Người Trung Quốc có câu: Trong mắt ngàn người có ngàn “Hồng Lâu Mộng”, nhưng trong mắt ngàn người chỉ có một Lâm Đại Ngọc, đó là Trần Hiểu Húc. Sau Trần Hiểu Húc sẽ không còn Lâm Đại Ngọc nữa rồi.
Lại có người nói, Trần Hiểu Húc không hề diễn vai Đại Ngọc, bởi cô ấy chính là Lâm muội muội. Vậy thì, Trần Hiểu Húc có thực sự là Lâm Đại Ngọc hay không?
Năm 2022, người dân Trung Quốc tổ chức lễ tưởng niệm 15 năm ngày mất Trần Hiểu Húc – nữ diễn viên vào vai Lâm Đại Ngọc trong “Hồng Lâu Mộng” phiên bản 1987. Với ngôn từ tha thiết và tình cảm chân thành, những lời bình luận của khán giả yêu mến Lâm Đại Ngọc khiến người ta rưng rưng nước mắt:
“Lâm Đại Ngọc trong vở kịch, Trần Hiểu Húc ngoài vở kịch, cách biệt 15 năm, thời thời nhớ đến nhau”.
“Trên trời có thêm Trần Hiều Húc, nhân gian không còn Lâm Đại Ngọc. Hàng năm vào ngày này, năm tháng đã không còn như xưa. Cô tựa như sinh ra là vì Lâm Đại Ngọc, duyên dáng bước ra từ trang sách. Cô từ trời cao giáng xuống hồng trần, rong chơi một chuyến ở nhân gian rồi phất tay áo mà đi. Cô rời thế gian đã 15 năm rồi”.
Với sự hóa thân của Trần Hiểu Húc, Lâm Đại Ngọc đã trở thành nhân vật “nhà nhà đều biết, người người đều hay”.
Năm 2006, khi đã là một doanh nhân nổi bật trên bảng xếp hạng “Nhân vật kinh tế người Hoa của năm”, Trần Hiểu Húc đã có bài phát biểu ấn tượng tại Đại học Bắc Kinh. Cô nói: “Nếu để tôi viết tiếp bốn mươi hồi cuối “Hồng Lâu Mộng”, thì Lâm Đại Ngọc tuyệt đối sẽ không mang theo oán hận và nuối tiếc mà rời nhân gian. Lâm Đại Ngọc đến cuộc đời này là để báo đáp ân tình, tâm nguyện của cô ấy đã thực hiện xong rồi”.
Một sinh viên Đại học Bắc Kinh hỏi: “Chị lý giải thế nào về Lâm Đại Ngọc và Hồng Lâu Mộng?”
Trần Hiểu Húc mỉm cười: “Kỳ thực, Hồng Lâu Mộng là một bộ kinh Phật viết ra những đau khổ, trống rỗng, và vô thường của nhân sinh”.
Chỉ một câu ngắn ngủi nhưng đã cho thấy Trần Hiểu Húc có lý giải rất sâu sắc về bộ kiệt tác này. Có thể nói, cho đến nay rất ít độc giả có được cảm ngộ sâu sắc về các nhân vật Hồng Lâu đến như vậy.
“Hồng Lâu Mộng” kể rằng, Lâm Đại Ngọc vốn là cây tiên Giáng Châu trên Thiên giới, sinh ra bên bờ sông Linh Hà. Nhờ được Thần Anh thị giả dùng nước Cam Lộ tưới bón cây mới được tươi tốt sống lâu. Dần dần, Giáng Châu Tiên tử thoát được hình cây, hóa thành hình người, tu luyện thành người con gái rong chơi ngoài cõi Trời Ly Hận. Chỉ vì chưa trả được ơn bón tưới cho nên trong lòng Giáng Châu vẫn mắc mứu, khi nào cũng cảm thấy như còn vương vấn một mối tình chi đây. Khi biết Thần Anh muốn xuống trần, Giáng Châu Tiên tử đã theo Thần Anh thị giả hạ thế, lấy nước mắt để báo đáp ân tình. Nàng nói: “Chàng ra ơn mưa móc mà ta không có nước để trả lại. Chàng đã xuống trần làm người, ta cũng phải đi theo. Ta lấy hết nước mắt đời ta để trả lại chàng, như thế mới trang trải xong!”
Sau này, Giáng Châu chuyển sinh thành Lâm Đại Ngọc, khóc hết nước mắt cả một đời, hoàn thành xong kiếp hồng trần rồi mới quay về Thái Hư Ảo Cảnh.
Hơn một năm sau bài phát biểu, Trần Hiểu Húc cạo đầu xuất gia, lấy Pháp danh là Diệu Chân. Ba tháng sau, Trần Hiểu Húc qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 13/5/2007 tại Thâm Quyến, hưởng thọ 42 tuổi.
