Tác giả: Ngưỡng Nhạc
[ChanhKien.org]
Dương Diên Chiêu truyền kỳ – Ngũ Lang xuống núi đánh quân Liêu. (Tranh minh họa: Thanh Ngọc/The Epoch Times)
Theo Tống sử, Dương Diên Chiêu là một trong những danh tướng kháng Liêu của triều Bắc Tống. Ông trấn thủ miền biên ải hơn 20 năm, khiến cho người Liêu (hay còn gọi là người Khiết Đan) mười phần khiếp sợ. Người Liêu cho rằng Sao Lục Lang (tướng tinh) là khắc tinh của họ, mà Dương Diên Chiêu lại trí dũng thiện chiến như Sao Lục Lang hạ phàm, nên người đời cũng gọi ông là “Dương Lục Lang”.
Những câu chuyện được cải biên từ lòng trung nghĩa của Dương Diên Chiêu và phủ Thiên Ba của Dương gia tướng bảo gia vệ quốc, ở thời nhà Nguyên đã có đủ loại phiên bản được đưa vào hý khúc, tiểu thuyết và bình thư (một hình thức văn nghệ dân gian của Trung Quốc, khi kể một câu chuyện dài dùng quạt, khăn làm đạo cụ), được lưu truyền rộng rãi và nhận được nhiều sự yêu mến của quần chúng. Trong loạt bài “Dương Diên Chiêu truyền kỳ” này, tác giả xin được phép thuật lại những câu chuyện tuyển chọn được lưu truyền trong dân gian, những mong cùng độc giả thưởng thức những câu chuyện đã lưu truyền ngàn năm của bậc anh hùng Dương Lục Lang.
(Tiếp theo phần trước)
Bạch Thiên Tổ đi sang tà đạo
Dương Ngũ Lang lại nói: “Ta đã chính thức xuất gia rồi, ngoài việc đánh dẹp đạo tặc, bảo vệ nhà chùa và người dân tín Phật, ta không can dự đến chuyện chiến trận nữa. Thực ra Lục đệ trước đây đã sớm nhiều lần đưa thư tới, còn phái Mạnh Lương, Tiêu Tán tới mời ta xuống núi, ta đều từ chối. Huống hồ trên núi ta chỉ có mấy trăm vũ tăng, làm sao địch lại được năm vạn đại quân của nước Liêu đây?”
Nói đoạn liền giật ống tay áo, nhảy về phía sau đình đi lên trên núi. Bát muội vội vàng đuổi theo lên núi. Nhưng thân pháp của Ngũ Lang rất nhanh, loáng một cái đã không thấy bóng dáng. Bát muội chỉ còn cách hô lớn: “Ngũ ca! Huynh nếu không theo muội xuống núi, muội sẽ phóng hỏa đốt chùa!”
Nàng nói xong liền chạy về phía chân núi, đến gần cửa lớn, vừa hay nhìn thấy một ngôi chùa cổ nguy nga trang nghiêm, tình cảnh này thực sự khó có thể ra tay. Nàng chỉ còn cách đi tiếp về phía chân núi, trên đường thấy hai gian lều cỏ, giống như nơi dành cho người đi lễ chùa dừng chân nghỉ ngơi. Nàng lấy đồ ra đập đá đánh lửa, chỉ chốc lát sau hai gian lều cỏ bốc cháy phừng phừng, khói đặc bốc lên đầy trời.
Không lâu sau, chỉ thấy Dương Ngũ Lang dẫn một đội vũ tăng xuống núi. Ngũ Lang cầm gậy gỗ khua một cái, chớp mắt đã đánh sập căn lều cỏ, các tăng nhân dùng gậy gỗ gạt cỏ ra, lại có người xách nước tới, rất nhanh chóng đã dập được lửa.
Ngũ Lang dở khóc dở cười nhìn Bát muội nói: “Muội sao phải khổ như vậy, ta đã nói rõ ràng với muội rồi!”
Bát muội trả lời: “Tên tướng Liêu Thổ Hành Tăng kia không phải là người thường, hắn không chỉ biết cầm quân bày trận, mà còn biết sử dụng yêu thuật. Muội và Lục ca phát hiện chiêu thức của hắn rất giống của huynh, cảm thấy rất lạ, mới tới tìm huynh”.
