Nhẹ nhàng, chân tình và luôn lạc quan trước mọi biến cố của cuộc sống là những gì mà người đối diện cảm nhận được khi tiếp xúc với chị Trịnh Bích Lưu. Có lẽ ít ai biết rằng, người phụ nữ luôn tươi cười này đang mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác…
Chị Lưu biết mình bị ung thư hạch bạch huyết vào tháng 7 năm 2015 trong một lần vô tình đi khám tại bệnh viện. Bước ra từ phòng khám, cầm kết quả trên tay, chị dường như không tin vào mắt mình nữa. Từ trước tới nay, chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ rơi vào nghịch cảnh này, mọi chuyện cứ như một cơn ác mộng kinh hoàng…
Sau những cảm giác hoang mang sợ hãi ban đầu, vốn là người luôn lạc quan, yêu đời, chị Lưu nhanh chóng lấy lại tinh thần, chị biết mình không còn lựa chọn nào khác ngoại trừ phải mạnh mẽ để phải đối mặt với bệnh tật.
Chứng kiến sự can đảm của chị, những người thân trong gia đình cũng quyết tâm quên đi nỗi buồn để sát cánh cùng chị vượt qua khó khăn. Chị tâm sự: “Thật sự nếu lúc đó không có sự động viên, quan tâm của gia đình, nhất là ông xã thì mình cũng không biết có đủ sức để chống chọi với bệnh tật hay không nữa”.
Chị Lưu nhập viện và tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Chị trải qua 2 ca mổ, mỗi ca cách nhau chỉ 1 tháng để lấy hết các khối u trong người. Đó là quãng thời gian đáng sợ nhất mà chị từng trải qua trong đời. Những đau đớn cả về thể xác và tinh thần cứ dày vò hàng đêm khiến chị không sao chợp mắt được. Nhưng rồi, nhờ tình yêu thương của gia đình, chị đã mạnh mẽ vượt qua.
Khoảng gần 1 năm sau, chị Lưu bắt đầu điều trị bằng hóa chất. Ngoài việc làm theo chỉ dẫn của bác sĩ, cả gia đình cũng cùng nhau tự tìm hiểu các thông tin về căn bệnh của mình, học các phương pháp để đẩy lùi căn bệnh ung thư, trong đó có phương pháp thực dưỡng.
Chế độ ăn thực dưỡng chỉ có gạo lứt, muối mè và trà gạo lứt, mỗi đợt kéo dài 49 ngày liên tục. Vốn là một người có tâm hồn ăn uống nên việc này trở thành một “quan ải” rất khó vượt qua đối với chị.
Mỗi khi nhìn thấy cả gia đình quây quần bên mâm cơm đủ các món ngon, chị rất thèm nhưng phải tự nhủ với bản thân không thể phá vỡ quy tắc thực dưỡng. Hay mỗi lần nhìn thấy người khác có đủ sức khỏe để sống và làm việc, chị lại cảm thấy chạnh lòng…
Cứ như vậy, qua 6 lần truyền hóa chất, kết hợp với ăn thực dưỡng và luôn giữ cho tâm hồn mình thanh thản, vui tươi, lạc quan, đến nay đi kiểm tra thì những khối u trong cơ thể của chị Lưu đã không còn.
Nhìn chị bây giờ có lẽ không có sự khác biệt nào với mọi người, chỉ có mái tóc là không còn bởi ảnh hưởng của các loại hóa chất điều trị. Chị vui vẻ cho biết: “Mọi người nghe kể lại thì thấy mọi thứ cũng khá nhẹ nhàng nhưng phải trải qua giai đoạn sinh tử đó mới biết, có rất nhiều khó khăn, thử thách mà chắc chắn nếu không có gia đình, có chồng luôn bên cạnh động viên thì mình có thể gục ngã bất cứ lúc nào”.
Trong suốt quãng thời gian chị bị bệnh, đi điều trị, phẫu thuật …. anh Tùng – chồng chị luôn ở bên và là chỗ dựa vững chắc để chị vượt qua mọi đau đớn. Không một lần điều trị nào của chị mà anh vắng mặt vì bất cứ lý do gì. Khi chị nằm trên giường bệnh, anh chụp lại những bức ảnh lúc chị nhìn xấu xí nhất rồi cho chị xem để trêu cho chị cười. Những lúc đau đớn, mệt mỏi, chị mất hết quyết tâm thì anh động viên giúp chị lấy lại tinh thần. Khi chị phải ăn theo chế độ thực dưỡng, anh luôn cổ vũ để chị có thêm động lực và kiên trì hơn. Đặc biệt, trong suốt quãng thời gian chị Lưu nằm viện, một mình anh thay vợ chăm lo chu đáo cho các con.
Nhân kỷ niệm 20 năm ngày cưới mới đây, anh đã làm một bữa tiệc bất ngờ dành cho chị với sự quây quần đông đủ của gia đình, bạn bè, những người đã chứng kiến anh chị trải qua giai đoạn khó khăn nhất để tiếp tục ở bên nhau. Chị đã không kìm nén được cảm xúc, khóc trên vai anh như một đứa trẻ và cảm ơn anh đã ở bên chị trong suốt cả thời gian tồi tệ nhất trong đời.
Chị nghẹn ngào tâm sự: “Người đến bên bạn lúc bạn sung túc, xinh đẹp, khoẻ mạnh thì cũng bình thường thôi, nhưng người bên cạnh bạn khi bạn nghèo khổ, xấu xí, ốm đau bệnh tật thì nhất định bạn phải tuyệt đối trân trọng”.
Tiếp tục để vợ mình bất ngờ hơn nữa, anh Tùng đã mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình “Vào Bếp Khó Gì”, một chương trình gắn kết yêu thương các thành viên trong gia đình. Trong chương trình, người chồng sẽ vào bếp trổ tài nấu nướng. Anh Tùng tâm sự rằng, việc gì anh cũng có thể làm được, riêng việc vào bếp với anh rất khó khăn, vì anh rất ít khi vào bếp, và không hề tự tin với khả năng nấu nướng của mình. Tuy nhiên, vì muốn vợ vui nên anh đã âm thầm đăng ký tham gia, đầu tiên là để nấu cho vợ một món ăn mà vợ thích, sau cũng là chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình và như một thước phim được quay lại lưu giữ làm kỷ niệm
Những lúc đau đớn tuyệt vọng tưởng chừng không thể vượt qua, gia đình sẽ là chiếc ô che mưa chắn gió, lúc mệt mỏi cô đơn, gia đình là nơi ấm áp đong đầy. Sự nghiệp không thể thay thế cho tình yêu, công danh không thể thay thế cho một gia đình hạnh phúc. Nhưng đôi khi ta bị “cuốn trôi” theo dòng đời và đi quá nhanh, đến mức, lãng quên cả hạnh phúc lớn nhất của đời người.
Nghe xong câu chuyện của chị Lưu, hẳn chúng ta đã phần nào hiểu rằng công danh tiền tài đều không thể đem lại hạnh phúc lâu dài, chỉ có gia đình mới là nơi để ta dựa dẫm cả đời, là nơi đáng tin cậy và là nơi cuối cùng cho ta đi về. Gia đình sẽ luôn ở bên cạnh và nói với chúng ta rằng: Chỉ cần mỉm cười, mọi gian khổ rồi sẽ qua.
Nguồn ảnh: afamily
Linh An
- Cô gái với căn bệnh tưởng chừng không thể chữa khỏi và chuyến đi thay đổi cuộc đời
- Âm nhạc cổ điển thực sự có sức mạnh chữa bệnh như thế nào?