Vậy thì, Trần Hiểu Húc có thực sự là hóa thân của Lâm Đại Ngọc, đến nhân gian để diễn giải cho thế nhân về “Hồng Lâu Mộng”, hoàn thành xong sứ mệnh liền quay trở lại Thiên giới hay không?
Đổi tên cải mệnh
Hơn 60 năm trước, tại thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Linh (Trung Quốc) có một đoàn kinh kịch, cô giáo dạy múa trong đoàn kịch tên là Vương Nguyên Tịch. Một buổi tối năm 1965, Vương Nguyên Tịch lúc ấy đang mang thai, đã có một giấc mơ kỳ lạ. Cô mộng thấy một lão nhân đứng trước mặt và nói với cô rằng: “Đứa trẻ trong bụng cô tên là Trần Dã Phân”.
Nói rồi, ông lão liền cầm cành cây viết lên mặt đất ba chữ, điều đặc biệt là trên đầu chữ “Dã” lại có thêm chữ “Thảo” (艸). Sau khi tỉnh mộng, Vương Nguyên Tịch liền đi tra từ điển, xem xem chữ “Dã” (也) có thêm chữ “Thảo” (艸) là có ý nghĩa gì. Nhưng dẫu có lật khắp từ điển cô cũng không tìm được chữ này.
Vương Nguyên Tịch không khỏi cảm thấy bàng hoàng, cô vội kể lại mọi chuyện cho chồng nghe. Chồng cô, Trần Cường, từng tốt nghiệp trường Hý khúc Trung Quốc, lúc ấy đang là đạo diễn của đoàn kịch An Sơn. Mặc dù không phải kiểu người mê tín nhưng anh cũng mơ hồ tin vào chuyện số phận.
Những ngày tiếp đó, hai vợ chồng Trần Cường đã hỏi thăm khắp nơi. Có một bậc thầy toán mệnh nói với họ: Chữ “Dã” này là tên gọi một loại tiểu thảo ở phương nam, loại cỏ này không trải qua mưa gió, số mệnh tuy nhẹ nhàng nhưng lại thấp hèn… Mặc dù vậy, thầy tướng số vẫn không nói rõ ràng được rốt cuộc đó là điềm báo gì.
Một ngày nọ, Trần Cường may mắn gặp được vị tiên sinh từng nghiên cứu Kinh Dịch. Vị tiên sinh xem xong ba chữ thì khuôn mặt lộ vẻ suy tư, ông liên tục lắc đầu: “Ba chữ này mà đặt tên cho con gái e rằng không tốt, sợ là sau này cô bé sẽ mang vận mệnh của Lâm Đại Ngọc, là một đời bi thương”.
Trần Cường nghe nói vậy thì giật mình kinh sợ, anh quyết định sẽ không đặt tên cho con là Dã Phân.
Ngày 29/10/1965, Vương Nguyên Tịch lâm bồn vào lúc trời tờ mờ sáng, quả nhiên đó là một bé gái. Hai vợ chồng cùng ngắm mặt trời nhô lên ngoài cửa sổ, họ liền đặt tên cho đứa con trong lòng là Trần Hiểu Húc, cái tên mang ý nghĩa “mặt trời mọc sớm mai”. Trong lòng họ tràn đầy hy vọng con gái lớn lên sẽ hoạt bát, sôi động và tràn đầy sức sống như vầng dương mới mọc.
Những mong thay tên thì vận mệnh cũng cải biến, nào ngờ tạo hóa đã an bài, số mệnh đã định khó có thể đảo ngược. Cho dù cha mẹ có nghĩ hết mọi biện pháp để cải danh cải mệnh cho Trần Hiểu Húc, nhưng cuộc đời cô vẫn không thoát khỏi bóng hình Lâm Đại Ngọc. Nhiều năm về sau, Trần Cường cảm thán nói rằng: “Cho dù có đổi sang tên Hiểu Húc thì vẫn không thay đổi được số mệnh của con gái”.
Vậy thì, vận mệnh của Trần Hiểu Húc rốt cuộc là thế nào? Có thực là định mệnh đã an bài để cô hoa phai hương nhạt giống như Lâm Đại Ngọc hay không?
Để trả lời cho câu hỏi này, một bậc cao nhân có công năng túc mệnh thông đã tiết lộ về bốn kiếp luân hồi của Trần Hiểu Húc như sau:
Kiếp thứ nhất: Ân oán duyên khởi
“Kinh Nhân quả ba đời” viết: “Muốn biết nhân kiếp trước, xem những gì đang chịu ở đời này; muốn biết quả kiếp sau, xem những việc làm ở đời này”. Vị cao nhân thông qua công năng túc mệnh thông thấy rằng nhân quả luân hồi của Trần Hiểu Húc bắt nguồn từ một đoạn ân oán trong bốn đời trước.
Vào một thời rất xa xưa không rõ là năm nào tháng nào, Trần Hiểu Húc trong kiếp sống ấy là vị nam nhân đầu đội mũ ô sa, thân mặc quan phục màu đỏ thẫm. Ông là bậc quan tri phủ cương trực, ngay thẳng, lại rất mực yêu thương dân chúng. Chúng ta hãy tạm gọi ông là Trần tri phủ.
