Tác giả: Thiện Duyên
[ChanhKien.org]
Vào cuối thời Tây Hán, ở Hà Nam có một người tên là Thái Thuận, ông mồ côi cha từ khi còn nhỏ và cùng với mẫu thân sống nương tựa lẫn nhau. Vì để tránh binh họa chiến loạn do quân của Vương Mãng gây ra, Thái Thuận cùng mẫu thân chạy đến Châm Giản lánh nạn. Không ngờ, nơi đây cũng vì chiến tranh liên tiếp nhiều năm, đất đai cằn cỗi, người dân phải tản cư, cuộc sống của hai mẹ con lại càng thêm khó khăn. Để có thể tiếp tục sinh sống; Thái Thuận đã để mẫu thân ở nhà, còn bản thân thì hàng ngày đi ra ngoài xin ăn; khi kiếm được đồ ăn khá hơn một chút, ông liền mang về cho mẫu thân, còn bản thân chỉ ăn một ít rau rừng và cháo thừa để cho qua cơn đói.
Sau đó, quân Xích Mi (lông mày đỏ) do Phàn Sùng chỉ huy đánh đến Hứa Xương; lúc bấy giờ, dân chúng sợ quân lính cướp bóc nên tháo chạy bỏ trốn. Vốn dĩ bấy lâu Thái Thuận sống vào nhờ đi xin ăn, nay cuộc sống lại càng thêm khó khăn hơn; ông hàng ngày phải đi rất xa, cũng không xin đủ phần ăn cho một người. Mặt trời đã lặn xuống núi rồi, Thái Thuận vẫn chưa trở về nhà, vì nhớ con trai nên mẫu thân ông đã ngồi ở đầu làng để chờ đợi, vì vậy ngày nay trên ngọn đồi phía tây làng Châm Giản thôn Thái Viên vẫn còn di tích của “Đẳng Tử Tự” (Chùa đợi con).
Lại là một năm thời kì giáp hạt (tháng ba ngày tám, thời kỳ giáp hạt, trái cây hạt lúa còn xanh, chưa chín vàng, dễ đói kém) thiếu thốn khó khăn, Thái Thuận bụng đói sôi ùng ục đến tận chiều mà vẫn chưa kiếm được đồ ăn. Đột nhiên, ông phát hiện thấy một mảnh rừng dâu tằm. Nhìn thấy trên mặt đất có rất nhiều dâu tằm rụng, ông vội vàng nhặt lên như thể là gặp được kho báu. Ông bỏ những quả dâu đen, tím và xanh đỏ riêng thành từng phần vào giỏ rồi vui vẻ vội vã trở về nhà. Không ngờ trên đường về nhà ông gặp một nhóm quân lính Xích Mi, đám binh sĩ nhìn thấy dâu tằm trong giỏ của ông được đặt phân ra theo màu sắc khác nhau, cảm thấy kì lạ và hỏi ông tại sao. Thái Thuận nói: “Những quả màu đen và tím là những quả chín, có vị ngọt, để phần mang về nhà cho mẫu thân tôi ăn; còn những quả xanh đỏ có vị chua thì để tôi ăn. Mẫu thân tôi tuổi tác đã già và mắt kém rồi, nên phân chia chúng ra để mẫu thân tôi thuận tiện lấy”.
Người tốt sẽ luôn được đền đáp những điều tốt đẹp. Quân Xích Mi thương tình tấm lòng chân thành của Thái Thuận và không làm hại ông, thậm chí còn cho ông gạo, ngũ cốc, bò và dê mà họ đã cướp được. Nhưng Thái Thuận biết phân biệt đúng sai, không nhận bất cứ thứ gì có được một cách bất nghĩa. Khi những binh sĩ của quân Xích Mi đóng quân trên núi Hùng Nhĩ nhìn thấy Thái Thuận hiếu kính với mẫu thân ông như thế; họ không khỏi dấy lên nỗi nhớ với những người thân ở quê hương, đều muốn trút bỏ áo giáp và trở về đồng ruộng của mình, về bên cạnh phụ mẫu càng sớm càng tốt mà làm tròn đạo hiếu. Thế là bọn họ rửa sạch vết bôi đỏ trên lông mày bên dòng sông cạnh doanh trại và vui vẻ trở về nhà. Vì lý do này mà người dân địa phương gọi con sông này là sông “Tẩy Mi”.
Sau khi bọn đạo tặc được dẹp yên, dù cuộc sống đã an định nhưng mẫu thân của Thái Thuận lại không may qua đời. Nào ngờ, chưa kịp lo tang lễ xong thì nhà hàng xóm lại xảy ra hỏa hoạn. Nhìn thấy ngọn lửa lan đến gần, Thái Thuận sốt sắng ôm linh cữu của mẫu thân mình mà gào khóc lớn, không ngờ rằng rốt cuộc ngọn lửa đã vòng qua mà không lan qua nhà ông. Đây chính là minh chứng cho việc người con hiếu thảo đã làm cảm động đến cả trời đất!
Vì mẫu thân ông khi còn sống rất sợ sấm sét nên mỗi lần trời mưa sấm sét, Thái Thuận đều chạy đến nghĩa trang, ôm bia mộ khóc và nói: “Hài nhi đang ở đây, mẫu thân đừng sợ”.
Có thể thấy rằng Thái Thuận không chỉ hiếu thuận với mẫu thân khi bà còn sống, mà còn phụng sự phụ mẫu sau khi qua đời như thể họ vẫn còn sống vậy, ông thực sự đã làm được “Sự tử giả, như sự sinh” (“Đối xử với người khuất như thể họ còn sống”).
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/270063
Ngày đăng: 08-12-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.
ChanhKien.org