Lão Tử và Khổng Tử, hai nhân vật hàng đầu được ví là Thánh nhân trong lịch sử Trung Quốc. Giữa hai bậc thầy Đạo giáo và Nho giáo này, đã từng có lần tương ngộ, cuộc nói chuyện giữa họ, hàm chứa trí huệ uyên thâm.
Một ngày vào năm 538 TCN, Khổng Tử nói với đệ tử Nam Cung Kính Thúc: “Nhà Chu có Lão Đam, thông kim bác cổ, biết khởi nguồn của Lễ Nhạc, hiểu sự thiết yếu của đạo đức. Nay ta muốn tới Chu cầu học, ngươi muốn đi cùng không?”.
Nam Cung Kính Thúc vui mừng đồng ý và báo với vua nước Lỗ. Lỗ vương đồng ý cho anh ta đi, còn cấp cho một cỗ song mã, một người hầu và một người đánh xe, rồi Nam Cung hộ tống Khổng Tử lên đường.
Lão Tử thấy Khổng Tử từ ngàn dặm xa xôi đến thì rất vui mừng, bèn dạy dỗ cẩn thận và dẫn Khổng Tử đi bái kiến đại phu Trường Hoằng, một người rất giỏi về Nhạc lý, để dạy Khổng Tử nhạc luật, nhạc lý. Ngoài ra, Lão Tử còn dẫn Khổng Tử quan sát lễ tế thần, khảo sát nơi truyền giáo, tìm hiểu lễ nghi trong miếu, khiến Khổng Tử cảm thán không dứt, thọ ích rất nhiều.
Khổng Tử lưu lại vài ngày rồi hướng tới Lão Tử từ biệt. Lão Tử tiễn đưa ra ngoài công quán rồi có lời tặng:
“Ta nghe nói, kẻ phú quý tặng người của cải, kẻ nhân nghĩa tặng người lời nói. Ta không phú cũng chẳng quý, không có của cải tặng ông, muốn tặng ông vài lời. Thời nay, kẻ thông minh mà sâu sắc, lý do người ấy gặp nạn, thậm chí dẫn đến cái chết, là vì hay mỉa mai cái xấu của người khác; kẻ giỏi hùng biện lại thông hiểu sự việc, lý do người ấy gặp họa liên miên, là do hay vạch ra cái xấu của người khác. Là phận làm con, đừng cho mình là cao; là bề tôi, đừng cho mình là hơn, mong ông nhớ kỹ”.
Khổng Tử bái lạy nói: “Đệ tử nhất định ghi nhớ trong lòng!”.
Lúc Khổng Tử đi đến bờ sông Hoàng Hà, nhìn nước sông cuồn cuộn, sóng cuốn đuổi nhau, khí thế như vạn mã bôn đằng, âm thanh như hổ gầm sấm vang. Khổng Tử đứng bên bờ hồi lâu, bất giác cảm thán nói: “Chảy đi hoài như thế kia, ngày đêm không ngừng! Nước Hoàng Hà chảy không nghỉ, người trẻ tiếp nối chẳng dừng, nước sông không biết chảy về đâu, đời người không biết về chốn nào?”.
Đại ý nói rằng nước sông không phân ra ngày đêm mà chảy hay ngưng, sinh mệnh đời người cũng như thế, không biết cuộc đời con người sẽ đi đến đâu.
Nghe Khổng Tử nói mấy lời như vậy, Lão tử nói: ”Đời người trong trời đất, cùng với trời đất là một thể. Trời đất, cũng là vật tự nhiên vậy, đời người cũng là vật tự nhiên vậy. Người có biến đổi từ ‘ấu, tiểu, tráng, lão’ giống như trời đất có xuân hạ thu đông thay thế nhau, cớ gì phải bi ai?
Sinh ở tự nhiên, tử ở tự nhiên, điều gì cũng tự nhiên, thuận theo bản tính của nó thì không thể loạn; không thuận tự nhiên, chạy qua chạy lại giữa nhân và nghĩa thì bản tính sẽ bị trói buộc. Trong tâm có công danh, thì tâm sinh phiền muộn; trong tâm có danh lợi, dục vọng thì phiền não tăng lên”.
