Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều thành phố 2500 năm tuổi bị mất tích nằm sâu trong rừng rậm Amazon. (Ảnh: Stephen Rostain và các đồng nghiệp)
Các nhà khoa học đã phát hiện một thành phố cổ đại khổng lồ ẩn giấu hàng nghìn năm dưới lớp thảm thực vật dày đặc trong rừng Amazon. Khám phá này thay đổi hoàn toàn những gì chúng ta biết về lịch sử của con người sinh sống ở đây, theo BBC.
Các nhà khoa học đã phát hiện những ngôi nhà và quảng trường ở khu vực Upano, phía đông Ecuador, được kết nối với nhau bằng một mạng lưới đường sá và kênh rạch vô cùng đồ sộ. Bời vì nằm dưới chân một ngọn núi lửa, nên khu vực này là một vùng đất màu mỡ. Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến sự sụp đổ của nền văn minh cổ xưa.
Cho dù đã biết về các thành phố trên cao nguyên Nam Mỹ, như Machu Picchu ở Peru, người ta vẫn tin rằng con người chỉ sống du mục hoặc trong những khu định cư nhỏ bé ở Amazon.
Giáo sư Stephen Rostain, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết: “Di tích này cổ xưa hơn bất kỳ địa điểm nào khác mà chúng ta biết ở Amazon. Chúng ta có một cái nhìn Eurocentric (châu Âu là trung tâm) về nền văn minh, nhưng phát hiện này cho thấy chúng ta phải thay đổi suy nghĩ về văn hóa và văn minh là gì”.
“Nó thay đổi cách chúng ta hiểu về các nền văn hóa Amazon. Phần lớn mọi người tưởng tượng về những nhóm nhỏ, có thể không mặc quần áo, sống trong những túp lêu tranh và canh tác trên đất đai – điều này cho thấy người cổ đại sống trong những xã hội đô thị phức tạp”, tác giả Antoine Dorison nói.
Thành phố được xây dựng khoảng 2.500 năm trước, và con người đã sinh sống ở đó trong khoảng 1.000 năm, theo các nhà khảo cổ học. Rất khó để ước tính số lượng chính xác số người đã cư trú tại đó qua các giai đoạn lịch sử, nhưng các học giả cho rằng con số ấy chắc chắn ít nhất là 10.000 và có thể lên tới 100.000.
Các nhà khảo cổ học kết hợp cả việc khai quật trực tiếp với việc khảo sát một khu vực rộng 300 km vuông bằng công nghệ quét laser được lắp trên máy bay, có tên gọi là LiDAR, để có thể xác định các di tích của thành phố bên dưới tán cây rậm rạp.
Công nghệ LiDAR cho phép phát hiện ra khoảng 6.000 bục đất hình chữ nhật, kích thước khoảng 20m x 10m và cao 2-3m. Chúng được sắp xếp thành các nhóm gồm ba đến sáu bục xung quanh một quảng trường trung tâm.
Các học giả cho rằng nhiều bục đất trong số đó là những ngôi nhà, nhưng một số có thể có mục đích nghi lễ. Một khu phức hợp ở Kilamope bao gồm một bục đất rộng 140 m x 40 m. Chúng được xây dựng bằng cách khoan vào đồi để tạo thành một nền đất cao hơn.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện một mạng lưới đường thẳng và đường mòn nối liền nhiều bục đất, bao gồm một con đường dài 25 km.
Tiến sĩ Dorison cho biết các tuyến đường này là một phần quan trọng nhất của nghiên cứu.
Ông nói: “Mạng lưới đường bộ rất phức tạp. Nó kéo dài trên một khoảng cách rộng lớn, giúp kết nối mọi thứ”. việc xây dựng một con đường thẳng khó hơn nhiều so với một con đường phù hợp theo địa hình tự nhiên.
Ông tin rằng một số công trình có “ý nghĩa tâm linh mạnh mẽ”, có thể liên quan đến các nghi lễ hoặc niềm tin tôn giáo.
Các nhà khoa học cũng xác định được các con kênh đào hai bên đường, giúp quản lý nguồn nước dồi dào trong khu vực. Một số con kênh chặn lối vào các khu định cư, giúp ngăn chặn các mối đe dọa từ những cộng đồng lân cận.
Các nhà nghiên cứu lần đầu phát hiện bằng chứng về đô thị này vào những năm 1970, nhưng đây mới là lần đầu tiên có một cuộc khảo sát toàn diện được thực hiện sau 25 năm. Kết quả tiết lộ một xã hội lớn, phức tạp, có thể lớn hơn cả những nền văn minh Maya nổi tiếng ở Mexico và Trung Mỹ.
“Hãy tưởng tượng nếu bạn phát hiện ra một nền văn minh khác như người Maya, nhưng lại có kiến trúc, cách sử dụng đất đai và kỹ thuật gốm sứ hoàn toàn khác biệt”, theo ông José Iriarte, giáo sư khảo cổ học tại Đại học Exeter (Anh), người không trực tiếp tham gia vào nghiên cứu này.
Chỉ vào những bục đất hình bát giác và hình chữ nhật được sắp xếp thành cụm, ông cho biết một số phát hiện là “độc nhất” ở Nam Mỹ.
Không có nhiều thông tin về cuộc sống và xã hội của họ. Trên các bục đất, các nhà khoa học phát hiện hố và lò nung, cùng các công cụ nghiền quả và hạt. Người dân ở Kilamope và Upano có lẽ sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Họ ăn ngô, khoai lang và có thể uống “chicha”, một loại bia ngọt.
Giáo sư Rostain cho biết ông đã bị cảnh báo không nên nghiên cứu khu vực này ban đầu do quan điểm là không có nền văn minh cổ nào ở Amazon. “Nhưng tôi vẫn cố gắng và giờ phải công nhận rằng mình may mắn khi phát hiện ra điều này”, ông nói.
Bước tiếp theo là khám phá khu vực lân cận chưa được nghiên cứu rộng 300 km vuông.
Theo BBC
NTD Việt Nam