Một năm nọ, trong địa hạt quản lý của Trần tri phủ xảy ra trận hạn hán lớn, ngay cả một hạt thóc cũng không thu hoạch được. Trần tri phủ chứng kiến cảnh dân chúng lưu vong, tha hương cầu thực thì trong lòng vô cùng đau xót, ông bèn dốc hết cả gia tài để cứu trợ người gặp nạn. Nhờ sự cứu trợ của ông mà hơn ngàn người đã được cứu sống.
Trần tri phủ vì thế mà được hoàng thượng sủng ái, thăng ông lên làm tổng đốc quản lý cả một vùng rộng lớn. Nhưng nào ngờ, vì quá thanh liêm cương trực mà Trần tri phủ đã vô tình đắc tội với một vị ngoại thích trong triều. Vị ngoại thích này chính là quốc cữu, em trai của hoàng hậu đương triều. Quốc cữu dùng mọi cách bới lông tìm vết hòng có cớ bãi miễn chức quan tổng đốc của Trần tri phủ, hơn nữa còn ra lệnh lục soát và tịch thu gia sản, đuổi ông về quê cũ.
Từ đó, hai người đã kết ác duyên, mở đầu cho mối oán thù kéo dài đến mấy đời sau.
Vị cao nhân nói rằng, có lẽ mối oán thù của hai người đã manh nha từ mấy kiếp trước đó rồi, nhưng ở đây chỉ bàn đến nhân duyên đời này của Trần Hiểu Húc, nên chúng ta hãy chỉ kể từ kiếp sống này.
Trần tri phủ nhờ có phẩm hạnh cao thượng, hơn nữa lại hành thiện và tích được đại đức, nên sau khi chết được thăng lên Thiên giới, trở thành một vị tiểu Thần ở tầng Trời thứ nhất gần Tam giới. Tại đây ông đã hưởng tận phúc Trời, đợi chờ cho đến khi luân hồi sang kiếp sống kế tiếp.
Còn vị quốc cữu mặc dù thọ mệnh dài hơn mấy chục năm, nhưng vì ỷ thế lộng hành nên sau khi chết bị trừng phạt chịu khổ trong địa ngục.
Kiếp thứ hai: Cừu nhân tương kiến
Chớp mắt đã mấy trăm năm trôi qua, Trần tri phủ hưởng xong Thiên phúc liền từ Thiên giới hạ phàm chuyển sinh. Lần này, ông sinh hạ trong một gia đình phú hào, trở thành con trai trưởng và là người duy nhất thừa kế gia sản. Chúng ta hãy tạm gọi ông là Trường Phú.
Khi Trường Phú đến tuổi trưởng thành, ông là một thương nhân giàu có với khối tài sản kếch sù, bên cạnh có vợ đẹp con xinh và rất nhiều thê thiếp.
Còn vị quốc cữu chịu trừng phạt xong dưới âm gian nay cũng được chuyển sinh, trở thành quản gia trong dinh thự của Trường Phú.
Một lần, quản gia lấy trộm đồ cổ trong nhà và bị phát hiện, Trường Phú bèn lôi hắn ra đánh đòn. Trong thâm tâm ông hiểu rõ rằng, người này tuy có tội nhưng hoàn toàn không đáng chết. Thế nhưng có điều gì đó cứ thôi thúc ông phải đánh cho hả giận, và vì quá tức giận ông đã lỡ tay đánh chết người kia. Nhân mạng là trọng, đã giết người thì Thiên lý không dung.
Trường Phú vô cùng hoảng sợ, ông liền vội vàng tìm người cầu cứu. Một vị thiền sư khai thị rằng, muốn giảm trừ tội nghiệp của bản thân thì phải dốc lòng làm việc thiện. Từ đó, ông chuyên cần hành thiện, tạo phúc cho dân chúng trong vùng, hơn nữa còn xây dựng và tu bổ chùa chiền, cúng dường Phật tượng và tăng lữ.
Trường Phú sống đến hơn 50 tuổi thì qua đời, linh hồn được đưa xuống âm gian gặp lại người quản gia năm xưa. Phán quan lật mở Sổ Sinh tử, xem lại những ghi chép về kiếp trước kiếp này của hai người, ông hiểu rằng ân oán tiền thế đã bồi hoàn xong. Thế nhưng giữa hai người lại kết thành mối thù mới, đến đời sau vẫn phải gặp lại. Và như thế, hai người lại chuyển sinh.
Kiếp thứ ba: Lại kết oán thù
Bởi vì Trường Phú đã làm nhiều việc đại thiện trong tiền kiếp nên đến kiếp này vẫn được sinh ra trong gia đình giàu có. Đời này ông mang thân nữ nhi, được gả cho một vị tú tài trong vùng. Chúng ta hãy tạm gọi cô ấy là Liễu Nhi.