Ngũ Lang giật mình hỏi: “Thổ Hành Tăng? Hắn trông như thế nào? Bày ra trận gì?”
Dương Bát Muội liền đem chuyện Thổ Hành Tăng tấn công Tam Quan, bày trận bao vây quân Tống ra sao từng việc từng việc kể hết ra. Ngũ Lang nghe xong đáp lời: “Đây đâu phải là Thổ Hành Tăng, người này theo ta thấy thì tám, chín phần là tên phản đồ Bạch Thiên Tổ. Không ngờ hắn dám dùng Cửu Long Bát Quái Trận mà ta dạy để tấn công nước Đại Tống, tức chết ta thôi!”
Sau đó Ngũ Lang kể lại một đoạn chuyện xưa:
Bạch Thiên Tổ nguyên ban đầu là con nhà tướng quân Đại Tống, phụ thân và huynh bị gian thần trong triều hãm hại. Hắn cũng vì cuộc sống mà bị bức bách trở thành đạo tặc, sau này vì nhân duyên hội tụ, hắn lên Ngũ Đài Sơn làm vũ tăng. Hắn tư chất thông minh, võ nghệ cao cường. Dương Ngũ Lang cũng là con nhà tướng, nên có giao hảo với hắn theo kiểu người cùng cảnh ngộ, đối với hắn dốc bầu tâm sự, đem võ nghệ và cách thao lược chiến trận ra dạy cho hắn. Thế nhưng Bạch Thiên Tổ tuy đã xuất gia, những tâm danh, lợi, tài, sắc mãi vẫn không bỏ, còn có lần xuống núi vụng trộm với thôn nữ, cuối cùng phạm sắc giới, bị trục xuất khỏi sư môn. Sau khi rời khỏi chùa, Bạch Thiên Tổ thẹn quá hóa giận đi tới vùng Tây Vực, bái Ma giáo học tà pháp của bọn chúng, sau này nghe tin nước Đại Liêu chiêu binh mãi mã, vì thế bỏ sáng theo tối, dùng tên Thổ Hành Tăng trở thành đại tướng của nước Liêu.
Lúc này Dương Ngũ Lang rơi vào thế khó cả đôi đường, bèn nói: “Võ nghệ người này là ta dạy cho, ta phải lập tức xuống núi để ngăn hắn làm việc ác. Nhưng đối mặt với đại quân nước Liêu tất phải tạo lượng lớn sát nghiệp. Ta lên núi là để chuộc tội cho gia tộc, việc này nên làm thế nào cho tốt đây?”
Đúng lúc Ngũ Lang chần chừ không quyết được thì Trí Thông Thiền Sư xuất hiện. Trí Thông nói: “Ngũ Lang, ngộ tai! Ngươi lên núi là để chuộc tội cho Dương gia mà dốc lòng tu Phật, muốn mượn việc này để hóa giải tội nghiệp. Ngồi thiền, niệm kinh mặc dù có thể tiêu nghiệp, nhưng làm vũ tăng, bảo vệ dân chúng chẳng phải cũng đang tiêu giải tội nghiệp sao?”
Dương Ngũ Lang trả lời: “Đồ đệ minh bạch, nhưng lo lắng lại dẫm vào vết xe đổ của phụ thân và huynh đệ, cho nên chỉ dẫn các tăng thảo phạt đạo tặc, bảo vệ dân chúng. Lúc trước đồ nhi từ chối người triều đình phái tới chính là vì lo rằng dấn vào trần thế quá sâu thì khó mà tự kéo ra được”.
