Ảnh minh họa. (Nguồn: Epoch Times)
Minh Đạo gia huấn’: Tiểu bách khoa toàn thư ‘Dạy con sáng Đạo’
Bài 28: Không người quê mùa
Dùng người chớ nghi, nghi người chớ dùng
Dùng người bất cẩn, họa đến bất kỳ
Tiểu nhân thất ý, sinh lòng thù hằn
Tiểu nhân tự kiêu, cậy tài kiêu căng
Không ghét tiểu nhân, là người quân tử
Tiền bạc phân minh, là bậc trượng phu
Nguyên văn chữ Hán:
用人勿疑,疑人勿用
用人不謹,害隨而至
小人失意,起為仇讎
小人自驕,恃才矜己
無惡小人,是為君子
財上分明,是為丈夫
Hán Việt:
Dụng nhân vật nghi (1), nghi nhân vật dụng (2)
Dụng nhân bất cẩn, hại tùy nhi chí
Tiểu nhân thất ý, khởi vi cừu thù
Tiểu nhân tự kiêu, thị tài căng kỷ (3)
Vô ố tiểu nhân, thị vi quân tử
Tài thượng phân minh, thị vi trượng phu (4)
Diễn giải:
– Dùng người thì cần tin tưởng, trao cho họ toàn quyền xử lý, dẫu có người nói xấu, phỉ báng cũng không nghi ngờ, còn nếu có chút nghi ngờ thì chớ dùng, sóm muộn cũng hỏng việc.
(1), (2): Sách Kim sử viết “Nghi ngờ người ta thì chớ sử dụng, sử dụng người thì chớ nghi ngờ. Từ hôm nay, người trong nước và người các sắc tộc, tùy theo tài năng đều sử dụng”.
Nguyên văn: “Nghi nhân vật sử, sử nhân vật nghi. Tự kim bản quốc cập chư sắc nhân, lượng tài thông dụng chi”.
– Dùng người mà không cẩn thận xem xét đánh giá, dùng người tùy tiện thì sẽ có tai họa xảy ra bất kỳ lúc nào.
– Kẻ tiểu nhân khi gặp chuyện không vừa ý sẽ sinh lòng thù oán. Tiểu nhân có chút khả năng thì thường tự kiêu, cậy tài kiêu căng.
(3): Sách Tùy thư viết: “Cậy tài kiêu căng, kiêu ngạo cho mình có đức sáng, trong lòng âm mưu nham hiểm, bề ngoài tỏ vẻ trang trọng đơn giản, mũ áo đường hoàng để che đậy gian trá, trừ khử quan can gián để che dấu lỗi lầm”.
Nguyên văn: “Thị tài căng kỷ, ngạo ngận minh đức, nội hoài hiểm táo, ngoại thị ngưng giản, thịnh quan phục dĩ sức kỳ gian, trừ gián quan dĩ yểm kỳ quá”.
– Người quân tử thì không ghét bỏ kẻ tiểu nhân. Người quân tử có lòng bao dung, có khả năng phán đoán nhận biết tốt, phân biệt rõ kẻ tốt người xấu, kẻ tiểu nhân người quân tử, nhưng họ không ghét bỏ tiểu nhân, mà bao dung giáo hóa.
– Kẻ trượng phu thì nên rành mạch rõ ràng về vấn đề tiền bạc.
(4): Sách giáo dục xưa Tăng quảng hiền văn viết: “Trong khi uống rượu mà không nói lời loạn ngôn, lời không hợp với lễ nghi, thì đó chính là bậc quân tử thực sự. Về vấn đề tiền bạc minh bạch rõ rành thì đó chính là bậc đại trượng phu”.
Nguyên văn: “Tửu trung bất ngữ chân quân tử, tài thượng phân minh đại trượng phu”
Câu chuyện tham khảo:
Lý Mục và đạo lý “dùng người thì chớ nghi”
Lý Mục là tướng giỏi nước Triệu, ông đóng quân trấn thủ ở quận Phạt Địa, Nhạn Môn chống quân Hung Nô, đặt các quan lại, thu thuế, lương thảo đem về phủ làm kinh phí cho binh sỹ.
Lý Mục ngày ngày giết bò khao binh sỹ, huấn luyện binh sỹ cưỡi ngựa bắn cung, cẩn thận canh gác đài phong hỏa, phái người đi trinh sát tình hình địch, hậu đãi binh sỹ.
Lý Mục đặt quân lệnh: “Nếu Hung Nô xâm phạm, người ngựa đều phải nhanh chóng vào thành cố thủ, kẻ nào cả gan đi đánh hay bắt địch thì sẽ bị xử trảm”.
Mỗi khi Hung Nô xâm nhập, đài phong hỏa truyền đi báo động, quân đội của Lý Mục đều rút hết vào thành cố thủ không nghênh chiến. Cứ như thế mấy năm, người ngựa và tài sản không mảy may tổn thất.
Quân Hung Nô cho rằng Lý Mục hèn nhát. Các quan binh vùng biên giới của nước Triệu cũng cho rằng chủ soái hèn nhát sợ không dám đánh. Triệu vương quở trách, Lý Mục vẫn cứ như cũ. Triệu vương nổi giận, triệu hồi Lý Mục về, phái người khác thay.
Trong hơn 1 năm, mỗi lần Hung Nô xâm phạm, quân Triệu lại xuất quân đánh, nhưng lần nào cũng thất bại, tổn thất người, vật nặng nề. Vùng biên cương giờ hoang vu, không ai chăn nuôi, trồng trọt nữa.
Triệu vương đành mời Lý Mục tái nhiệm, nhưng Lý Mục thoái thác bệnh không đi. Triệu vương phải ra lệnh nhiều lần, Lý Mục mới lĩnh mệnh và nói: “Nếu đại vương dùng thần, thần vẫn cứ làm như trước, thì mới phụng mệnh”. Triệu vương liền đồng ý.
Lý Mục lại làm như trước. Quân Hung Nô mấy năm liền không thu được cái gì, đều cho rằng Lý Mục hèn nhát.
Quan quân biên cương hàng ngày đều được thưởng, mà lại không có đất dụng binh, đều muốn đánh một trận. Thế là Lý Mục chọn 1300 chiến xa, 1 vạn 3 nghìn chiến mã, lại chọn 5 vạn dũng sỹ can đảm xung phong hãm trận, 10 vạn binh sỹ giỏi bắn cung, tổ chức lại huấn luyện tác chiến. Đồng thời sai người cho chăn thả gia súc khắp nơi, người và gia súc khắp núi rừng, đồng cỏ.
Quân Hung Nô cho một toán nhỏ xâm nhập, Lý Mục giả thua, cố ý để Hung Nô cướp gia súc. Vua Hung Nô là Thiền Vu nghe tin liền dẫn đại quân xâm nhập. Lý Mục bố trí rất nhiều kỳ binh từ hai cánh đánh tới. Hung Nô đại bại, chết hơn vạn quân. Quân Triệu tiêu diệt Xiêm Lam, đánh bại Đông Hồ, thu phục Lâm Hồ, Thiền Vu chạy trốn. Từ đó cho đến mười mấy năm sau, quân Hung Nô không còn dám bén mảng đến gần biên giới nước Triệu nữa.
Trung Dung
Xem thêm: Kỳ 30
Bạn bình luận gì về tin này?
NTD Việt Nam