Nghiên cứu cho thấy quế, Nghệ có tác dụng điều chỉnh lượng đường và Huyết áp. (Ảnh: unsplash.com)
Một trong những yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim là huyết áp cao. Dữ liệu nghiên cứu mới cho thấy chế độ ăn nhiều thảo mộc và gia vị có thể giúp giảm huyết áp cao.
Việc bổ sung các loại thảo mộc và gia vị vào bữa ăn có thể là một chiến lược vừa giúp ngon miệng vừa giúp giảm huyết áp của bạn. Sức khỏe tim mạch cũng chịu tác động của nhiều yếu tố.
Trong nhiều năm tỷ lệ tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ là bệnh tim. Nó được xếp hạng nhất trong 10 nguyên nhân gây tử vong ở Hoa Kỳ. Năm 2020 đã có 690.882 người chết vì bệnh tim, so với năm 2015 là 633.842 người, tỉ lệ đã tăng lên 9% chỉ trong 6 năm ngắn ngủi.
Huyết áp được đo với 2 chỉ số tâm thu và tâm trương. Những chỉ số này biểu thị áp suất được đo bằng milimét thủy ngân (mmHg) cần thiết để di chuyển máu qua các động mạch. Huyết áp tâm thu hay còn gọi là huyết áp tối đa, là giới hạn cao nhất của áp lực máu tác động lên thành động mạch khi tim co bóp. Huyết áp tâm trương hay còn gọi là huyết áp tối thiểu, là giới hạn thấp nhất của áp lực máu lên thành động mạch trong kỳ tâm trương (khi tim thả lỏng, giãn ra).
Năm 2017, Đại học Tim mạch Hoa Kỳ phối hợp với Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, đã công bố các hướng dẫn mới xác định huyết áp cao. Do vậy đã chuyển phép đo để chẩn đoán huyết áp cao từ 140/90 xuống thành 130/80 mmHg.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy có sự gia tăng bệnh tim ở những người có huyết áp được cho là trong giới hạn bình thường trước đây. Với các thay đổi trong hướng dẫn, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ ước tính rằng hơn 100 triệu người Mỹ bị huyết áp cao.
Huyết áp cao làm tăng nguy cơ đau tim, bệnh thận, giảm thị lực, đột quỵ và mạch máu bị tổn thương. Dữ liệu mới được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ cho thấy chế độ ăn uống có liên quan chặt chẽ đến các chỉ số huyết áp của chúng ta.
Các loại thảo mộc và gia vị giúp hạ huyết áp trong 4 tuần
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Pennsylvania đã tìm cách hiểu tác động của việc ăn các loại thảo mộc và gia vị đối với bệnh tim mạch. Đây là nghiên cứu có kiểm soát đầu tiên để đánh giá tác dụng của hỗn hợp các loại thảo mộc và gia vị trong chế độ ăn uống truyền thống của Hoa Kỳ nhằm chống lại các nguy cơ mắc bệnh tim.
Các nhà nghiên cứu đã tuyển dụng 71 người có các yếu tố rủi ro đối với bệnh tim. Trong đó, 63 người tham gia đã hoàn thành nghiên cứu với thực đơn ăn uống có kiểm soát. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các mẫu máu và huyết áp để đánh giá tác động của việc tiêu thụ các loại thảo mộc và gia vị ở mức thấp (0,5 gam), trung bình (3,2 gam) và cao (6,5 gam).
Người tham gia các chế độ ăn theo thứ tự ngẫu nhiên trong khoảng thời gian 4 tuần và khoảng cách 2 tuần giữa mỗi chế độ ăn. Phần còn lại của chế độ ăn dựa trên lượng tiêu thụ trung bình của người Mỹ. Các loại thảo mộc và gia vị sử dụng bao gồm húng quế, húng tây, quế và nghệ.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người áp dụng chế độ ăn nhiều thảo mộc và gia vị có huyết áp tâm thu thấp hơn so với những người theo liều lượng trung bình hoặc thấp. Những người tham gia đeo máy đo huyết áp trong 24 giờ khi bắt đầu nghiên cứu và khi kết thúc mỗi giai đoạn điều trị.
Các nhà nghiên cứu rất phấn khích trước kết quả này vì họ không thực sự thay đổi chế độ ăn uống mà chỉ bổ sung thêm thảo dược để có một trái tim khỏe mạnh. Giáo sư Khoa học dinh dưỡng Penny M. Kris-Etherton, Đại học Penn State Evan Pugh, cho biết trong một thông cáo báo chí:
“Tôi nghĩ rằng điều thực sự quan trọng là những người tham gia đã tiêu thụ một chế độ ăn uống trung bình của người Mỹ trong suốt quá trình nghiên cứu nhưng vẫn có thể thu được kết quả. Chúng tôi không giảm natri, không tăng trái cây và rau, chúng tôi chỉ thêm các loại thảo mộc và gia vị. Câu hỏi tiếp theo đặt ra là nếu chúng ta thay đổi chế độ ăn uống theo những cách này thì kết quả sẽ tốt hơn bao nhiêu?”
