Đối xử tốt với vợ con người khác, tự mình được phúc báo. (Tranh Bình Minh – NTDVN)
Vợ chồng Vương Uy thuở trẻ ly tán, nửa đời không tin tức, đến cuối đời, bất ngờ gặp lại vợ và con trai, đủ để làm lay động lòng người.
Vào thời nhà Thanh, có một người đàn ông tên Vương Uy ở Liễu Châu, lấy vợ là họ Ngô, nhưng mới được hai năm, bọn cướp đến khiến vợ chồng bị ly tán. Vương Uy nghèo đến mức không thể tự nuôi mình, nên phải đi buôn bán những món đồ nhỏ. Vì ông và vợ đã thất lạc nhau, nhà không có vợ con, nên ông thường xuyên vài năm không về nhà.
Một lần ông đến Hạ Ấp ở Bình Dương, thuê một gian hàng trong một cửa hàng để mua bán hàng hóa. Lúc đó, huyện đang gặp nạn đói, nhiều người bỏ đi. Một ngày nọ, ông bỗng nhìn thấy bên ngoài cửa hàng có một người phụ nữ trẻ, bế theo một đứa trẻ khoảng năm sáu tuổi, khóc rất thương tâm. Ông bèn hỏi chủ quán là chuyện gì.
Thì ra hàng xóm của cửa hàng là nhà họ Ngũ, vợ họ Mạnh. Người chồng Ngũ Nguyên đi làm xa đã sáu năm nay, không có tin tức gì. Gần đây, mẹ chồng mất, không có tiền mua quan tài, chỉ có thể bán mình để lấy tiền mua quan tài, nhưng người mua chê cô có con trai, Mạnh Thị đành phải bán con trai cho người khác. Bây giờ mẹ con không nỡ sinh ly, nên khóc rất thương tâm.
Vương Uy nghe xong, sinh lòng thương xót. Ông nói: “Tôi đã qua nửa đời người, vốn không muốn lấy vợ nữa. Nếu cô ấy không chê tôi lớn tuổi, tôi nguyện ý giúp cô ấy chôn cất mẹ chồng và nuôi dưỡng con trai.”
Chủ quán nói: “Đây là một việc làm thiện.” Rồi đi báo cho Mạnh Thị, Mạnh Thị đồng ý.
Vương Uy bèn đi mua quan tài, chọn ngày an táng cho mẹ chồng Mạnh Thị. Lúc đưa tang, Mạnh Thị khóc lóc nói: “Vì mẹ chồng và con trai, tôi cảm thấy xấu hổ thất tiết, chết đi không thể đối mặt với mẹ chồng đã khuất, sống lại không thể đối mặt với chồng cũ.”
Mọi người nghe thấy đều cảm thấy xót xa.
Vương Uy thấy nhà Mạnh Thị rách nát, bèn bỏ tiền ra sửa chữa, dần dần sắm sửa đồ đạc. Con trai Mạnh Thị tên là Huệ, ông bèn cho cậu bé theo thầy đồ học chữ.
Ba năm sau, Ngũ Nguyên từ xa trở về, nghe nói vợ đã tái giá, liền đến cửa hàng hàng xóm để hỏi thăm. Chủ quán kể lại tỉ mỉ sự việc đã xảy ra. Ngũ Nguyên nói: “Nuôi con trai chôn cất mẹ, ân nghĩa vô cùng sâu nặng, huống hồ vợ đã tái giá, tôi chỉ mong nhận lại con trai của mình, những chuyện khác sẽ không hỏi đến nữa.”
Mọi người trong cửa hàng liền đem lời của Ngũ Nguyên báo cho Vương Uy, Vương Uy hỏi ý nguyện của Mạnh Thị, Mạnh Thị nói muốn theo chồng cũ về nhà. Vương Uy nói: “Nếu vậy, hãy bảo Ngũ Nguyên tạm thời ở lại trong cửa hàng, ta thu dọn số tiền còn lại, ngày mai sẽ rời đi.”
Chủ quán hỏi: “Đồ gia dụng mà ông mua thì sao?”