Năm ấy, tú tài vào kinh tham gia ứng thí, Liễu Nhi chỉ còn lại một mình bèn khăn gói trở về thăm cha mẹ đẻ. Không may trên đường cô gặp phải cướp và bị tên cường đạo cưỡng hiếp. Liễu Nhi là cô gái trong sạch, sao có thể chịu đựng được nỗi nhục nhã này? Cô còn mặt mũi nào đối diện với tướng công đây?
Càng nghĩ càng quẫn trí, Liễu Nhi liền tự vẫn để bảo toàn danh tiết. Nhưng oan hồn của cô vẫn không thể siêu thoát, cô lang thang khắp nơi tìm kiếm kẻ đã hãm hại mình, mãi cho đến mười mấy năm sau oan hồn của cô mới lại quay lại địa phủ chờ đầu thai.
Tên cường đạo làm nhục Liễu Nhi chính là vị quản gia trong tiền kiếp. Mấy năm sau khi sự việc xảy ra, tên cường đạo bị quan phủ bắt được và phán tội tử hình. Sau khi hành hình, linh hồn của hắn bị đánh hạ xuống địa ngục, phải chịu đựng đủ mọi khổ hình để trả nợ cho tội ác của mình.
Kiếp thứ tư: Oan tình theo thân
Đến đời sau, Liễu Nhi lại mang thân nữ, trở thành chính thất của một phú hào, chúng ta hãy tạm gọi cô là A Tú.
Vì những trải nghiệm đau buồn trong tiền kiếp, nên đến kiếp này trong tâm A Tú sinh ra đầy oán khí và uất hận, từ nhỏ tính cách đã ác nghiệt, tâm hận thù rất mãnh liệt. Cũng vì những oán khí này mà mặc dù đã thành hôn nhiều năm, A Tú mãi không thể sinh con.
Chồng cô vì mong có con nối dõi nên đã nạp thêm thiếp, người vợ lẽ là một cô gái bần hàn, kém chồng gần hai mươi tuổi.
A Tú vừa mới gặp người tiểu thiếp này đã có ác cảm, coi cô ấy như cái gai trong mắt, như cái dằm trong da. Vì thế mà những lúc chồng vắng nhà, A Tú liền tìm mọi cách hành hạ cô ấy.
Không lâu sau người tiểu thiếp mang thai, A Tú lo sợ rằng tương lai tiểu thiếp sẽ thay thế vị trí chính thất của mình nên đã tìm cớ đánh đập cô ấy. Một cô gái trẻ đang mang thai, sao có thể chịu đựng được trận đòn khủng khiếp này? Trận đòn khiến cô bị sẩy thai và sau đó ốm nặng rồi qua đời.
Mất con lại mất cả vợ, vị phú hào vô cùng tức giận nên đã đuổi A Tú ra khỏi nhà.
A Tú biết mình quá phận, nhưng không rõ vì sao lại có chút cảm giác an ủi trong lòng. Đến những năm cuối đời, A Tú tìm đến một am ni cô ở gần nhà và xin trụ trì thu nhận cô làm đệ tử. Từ đó, A Tú ngày ngày tụng đọc kinh thư, sám hối tội nghiệp đã gây ra trong đời.
Người tiểu thiếp chính là tên cường đạo từng làm ô uế Liễu Nhi trong tiền kiếp. Âm hồn của cô gái ấy và thai nhi vẫn không quên được mối thâm cừu đại hận, cả hai vẫn luôn bám theo A Tú qua các kiếp luân hồi để đòi lại nợ nghiệp.
Thiên địa mênh mang, gặp người tri kỷ
Sau khi qua đời, A Tú lại lần nữa chuyển sinh. Kiếp này cô là một bé gái xinh xắn trong gia đình của Vương Nguyên Tịch và Trần Cường. Bé gái ấy chính là Trần Hiểu Húc.
Trần Hiểu Húc vừa sinh ra đã giống như Lâm Đại Ngọc, trong lòng luôn cảm khái về số mệnh. Cô từ nhỏ đã lãnh đạm thờ vơ với danh lợi, tính cách rất nhút nhát, thường hay trốn vào một góc, ngại giao tiếp với mọi người.
Gia đình hy vọng Trần Hiểu Húc có thể kế nghiệp cha, nhưng cô không yêu thích kinh kịch mà chỉ say mê múa bale, cô bắt đầu học múa bale khi lên 10 tuổi. Trần Hiểu Húc kể lại: “Trong rất nhiều buổi sáng tĩnh lặng, suốt trên đường đến trường tôi cứ nhảy múa. Lúc ấy tôi mơ mộng sẽ nhảy vào trường múa danh tiếng nhất của tỉnh”.
Năm 1978 khi mới 13 tuổi, Trần Hiểu Húc theo sự sắp xếp của gia đình gia nhập đoàn xiếc tỉnh An Sơn, nhưng không lâu sau đoàn xiếc đã giải tán.
