Được so sánh với “Thôi Bối Đồ”, Lưu Bá Ôn đã dự đoán chính xác vận mệnh quốc gia Trung Quốc trong hàng nghìn năm. Đài Loan sẽ đối mặt với bước ngoặt? Bí quyết để giữ bình an là gì? (Cung cấp bởi “Những bí ẩn chưa được giải đáp)
Lưu Bá Ôn không chỉ là quân sư khai quốc của nhà Minh, mà còn là người văn võ song toàn, có thể tính toán, thông thiên văn tường địa lý, được người đời sau ví như Gia Cát Khổng Minh tái thế. Tuy nhiên, điều được nhắc đến nhiều nhất về ông không phải là những chiến công lừng lẫy, hay tài năng văn chương đáng kinh ngạc, mà là những lời tiên tri của ông được truyền lại cho các thế hệ tương lai.
Nhà tiên tri cứu Thái Tổ
Trong số những lời tiên tri cổ xưa nổi tiếng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, thì Lưu Bá Ôn có 3 cái, đó là “Thiêu Bính Ca”, “Kim Lăng Tháp Bi văn”, và “Cứu Kiếp Bi Văn”. Mặc dù không có cách nào để xác minh liệu những lời tiên tri này có phải do Lưu Bá Ôn viết vào thời điểm đó hay không, và có nhiều ý kiến khác nhau trên Internet, nhưng việc Lưu Bá Ôn có thể đoán trước được tương lai không phải là không có căn cứ.
Có một sự kiện nổi tiếng được sử sách ghi lại. Khi đó, Lưu Bá Ôn không chỉ cứu mạng Chu Nguyên Chương bằng khả năng tiên tri của mình, mà còn chỉ huy quân đội giành chiến thắng trong một trận chiến quan trọng.
Đó là lúc Lưu Bá Ôn theo Chu Nguyên Chương chinh chiến giành giang sơn. Chu Nguyên Chương bắt đầu trận chiến với kẻ thù lớn nhất Trần Hữu Lượng tại hồ Bà Dương. Hai bên một ngày đánh nhau mấy chục trận, giao tranh rất ác liệt. Chu Nguyên Chương lo lắng nên chỉ huy chiến hạm của mình đi đến đội hình để giám sát trận chiến. Lúc đó ông đang ngồi trên giường, có Lưu Bá Ôn đứng bên. Đột nhiên Lưu Bá Ôn nhảy lên, hét lớn: “Chúa công xin hãy rút lui nhanh”. Thế là ông lập tức kéo Chu Nguyên Chương lên một chiếc thuyền nhỏ bên cạnh.
Chu Nguyên Chương chưa kịp ngồi xuống thì một quả hỏa pháo bay đã bắn trúng chiến hạm mà ông vừa ở trên đó, con tàu nhanh chóng tan rã. Trần Hữu Lượng, người đang theo dõi trận chiến từ trên cao, nhìn thấy thế thì vui mừng khôn xiết, ông ta cho rằng Chu Nguyên Chương chắc chắn đã chết, và bây giờ ông ta đã chắc chắn chiến thắng nằm trong tay.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là hạm đội của Chu Nguyên Chương lại hành động như thể không có chuyện gì xảy ra, sĩ khí lên cao, chỉ tiến chứ không lùi. Kết quả là binh lính của Trần Hữu Lượng sợ hãi. Chẳng lẽ chủ soái đối phương được Thần linh che chở, thuyền vỡ tan rồi nhưng ông ta vẫn bình an vô sự? !
Sau đó, toàn bộ cục diện trận chiến đã thay đổi. Ba ngày sau, Lưu Bá Ôn tính toán rằng vào ngày đó, Kim Mộc tương khắc, sẽ gây bất lợi cho Trần Hữu Lượng, nên chỉ huy quân của mình mở trận chiến quyết định với ông ta ở cửa hồ Bà Dương. Trần Hữu Lượng bị đánh bại, sau đó chết trên đường chạy trốn.
