Mẹ của Nhạc Phi xăm chữ: Trung quân ái quốc (Nguồn hình: Đoàn Nghệ thuật Thần Vận)
Chí lớn không đợi tuổi
Nhạc Phi, tự Bằng Cử, người Thang Âm, Tương Châu. Gia đình ông chí thú làm nông. Cha ông là Nhạc Hòa, thường tằn tiện thức ăn của mình để dành cứu tế người đói khát.
Có người trong khi trồng trọt xâm chiếm ruộng bỏ không của ông, Nhạc Hòa liền đem mảnh ruộng ấy cắt nhường cho họ; có người nợ tiền nhà ông, Nhạc Hòa cũng không đến đòi.
Khi Nhạc Phi ra đời, có con chim lớn giống như thiên nga bay đến kêu trên nóc nhà ông, bởi vậy dùng chữ “Phi” làm tên.
Lúc Nhạc Phi chưa đầy tháng, vỡ đê sông Hoàng Hà ở địa phận Nội Hoàng, nước lũ cuộn trào mãnh liệt, mẹ Nhạc Phi là Diêu thị, ôm Nhạc Phi, ngồi trong một cái chum lớn, may sao sóng lại đánh mẹ con họ lên bờ, may mắn tránh khỏi tai họa. Mọi người cảm thấy rất kinh ngạc đối với việc này.
Nhạc Phi từ lúc còn trẻ đã rất có chí khí tiết tháo, chững chạc độ lượng, ít nói; gia cảnh bần hàn nhưng học tập cần cù, đặc biệt thích đọc các thư tịch như “Tả thị Xuân Thu”, “Tôn Tử binh pháp” và “Ngô Khởi binh pháp” v.v… Nhạc Phi vốn khỏe mạnh, lúc chưa tròn 20 tuổi đã có thể giương cung lớn nặng 300 cân, nỏ lớn nặng 8 thạch. Ông học thấu toàn bộ tài thiện xạ từ Chu Đồng. Sau khi Chu Đồng qua đời, mỗi dịp mùng một và mười lăm, Nhạc Phi liền đến trước mộ thầy cúng tế.
Nhạc Hòa thấy con trai rất trọng ân nghĩa, liền nói với ông: “Nếu như con được xã tắc sử dụng, thì hãy tận nghĩa mà đền nợ nước” (“Tống sử – Nhạc Phi truyện”)
Nghe ý kiến hiền sĩ mới có chính sách tốt
Năm Khánh Lịch 6 (năm 1046), quan Tam ti sứ là Vương Củng Thần kiến nghị để cho quan phủ quản lý toàn bộ nghề muối ở hai châu Hà Bắc, mục đích là để ông ta hưởng lợi từ đó.
Đô chuyển vận sứ Ngư Chu Tuân cho rằng không thể làm vậy, đồng thời nói với triều đình: “Thương nhân bán muối, khi đi qua các châu huyện thì cấu kết cùng quan lại ăn gian, thuế muối thu không được 2, 3 phần 10. Xin lệnh cho các châu huyện thu thuế đầy đủ, cho dù thương nhân bán muối cho châu phủ và quân doanh nào, cũng phải nộp tiền thuế. Như vậy, một năm có thể được hơn 70 vạn quan tiền”.
Tam ti tấu lên Hoàng đế cần tiếp thu biện pháp như thế. Tống Nhân Tông nói: “Đột nhiên khiến mọi người phải ăn muối đắt, đó đâu phải là ý đồ của ta”.
Vậy là Tam ti lại định ra pháp lệnh cấm người thường buôn bán muối, nhưng chưa ban bố xuống dưới.
Trương Phương Bình vào gặp Hoàng đế, hỏi: “Hà Bắc lại để quan viên quản lý bán muối ăn, ấy là vì sao?”
Hoàng đế nói: “Vừa mới bắt đầu nghị luận lập pháp, cũng không phải lại để cho quan bán”.
Trương Phương Bình nói: “Thời Chu Thế Tông, giao cho quan viên quản lý bán muối ăn Hà Bắc, ai mà vi phạm, thường bị xử tử. Lúc Chu Thế Tông tiến hành Bắc phạt, dân chúng Hà Bắc chặn đường kêu khóc, xin phân bổ thuế muối vào các đợt thu thuế Hạ và Thu, bỏ lệnh cấm đi, Chu Thế Tông cho phép bọn họ, đó là chính sách lưỡng thuế mà ta có ngày nay. Như cách làm hôm nay, há chẳng phải là lại theo biện pháp cũ để quan viên quản lý kinh doanh sao? Huống hồ, hiện nay còn chưa để quan viên quản lý kinh doanh, Khiết Đan đã không ngừng buôn lậu muối, nếu như để quan viên quản lý kinh doanh, muối sẽ tăng giá, Khiết Đan bán muối ra, càng đắt hàng hơn, như vậy sẽ khiến dân chất chứa oán hận, mà Khiết Đan thu được lợi lớn. Giờ cứ để muối Khiết Đan nhập càng nhiều, không dùng vũ lực ngăn lại, cũng chẳng cần cấm tiệt, một khi chiến sự ở biên cảnh xảy ra, chúng ta đoạt được nguồn lợi muối, chẳng phải là có thể dùng để bồi thường cho phí tổn dùng binh sao?”
