Sống trong thời loạn lạc càng phải giữ mình ngay thẳng. (Tranh: Bình Minh – NTDVN)
Hứa Hoành cương quyết nói tiếp: “Cái gì không phải của mình thì đó là thứ bất nghĩa, là không được lấy”.
Yêu hiền như lan, sợ ác như hổ
Trong thành hỏa hoạn, vạ cá dưới ao
Nước nguy không vào, nước loạn không ở
Giữa vùng binh đao, giữ mình trên hết
Chữ Hán:
愛賢如蘭,畏惡如虎
城中失火,禍及池魚
危邦不入,亂邦不居
兵革之間,守身為大
Hán Việt:
Ái hiền như lan, úy ác như hổ
Thành trung thất hỏa, họa cập trì ngư (1)
Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư (2)
Binh cách chi gian, thủ thân vi đại
Diễn giải:
- Yêu quý người hiền đức như yêu quý hoa lan, loài hoa thanh cao vừa có hương vừa có sắc. Sợ cái xấu cái ác như sợ hổ dữ.
Một số người giải nghĩa “úy ác như hổ” là “ghét người ác như sợ hổ dữ”, chữ Úy chỉ có nghĩ là Sợ, Khâm Phục, chứ không có nghĩa Ghét.
- Trong thành bị hỏa hoạn thì vạ lây đến cá dưới ao. Câu này có nghĩa rằng, khi có một tai họa nào đó, thì có thể có những người vô tội bị vạ lây. Nguyên câu này có nguồn gốc như sau:
Sách “Phong tục thông nghĩa” của Ứng Thiệu đời Hán có ghi chép câu chuyện “Thành môn thất hỏa ương cập trì ngư” (Cửa thành bị cháy, vạ cá dưới ao) rằng: “Một người gác cổng thành họ Trì tên Ngư. Khi cổng thành bị cháy, anh ta đến dập lửa chữa cháy, và bị thiêu chết”.
Nhưng sách “Bách gia thư” lại có ghi chép câu chuyện rằng: “Cửa thành nước Tống bị cháy, mọi người múc nước dưới ao để chữa cháy, khiến nước ao bị cạn, cá lộ ra, và bị mọi người bắt đem về ăn”.
Theo chúng tôi nhìn nhận thì lý giải của Bách Gia Thư hợp lý hơn, chỉ tai bay vạ gió, vạ lây. Còn lý giải ở Phong Tục Thông Nghĩa chỉ là câu chuyện, không có ngụ ý sâu xa, đó là nhiệm vụ của người gác cổng thành, thì cũng chỉ coi là hy sinh khi đang làm nhiệm vụ mà thôi.
- Nước hoặc khu vực đang trong nguy hiểm thì không nên vào, nước hoặc khu vực đang trong loạn lạc thì không lên cư trú. Câu này có nguồn gốc từ “Luận Ngữ” của Khổng Tử, cụ thể như sau:
Tử viết: “Đốc tín hiếu học, thủ tử thiện đạo, nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư. Thiên hạ hữu đạo tắc hiện, vô đạo tắc ẩn. Bang hữu đạo, bần nhi tiện yên, sỉ dã; bang vô đạo, phú nhi quý yên, sỉ dã”.
Tạm dịch:
Khổng Tử nói: “Kiên định, tin tưởng (vào đạo Nho), dốc sức học tập, thề sống chết bảo vệ đạo tốt đẹp này. Quốc gia nguy hiểm thì không vào, quốc gia loạn lạc thì không cư trú. Thiên hạ có đạo thì ra làm quan (làm chính trị) để giúp vua giúp dân. Thiên hạ vô đạo thì ẩn cư không ra làm quan. Quốc gia có đạo mà bản thân mình nghèo khó thấp kém, thì đó là sự sỉ nhục. Quốc gia vô đạo mà bản thân mình lại giàu sang phú quý, đó là sự sỉ nhục”.