Thắng lợi của trận chiến này và cái chết của Trần Hữu Lượng đã đặt nền móng cho Chu Nguyên Chương bình định Giang Nam, đồng thời cũng mở đường cho nhà Minh thống nhất đất nước sau này. Từ đó, Chu Nguyên Chương luôn nghe theo Lưu Bá Ôn, và thường cùng ông thảo luận những vấn đề quan trọng. Lưu Bá Ôn cũng nói hết những gì ông biết, ra sức phò tá vị hoàng đế xuất thân từ tầng lớp thấp này. Khi hành quân và chiến đấu, mưu kế của ông thường rất khó lường. Sau này, khi thiên hạ thái bình, Lưu Bá Ôn đã dạy Chu Nguyên Chương “Vương Đạo” để trở thành hoàng đế. Chu Nguyên Chương rất kính trọng ông, kính trọng đến mức không gọi tên mà gọi ông là “Lão Tiên sinh”.
Sử sách kể rằng khi Chu Nguyên Chương triệu kiến Lưu Bá Ôn, ông thường bảo quần thần và thị tùng rút lui, chỉ hai người thì thầm với nhau. Những lời trò chuyện riêng này thì có một số được truyền miệng trong nhân gian, phần lớn là những câu chuyện về Âm Dương Ngũ Hành, bói toán tương lai, mọi người đều cảm thấy khá thần kỳ.
Thiêu Bính Ca – duyên khởi
“Thiêu Bính Ca” là một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất. Trên mạng có lan truyền rằng “Thiêu Bính Ca” ban đầu được đưa vào “Vĩnh Lạc đại điển” của nhà Minh, tên ban đầu của nó là “Đế sư vấn đáp ca”. Bởi vì duyên khởi của nó là “Thiêu Bính” (Bánh nướng), nên dân gian gọi là “Thiêu Bính Ca”.
Chuyện kể rằng, Chu Nguyên Chương mới lên ngôi, dù sao cũng là hoàng đế xuất thân từ tầng lớp thấp, không quen ăn các món sơn hào hải vị, nên hôm đó đã làm bánh nướng để ăn. Đáng tiếc là khi ông vừa cắn một miếng, thì thái giám ngoài cửa đã tới báo tin quốc sư Lưu Bá Ôn đã đến. Chu Nguyên Chương đặt bánh nướng xuống, cho vào bát.
Lưu Bá Ôn vừa đi vào, Chu Nguyên Chương cười và hỏi ông rằng: “Quốc sư giỏi tính toán bấm độn, vậy Quốc sư có biết trong bát này là cái gì không?”
Lưu Bá Ôn bấm đốt ngón tay rồi nói: “Nửa như mặt trời, nửa mặt trăng, từng bị kim long cắn một miếng”.
Đây là đồ ăn. Thứ được cho vào bát phần lớn là đồ ăn, thế nên không khó để đoán ra điều này. Mấu chốt là Lưu Bá Ôn có thể tính toán được đó là một món ăn hình tròn đã bị cắn một miếng, chuyện này không đơn giản.
Chu Nguyên Chương lúc này bắt đầu thấy hứng thú và nói: “Quốc sư, ngài tính toán giỏi quá, vậy tính toán vận mệnh của giang sơn Đại Minh của trẫm xem thế nào?”
Lưu Bá Ôn không dám trả lời thẳng thắn. Ông chỉ cười hà hà và nói: “Số Trời mênh mông, Chúa công có vạn con vạn cháu, hà tất phải hỏi”.
Câu nói này tưởng chừng như đang tâng bốc, nhưng thực chất lại là trả lời câu hỏi của Hoàng đế. Tại sao? Bởi vì nhà Minh diệt vong trong tay Sùng Trinh, cháu nội của Hoàng đế Vạn Lịch. Đây chẳng phải là “vạn con vạn cháu” đó sao?