Vào năm 14 tuổi, Trần Hiểu Húc tham gia đoàn kịch nói An Sơn, bắt đầu sự nghiệp diễn xuất. Bốn năm làm trong đoàn kịch nói, cô chưa một lần có được hào quang diễn nhân vật chính. Sau này, Trần Hiểu Húc vào vai đại muội trong bộ phim truyền hình “Gia phong”, nhưng đó cũng chỉ là vài cảnh quay rải rác, sớm bị lãng quên theo năm tháng.
Trong những ngày lặng lẽ ấy, Trần Hiểu Húc hòa mình vào trong sách, đối với cô hết thảy xung quanh đều là khách qua đường, chỉ có sách mới là mái ấm, là thầy tốt bạn hiền cùng cô bầu bạn. “Thầy tốt” của cô chính là Tào Tuyết Cần, còn “bạn hiền” của cô chính là Lâm Đại Ngọc.
Trần Hiểu Húc từng tâm sự: “Tôi thích Lâm Đại Ngọc có lẽ vì tôi và cô ấy có tính cách tương đồng. Tôi thích sự trong sáng, không màng thế tục của cô ấy”.
Trần Hiểu Húc bắt đầu đọc “Hồng Lâu Mộng” khi vẫn còn là học sinh, càng đọc về Lâm muội muội đa sầu đa cảm cô lại càng cảm thấy sự hòa hợp không gì sánh được cả về tính cách lẫn tâm hồn. Và giống như Lâm Đại Ngọc, cô cũng thông minh, thanh khiết, cũng có tài hoa của người thiếu nữ. Năm 14 tuổi, Trần Hiểu Húc từng có bài thơ được đăng trên báo: “Tôi là một bông liễu”.
Tôi là một bông liễu
Lớn lên trong mùa xuân xinh đẹp
Vì cha mẹ sớm qua đời, bỏ lại tôi
Nên kết thành tri kỷ với gió xuân.
Tôi là một bông liễu
Sinh ra chẳng biết âu sầu
Cha tôi là bầu trời rộng lớn
Mẹ tôi là đại địa vô ngần.
Tôi là một bông liễu
Đừng hỏi tôi chốn nao là nhà
Nguyện theo gió xuân đến chân trời góc bể
Báo tin xuân đến nhân gian mọi miền.
Cũng cùng năm ấy, Trần Hiểu Húc gặp gỡ định mệnh của mình. Trong đoàn kịch, cô chỉ là người giới thiệu chương trình, những khi không có việc gì làm cô lại lui vào một góc nhỏ đọc sách. Tiểu cô nương có tính cách lặng lẽ ấy đã thu hút sự chú ý của một chàng trai trẻ trong đoàn kịch. Anh chính là Tất Ngạn Quân, lớn hơn Hiểu Húc 10 tuổi. Tất Ngạn Quân vẫn thường lấy danh nghĩa “anh lớn” để chăm lo cho cô em gái nhỏ vốn không mấy hòa hợp với mọi người này.
Lúc ấy, bạn bè đồng trang lứa đều tìm thấy bạn đời, chỉ riêng Tất Ngạn Quân là không đả động gì đến chuyện yêu đương. Có vị lãnh đạo quan tâm hỏi: “Cậu cũng đã lớn rồi không còn trẻ nữa, vì sao vẫn không chịu tìm bạn gái đi?”
Tất Ngạn Quân liền đáp: “Cô nương trong tim tôi vẫn còn chưa chịu lớn”.
Các đồng nghiệp trong đoàn kịch đều biết vị cô nương chưa chịu lớn ấy chính là Trần Hiểu Húc. Khi lời thú nhận của Tất Ngạn Quân truyền đến tai Hiểu Húc, cô vô cùng cảm kích trong tâm.
Năm 1983 vào một buổi chiều đầu hè, ngoài song cửa ánh hoàng hôn lập lòe như tia lửa, cô bé 18 tuổi Trần Hiểu Húc tận dụng chút ánh sáng le lói ngồi đọc sách. Lúc ấy, Tất Ngạn Quân bước đến, nhẹ nhàng đặt cuốn tạp chí truyền hình xuống trước mặt Hiểu Húc. “Anh ấy bước ra khỏi ánh hoàng hôn, ngược ánh sáng, đặt cuốn tạp chí truyền hình trước mặt tôi và nói: Hãy viết một lá thư”. Trần Hiểu Húc tò mò mở cuốn tạp chí và đọc được thông báo: đoàn làm phim “Hồng Lâu Mộng” đang chiêu mộ diễn viên trên toàn quốc.
Tất Ngạn Quân khích lệ Hiểu Húc viết thư tiến cử, nhưng cô tự ti nói: “Cả nước đông người như thế, sẽ không có ai chú ý đến một tiểu nha đầu vô danh như em đâu”.