Thiếu vitamin D có thể liên quan đến huyết áp cao
Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến huyết áp là mức vitamin D. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tình trạng thiếu vitamin D có liên quan đến huyết áp cao ở người lớn. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em, mức độ thấp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao sau này trong thời thơ ấu và trong những năm thiếu niên.
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong một số tình trạng sức khỏe. Do vậy, nó có thể là một trong những giải pháp đơn giản nhất của nhiều vấn đề. Cách có được vitamin D tốt nhất là thông qua tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, kể từ khi nhiều bác sĩ da liễu và các cơ quan khác bắt đầu khuyên mọi người tránh ánh nắng mặt trời và sử dụng nhiều kem chống nắng, tình trạng thiếu vitamin D đã đạt đến mức độ nghiêm trọng.
Năm 2018, một nghiên cứu cho thấy 40% dân số được khảo sát bị thiếu vitamin D. Con số này thậm chí có thể cao hơn. Các chuyên gia cũng đưa ra bằng chứng về mức độ vitamin D thấp có liên quan đến huyết áp cao. Một tài liệu đánh giá 30 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên với 4.744 người tham gia cho thấy, vitamin D3 có thể giúp giảm huyết áp tâm thu và tâm trương.
Đánh giá thứ hai về 17 thử nghiệm trên 1.687 người cho thấy việc bổ sung vitamin D có sự khác biệt rõ rệt trong việc giảm huyết áp tâm thu và tâm trương ở những người bị thiếu vitamin D và huyết áp cao.
Hàm lượng vitamin D thấp dường như cũng có giá trị dự đoán ở trẻ em. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 775 trẻ em trong độ tuổi từ sơ sinh đến 18 tuổi từ năm 2005 đến 2012 để điều tra tác dụng của vitamin D đối với huyết áp tâm thu. Tình trạng vitamin D thấp được định nghĩa là dưới 11 ng/mL khi sinh và dưới 25 ng/mL trong thời thơ ấu.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh những đứa trẻ có lượng vitamin D thấp với những đứa trẻ được sinh ra với mức độ đầy đủ. Họ phát hiện ra rằng trẻ em có mức huyết áp thấp có nguy cơ tăng huyết áp tâm thu cao hơn khoảng 60% từ 6 đến 18 tuổi. Trẻ em có mức huyết áp thấp liên tục trong suốt thời thơ ấu có nguy cơ tăng huyết áp tâm thu cao gấp đôi trong độ tuổi từ 3 đến 18.
Cẩn thận với tỷ lệ Natri/Kali của bạn
Tại Hoa Kỳ và nhiều nước phát triển khác, muối bị coi là nguyên nhân chính gây ra bệnh cao huyết áp. Lý do là bởi với nhiều muối hơn, cơ thể sẽ tích nước và làm tăng áp lực cho tim. Theo nghiên cứu được trình bày tại cuộc họp của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ năm 2013, lượng muối dư thừa đã góp phần gây ra 2,3 triệu ca tử vong liên quan đến tim trên toàn thế giới vào năm 2010.
Không những vậy, natri và kali phối hợp với nhau sẽ ảnh hưởng đến huyết áp. Theo báo cáo, lượng kali trung bình từ thực phẩm chiếm một nửa trong số 4.700 mg được khuyến nghị. Nghiên cứu đã chứng minh mức kali thấp này có tác động đáng kể lên huyết áp. Đặc biệt là khi nó liên quan đến lượng muối thường có trong chế độ ăn uống của người phương Tây.
Kali có tác dụng làm giãn thành động mạch, giúp cơ bắp không bị chuột rút và giảm huyết áp. Giảm huyết áp khi bổ sung kali cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ và tử vong do mọi nguyên nhân.
Do vậy, bạn nên tiêu thụ lượng kali trong khoảng từ 2-3 lần so với natri tùy thuộc vào việc bạn hiện đang bị bệnh tim hay tiểu đường. Nhưng hầu hết người Mỹ tiêu thụ nhiều natri hơn kali.
Nếu các nhà nghiên cứu chỉ xem xét mức độ natri thì có vẻ như muối đang làm tăng huyết áp. Do đó, bằng cách giảm lượng muối ăn vào, bạn sẽ tự động cải thiện tỷ lệ này.