Khổng Tử giải thích: ”Đệ tử lo đại Đạo không triển diễn, nhân nghĩa không được thi hành, chiến loạn không dừng, loạn quốc không trị được vậy, nhân sinh vốn ngắn ngủi, không thể làm gì cho thế gian, không thể vì dân và cảm thán cho họ”.
Lão tử nói: “Trời đất không có người đẩy mà tự chuyển, nhật nguyệt không có người thắp mà tự sáng, tinh tú không người sắp đặt mà có trình tự, cầm thú không người tạo mà tự sinh, đây chính là tự nhiên vậy, hà cớ gì lao khổ vì cái gì? Người có sinh, có vô, có vinh, có nhục, đều có lý của tự nhiên, chính là đạo của tự nhiên vậy.
Thuận theo lý của tự nhiên, tuân theo đạo của tự nhiên, đất nước ắt tự trị, người ắt tự chính, hà cớ gì phải canh cánh Lễ Nhạc mà khởi xướng nhân nghĩa chứ? Canh cánh Lễ Nhạc mà xướng nhân nghĩa, thì ngược với bản tính người rất xa vậy! Giống như người đánh trống tìm người bỏ trốn, đánh càng xa thì người bỏ trốn càng xa vậy!”.
Qua một lúc Lão tử chỉ Hoàng Hà mênh mông nói với Khổng Tử: “Ông sao không học đức lớn của nước?”
Khổng Tử đáp: ”Nước có đức sao?”
Lão Tử nói: “Không tranh giành với người đời, thì trong thiên hạ không có ai có thể tranh cùng, đây là học theo đức của nước vậy. Nước gần với Đạo; Đạo không nơi nào không có, nước không nơi nào không có lợi, tránh chỗ cao mà về chỗ thấp, chưa bao giờ ngược lại, là giỏi tìm chỗ đứng vậy. Ở nơi không trung nên trong vắt tĩnh lặng, sâu không thể đo biết được. Tổn mà không kiệt, làm mà không cầu báo, là giỏi làm việc nhân nghĩa vậy. Tròn ắt sẽ quay, vuông ắt sẽ gãy, bịt ắt sẽ dừng, khơi ắt sẽ chảy, là giỏi giữ chữ tín vậy.
Cho nên bậc Thánh giả tùy thời mà thi hành, bậc hiền giả tùy tình hình sự việc mà thay đổi. Bậc trí giả vô vi mà trị, bậc đạt giả thuận theo trời mà sinh. Ông lần này đi rồi, nên bỏ cái ngạo khí trong lời nói và biểu cảm, trừ cái chí dục ở dung mạo. Nếu không, người chưa đến mà tiếng tăm đã đến, thân chưa tới mà gió đã động, hiển lộ phô trương, như hổ đi trên phố, ai dám dùng ông?”.
Khổng Tử đáp: “Lời của tiên sinh đi vào tận tâm can đệ tử, đệ tử thọ ích rất nhiều, cả đời không quên. Đệ tử sẽ tuân theo chẳng dám trễ nải, để cảm tạ cái ân của tiên sinh”. Nói xong thì cáo biệt Lão Tử, cùng với Nam Cung lên xe cứ thế tiến về nước Lỗ.
Sau khi về đến nước Lỗ, học trò của Khổng Tử tranh nhau hỏi: “Tiên sinh bái Lão Tử, có gặp chăng?”
Khổng Tử nói: “Gặp!”
Học trò lại hỏi: “Lão Tử trông ra sao?”
Khổng tử đáp: “Chim, ta biết nó có thể bay; cá, ta biết nó có thể bơi; thú, ta biết nó có thể chạy. Có thể chạy thì ta có thể dùng lưới giăng bắt nó, có thể bơi thì ta có thể dùng dây tơ mà câu, có thể bay thì ta có thể dùng cung tên bắn được nó. Còn như con rồng, ta không biết nó làm sao có thể lợi dụng sức gió mà bay tới tận trời cao. Ta hôm nay gặp mặt Lão Tử, ông ấy cũng như con rồng kia thâm sâu không thể đo lường nổi!”.
theo tinhhoa.net