Tất Ngạn Quân vẫn không ngừng khích lệ, cuối cùng Hiểu Húc cũng viết một bức thư giới thiệu bản thân, kèm theo đó là tấm ảnh và bài thơ viết năm 14 tuổi. Chính nhờ bài thơ ấy mà đạo diễn Vương Phù Lâm đã chú ý đến cô giữa biển người mênh mông.
Vào tháng 4/1984, hơn một trăm nam thanh nữ tú tập trung trong vườn Viên Minh ở Bắc Kinh, bắt đầu khóa huấn luyện kéo dài ba tháng. Trong thời gian huấn luyện, Trần Hiểu Húc có linh cảm vai Lâm Đại Ngọc là để dành cho mình. Cô nói với đạo diễn: “Tôi chính là Lâm Đại Ngọc, nếu tôi diễn vai khác, khán giả sẽ thắc mắc vì sao Lâm Đại Ngọc lại đi diễn người khác”.
Khi chuyên gia hóa trang tạo hình Lâm Đại Ngọc cho Trần Hiểu Húc, cô mặc lên mình bộ váy màu xanh nhạt bước ra từ phòng hóa trang. Tất cả mọi người vừa nhìn thấy đều sững sờ kinh ngạc: “Giống quá, thật sự là rất giống cô ấy!”
Ngày 10/9/1984, trên hồ Thái Bình dưới chân núi Hoàng Sơn, Trần Hiểu Húc khi ấy mới 19 tuổi chính thức bắt đầu những cảnh quay đầu tiên. Cô bước lên con thuyền gỗ, ngồi tựa vào cửa sổ, đôi mắt đẫm lệ nhìn về xa xăm. Con thuyền trôi xa dần, bóng kiều in xuống nước, cô gái nhỏ giống như cành liễu mong manh trong gió. Và Trần Hiểu Húc đã vào vai Lâm Đại Ngọc như thế.
Kể từ đó, Hồng Lâu một giấc mộng, thiếu nữ một đời say sưa. Dẫu là ngẩng đầu, khép tay, ngoảnh nhìn, hay mỉm cười, thì từng biểu cảm, từng cử động của Trần Hiểu Húc đều sống động như Lâm Đại Ngọc bước ra từ trang sách.
Trần Hiểu Húc nhập vai quá sâu, đến mức khi “Hồng Lâu Mộng” đóng máy cô đã biến bản thân thành Lâm Đại Ngọc.
Lúc ấy “Hồng Lâu Mộng” là bộ phim truyền hình có sự đầu tư nhân lực và vật lực nhiều nhất, đoàn làm phim mất thời gian ba năm mới hoàn thành. Các cảnh quay trong phim được thực hiện tại 219 địa điểm thuộc 41 địa khu trên 10 tỉnh thành, tiêu tốn 6,8 triệu Nhân dân tệ, mỗi cảnh quay đều cố hết sức trung thực với nguyên tác “Hồng Lâu Mộng” của Tào Tuyết Cần.
Dưới sự hướng dẫn của các nhà Hồng học (nhà nghiên cứu Hồng Lâu Mộng), các nhà Thanh sử học và các chuyên gia về kiến trúc cổ đại, đoàn làm phim dày công xây dựng riêng khu vườn Đại Quan Viên ở Bắc Kinh. Những nỗ lực ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Trong vòng hơn 20 năm sau ngày ra mắt, “Hồng Lâu Mộng” đã được trình chiếu lại hơn 700 lần, vai diễn Lâm Đại Ngọc cũng không ngừng nhận được lời khen ngợi. Chuyên gia hóa trang của đoàn làm phim từng nhận xét: “Xưa nay, không một ai diễn Lâm Đại ngọc có thể vượt qua Trần Hiểu Húc”.
Ba năm ở Đại Quan Viên cũng là những ngày mà Trần Hiểu Húc có cảm giác thân thuộc nhất, và ba năm bước ra từ Hồng Lâu cũng là quãng đời mà cô mê mang nhất.
Sau thành công của “Hồng Lâu Mộng”, Trần Hiểu Húc kết hôn với Tất Ngạn Quân, nhưng cuộc sống hôn nhân lại không ngọt ngào như trong tưởng tượng. Ngày lại ngày trôi qua, những lo lắng vụn vặt thường ngày và mâu thuẫn trong tính cách đôi bên đã khiến hai người lựa chọn chia tay. Trần Hiểu Húc giống như bông liễu nhỏ trên đại lộ Bắc Kinh, bơ vơ không tìm ra lối thoát. Tình cảnh của cô lúc ấy cũng giống như Lâm Đại Ngọc, cô đơn không nơi nương tựa, buộc phải gửi thân tạm nhà người.