Vương Uy trả lời: “Tất cả đều thuộc về Ngũ Nguyên.”
Vương Uy rời đi năm tháng sau, Mạnh Thị sinh một đôi song sinh. Ngũ Nguyên biết đây là con của Vương Uy để lại, nghĩ đến ân nghĩa của Vương Uy đối với gia đình mình, liền đối xử tốt với họ, và đặt tên hai con trai là Ân và Nghĩa.
Khi hai đứa trẻ lên chín tuổi, bỗng nhiên có một vị Võ Dực Đô Úy thế gia là Trịnh Công đến, họ ở trong cửa hàng đối diện nhà của Ngũ Nguyên. Sau này con trai Trịnh Công bị bệnh, chữa trị không khỏi, mấy ngày sau qua đời. Hai anh em Ân và Nghĩa thường xuyên chơi đùa bên ngoài cửa hàng, Trịnh Công thấy dung mạo của Ân rất giống con trai mình, và tuổi tác cũng tương đương, liền muốn nhận làm con nuôi, kế thừa danh tiếng thế gia của mình, bèn nhờ chủ quán chuyển lời cho Ngũ Nguyên.
Ngũ Nguyên biết được, bàn bạc với Mạnh Thị, Mạnh Thị vui vẻ đồng ý. Trịnh Công dùng rất nhiều tiền bạc để báo đáp Ngũ Nguyên, rồi dẫn theo Ân ra đi.
Nhiều năm sau, Vương Uy buôn bán hàng hóa, kiếm được kha khá tiền. Khi về già, ông trở về quê hương, trên đường đi, ông nghỉ trọ ở một quán trọ của một ấp thuộc Ngô Châu. Khi sắp đi ngủ, ông đột nhiên nghe thấy tiếng khóc của một người phụ nữ. Ông gọi người trong quán hỏi thăm. Người trong quán nói: “Có một người họ Ngũ, chạy nạn đến đây, ba tháng trước đột nhiên qua đời. Con trai của ông ta đi làm xa, mấy năm nay không có tin tức. Mẹ chồng con dâu hai người nghèo đến mức không thể nuôi sống, đành phải để con dâu theo người khác đến nơi khác, vì vậy đang khóc lóc đau khổ.”
Vương Uy trong lòng không đành lòng, tỏ ra đồng cảm nói: “Con trai của họ bao nhiêu tuổi rồi?”
Người trong quán nói: “Con trai của ông ta tên là Nghĩa, tôi đã từng gặp qua, khoảng chừng hai bảy hai tám tuổi, dung mạo và ông có chút giống nhau.”
Vương Uy giả vờ ngạc nhiên nói: “Chút nữa thì hỏng chuyện lớn rồi. Ông ấy có bạc và thư nhờ tôi mang đến, định sáng mai giao cho họ, bây giờ nếu vậy, thì nên nhanh chóng mang đến cho họ.”
Thế là ông lấy ra mấy lượng bạc đưa cho chủ quán bảo đi gặp bà Ngũ, nói với bà ấy rằng ông và con trai của bà đã quen biết từ lâu, vì còn một hai việc chưa giải quyết xong, nên để ông mang trước mấy lượng bạc trắng, coi như tạm thời dùng, con trai bà nhất định sẽ về nhà trong vòng mười ngày tới.
Vương Uy nói thêm: “Con trai bà ấy buôn bán phát tài, trong tay tích cóp khoảng vài trăm lượng bạc.”
Chuyển lời nói xong, chủ quán đưa bạc cho bà Ngũ, bà tin là thật và nhận mấy lạng bạc, rồi hủy bỏ việc dự định gả con dâu đi.
Ngũ Nghĩa quả nhiên trở lại vào ngày thứ chín, số tiền anh tích lũy cũng như Vương Uy nói. Mẹ Ngũ Nghĩa nói với Ngũ Nghĩa rằng: “May mắn là trước đó con đã gửi vài lượng bạc qua người khách hàng mang về, nếu không vợ con đã tái giá từ vài ngày trước rồi.”
Sau đó bà kể lại chi tiết sự việc cho Ngũ Nghĩa. Ngũ Nghĩa nói: “Không, trong số những người quen thân của con không có ai họ Vương cả.”
Mẹ Ngũ Nghĩa rất ngạc nhiên, liền lấy bạc ra cho Ngũ Nghĩa xem và nói: “Đây chính là bạc ông ấy mang đến, vẫn chưa dùng hết. Khách họ Vương ngủ lại đây tối qua, sắp sửa rời đi, chủ quán trọ chắc chắn biết tin tức về khách, con nhanh chóng đi gặp người đó.”
Ngũ Nghĩa tuân theo lệnh của mẹ đến quán. Chủ quán nói: “Khách họ Vương tình cờ bị bệnh nhẹ, bây giờ dù đã khỏi nhưng vẫn chưa lên đường.”
Ngũ Nghĩa gặp Vương Uy, lập tức quỳ xuống cảm ơn. Vương Uy ngạc nhiên hỏi tại sao? Chủ quán nói: “Đây chính là Ngũ Nghĩa mà ông đã mang giúp bạc về, bây giờ sao ông lại không nhận ra anh ta?”
Vương Uy cười nói: “Tôi thực sự không quen biết anh ta, chỉ là lúc đó không nỡ thấy họ mẹ chồng nàng dâu ly biệt, nên mới giả vờ làm như vậy.”
Chủ quán vui vẻ nói: “Khách quý, ông quả thật là người quân tử nhân đức”.
Ngũ Nghĩa nói: “Ngày mai trưa con chuẩn bị một bàn tiệc đơn giản, kính trọng cảm ơn ân đức của bác, và trả lại số tiền gốc, mong bác sớm ghé thăm.”
Vương Uy nói: “Tiền gốc tôi nhất định không nhận, đó là việc tôi nên làm lúc đó.”
Ngày hôm sau, Vương Uy mời chủ quán cùng đi.
Họ đến nhà Ngũ Nghĩa, mẹ Ngũ Nghĩa nhìn qua cửa sổ thấy khách, bất ngờ kêu con trai lại và nói: “Con hỏi khách xem tên có phải là Uy, người Liễu Châu không? Nếu thực sự như vậy, thì đó là cha đẻ của con.”
Ngũ Nghĩa làm theo lời mẹ hỏi Vương Uy.
Vương Uy nói: “Sao anh lại biết?”
Ngũ Nghĩa chưa kịp trả lời, mẹ Ngũ Nghĩa đã đi ra, nói: “Ông không nhận ra Mạnh Thị sao? Tóc râu ông bạc như sương thu, tôi cũng không dám nhận”.
Sau đó, Mạnh Thị chỉ vào Ngũ Nghĩa nói: “Đây chính là con trai của ông”.
Vương Uy im lặng, không biết nói gì.
Mạnh Thị giải thích thêm: “Sau khi ông rời đi năm tháng, tôi sinh được một đôi song sinh, đây là con trai thứ.”
Vương Uy lại hỏi: “Vậy anh trai nó đâu?”
Mạnh Thị trả lời: “Khi nó chín tuổi, được giao cho võ quan họ Trịnh làm con nuôi, đến nay vẫn chưa có tin tức.”
Vương Uy nói: “Vậy Ngũ Huệ đi đâu rồi?”
Mạnh Thị nói: “Nó đưa linh cữu cha nó đi an táng vẫn chưa trở về.”
Chủ quán nói: “Ông được đoàn tụ vợ chồng, cha con, tất cả đều nhờ vào lòng trọng nghĩa khinh tài, thích làm việc thiện của ông”.
Vương Uy sau đó an cư tại thị trấn thuộc Ngô Châu. Vợ chồng Vương Uy thuở trẻ ly tán, nửa đời không tin tức, đến cuối đời, bất ngờ gặp lại vợ và con trai, đủ để làm lay động lòng người.
Nguồn tư liệu: “Ích Trí Lục”.
Cổ Dung – Epoch Times
Trung Hòa biên dịch
NTD Việt Nam