Trí Thông đáp lời: “Phụ thân và huynh đệ của ngươi mặc dù vì cả đời trên lưng ngựa, nên mới giết người vô số mà chết thảm, nhưng cũng một lòng vì nước vì dân, giống như danh tướng Quan Vũ, Trương Phi sau khi chết trở thành Thần. Còn thời Chiến Quốc có tướng nhà Tần tên Bạch Khởi vì cầu danh lợi mà chiến đấu, vô cớ giết hại 40 vạn hàng binh, nên phải chịu luân hồi ở tam ác đạo hơn nghìn năm. Giao chiến với quân Liêu việc thương vong là không thể tránh được, khi xưa hoàng đế Đại Đường Lý Thế Dân lúc bị quân địch bao vây, ông cũng được 13 côn tăng Thiếu Lâm cứu giúp, bọn họ trợ giúp Thánh chủ bình định thiên hạ. Nghĩa cử giải cứu lê dân khỏi chiến họa ấy, sao có thể nói không phải là một loại tu hành đây? Tạo ra sát nghiệp chỉ là một loại tạo hóa của Thiên ý. Hiện giờ Lục đệ của ngươi đang bị quân Liêu vây khốn, hơn vạn quân sĩ đang nguy cấp trong sớm tối, mà chủ tướng của quân Liêu lại có uyên nguyên sâu xa với ngươi, việc ngươi xuống núi hóa giải khó khăn này là việc nghĩa không thể thoái thác được”.
Trí Thông Thiền Sư nói xong, đưa cho Ngũ Lang một gói đồ rồi nói: “Đây là gói đồ ngày xưa ngươi mang theo lên núi, trong đó có búa lớn, lúc ấy vì lo lắng ngươi không bỏ được tâm trần nên thu hồi lại. Hiện tại tu vi của ngươi đã trọn vẹn, đây là thời khắc sử dụng lại nó rồi”.
Dương Ngũ Lang trả lời: “Xin tuân theo sư mệnh!”
Ngũ Lang xuống núi phá quân Liêu
Không lâu sau Ngũ Lang triệu tập các tăng nhân đến, chọn ra 500 tăng binh, cưỡi ngựa oai nghiêm xuống núi. Đoàn người theo Bát muội đi về phía Đông, không lâu sau đã tới trận địa ở ngoài quan. Lúc ấy là ban đêm, tốc độ của đoàn tăng binh rất nhanh, nhưng không phát ra một tiếng động, lấp tức lướt qua phòng tuyến của quân Liêu, đến doanh trại của quân Tống.
Dương Diên Chiêu nhìn thấy Ngũ huynh đã lâu không gặp, kích động đến rơi nước mắt, hai người ôm nhau, tưởng như đã xa cách tới mấy đời. Sau đó Dương Diên Chiêu gọi các tướng sĩ đến thảo luận kế sách phá địch, Dương Diên Chiêu nói: “Phụ thân khi còn sống đã để lại ba quyển ‘Lục giáp binh thư’, ta chỉ thông thạo được hai quyển thượng, quyển trung, còn quyển hạ rất tinh thâm khó đọc, ta chỉ biết được một hai điều. Mấy ngày nay ta đã dò xét ra trận địa này có phần giống với Cửu Long Bát Quái Trận trong quyển hạ. Nói về chuyện bày trận, tu vi của Ngũ huynh giỏi hơn ta, lần phá trận này phải nhờ huynh trợ giúp”.
Dương Ngũ Lang nói: “Lục đệ quá khen, ‘Lục Giáp Binh Thư’ ta chỉ thông thạo được năm, sáu phần. Xem trận này thì thấy có sơ hở. Lục đệ có thể dẫn các tướng sĩ tấn công vào các chỗ đầu, bụng, đuôi rồng. Trước tiên cần phải phá được hai tháp ở chỗ mắt rồng, sau đó cùng nhau xốc tới phá trận. Ta dẫn theo 500 tăng binh tấn công đàn tế bắt Bạch Thiên Tổ, phá yêu pháp này, như vậy tất sẽ toàn thắng”.
Sáng sớm hôm sau, Dương Diên Chiêu, Mạnh Lương, Tiêu Tán, Vương Lan Anh, Dương Bát muội chia nhau ra dẫn quân tấn công. Dương Diên Chiêu và Vương Lan Anh dẫn quân từ hai sườn trước tiên tấn công chỗ hai mắt rồng, lại phóng hỏa đốt hai tháp đá, tiếp đến các tướng sĩ theo thứ tự tấn công các bộ phận trên thân rồng, chiến đấu kịch liệt với đám quân Liêu phòng thủ.
