Trong cuốn sách “Vi Lô Dạ Thoại” thời nhà Thanh có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên” (trong trăm cái thiện thì đức Hiếu là đầu). Câu nói ấy đã thể hiện giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống Á Đông. Từ xưa đến nay, lòng hiếu thảo vẫn luôn là nguyên tố cơ bản của luân lý đạo đức xã hội, đồng thời cũng là tiêu chuẩn đầu tiên để đo lường hành vi và đạo đức của con người.
Vậy, nếu làm người mà không có đạo hiếu thì sẽ ra sao? Làm con bất hiếu liệu có bị trừng phạt hay không? Chúng ta hãy cùng xem hai câu chuyện dưới đây.
Câu chuyện thứ nhất
Vào thời nhà Thanh, ở huyện Tân Kiến vùng Giang Tây có một chàng trai nghèo tên là Hồng Mỗ, làm nghề phu xe. Hồng Mỗ từ nhỏ đã là người con hiếu thảo, mỗi khi tìm được thứ gì ngon anh đều để dành dâng lên mời mẹ. Sau này mẹ anh ngày càng già yếu, hai mắt mù lòa, Hồng Mỗ lại càng tận tâm hết lòng phụng dưỡng mẫu thân. Những khi phải ra ngoài làm việc, anh lại dặn vợ là Cố Thị ở nhà chăm sóc mẹ thật chu đáo. Mỗi ngày kiếm được bao nhiêu tiền, anh đều mua gạo và thịt mang về bảo vợ làm các món ngon cho mẹ.
Cố Thị vốn không phải là nàng dâu hiền, hơn nữa còn tham lam, ích kỷ. Những khi chồng vắng nhà, cô thường ngược đãi mẹ chồng, có món gì ngon đều ăn trước phần lớn, chỉ mang cho mẹ chồng phần cơm thừa canh cặn. Mẹ chồng sợ con trai biết chuyện sẽ động chân động tay với vợ, nên không dám hé răng nửa lời mà chỉ lặng lẽ thở vắn than dài.
Sau này Cố Thị sinh hạ được một đứa con trai. Kể từ ngày lâm bồn Cố Thị lại càng thèm ăn hơn, có bao nhiêu thức ăn ngon cô đều cất riêng để một mình hưởng thụ.
Một lần, Hồng Mỗ mua mỳ sợi ở chợ mang về nhà và bảo vợ nấu chín mời mẹ ăn, sau đó anh lại đánh xe đi các nơi làm việc như mọi lần. Cố Thị nấu xong nồi mỳ thơm phức, nhưng không mang vào mời mẹ mà lại một mình ăn hết sạch. Đến bữa, Cố Thị nhìn vào chiếc nồi trống trơn, trong đầu nghĩ kế che đậy lỗi của mình. Cô biết mẹ chồng mù lòa không nhìn thấy được gì, bèn nấu tạm vài con giun đất giả làm mỳ mang đến cho mẹ ăn. Bà mẹ chồng vừa ăn được một miếng liền nôn ọe, không sao nuốt trôi được.
Đúng lúc ấy trời nổi cơn giông tố, mưa gió dữ dội, rồi một tiếng sấm ầm ầm vang lên, sau đó Cố Thị cũng đột nhiên biến mất.
Sau cơn mưa trời lại sáng. Như thường lệ Hồng Mỗ đánh xe về nhà. Khi đi qua một ngọn núi anh bỗng nhìn thấy có bóng người lõa thể hiện ra trên vách đá, nhìn kỹ thì thấy chính là vợ mình. Thì ra Cố Thị bị gió cuốn đến đây, phần thân dưới từ thắt lưng trở xuống bị chôn chặt trong đá, xung quanh đều là đá núi, dẫu có dùng hết sức kéo cũng không thể kéo ra được.
Hồng Mỗ hỏi vợ vì sao, nhưng Cố Thị á khẩu không thể nói nên lời, cô vẫn còn sống nhưng lại ngây dại thẫn thờ, hai nhãn cầu liếc ngang liếc dọc nhìn mọi người trông như một kẻ ngốc vậy. Lại nhìn xuống dưới, Hồng Mỗ thấy bên cạnh Cố Thị có dòng chữ bị sét đánh khắc sâu vào trong đá, dòng chữ trên đó viết: “Chôn nửa thân mình để cứu con côi, lộ hai bầu ngực để cho con bú, mỗi ngày một bữa duy trì mạng sống, ba năm sau sét đánh mạng vong”.
Từ đó, ngày ngày Hồng Mỗ đều bế con ra cho bú sữa mẹ và mang đồ ăn đến cho Cố Thị. Một đồn mười, mười đồn trăm, rất nhiều người hiếu kỳ đều tìm đến xem sự việc kỳ lạ này. Nhưng ngoài Hồng Mỗ và con trai thì không ai có thể đến gần Cố Thị, hễ đến gần đều có một bàn tay vô hình kéo họ ngã xuống.
Quả nhiên đúng như lời trên đá, ba năm sau Cố Thị lại lần nữa bị sét đánh. Thi thể của cô bật ra khỏi vách đá, thân thể tan ra thành từng mảnh làm mồi cho giun đất, còn kẽ đá nơi cô bị nhốt trước kia nay cũng liền lại như chưa hề có chuyện xảy ra.