Các chiến lược khác để giúp kiểm soát huyết áp
Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến huyết áp của bạn. Như đã nêu trên, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng để cung cấp các chất dinh dưỡng cho hệ thống động mạch. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số cách khác bao gồm:
Tập thể dục nhiều hơn: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị hoạt động và tập thể dục để giúp kiểm soát huyết áp. Các nghiên cứu cũng đã chứng minh hiệu quả của việc tập thể dục được coi như một chiến lược phòng ngừa. Hoạt động thường xuyên có thể làm giảm huyết áp, giảm nhịp tim cũng như ngăn chặn quá trình tái phát của huyết áp cao bệnh lý và nguy cơ suy tim gây tử vong.
Giảm stress: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng khuyên bạn nên kiểm soát căng thẳng để giúp giảm huyết áp cao. Căng thẳng kích thích hệ thần kinh sản xuất hormone gây co mạch. Điều này có thể làm tăng huyết áp trong thời gian ngắn. Căng thẳng mãn tính cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ, thói quen ăn kiêng và động lực tập thể dục. Tất cả đều là những yếu tố chính làm tăng huyết áp. Căng thẳng cấp tính cũng liên quan đến hội chứng đột quỵ. Đây là tình trạng có khả năng đe dọa tính mạng giống như một cơn đau tim.
Thử tập luyện các cơ hô hấp: Một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng phương pháp rèn luyện sức mạnh cơ hô hấp cường độ cao (IMST) giúp giảm số đo huyết áp. IMST ban đầu được phát triển cho những bệnh nhân nguy kịch mắc các bệnh về đường hô hấp. Để thực hiện IMST, người dùng sẽ thở qua một thiết bị nhỏ cung cấp lực cản khi họ hít vào mạnh, do đó tăng cường cơ bắp đường hô hấp.
Thiền định: Các thực hành thân và tâm kích hoạt phản ứng thư giãn của cơ thể như thiền định. Hoạt động này đóng vai trò quan trọng trong việc giảm huyết áp bằng cách tác động tích cực đến bộ gen và con đường sinh học được xác định gần đây. Khi phản ứng thư giãn được kích hoạt, những thay đổi sinh hóa xảy ra như giảm tiêu thụ oxy, huyết áp, tim và nhịp hô hấp.
-
-
- Trải nghiệm bí ẩn thiền định qua lớp học online miễn phí tại đây.
-
Nhịn ăn gián đoạn: Đây là một hình thức ăn uống có giới hạn thời gian. Trong đó bạn thường nhịn ăn trong 16 đến 18 giờ với khoảng thời gian từ 6 đến 8 giờ để ăn. Phương pháp này có một số lợi ích cho hệ thống tim mạch, bao gồm giảm huyết áp. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Y Baylor cho thấy, nhịn ăn có thể giúp bình thường hóa huyết áp bằng cách tác động đến hệ vi sinh vật đường ruột.
Tắm hơi: Đôi khi một số chiến lược đơn giản nhất có thể có tác động to lớn. Đổ mồ hôi trong phòng tắm hơi giúp bài tiết độc tố, cải thiện lưu thông máu và cải thiện chức năng của ty thể. Trong một video bài giảng, bác sĩ Rhonda Patrick đánh giá cách tắm hơi có thể được sử dụng như một bài tập để tăng tuổi thọ của bạn.
Bà lưu ý rằng chỉ một buổi xông hơi khô đã được chứng minh là làm giảm huyết áp, cải thiện sự thay đổi nhịp tim và cải thiện sự tuân thủ của động mạch. Một số lợi ích tích cực của xông hơi khô đối với sức khỏe tim mạch có thể liên quan đến những thay đổi sinh lý tương tự như những thay đổi xảy ra khi tập thể dục.
Kiểm tra lượng magie của bạn: Thiếu magie có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe. Lý do là bởi magie tham gia vào hàng trăm phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Một đánh giá khoa học cho rằng lượng magiê thấp có thể là dự báo lớn nhất của bệnh tim. Một nghiên cứu khác thì cho rằng, sự thiếu hụt cận lâm sàng (không đủ đáng kể để được coi là thiếu hụt lâm sàng, theo quan điểm của bác sĩ) có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
Mức magiê thấp có liên quan đến nguy cơ huyết áp cao, đột quỵ và đột tử do tim. Cách tốt nhất để xác định tình trạng của bạn là làm xét nghiệm magie RBC. Xét nghiệm này đo lượng magie trong các tế bào hồng cầu của bạn.
Một số nguyên nhân gây thiếu hụt magie, bao gồm không nhận đủ từ chế độ ăn uống, đổ mồ hôi, căng thẳng và thiếu ngủ. Cần xem xét bổ sung thực phẩm giàu magie và viên uống magie nếu cần thiết (theo chỉ dẫn bác sĩ). Một cách khác để tăng hiệu quả là sử dụng bồn tắm muối Epsom vì magie được hấp thụ hiệu quả qua da của bạn.
Theo Epoch Times tiếng Anh
Thanh Trúc biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam