết nứt bùn được tạo ra khi hồ cổ đại khô cạn. Theo NASA, Curiosity trước đó đã phát hiện ra các vết nứt bùn hình chữ T tương tự vào năm 2017 tại một địa điểm có tên là “Old Soaker” gần nơi phát hiện ra các vết nứt mới .
Nhưng các vết nứt mới có dấu vết của sunfat, cho thấy chúng đã khô đi khô lại nhiều lần trong quá trình hình thành, nghĩa là chúng được tạo ra trong thời kỳ mực nước trong hồ liên tục tăng và giảm. Điều này cũng giải thích tại sao các vết nứt này có dạng đa giác chứ không phải hình chữ T như vết nứt ở Old Soaker. Các nhà nghiên cứu cho biết, khi các vết nứt cùng loại được hình thành lặp đi lặp lại, chúng sẽ biến đổi thành một hình dạng phức tạp hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết, những chu kỳ khô và ẩm tương tự trên Trái đất cũng là một giải thích về cách các hợp chất hữu cơ ban đầu xuất xuất hiện. Chất hữu cơ là các phân tử chứa carbon và các nguyên tố khác được tìm thấy trong tất cả các sinh vật sống.
Các xe tự hành đã phát hiện ra các hợp chất hữu cơ trong một loạt các tảng đá khác nhau trên sao Hỏa. Các nhà khoa học cũng đã tìm thấy những hợp chất này ẩn náu bên trong các thiên thạch sao Hỏa đã va chạm vào Trái đất. Nhưng các quá trình địa chất tự nhiên cũng có thể tạo ra các hợp chất này và các tiểu hành tinh rơi xuống hành tinh Đỏ cũng mang theo chúng. Tất cả điều này khiến các nhà khoa học khó liên kết các hợp chất với sự sống ngoài Trái đất
Tuy nhiên, việc khám phá ra các chu kỳ khô-ẩm đã tiết lộ về một quá trình tự nhiên không chỉ giúp giải thích cách các hợp chất hữu cơ này được tạo ra mà còn cả cách chúng có thể thúc đẩy quá trình phát sinh sự sống, Ashwin Vasavada, một nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Khoa học Sao Hỏa tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA ở California, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết trong tuyên bố.
Đây không phải là lần đầu tiên các hình đa giác lạ được phát hiện trên bề mặt sao Hỏa. Vào tháng 3/2022, các đa giác lớn hơn nhiều với đường viền màu trắng đã được Tàu quỹ đạo Trinh sát sao Hỏa của NASA chụp ảnh từ trên cao. Những hình dạng khó hiểu này được tạo ra bởi các hồ chứa băng ẩn giấu trên bề mặt hành tinh Đỏ.
Theo Livescience
Văn Thiện biên dịch
NTD Việt Nam