Đương nhiên, lúc đó Chu Nguyên Chương không thể hiểu được, Lưu Bá Ôn cũng sẽ không giải thích nhiều. Nhưng sau một lần tiên tri như vậy, Hoàng đế khơi dậy sự tò mò, nói rằng: “Trẫm biết sự hưng vong của thiên hạ đã được định đoạt từ xa xưa, chỉ có người có đức mới xứng đáng làm chủ thiên hạ. Quốc sư cứ nói đi, sẽ không giáng tội cho Quốc sư”.
Lưu Bá Ôn cũng không chối từ nữa, và bắt đầu nói về tương lai. Vua tôi người hỏi người trả lời, cứ thế tiếp tục đưa những dự đoán về những gì sẽ xảy ra hàng trăm năm sau. Đó chính là lời tiên tri “Thiêu Bính Ca” đã được truyền lại.
Toàn bộ nội dung của “Thiêu Bính Ca” gần 2.000 chữ, bao gồm hơn 40 bài thơ ca. Đánh giá từ những phần đã được giải thích, giống như những lời tiên tri cổ xưa khác, Thiêu Bính Ca cũng rất linh nghiệm. Nhiều sự kiện lớn khác nhau kể từ thời nhà Minh, chẳng hạn như sự hỗn loạn triều chính của Ngụy Trung Hiền, cái chết của Sùng Trinh, sự trỗi dậy của triều đại Mãn Thanh, hai cuộc chiến tranh nha phiến, cuộc Cách mạng năm 1911, v.v. tất cả đều đã được dự đoán trước, có thể nói là một dự đoán khác chính xác 100%.
Cái chết của Sùng Trinh
Ví dụ, cuộc thảo luận về Hoàng đế Sùng Trinh hiện nay tương đối nóng. Hãy xem lời tiên tri nói gì.
Sùng Trinh lên kế thừa ngôi hoàng đế từ anh trai Chu Do Kiểm. Chu Do Kiểm chỉ trị vì được 7 năm, nhưng vì sủng ái thái giám Ngụy Trung Hiền, nên trong thời gian ngắn đã khiến khí số nhà Minh tiêu tán hết. Lời tiên tri nói rằng vào thời điểm đó “tám vạn nữ quỷ sẽ quấy rối triều đình” và “trung thần bị sát hại sụp đổ như núi”. “Tám vạn nữ quỷ” (八千女鬼) cũng được nhắc đến trong Thôi Bố Đồ và những lời tiên tri khác, cùng nhau tạo thành chữ “Ngụy” (魏). Vậy thì điều này chắc chắn ám chỉ việc Ngụy Trung Hiền giết hại các trung thần.
Tiếp theo, lời tiên tri nói: “Vạn con vạn cháu chồng lên nhau, Tổ tông trên núi bối y hành”. Chúng ta vừa giải nghĩa “vạn con vạn cháu”, tức là ám chỉ cháu trai của Vạn Lịch. Vậy nên giải thích câu chuyện “Tổ tông trên núi bối y hành” (Tổ tông sơn thượng bối y hành) này như thế nào? Câu này khó hiểu hơn. Đầu tiên chúng ta hãy nhìn vào ba chữ “Tông Sơn Thượng”. Với chữ Sơn “山” được thêm vào chữ Tông “宗”, chẳng phải chính là chữ Sùng (崇) của Hoàng đế Sùng Trinh đó sao?
Và chữ Thượng “上” kết hợp với hai chữ Bối “貝” và Y “衣” đằng sau, đó chẳng phải là chữ Trinh “禎” đó sao? Cả câu đó chính là nói đến “Sùng Trinh”. Có người còn giải thích thêm rằng, xưa kia có một cách nói uyển chuyển về cái chết của một vị hoàng đế, gọi là “Đại Hành”. “Sơn thượng hành” nghĩa là sẽ chết trên núi, tương ứng với sự việc Sùng Trinh treo cổ trên núi Môi Sơn.