Năm 1991, Hác Đồng, nam sinh viên Học viện Điện ảnh Bắc Kinh tìm đến Trần Hiểu Húc, mời cô đảm nhận vai nữ chính cho bộ phim “Hắc bồ đào” (quả nho đen), tác phẩm tốt nghiệp của anh. Trần Hiểu Húc dù chưa xem kịch bản nhưng đã dứt khoát từ chối. Mặc dù vậy, Hác Đồng vẫn kiên trì dẫn các bạn học “ba lần đến nhà tranh”, cuối cùng tấm lòng chân thành của anh đã làm cảm động Hiểu Húc.
Sau khi hoàn thành các cảnh quay, Hác Đồng cầm khoản tiền mà cả nhóm gom góp được làm thù lao trả cho Trần Hiểu Húc. Trần Hiểu Húc chỉ nhận một số tiền tượng trưng rất nhỏ, thì ra cô đã biết họ đều là sinh viên nghèo, chỉ đủ tiền mua cho mình những hộp cơm rẻ tiền nhất. Vậy nên cô nhất quyết từ chối, cho dù thế nào cũng không nhận thêm dẫu chỉ một đồng. Cách hành xử của nữ diễn viên khiến Hác Đồng cảm kích mãi không thôi.
Từ đáy lòng, anh biết mình đã rung động trước cô gái mang vẻ mặt lạnh lùng nhưng lại có trái tim ấm áp này. Anh thường mượn cớ gặp mặt Hiểu Húc và nồng nhiệt theo đuổi cô.
Mặc dù lúc đầu Trần Hiểu Húc vẫn khép chặt trái tim mình, nhưng trong quá trình tiếp xúc cô nhận ra Hác Đồng có rất nhiều phẩm chất đáng trân trọng. Cô dần dần mở lòng, chấp nhận nắm tay anh và bắt đầu một cuộc hôn nhân mới. Và tình yêu ấy đã theo cô cho đến cuối cuộc đời.
Ở bên Hác Đồng, Trần Hiểu Húc lại bước lên đỉnh cao mới của cuộc đời. Ban đầu hai vợ chồng cùng ký hợp đồng với công ty quảng cáo Trường Thành. Đến năm 1996, họ thành lập công ty quảng cáo Thế Bang, từ đây Trần Hiểu Húc có cơ hội thể hiện tài hoa rực rỡ của mình. Công ty Thế Bang đã mở ra một chân trời mới trong giới quảng cáo, ví dụ như câu khẩu hiệu “Danh môn chi tú Ngũ Lương Xuân” tạo ấn tượng về dòng sản phẩm ưu việt dành cho giới quý tộc. Câu khẩu hiệu quảng cáo được người người tán thưởng ấy xuất phát từ ý tưởng của Trần Hiểu Húc.
Năm 2004, trong danh sách “Các nhân vật quảng cáo Trung Quốc”, Trần Hiểu Húc được bình chọn là một trong “30 nữ quảng cáo kiệt xuất của Trung Quốc”.
Năm 2005, cô được tuần báo “Giám đốc Thế giới” trao danh hiệu “Nhân vật kinh tế người Hoa của năm”.
Năm 2006, doanh số của công ty quảng cáo Thế Bang đạt tới gần 200 triệu, nhận được vô lời khen ngợi.
Nhân duyên với cửa Phật
Khi đang đứng trên đỉnh cao sự nghiệp, Trần Hiểu Húc bất ngờ xuất gia tại chùa Bách Quốc Hưng Long ở Trường Xuân vào ngày 23/2/2007, Pháp danh Thích Diệu Chân. Cô chia toàn bộ tài sản cá nhân thành ba phần, một phần dành tặng thân nhân, một phần quyên tặng tự viện, còn một phần dùng vào các hoạt động từ thiện.
Quyết định xuất gia của nữ diễn viên khiến dư luận xôn xao, ai cũng không hiểu được vì sao vị chủ tịch có trong tay hàng trăm triệu này lại dứt khỏi trần duyên, lựa chọn cuộc sống dầu đèn nơi chùa cổ.
Có kênh truyền thông tiết lộ rằng, Trần Hiểu Húc mắc trọng bệnh nên mới lánh vào cửa Không. Nhưng cô đã lên tiếng phủ nhận, cô nói: “Xuất gia không phải là tiêu cực lánh đời, mà là lựa chọn nhân sinh tích cực hơn”.
Kỳ thực, ngay từ năm 1999 Trần Hiểu Húc đã bén duyên với cửa Phật. Lúc ấy mặc dù sự nghiệp không ngừng thăng hoa nhưng cô vẫn cảm thấy mờ mịt về con đường nhân sinh. Một lần, cô tình cờ nghe được băng giảng kinh của một vị Pháp sư, sau đó cô đã tìm đến vị Pháp sư này và mời ngài giảng Phật Pháp cho mình. Từ đó, cô trở thành một Phật tử vô cùng thành kính.
Sau năm 2000, Trần Hiểu Húc dành nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày để học Phật Pháp. Đọc kinh, nghe kinh, và chép kinh đã trở thành việc quan trọng nhất trong cuộc sống thường nhật của cô. Cô dần dần hiểu được sinh mệnh, hiểu được nhân quả nghiệp báo, vậy nên sau khi mắc bệnh Trần Hiểu Húc đã cự tuyệt bất kỳ thủ thuật trị liệu nào.