Bạch Thiên Tổ thấy thế, liền vội vã lên trên đàn thi triển pháp thuật, đột nhiên sương mù xuất hiện, cát bay đá chạy. Dương Ngũ Lang và các tăng binh không hề bị ảnh hưởng, vẫn tiến về phía trước, chỉ thấy Ngũ Lang nhảy xuống ngựa, quyết đoán rút ra búa lớn, phóng búa lớn như đạn pháo về phía đàn tế, phá tan lư hương, sương mù, cát bụi tiêu tan trong nháy mắt.
Dương Ngũ Lang mắng: “Bạch Thiên Tổ! Tên phản đồ nhà ngươi! Ngươi vi phạm sắc giới bị trục xuất khỏi sư môn mà không chịu hối cải, còn ngộ nhập tà đạo phản quốc đầu quân cho địch. Ngươi nhanh chóng đầu hàng thì còn có cơ hội vãn hồi đường sống, chớ đã sai lại còn sai nữa!”
Bạch Thiên Tổ trả lời: “Sư huynh! Cả ngày luyện võ tu Phật không có gì thú vị hết, không chừng kết quả lại như công dã tràng. Thế gian có vinh hoa phú quý, sao không tận hưởng lạc thú trước mắt! Huynh có một thân bản sự, nếu theo ta đầu quân cho Đại Liêu, đảm bảo huynh một đời công danh lợi lộc hưởng thụ không hết!”
Dương Ngũ Lang trả lời: “Ngươi tham lam hưởng lạc, rơi vào ma đạo, sau này sẽ phải chịu khổ nơi địa ngục! Còn không dừng cương trước vực thẳm, còn có thể vãn hồi đường sống”.
Bạch Thiên Tổ lại đáp: “Sư huynh quả thực là đồ cổ lỗ không cảm hóa được, Dương gia của huynh tận trung báo quốc, được đền đáp những gì? Trong triều hôn quân tin dùng gian thần, khiến người nhà huynh chịu đủ mọi khi dễ. Tiêu Thái Hậu của Đại Liêu biết cách dùng người, phá cách phong cho ta làm đại tướng quân nắm binh mã, chỉ cần phá được Tam Quan liền thưởng vạn quan vàng rồi phong cho vương hầu. Chi bằng huynh khuyên nhủ Lục tướng đầu hàng ta, cùng nhau chung hưởng vinh hoa phú quý”.
Dương Ngũ Lang đáp: “Dương gia chịu đủ mọi trắc trở, khó khăn là do Thiên ý. Ngươi phản thầy đầu quân cho Liêu là làm trái ý trời. Ngươi ngu xuẩn không nhận ra như thế, hôm nay ta phải thanh lý môn hộ”.
Bạch Thiên Tổ khua búa lớn, chém gãy búa mà Ngũ Lang phóng tới đàn tế, lại lệnh cho quân Liêu thêm quân đến bao vây. Tăng binh cũng lần lượt lấy ra gậy gỗ, xuống ngựa bày trận đối đầu với quân Liêu. Lực sát thương của gậy gỗ không bằng vũ khí, nhưng rất linh hoạt nhanh nhẹn, đối đầu với quân đội chính quy nhưng không rơi vào thế hạ phong. Dương Ngũ Lang đột phá khỏi vòng vây lên thẳng đàn tế, Bạch Thiên Tổ tự tin với vũ khí trong tay, múa búa lớn tấn công rồi nói: “Vũ khí của người đã bị hủy, sao có thể làm khó ta đây?”
Dương Ngũ Lang không để ý tới lời này, cầm gậy gỗ (mộc côn) trực diện tấn công, nhanh như tia chớp xuất ra liên tiếp hơn mười gậy, trong nháy mặt hai tay Bạch Thiên Tổ đã bị trúng mấy phát côn, xém chút nữa rơi cả vũ khí. Búa lớn trong tay Bạch Thiên Tổ mặc dù sắc bén vô cùng, nhưng không cách nào đánh trúng đối thủ. Ngũ Lang côn pháp ảo diệu, chiêu thức như bát quái vô cùng biến hóa, sau mấy chục hiệp Bạch Thiên Tổ dần dần chống cự hết nổi. Giữa lúc đánh nhau kịch liệt, chỉ thấy gậy gỗ như linh xà ra khỏi hang, từ bên sườn quét ngang một cái đánh trúng bụng của Bạch Thiên Tổ. Hắn kêu lớn một tiếng, bị đánh bay ra xa vài thước.
Bạch Thiên Tổ đã bị rơi vào thế hạ phong nhưng không cam lòng, chuẩn bị lấy yêu pháp ra để đoạt mạng người. Hắn lẩm nhẩm trong miệng, lập tức trên chiến trường âm phong nổi lên từng trận, quân Tống bốn phía nhao nhao ngã xuống, mất đi ý chí chiến đấu, mà tướng sĩ quân Liêu đang thương vong kia lại như xác sống ào ào bò lên chiến đấu trở lại. Ngũ Lang thấy thế, lập tức cùng binh đoàn tăng nhân niệm kinh văn chú quyết của Phật môn, trong tâm mang chính niệm. Ngay tức khắc Phật quang phổ chiếu, kim quang xuất hiện! Yêu khí xung quanh dần dần tiêu mất, quân Tống mới ngã xuống lần lượt thức tỉnh, còn tướng sĩ quân Liêu như xác sống kia lại ngã xuống trở lại.
Mắt thấy yêu pháp không còn công hiệu, Bạch Thiên Tổ thẹn quá hóa giận. Hắn hung tợn hướng về Dương Ngũ Lang và các tăng nhân thi triển pháp thuật, nhưng không hề có chút hiệu quả. Chỉ thấy Bạch Thiên Tổ đột nhiên miệng phun ra máu tươi rồi ngã xuống, giống như bị tà pháp phản phệ (cắn trả).
Lúc ấy Dương Diên Chiêu và các tướng sĩ đã phá xong trận này, cùng nhau liên hợp tấn công. Các tướng Liêu như Lưu Kha, Ma Lí, Lạt Hổ thấy chủ tướng đã ngã xuống, trận địa bị phá, biết khó lòng thắng lợi, sau khi bàn bạc liền quyết định rút lui. Quân Liêu nỗ lực cứu Bạch Thiên Tổ trở về, cho kỵ binh thiết giáp chặn hậu. Cuối cùng chiến dịch này quân Tống lại lần nữa thu được toàn thắng.
Sau trận chiến, Dương Diên Chiêu cho quân sĩ phá hủy công sự của quân Liêu, chuẩn bị trở lại Tam Quan. Trước khi đi, ông nói lời từ biệt Ngũ Lang. Dương Ngũ Lang nói: “Bạch Thiên Tổ đã bị tà pháp phản phệ, cho dù không chết nhưng sau này khó lòng thi triển tà pháp trở lại, chỉ hy vọng hắn có thể biết quay đầu lại. Tam Quan và Ngũ Đài Sơn cách nhau không xa, nếu có trận chiến lớn có thể tới tìm ta, nói xong liền dẫn binh đoàn tăng nhân về núi.
Sau này Dương Ngũ Lang mặc dù tu hành trong núi, nhưng khi tình hình chiến sự giữa Tống Liêu nguy cấp, ông lại mang tăng binh xuống núi cứu viện. Ông tinh thông võ nghệ, tự sáng tạo ra tuyệt kỹ Ngũ Lang Bát Quái Côn lưu truyền hậu thế. Truyền thuyết kể rằng ông sống tới năm Chính Hòa thời Tống Huy Tông, thọ hơn 160 tuổi, là nam nhân sống thọ nhất trong Dương gia.
Tài liệu tham khảo:
“Dương Lục Lang uy chấn Tam Quan khẩu” – Nhà xuất bản Nhân dân Hà Bắc – Xuất bản năm 1984, Triệu Phúc Hòa, Lý Cự Phát… sưu tập.
“Dương gia tướng ngoại truyện” – Nhà xuất bản Thiếu niên Nhi đồng Hà Bắc – Xuất bản năm 1986, Triệu Vân Nhạn sưu tập chỉnh lý.
ChanhKien.org