Dự ngôn về Khang Hy
Những câu đố chữ như vậy rất phổ biến trong “Thiêu Bính Ca”, và cũng rất chính xác. Ví dụ, Hoàng đế Khang Hy, vị hoàng đế nổi tiếng nhất của nhà Thanh, đã nói điều này trong lời tiên tri của mình: “Thập bát niên gian thủy hỏa đoạt, dung nhân bất dụng thủy hỏa thần, quái phân khí số thiểu tam số” (Trong mười tám năm, nước đoạt lửa. Người tầm thường không sử dụng bề tôi nước và lửa, khí số trong quẻ sẽ ít hơn 3 số)
Trong một số bài viết trước chúng tôi đã giới thiệu “Thuyết ngũ đức chung thủy” trong Âm Dương Ngũ Hành, nghĩa là mỗi triều đại đều có những đức ứng với Ngũ Hành riêng. Nhà Minh cho rằng họ thuộc về lửa (Hỏa), “đức của lửa màu đỏ”, “đỏ” cũng là “Chu”, vì vậy Chu Nguyên Chương đã được định trước là sẽ chinh phục thiên hạ.
Còn nhà Thanh thì sao? Nhà Thanh là “thủy đức”, có thể thấy từ chữ “Thanh” (清) có bộ Thủy là nước. Nước dập tắt lửa, vậy có nghĩa nhà Thanh diệt nhà Minh. Vậy ba chữ “thủy hỏa đoạt” trong câu đầu chẳng phải đã dự đoán điều này đó sao?
Từ năm 1644, khi Sùng Trinh treo cổ tự tử, đến năm 1662, năm Khang Hy thứ nhất (Khang Hy lên ngôi năm 1661, đổi niên hiệu thành năm Khang Hy thứ nhất vào năm 1662), tổng cộng là 18 năm. Cùng năm đó, triều đại Nam Minh lưu vong ở Myanmar kết thúc, báo hiệu sự sụp đổ thực sự của nhà Minh. Đây là toàn bộ ý nghĩa của câu “Thập bát niên gian thủy hỏa đoạt”.
Sau đó, câu “dung nhân bất dụng thủy hỏa thần” là một câu đố chữ khác. Từ Dung (庸) bỏ chữ Dụng (用) ở dưới cùng, và thay thế bằng chữ Thủy (水) thành từ Khang (康). Dưới chữ Thần (臣) thêm bộ Hỏa (火), tức là bốn dấu chấm nhỏ, và thêm chữ Tị (巳) thì thành chữ Hy (熙). Nhưng chữ Tị này ở đâu mà có?
Một số chuyên gia giải thích trên Internet rằng, nhà Minh thuộc về lửa, và lửa thuộc về Dương. Chu Dịch cho rằng Dương bắt đầu từ “Tý” và kết thúc bằng “Tị”. Dương khí của triều Minh kết thúc dưới thời trị vì của Khang Hy, chữ Tị chẳng phải được ẩn giấu ở trong đó sao?
Câu sau “quái phân khí số thiểu tam số” dự đoán chính xác triều đại của Hoàng đế Khang Hy. Mọi người đều nói Chu Dịch tám tám sáu mươi tư quẻ, 64 “thiểu tam số” (ít hơn 3 số) chính là 61, tức là số năm Khang Hy trị vì.
Vận khí Trung Hoa Dân Quốc
Chúng ta hãy nhìn vào câu này:
“Thủ chấp cương đao cửu thập cửu, sát tận Hồ nhân phương bãi hưu”
Tạm dịch: Tay cầm đao thép chín mươi chín, giết hết người Hồ rồi mới dừng.
Một số chuyên gia giải thích rằng “chín mươi chín” có nghĩa là “một trăm trừ một”, Chữ “trăm” (百-Bách) trừ “một” (一 – Nhất) thành chữ Thạch (石), ám chỉ Tưởng Giới Thạch. “Người Hồ” là “người nước ngoài”, cũng có thể hiểu là Liên Xô ở phía bắc, và Đảng Cộng sản Trung Quốc mà Liên Xô ủng hộ, hoặc người Nhật. Tưởng Giới Thạch quyết tâm diệt trừ bọn “man rợ nước ngoài” này, tức là “giết hết người Hồ rồi mới dừng”.