Ngày 13/5/2007 vào lúc 6 giờ 57 phút, Trần Hiểu Húc đã bình thản ra đi, hưởng thọ 42 tuổi.
Trần Hiểu Húc sinh ra khi hừng đông vừa ló rạng, lại rời đi trước lúc hoa rụng xuân tàn. Cô đã có được đóa hoa rực rỡ nhất, cũng chịu đựng sự hành hạ đau đớn nhất, cuối cùng ung dung buông bỏ tất cả, để cho người ở lại nỗi hoài niệm khôn nguôi.
Từ đó, trên Thiên đường có thêm Trần Hiểu Húc, nhưng trên đời đã không còn Lâm Đại Ngọc nữa rồi. Cuộc đời của cô cũng giống như Lâm Đại Ngọc: có phú quý, hào hoa, nhưng cũng có bi thương và kịch tính, khiến người đời than thở mãi không thôi.
Vậy rốt cuộc Lâm Đại Ngọc đã thành tựu Trần Hiểu Húc, hay là Trần Hiểu Húc đã tái hiện Lâm Đại Ngọc? Là vì cô nhập vai quá sâu, hay vì đã nhìn thấu hồng trần?
Kỳ thực, Lâm Đại Ngọc không thành tựu cũng không hủy hoại cô, mà là từ Phật lý khai mở cho Trần Hiểu Húc, để cô minh bạch đạo lý nhân sinh: “Thân kia trong sạch muôn vàn, Đừng cho rơi xuống ngập tràn bùn nhơ”.
Vị cao nhân cũng tiết lộ cho chúng ta rằng, hòa thượng quy y cho Trần Hiểu Húc là Thường Huệ pháp sư, đó cũng chính là vị trụ trì trong am ni cô của A Tú từ tiền kiếp. Trần Hiểu Húc từ nhỏ đã yếu ớt, thường hay ưu sầu yếm thế, cô rời khỏi thế gian khi tuổi đời còn trẻ, ấy đều là vì túc duyên ân oán từ xa xưa. Đời này Trần Hiểu Húc có gia tài trăm triệu, đời trước lại được sinh ra trong gia đình phú quý, ấy là vì trong các kiếp sống trước cô đã hành thiện cứu người, kính Phật tín Phật mà tích được vô số phúc báo.
Có ý kiến cho rằng, Trần Hiểu Húc tái sinh trong kiếp này là để diễn vai Lâm Đại Ngọc, sứ mệnh hoàn thành rồi, cô liền hóa thành làn hương trở lại cõi Thái Hư.
Nhìn lại quá khứ, cuộc đời cô có hai đỉnh vinh quang rực rỡ: Một lần là Lâm Đại Ngọc, và một lần là Trần Hiểu Húc trong giới kinh doanh. Đến cuối cùng, khi đã nếm trải đủ mọi vinh hoa, nhìn thấu sự đời sau ánh hào quang, cô lại trở về với bản chất thực sự của cuộc sống, rời thế gian trước khi hoa rụng xuân tàn.
Ngày xưa Đại Ngọc chôn hoa, nước mắt rải đầy lối đi, ký ức thơm ngát của người thiếu nữ năm ấy là cánh hoa bay bay trong gió. Giờ đây Hiểu Húc đã qua đời, mang theo vai diễn kinh điển mà cô đã dành cả cuộc đời để diễn giải, đồng thời lấy đi nỗi nhớ của hàng ngàn người hâm mộ, duyên dáng đến mức để lại cho nhân gian khoảng trống vô bờ.
Mặc dù Trần Hiểu Húc rất giống Lâm Đại Ngọc, đã hóa thân một cách sống động trên màn ảnh, nhưng rốt cuộc cô không phải Lâm Đại Ngọc, cô có ân oán tiền duyên, cũng có nhân duyên nghiệp trái của chính mình. Trần Hiểu Húc thông qua “Hồng Lâu Mộng” mà nhìn thấu hồng trần, vậy nên khi rời thế gian cô mới bình thản như vị khách tha hương trên con đường về nhà…
Sống như khách lạ qua đường
Mai kia nằm xuống cố hương muốn về
Đất trời quán trọ lê thê
Muôn đời cát bụi não nề thương tang
Thỏ nghiền thuốc mãi trong trăng
Cành dâu xanh đã võ vàng củi khô
Lạnh lùng xương trắng co ro
Thông xanh nào có ước mơ xuân về
Trước sau đời ngẫm tái tê
Vinh hoa phú quí có gì đáng đâu!
(“Nghĩ cổ kỳ 5” – Lý Bạch, bản dịch của Hải Đà)
Theo Lý Minh – “Tin hay không tùy bạn”
Minh Hạnh biên dịch
NTD Việt Nam