Trương Phương Bình nói xong, Hoàng đế mới hoàn toàn tỉnh ngộ, thế là nói: “Nói cho tể tướng: Lập tức đình chỉ kế hoạch để quan viên quản lý muối ăn”.
Trương Phương Bình lúc này còn nói: “Bố cáo dự định để quan viên quản lý muối, tuy rằng còn chưa phát xuống bên dưới, thế nhưng dân chúng mọi nhà bên dưới đều biết rồi. Phải dùng chiếu viết tay của Hoàng đế, trực tiếp tuyên bố miễn trừ biện pháp đó, không thể chỉ dùng mệnh lệnh từ tay bề tôi”.
Hoàng đế lại tiếp nhận ý kiến hay này, rất vui mừng, lập tức viết chiếu, truyền đạt mệnh lệnh, giao cho Trương Phương Bình đi làm. Dân chúng Hà Bắc biết được, nối theo nhau quỳ nhận thánh chỉ, làm lễ pháp sự Phật Đạo 7 ngày ở Thiền Châu để báo đáp ân đức Hoàng đế; đồng thời tại Bắc Kinh khắc chiếu thư lên bia đá. Về sau, dân chúng khi đi qua bia khắc chiếu thư thì đều tự động rơi lệ quỳ lạy, cảm tạ ơn cứu giúp của Hoàng thượng.
Sau khi Hoàng thượng biết, cảm khái nói: “Ta nghe ý kiến hiền sĩ, mới có thể chế định ra chính sách tốt; có chính sách tốt, mới có thể có được lòng dân!” (“Tống sử – Thực hàng chí”)
Tông Trạch kháng Kim đuổi địch
Vương Sách, nguyên là tướng lĩnh nước Liêu, về sau lại trở thành tướng Kim, hoạt động trên chiến trường lưu vực Hoàng Hà.
Trong một chiến dịch, Tông Trạch bắt sống được Vương Sách, mang về doanh trại, tự mình cởi trói cho ông ta, lại để ông ta ngồi ở phòng lớn, nói với ông ta: “Khiết Đan với Đại Tống vốn là hai nước anh em, hôm nay nước Kim bắt cóc làm nhục hai vua Huy, Khâm của tôi, lại tiêu diệt nước Liêu, theo đạo nghĩa chúng ta phải đồng tâm hợp lực, báo thù rửa hận”.
Vương Sách cảm động đến nước mắt chảy ròng, nguyện ý đấu tranh chống Kim, cống hiến sinh mệnh.
Tông Trạch thừa cơ tìm hiểu toàn bộ tình hình quân Kim từ ông ta, rồi quyết định tiến hành hoạt động chống Kim quy mô lớn. Tông Trạch triệu tập tướng lĩnh các lộ, nói với họ: “Các ngươi đều có lòng trung nghĩa báo quốc, phải đồng tâm hiệp lực, tiêu diệt kẻ địch, nhanh chóng nghênh đón hai vua về tống, lập đại công”.
Dứt lời buồn bã rơi lệ, các tướng cũng đều bị lời nói này cảm động đến chảy nước mắt, nguyện ý nghe theo Tông Trạch chỉ huy.
Thế là, Tông Trạch chỉ huy các tướng sĩ, anh dũng giết địch. Quân Kim nếm mùi thất bại, toàn bộ triệt thoái, chạy về phương Bắc. (“Tống sử – Tông Trạch truyện”).
Hoàng đế kiểm điểm, tự phạt uống rượu
Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận rót một chén rượu ban cho Lưu Sưởng.
Lưu Sưởng hoài nghi trong rượu có thuốc độc, cầm chén khóc mà nói: “Thần phạm tội, không thể tha. Bệ hạ nếu không lấy tội chết đối đãi thần, thần nguyện ý làm một dân thường ngắm cảnh thái bình thịnh thế. Thần không dám uống chén rượu này”.
Thái Tổ cười nói với ông ta: “Ta vốn đem tâm chân thành đặt vào lòng người khác. Ta sao lại phải làm vậy chứ? Hẳn là ta thường ngày thiếu lòng thành, khiến người ta nghi ngờ rồi! Giờ ta tự phạt một chén”.