Từ đầu năm 1931, khi chính quyền Trung Hoa Dân Quốc lần đầu tiên bao vây và đàn áp Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho đến khi rút lui về Đài Loan năm 1949, Tưởng Giới Thạch đã chiến đấu kiên cường suốt 18 năm chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc và quân Nhật xâm lược.
Câu tiếp theo “Pháo hưởng hỏa yên mê khứ lộ, thiên nam thiên bắc lục tam thu” (Pháo nổ khói lửa mê đường đi, chuyển nam chuyển bắc ba sáu thu).
Câu này ám chỉ Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc cũng từ Nam Kinh chuyển đến Đài Bắc. “Sau ba thu” tức là 6 lần 3 là 18 thu, tức 18 năm, hoàn toàn ứng với thời gian 18 năm này.
Hai câu tiếp theo: “Khả liên nan độ nhạn môn quan, trích tận lý hoa hồ bất hoàn” (Đáng thương khó vượt Nhạn Môn quan, hái hết hoa mận Hồ không trở về).
Câu này nghĩa là Tưởng Giới Thạch đã không thực hiện được tham vọng của mình là đuổi ngoại bang man rợ ra ngoài “Nhạn Môn quan”, phải rút lui về Đài Loan. Chữ “Lý” trong câu thứ hai ám chỉ Lý Tông Nhân, quyền tổng thống của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc vào thời điểm đó, và chữ “Hồ” tương ứng với Hồ Tông Nam, vị tướng quân đội Trung Hoa Dân Quốc cuối cùng sơ tán khỏi Đại lục. Sau khi hái hết hoa mận, “Hồ” không quay lại, đồng nghĩa với việc chính phủ Trung Hoa Dân Quốc sẽ không thể quay lại trong một khoảng thời gian, điều này tương ứng với tình hình phân chia eo biển Đài Loan hiện nay.
Vậy làm sao chúng ta biết được rút lui về Đài Loan? Câu trả lời nằm ở câu tiếp theo.
“Hoàng ngưu sơn hạ hữu nhất động, khả đầu thập vạn bát thiên chúng” (Dưới núi Hoàng Ngưu có một hang động, có thể chứa được 10 vạn 8 nghìn người)
Phần trên của chữ Ngưu (牛) trông giống như ký tự “厶”, và chữ Động (hang động) có thể được coi là chữ Khẩu (口 – cái miệng), sự kết hợp giữa phần trên và phần dưới thành chữ Đài (台) của từ Đài Loan. Đài Loan có thể chứa được “10 vạn 8 nghìn” người, tức là rất nhiều người.
Phúc cho những người di tản đến Đài Loan. Bởi vì như câu tiên tri:
“Tiên đáo chi nhân đắc an ổn, hậu đáo chi nhân bạn lộ tống. Nan thứ hữu tội vô bất tội, thiên hạ toán lai dân tận tụy”.
Tạm dịch: Người đến trước được yên ổn, người đến sau đưa đến nửa đường. Khó tha thứ dù có tội hay không có tội. Xem ra người dân thiên hạ bị tội khổ kiệt sức.
Ba câu cuối nói về những người ở lại Trung Quốc Đại lục, và mạng sống của họ có thể không giữ được. Bởi vì ở Trung Quốc Đại lục lúc đó, nhiều người dù có tội hay không cũng sẽ bị kết án, nhiều người vô tội có thể chết, “nhân dân kiệt sức”.
Đồng thời, Lưu Bá Ôn cũng cảnh báo Đài Loan chỉ có thể thành công nếu đi đúng đường. Điều này được thể hiện qua câu sau:
“Hỏa sơn lữ, ngân hà chức nữ nhượng ngưu tinh” (Đội quân núi lửa, Chức Nữ Ngân Hà nhường sao Ngưu).
“Hỏa san lữ” là quẻ thứ 56 của “Kinh Dịch”, và quẻ từ là “Lữ, tiểu hanh, lữ trinh cát”. Trong số đó, “Lữ, tiểu hanh” có nghĩa là tạm yên chốn tha hương, và không thể thực hiện bất kỳ động thái lớn nào. “Lữ trinh cát” có nghĩa là, chỉ khi đi đúng con đường thì bạn mới có thể gặp may mắn. “Ngân Hà” ám chỉ eo biển Đài Loan, sao Chức Nữ Đài Loan và sao Ngưu Đại lục, mỗi bên hùng cứ một phương, đó là tình hình hiện tại.
Về chữ “nhượng” trong câu này, có người giải thích là Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc Đài Loan đã nhượng Đại lục cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong khi những người khác giải thích rằng, nếu xảy ra chiến tranh qua eo biển Đài Loan trong tương lai, Đài Loan có thể gặp bất lợi. Vậy theo bạn nên hiểu nó như thế nào?
Vậy bây giờ đến điểm quan trọng, lời tiên tri nói gì về tương lai mà lại quan trọng đến vậy đối với chúng ta?
“Tai họa lửa Trời”
Lời tiên tri nói rằng trong tương lai có thể sẽ xảy ra một “tai họa lửa Trời” rất lớn:
“Hỏa đức tinh quân lai hạ giới, kim điện lâu đài tận bính đinh” (Khi Hỏa Đức Tinh Quân hạ phàm, thì lầu các cung điện vàng đều thành lửa)
“Hỏa Đức Tinh Quân” dùng để chỉ Thần Lửa. “Hỏa đức tinh quân lai hạ giới” có nghĩa là ngọn lửa sẽ từ trên trời rơi xuống. Còn “Bính Đinh” thuộc về lửa trong Ngũ hành, “Bính Đinh” nghĩa là mọi thứ sẽ bị nuốt chửng trong biển lửa. Rất đáng sợ.
Và ngọn lửa này cũng có thể được nhìn thấy trong những lời tiên tri khác.
Trong “Ngũ Công Kinh” có nói: “Thiên Thần và ác quỷ phóng hỏa, vạn vật chịu khổ”.
“Thái Thượng động uyên Thần chú kinh” của Đạo giáo cũng có nói: “Ma cao ba thước sáu tấc, thường giữ lửa Trời, đốt nhà cửa của người ta”.
Nhà tiên tri mạnh nhất Nhật Bản Onisaburo Deguchi, người mà chúng tôi đã giới thiệu trong một số bài trước đây, cũng dự đoán về một “cơn mưa lửa từ trên trời”.
Lời tiên tri nổi tiếng nhất ở phương Tây, Khải Huyền trong Kinh Thánh, cũng nói rõ rằng khi ngày tận thế đến, Chúa sẽ giáng xuống một “thảm họa lửa từ trên trời”. Lời tiên tri nói:
“Thiên sứ thứ nhất thổi kèn, mưa đá và lửa trộn lẫn với máu đổ xuống đất. Một phần ba trái đất, một phần ba cây cối bị thiêu rụi, và toàn bộ cỏ xanh đều bị thiêu rụi”.
“Sau đó, Thiên sứ thứ hai thổi kèn, và một ngọn núi lớn như lửa bị ném xuống biển. Một phần ba biển biến thành máu. Một phần ba sinh vật trong biển chết, và một phần ba tàu thuyền bị tiêu diệt”.
“Sau đó, vị Thiên sứ thứ ba thổi kèn, một ngôi sao lớn cháy như ngọn đuốc từ trời rơi xuống, rơi xuống một phần ba sông ngòi và các nguồn nước”.
Vậy những ngọn lửa từ trên trời rơi xuống này có thực sự đến? Nếu nó thực sự đến thì chúng ta nên làm thế nào để hóa giải?
Trên thực tế, những nhà tiên tri này đều rất thiện lương, và họ thường đưa ra giải pháp cùng với việc dự đoán thảm họa. Vậy Lưu Bá Ôn đã đưa ra phương án gì? Tương lai của chúng ta có còn tươi sáng không? Mời các độc giả đón xem phần tiếp theo của bài viết.
Phù Dao – Epoch Times
Trung Hòa biên dịch
NTD Việt Nam