- Sống trong vùng binh đao, chiến tranh loạn lạc, thì việc giữ mình là quan trọng nhất. Không để những hoàn cảnh ác liệt xung quanh như đói rét, nguy hiểm, kẻ ác uy hiếp, đánh đập, giết chóc mà đánh mất mình, đánh mất tiêu chuẩn đạo đức làm người của mình. (Tiêu chuẩn đạo đức Nho gia: Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín).
Câu chuyện tham khảo
Sống trong thời loạn lạc càng phải giữ mình ngay thẳng
Hứa Hoành là nhà tư tưởng, nhà giáo dục và là nhà thiên văn kiệt xuất thời cổ đại Trung Quốc. Ông từng làm quan đến chức Tập Hiền Đại Học Sĩ kiêm Quốc Tử Tế Tửu của triều nhà Nguyên.
Khi còn nhỏ, bởi gia cảnh nghèo khó, nhiều đời thuần nông nên ông phải ăn rau dại qua ngày. Tuy nhiên Hứa Hoành là một người rất ham học. Năm lên bảy tuổi ông đã từng hỏi thầy giáo rằng: “Thưa thầy học để làm gì vậy ạ?”
Thầy giáo trả lời: “Là để thi đỗ khoa cử”.
Hứa Hoành nghĩ một lúc rồi hỏi tiếp: “Không lẽ chỉ như vậy thôi sao?”
Thầy giáo nghe xong rất lấy làm ngạc nhiên, nhận thấy cậu học trò này khác hẳn với những bạn học khác.
Thời niên thiếu, Hứa Hoành không có tiền mua sách nên phải xin học ở nhà những người có học vấn cao. Ông học được rất nhiều kiến thức từ các sách đọc được, các sách mượn được hoặc chép lại, cuối cùng đã trở thành một người có học thức uyên bác.
Hứa Hoành khi còn trẻ, trong lúc học luôn tự biết đối chiếu từng lời nói, ý niệm và hành vi của bản thân với những gì học được trong sách. Theo ông, đối với sự dạy bảo của các bậc Thánh hiền thì trước tiên cần phải tu sửa tự mình, sau mới có thể chỉ bảo cho người khác, quyết không đảo lộn trật tự này.
Vào một ngày hè nóng nực, vùng Hứa Hoành sinh sống loạn lạc, ông cùng một vài người khác đi chạy nạn, cả ngày lẫn đêm đều không được ăn uống gì, cổ họng ai cũng khô cháy. Bỗng họ nhìn thấy bên đường có một cây lê sai trĩu quả, những người kia vội vàng tranh nhau hái lê ăn, chỉ có một mình Hứa Hoành vẫn ngồi dưới gốc cây đọc sách như chưa hề nhìn thấy quả lê trên cây.
Một người bạn nói với ông: “Cây lê này quả vừa chín tới, ăn rất thơm ngon, lại đỡ khát nước. Sao bạn không đi hái mà ăn?”
Hứa Hoành trả lời: “Đây không phải cây lê nhà tôi, sao tôi có thể hái mà ăn được? Tôi không ăn đâu”.
Những người bạn khác chạy lại tiếp lời: “Giờ chiến tranh loạn lạc thế này, người chết cứ chết, người chạy cứ chạy, cây lê này không có chủ đâu, đừng lo, cứ ăn đi.”
Ông lại đáp: “Mặc dù cây không có chủ nhưng lòng tôi không thể không có chủ; Nhân nghĩa chính là người chủ trong lòng tôi”.
Hứa Hoành cương quyết nói tiếp: “Cái gì không phải của mình thì đó là thứ bất nghĩa, là không được lấy”.
Nói rồi, trước sau như một, ông tuyệt nhiên vẫn không bứt quả để ăn. Trong loạn lạc, đói khát, ông vẫn giữ mình trong sạch, giữ vững tiêu chuẩn đạo đức làm người của mình. (Nguồn: NTDVN)
Trung Dung
NTD Việt Nam