Dứt lời, Thái Tổ lập tức uống chén rượu vừa rót cho Lưu Sưởng, sau đó, lại rót một chén rượu khác, ban cho ông ta. (“Tống sử – Thái Tổ bản kỷ”)
Người phá án mời tội phạm ăn
Có một người sống bằng nghề trồng dâu. Kẻ cướp muốn cướp lá dâu của người đó nhưng không được. Kẻ cướp tự đâm bị thương cánh tay mình, rồi quay ra vu cáo chủ ruộng dâu muốn giết hắn. Chủ ruộng dâu bị nhốt rõ lâu mà không được điều tra rõ.
Tiền Duy Tế là người thụ lý vụ án này, ông đưa kẻ cướp từ trong ngục ra, mời hắn ăn cơm. Từ bên cạnh quan sát tỉ mỉ, phát hiện người này dùng tay trái cầm thìa và đũa.
Tiền Duy Tế nói: “Khi dùng tay phải chém người, thì phần trên bị nặng phần dưới bị nhẹ. Vết thương của ngươi hiện tại phần dưới đặc biệt nặng, chính là ngươi dùng tay trái chém bị thương cánh tay phải của ngươi, ngươi là tự làm thương mình rồi vu cho người khác!”
Kẻ cướp lúc này mới thú nhận tội. (“Tống sử – Ngô Việt Tiền thị thế gia”)
Lữ Mông Chính không muốn hùa theo Hoàng đế, ba lần tiến cử hiền tài
Có một lần, Tống Thái Tông dự định phái người đi sứ nước Liêu, chỉ thị cho Chính sự đường: Chọn nhân tài có thể đảm đương nhiệm vụ đi sứ.
Chủ sự Chính sự đường là Lữ Mông Chính, sau khi bãi triều, lên được một danh sách, đệ trình lên trên, Tống Thái Tông không đồng ý.
Qua vài ngày, Tống Thái Tông liên tiếp ba lần, hỏi việc tuyển chọn sứ giả, Lữ Mông Chính cũng liên tiếp ba lần trả lời với cái tên được đề xuất ban đầu.
Hoàng thượng nói: “Khanh vì sao mà cố chấp như vậy?”
Lữ Mông Chính nói: “Thần không cố chấp, chẳng qua là Hoàng thượng thiếu tín nhiệm mà thôi”.
Thế là Lữ Mông Chính lại kiên trì nói: “Thần đề cử người kia, có thể đảm nhiệm sứ tiết, người khác đều không so được với ông ta. Thần không muốn xu nịnh và hùa theo ý Hoàng thượng một cách vô nguyên tắc, để rồi nguy hại quốc gia đại sự”.
Các quan trong triều nghe ông nói với Hoàng thượng như vậy, đều sợ thay cho ông mà không biết làm sao.
Tống Thái Tông bãi triều xong thì nói với thị thần bên cạnh: “Lữ Mông Chính rất chính trực, có can đảm. Ta không bằng ông ta!”
Không lâu sau, Hoàng thượng cuối cùng phân công người mà Lữ Mông Chính đề cử, làm sứ tiết. Về sau sự thực chứng minh: Người đó quả nhiên hoàn toàn xứng đáng với chức vụ. (“Tống sử – Lữ Mông Chính truyện”)
Chu Hi từ quan
Năm Càn Đạo thứ 9 đời Tống (năm 1173), Lương Khắc Gia nhậm chức tể tướng, lại truyền lệnh triệu tập bổ nhiệm Chu Hi. Chu Hi lại từ chối.
Lương Khắc Gia tấu lên Hoàng đế: Chu Hi nhiều lần chối từ triệu tập của triều đình, không chịu ra làm quan, nên khen thưởng và sử dụng ông ấy, các đại thần cũng đều tán thưởng ông ấy.
Hoàng đế nói: “Chu Hi an cư trong nghèo khó, giữ vững chính đạo, từ quan thoái nhượng, đáng ngợi khen”.
Hoàng đế bèn đổi chức quan phù hợp, lệnh cho Chu Hi chủ quản Sùng Đạo quán ở Thai Châu.
Chu Hi lấy lý do từ quan rút lui, trái lại lại được đề bạt, ông lấy lý do về nghĩa lý không thỏa đáng, và lại lần nữa từ tạ sự bổ nhiệm của triều đình. Đến năm Thuần Hi thứ nhất (năm 1174), ông mới ra nhậm chức.
Năm Thuần Hi 2, Hoàng đế Hiếu Tông dự định thưởng cho người làm quan không tham, từ quan thoái nhượng, lấy đó để cổ vũ tập quán sĩ phu và dân chúng.
Lúc đó, Cung Mậu Lương thực thi chức trách của thừa tướng, đem tên Chu Hi báo lên Hoàng đế Hiếu Tông, bổ nhiệm Chu Hi làm chức Bí thư lang. Chu Hi cực lực chối từ, đồng thời tự tay viết thư gửi Cung Mậu Lương, nói mình chỉ là kẻ nhất thời gặp may mà thôi. (“Tống sử – Đạo học liệt truyện”).
Theo Tần Như Sơ – Epochtimes
Hữu Đức biên dịch
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam