Thần thoại, truyền thuyết rốt cuộc là thật hay giả, là hư hay thực, xưa nay chưa ai dám khẳng định điều đó. Khoa học càng phát triển thì dấu hỏi ấy càng lớn. Tầm nhìn hạn hẹp của con người hoàn toàn không thể tìm ra một câu trả lời thoả đáng.
Người ta khi còn nhỏ, mang bản tính trời sinh, luôn tò mò không ngừng suy đoán rằng những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết rốt cuộc có thật hay không. Sau này trưởng thành, dù tiếp thụ nền giáo dục khoa học kỹ thuật hiện đại nhưng nỗi tò mò ấy chỉ ngày càng lớn hơn, không có cách nào lý giải.
Nhưng không phải không tồn tại những bằng chứng chứng minh sự tồn tại của thế giới thần linh và những hiện tượng siêu nhiên ấy. Từ quan điểm của khoa học liên ngành mà nói, mối nghi ngờ ấy đang ngày càng được làm sáng tỏ hơn.
Trước hết hãy thử định nghĩa lại “khoa học” rốt cuộc là gì? Theo lý giải của con người ngày nay, khoa học là một loại phương thức để nhận thức thế giới. Nhưng có một vấn đề nảy sinh đó là, khoa học mà chúng ta nắm giữ hiện nay có thực là “khoa học chân chính” chăng?
Năng lực nhận thức thế giới khách quan của nó rốt cuộc lớn bao nhiêu? So với những truyền thuyết, thần thoại dân tộc được lưu truyền hàng nghìn năm kia, khoa học có thực sự còn là khoa học không?
Khoa học hay thần thoại đều là cách con người nhận thức thế giới
Học thuyết Ngũ hành của Trung Hoa đã sớm được khoa học hiện đại thừa nhận, thậm chí trong các ngành khoa học mũi nhọn đã có người phân loại bảng chu kỳ nguyên tố dựa trên thuyết “ngũ hành” này. Tuy nhiên, bất luận nhận thức thế nào, học thuyết Ngũ hành ngày nay dường như đã bị người ta quy vào phạm trù của triết học.
Nhưng trên thực tế học thuyết Ngũ hành vốn không chỉ giới hạn ở nhận thức thế giới kiểu như triết học, tôn giáo, mà là một loại tri thức khoa học kỹ thuật thực sự. Những ai đã từng học qua trung học đều biết, vạn vật trong thế giới, ở mức vi quan đều là do phân tử, nguyên tử tổ hợp thành.
Bảng nguyên tố mà mọi người quen thuộc đều là những nguyên liệu cơ bản, dựa theo trình tự sắp xếp, phương thức tổ hợp khác nhau mà cấu tạo nên thế giới vạn vật muôn màu muôn vẻ. Nhưng đã ai từng nghĩ rằng ở một tầng thâm sâu hơn các nguyên tử phải chăng là cũng có một loạt hạt vật chất nào đó, một tầng vật chất nào đó?
Trong tầng vật chất đó là có chứa năm loại nguyên tố Ngũ hành: Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Phải chăng nó chính là nguyên liệu cấu thành nên hàng trăm nguyên tố trong bảng tuần hoàn kia? Về điểm này, chắc chắn khoa học cổ đại đã đi trước khoa học hiện đại một bước.
Người ta vốn vẫn mang trong mình một quan niệm cố hữu rằng khoa học cổ đại luôn tụt hậu, không phát triển bằng khoa học hiện đại ngày nay. Trên thực tế, đó là một nhận thức thiên kiến, hết sức chủ quan.
Đơn cử lấy một ví dụ về các Kim Tự Tháp ở Ai Cập. Con người hiện đại đã nghiên cứu chúng suốt hàng trăm năm qua nhưng vẫn chưa từng tìm hiểu được vì sao con người cổ đại vốn luôn bị coi là lạc hậu đó có thể xây dựng nên chúng.
Những tảng đá nặng hàng chục nghìn tấn được xếp ngay ngắn trên độ cao hàng trăm mét, ngay cả công nghệ hiện đại ngày nay cũng khó mà làm nổi. Thử hỏi ai đã tạo ra những Kim Tự Tháp vĩ đại nghìn năm sừng sững giữa sa mạc này?
Người Trung Quốc cổ đại cũng có một cách nói là thế giới này nổi trôi bồng bềnh trong một “đại dương mênh mông”. Người ta coi đó là một thứ mê tín, truyền thuyết không thực tế.
Nhưng chẳng phải nước chính là yếu tố cơ bản cấu thành nên thế giới sao? Chẳng phải 3/4 Trái Đất là do nước bao phủ sao, và chẳng phải hành tinh này của chúng ta quả thực cũng đang nổi trôi bồng bềnh trong một vũ trụ mênh mông đó sao?
Người xưa không có kính thiên văn hiện đại to lớn như ngày nay, chắc chắn cũng chưa từng chu du vòng quanh thế giới, làm sao họ nhận thức đến đó được?
Trong Phật giáo, người ta cũng có cách nói rằng: “Thế giới chúng ta trôi nổi bồng bềnh trong nước”, cũng chính là từ một điểm nhìn ấy mà phát xuất ra. Vậy thì khoa học, tôn giáo, truyền thuyết, thần thoại đều là chính những phương thức nhận thức thế giới, biểu đạt thế giới, chỉ khác là điểm nhìn của nó khác nhau vậy.
Khoa học là từng bước, từng bước tìm tòi nghiên cứu mới đạt được, còn tôn giáo, thần thoại lại là một lúc thăng lên tận chín tầng trời, nhắm thẳng vào sinh mệnh, vũ trụ mà thuyết giảng.
Một nhà vật lý học nổi tiếng khi giảng giải “Thuyết tương đối” của Einstein và “Lý thuyết dây” của Stephen Hawking đã dẫn lời một lượng lớn kinh điển trong Phật học để giải thích. Cuối cùng ông đưa ra kết luận: “Trong khi các nhà khoa học phải chịu bao cực khổ mới bò lên được đến đỉnh núi, thì các bậc thầy về Phật học đã chờ đợi rất lâu trên đó rồi!“.
Quan niệm sai lầm mắt thấy tai nghe mới đáng tin
Chúng ta biết rằng những gì khoa học đạt được đến ngày nay đều là bắt nguồn từ vô số giả thuyết. Các nhà khoa học thoạt đầu đưa ra những khái niệm, tiên đề rồi dần dần chứng thực chúng bằng một quá trình nghiên cứu lâu dài. Khi một lý thuyết được chứng thực, người ta bèn gọi chúng là khoa học.
Những gì không thể sờ tận tay, nhìn tận mắt thì khoa học đều cho rằng đó là chuyện huyền hoặc không có thật. Vô số thần thoại, truyền thuyết cổ xưa cũng bị quy chụp vào cái mũ “mê tín”, bị phủ nhận hoàn toàn.
Khoa học thực chứng đã tạo cho người ta rất nhiều quan điểm cực đoan. Những gì không được mắt thấy tai nghe, người ta không dễ mà tin được. Vậy nên con người càng ngày càng sống thực dụng hơn, chỉ quan tâm đến vật chất mà bỏ bê tinh thần, đạo đức. Đạo đức hay tinh thần chẳng phải vốn là thứ không thể nhìn được đó sao?
Câu chuyện về thầy bói mù xem voi đã nói rõ tình cảnh trớ trêu này. Kể rằng xưa có 5 ông thầy bói mù chưa từng biết hình thù con voi ra sao. Một lần, có người dắt voi đi qua cổng làng, 5 ông xúm lại xem thử. Người sờ được vòi thì nói con voi chẳng khác gì con đỉa. Người sờ ngà lại phán nó dài và cứng như cái đòn gánh. Người sờ tai lại cho rằng nó bè bè như cái quạt thóc. Người sờ chân khẳng định con voi như cái cột đình. Người sờ đuôi lại cãi con voi như hình cái chổi xể cùn.
Khoa học thực chứng nhìn thế giới nào có khác gì mấy ông thầy bói mù xem voi kia, vốn chỉ thấy được một phần nhỏ của thế giới vật chất và vũ trụ này.
Có người nói khoa học chính là một thứ ếch ngồi đáy giếng, dùng cái lồng mà mình tự bày ra để đóng khung thế giới và vũ trụ lại. Đáng tiếc là con người lại đang nhìn nhận cái “lồng khoa học” ấy như là một vũ trụ thật sự và vượt khỏi cái lồng kia, mọi thứ đều là giả.
Con người tin vào khoa học và tự rời xa bản nguyên của mình. Thực ra khoa học không tạo ra con người. Nó chỉ là phương tiện do con người tạo ra. Còn nhân tố tạo ra con người từ thuở khai thiên lập địa chính là các vị Thần.
Tất cả các nền văn hoá đều thừa nhận điều này. Chúa trời tạo ra con người từ bùn đất. Bàn Cổ tạo ra trời đất, Nữ Oa lấy chính hình tượng của mình mà nặn ra con người từ bùn đất sông Hoàng Hà. Ở đâu cũng có thể bắt gặp những truyền thuyết như vậy.
Thực ra cặp mắt thịt của con người nhìn nhận thế giới này thậm chí còn kém hơn những gì khoa học có thể vươn tới trong khi bản thân khoa học cũng có những hạn chế rất lớn. Người ta chỉ có thể nhìn thấy những thứ vỏ bề ngoài của vật chất, hơn nữa không có ánh sáng thì mắt thịt kia không trông thấy gì. Làm sao con người dám khẳng định bên ngoài vũ trụ kia không tồn tại những lực lượng siêu nhiên khác đang chi phối sự sống.
Có một câu chuyện minh hoạ cho điều đó thế này. Một chàng trai trẻ đến gặp thiền sư để hỏi về vũ trụ, thế giới, về những thứ siêu nhiên mà bản thân lâu nay vẫn thắc mắc. Chàng nói: “Thưa thiền sư, ngài đã bao giờ nhìn thấy Phật chưa?“.
Thiền sư ung dung trả lời: “Ta chưa từng nhìn thấy“.
“Vậy tại sao ngài vẫn tin rằng có Phật, tại sao ngài vẫn tu hành khổ hạnh ở nơi này?“.
“Trước khi trả lời, ta muốn hỏi cậu một câu. Cậu có nhìn thấy toà cung điện thấp thoáng ở xa kia không?“.
“Dĩ nhiên là có, nó cách đây cũng không xa lắm, chừng vài dặm đường“.
“Ta lại hỏi tiếp, nếu bây giờ là ban đêm liệu cậu có thể nhìn được nó chăng?“.
“Dĩ nhiên là không. Không có đèn thì chẳng nhìn thấy bất cứ gì trong đêm cả“.
“Như vậy, liệu có phải chỉ vì cậu không nhìn thấy mà ở đằng xa đó không có toà lâu đài không?”
Chàng thanh niên không biết ăn nói ra sao, bèn im lặng hồi lâu. Thiền sư tiếp lời: “Tầm nhìn của người ta luôn bị phong bế, không phải là màn đêm thì là do quan niệm. Điều đôi mắt cậu nhìn thấy chỉ là bóng đêm mà thôi. Những gì chân thực nhất vẫn tồn tại ở đằng sau ấy. Chỉ là cậu có dám quét bỏ bóng tối đi không mà thôi?“.
Thế giới của Thần là thực sự tồn tại
Nói như vậy để thấy rằng thế giới thần linh, ma quỷ, thần thoại và truyền thuyết thực sự tồn tại ngoài chủ ý của con người. Không phải vì người ta không tin rằng nó tồn tại mà nó liền lập tức không còn có nữa.
Nhận thức mơ hồ của con người về thế giới đứng trên lập trường của khoa học thực chứng đã khiến những đức tin vào Thần Phật, thiện ác, đạo đức trở nên ngày càng huyền hoặc.
Nhưng Thần là một khái niệm hoàn toàn có thật, thậm chí rất khoa học. Chính các nhà khoa học lỗi lạc nhất cũng chưa từng phủ định sự tồn tại của “Đấng toàn năng” ấy. Nhà bác học Albert Einstein, được người ta xưng tụng là cột trụ của vật lý học hiện đại, lại chính là người có đức tin mạnh mẽ nhất vào Thần, vào Chúa trời.
Ông nói: “Sự gian ác nảy sinh là do vắng bóng Thiên Chúa trong linh hồn… Khoa học không tôn giáo là mù lòa, tôn giáo thiếu khoa học là què quặt… Tôi chưa hề gặp điều gì trong Khoa học của tôi mà lại đi ngược với Tôn giáo”.
Louis Pasteur, người được gọi là “cha đẻ của vi sinh vật học” cũng nói: “Càng nghiên cứu khoa học, tôi càng tin vào Đức Chúa Trời. Thật là mỉa mai cho lòng dạ con người khi họ tin rằng chết là hết, hoặc chết là trở về với hư vô. Sự mê muội vào khoa học sẽ gạt bỏ Chúa. Khoa học rồi sẽ quay về phụng sự Chúa”.
Còn nhà bác học Hy Lạp cổ đại Platon thì khẳng định: “Những ai có một chút trí khôn, đều phải kêu cầu Đức Chúa Trời trước khi bắt đầu công việc của họ, dù việc lớn hay việc nhỏ”.
Như vậy là con người đã lờ mờ nhận ra sự tồn tại của Thần và các khái niệm về thần linh. Nhưng tri thức hạn hữu và những loại quan niệm cố hữu đã khiến niềm tin đó trở nên mờ nhạt và ngày càng bị vùi lấp bởi tư tưởng vô thần.
Sự vô thần của con người chính là điều dẫn đến sự huỷ hoại và diệt vong của xã hội. Bởi một khi không còn tin vào Thần Phật, con người sẽ không từ thủ đoạn nào để truy cầu cho mình một cuộc sống tốt đẹp, thoải mái hơn về vật chất, lợi ích, bất chấp những quy phạm đạo đức.
Nếu Thần đã tồn tại thì vì sao con người vẫn không thể nhìn thấy họ bằng con mắt này? Có hai nguyên nhân giải thích cho điều đó.
Một là, như đã nói, cặp mắt trần tục của chúng ta hoàn toàn không có khả năng nhìn được sự tồn tại của những hiện tượng siêu nhiên, nằm ngoài sự nhận thức của khoa học. Nó chỉ được trang bị để người ta nhìn được những thứ vỏ ngoài nông cạn nhất, những hình ảnh thực tại nhất.
Muốn nhìn được những cảnh tượng chân thực, tôn giáo và giới tu luyên cho rằng người ta cần phải có cái gọi là “thiên nhãn”, tức là con mắt thứ ba. Con mắt thứ ba này có thể nhìn thấy những không gian khác, những điều mà người ta vĩnh viễn không thể nhìn được bằng mắt thường dù có sử dụng khí cụ khoa học chính xác, tinh vi đến mấy.
Hai là, Thần những sinh mệnh thánh khiết và tinh tuý. Họ tồn tại ở những không gian rất khác biệt, rất cao so với con người. Thần Phật hoàn toàn không cho phép con người nhìn thấy mình, trừ những hoàn cảnh cực kỳ đặc thù. Có một loại hoàn cảnh đặc thù như vậy xuất hiện khi Thích Ca Mâu Ni, Lão Tử và Chúa Jesus truyền giảng đạo pháp của mình để “độ nhân” (tức là cứu rỗi con người).
Vả lại, khi con người ngày càng không còn đức tin với Thần Phật thì Thần Phật lại càng không thể xuất hiện. Lẽ nào họ có thể cho những người không còn tin vào sự tồn tại của thần linh nhìn thấy ảnh hình của mình?
Như vậy, chỉ khi con người tự mình đề cao đạo đức, tinh thần, tự làm thân thể và tử tưởng của mình trong sạch, thánh khiết, họ mới nhìn thấy được, tiếp xúc được với thế giới thần linh.
Chẳng phải 4 thầy trò Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh cũng chính là quá trình tự làm trong sạch mình thông qua tu luyện và chịu khổ nạn suốt dọc đường đi đó sao? Nếu không qua đủ 81 kiếp nạn, dù Linh Sơn có ở ngay trước mặt thì họ cũng chẳng thể gặp được Thần Phật, thỉnh được chân kinh mang về cứu độ con người vậy.
Phi Long – Văn Nhược
Nguon daikynguyenvn