Phi Phi Tử bình luận: Bất hiếu là đại tội và sẽ bị báo lên Thiên đình, bị Lôi Thần giáng sấm sét đánh chết. Đây cũng là chuyện thường thấy xưa nay. Cố Thị bất hiếu đáng bị Trời trừng phạt, nhưng Hồng Mỗ là người con hiếu thảo, xứng đáng có tử tôn nối dõi. Hồng Mỗ gia cảnh bần hàn không thể đi bước nữa, cũng không đủ tiền nhờ người làm vú nuôi. Con thơ không có sữa mẹ sẽ chết đói, như thế Hồng Mỗ cũng không có con cháu đời sau. Nếu giáng sét đánh chết Cố Thị thì cũng bằng như giết chết đứa trẻ, đứa trẻ không còn thì Hồng Mỗ sẽ phải chịu cảnh tuyệt tự, sau này không người lo hương hỏa. Đây không phải là kết cục đáng có của người con hiếu thảo. Từ điểm này có thể thấy Thượng thiên an bài xảo diệu thế nào, cũng có thể thấy Lôi Thần đã khổ tâm sắp đặt ra sao, vừa trừng phạt tội bất hiếu của Cổ Thị, lại vừa ban ân cho tấm lòng hiếu thảo của Hồng Mỗ.
Câu chuyện thứ hai
Trước kia ở huyện Lan Khê tỉnh Chiết Giang có người phụ nữ họ Lý, gia cảnh vô cùng giàu có. Vào ngày sinh nhật, cô Lý mời bạn bè, hàng xóm và những người thân trong gia đình tới dự tiệc. Khách đến tham dự đều mang quà đến tặng, đó đều là những món đồ xa xỉ đắt tiền.
Trong không khí tưng bừng náo nhiệt đó bỗng xuất hiện một bà cụ đầu tóc bạc phơ, dáng vẻ gầy gò, tiều tụy, mặc bộ quần áo cũ rách không lời nào diễn tả được. Bà cụ một tay chống gậy, một tay xách chiếc giỏ tre bước đến nói những lời chúc mừng: “Cha con bất hạnh sớm qua đời, nay chỉ còn lại một mình mẹ cô quả nghèo khó, lại phải sống xa con. Mẹ dù tuổi cao, đầu óc không còn minh mẫn như xưa nhưng ơn Trời mẹ vẫn còn nhớ hôm nay là sinh nhật lần thứ 40 của con. Mẹ không có gì tặng con nên ra bờ sông ngoài thôn bắt được một ít tôm quê, đây cũng là món mà hồi nhỏ con thích nhất. Hy vọng mẹ đến kịp để thêm món này vào bàn tiệc mừng tuổi con…”
Cô Lý còn chưa nghe hết lời bà cụ nhưng đã giận dữ hét lên: “Bà đã già rồi mà sao vẫn còn sống dai thế! Bố tôi đã mất nhiều năm như thế rồi, vậy mà chẳng hiểu sao bà vẫn cứ ở lì trên đời ăn bám con cháu. Bộ mặt này của tôi cũng bị bà làm xấu mất rồi!”
Cô Lý vừa nói vừa giằng lấy chiếc giỏ tre ném xuống đất, tôm trong giỏ lách tách bật nhảy khắp sàn nhà. Bà lão lặng im không nói, chỉ cúi mặt, tay khẽ lau nước mắt.
Các vị khách có mặt tại đó đều sững sờ, người có thiện ý thì khuyên giải an ủi, người thấy bất bình thì ngước mặt lên trời thở dài ngao ngán, một số người khác lại lặng lẽ rời đi. Thấy bữa tiệc sinh nhật của mình bị phá hỏng, cô Lý lại càng thêm giận dữ, tiếng mắng tiếng chửi cứ vang lên mãi không ngừng.
Lúc ấy mặt trời đang lên cao, trên bầu trời trong xanh không một gợn mây, vậy mà chỉ trong phút chốc đã vang lên tiếng sấm. Sau đó mây đen kéo đến, mưa lớn trút xuống xối xả, sấm chớp đùng đoàng khiến người ta phải rùng mình sợ hãi.
Thế nhưng trong ngôi nhà xa hoa của cô Lý, tiếng chửi rủa vẫn không hề dừng lại, những lời chì chiết trách móc hòa lẫn cả vào tiếng sấm ầm ầm. Lại thêm một tiếng sấm xé trời vang lên, cô Lý bỗng khuỵu chân quỳ xuống rồi ngã nhào về phía bậc thềm bên dưới. Không ai rõ lý do vì sao một người phụ nữ khỏe mạnh trong bộ trang phục lộng lẫy lại bất ngờ ngã xuống và chết trong cơn mưa tầm tã.
Khi sự việc xảy ra, một người tên là Hà Thiết Lan đang có mặt tại đó và tận mắt chứng kiến toàn bộ câu chuyện. Sau này, Hà Thiết Lan kể lại cho bạn mình là Du Giao, tác giả cuốn “Mộng Xưởng Tạp Trữ” thời nhà Thanh, nhờ đó mà câu chuyện được ghi chép lại và trở thành bài học cảnh tỉnh cho muôn thế hệ sau.
(Nguồn: “Nhĩ Thực Lục”, “Mộng Xưởng Tạp Trữ”)
Theo Thái Nguyên – Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch
NTD Việt Nam