Tháng 12 năm 2003, một tờ báo Nhật có tên là “Thư quán tân báo” đăng một bài viết nói rằng, khi trả lời phỏng vấn, ca sĩ Yamaguchi Momoe nói rằng, cô là hậu duệ của Dương Quý Phi. Sự kiện này lập tức nóng trên mạng. Cho đến nay, tin tức này vẫn chưa có người nào đứng ra chứng thực thêm, cũng không có ai đứng ra bác bỏ.
Mọi người đều biết, Yamaguchi Momoe là ngôi sao ca sĩ, diễn viên điện ảnh Nhật Bản được mọi người yêu thích nhất trong những năm thập niên 70, 80 thế kỷ trước. Cô tuy không đẹp khuynh quốc khuynh thành, nhưng cô lại có sức cuốn hút và thân thiện rất đặc biệt. Nhật Bản thời đó cứ 4 người thì có 1 người là fan hâm mộ cô.
Các tác phẩm điện ảnh của cô sau khi vào Trung Quốc, cũng gây ra “cơn lốc Yamaguchi Momoe” ở Trung Quốc. Những năm thập niên 80, 90 thế kỷ trước, trong những tạp chí bán chạy, khắp các đầu đường cuối ngõ khắp nơi đều có thể nhìn thấy những bức ảnh vị giai nhân này với chiếc răng khểnh đang cười rạng rỡ.
Sau khi tin tức này được lan truyền, khiến mọi người tò mò theo dõi. Một số độc giả bày tỏ rất mong đợi Yamaguchi Momoe đến Trung Quốc tìm lại tổ tiên. Tuy nhiên, cũng có những khán giả không khách khí, có người trực tiếp cười nhạo, có người khéo léo bày tỏ không đồng ý, muôn màu muôn vẻ, nhưng tóm lại là hai chữ: Không Tin.
Yamaguchi Momoe và Dương Quý Phi, hai vị giai nhân cách nhau trên 1200 năm này, một người ở Nhật Bản, một người ở Trung Quốc, có thể nào có mối quan hệ tiền kiếp hay không? Và tại sao nữ ca sĩ nổi tiếng Yamaguchi Momoe lại công khai nói mình là hậu duệ của Dương Qúy Phi? Dương Qúy Phi liệu thật sự đã chết như trong lịch sử ghi chép, hay đằng sau bức màn này còn có bí mật mà người xưa che dấu. Thư
Trong các sách Cựu Đường thư – Dương Quý phi truyện, Tư trị thông giám – Đường kỉ, các sách sử đều chép rằng Đường Huyền Tông lệnh Cao Lực Sĩ đem Dương Quý phi đến gốc cây lê trước Phật đường dùng lụa trắng thắt cổ chết. Nhất đại mỹ nhân hương tan ngọc nát. Sự kiện này được sử sách gọi là “Biến cố dốc Mã Ngôi”.
Dương Quý Phi chết ở dốc Mã Ngôi là không còn nghi ngờ gì nữa, Như vậy làm sao có thể truyền lại hậu duệ của bà ở Nhật Bản được?
Sau khi Dương Quý Phi chết, một lần khi vua Huyền Tông Lý Long Cơ đã già cả xa giá lại lần nữa qua dốc Mã Ngôi, nhìn thấy mộ phần của Quý phi, không nén nổi bi thương trong lòng, muốn đem hài cốt của Quý phi về mai táng ở Trường An. Huyền Tông sai người mở quan tài Quý phi và bí mật đã được mở ra, Đường Huyền Tông không nhìn thấy gì trong quan tài, đã trở thành ẩn đố ngàn năm.
Trong thơ của Bạch Cư Dị cũng có nhắc đến sự kiện này.
Đại thi hào đời Đường Bạch Cư Dị đã viết trong bài thơ ái tình lãng mạn “Trường hận ca” rằng:
Mã Ngôi pha hạ nê thổ trung
Bất kiến ngọc nhan không tử xứ
Tạm dịch:
Ở trong bùn đất dốc Mã Ngôi
Chẳng thấy thi thể của mỹ nhân
Lẽ nào “Trường hận ca” ngầm nói rằng, Dương Quý Phi không chết? Đương nhiên thơ lãng mạn có thành phần tưởng tượng, không được coi là thật. Tuy nhiên xem các sách sử, cũng có 2 thuyết.
Trong “Cựu Đường thư – Hậu phi – Dương Quý Phi truyện” có nói, sau khi mở quan tài ra, thấy da thịt Quý phi đã phân hủy rồi, chỉ còn một túi thơm là còn hoàn hảo. Nhìn cảnh tượng này, Huyền Tông thất thần bi thương, đành sai người vẽ chân dung Quý phi treo ở phòng ngủ của ông.
Nhưng ở “Tân Đường thư” thì lại nói khác, không có nói là da thịt Quý phi bị phân hủy, mà nói trực tiếp rằng, trong quan tài không có thứ gì, chỉ có một túi hương mà Quý phi từng sử dụng.
Vậy rốt cuộc thuyết nào mới chính xác? Cựu Đường Thư và Tân Đường Thư đếu là chính sử do sử quan biên soạn, điểm khác biệt là, Cựu Đường Thư là sách lịch sử triều Đường do sử quan triều Hậu Tấn thời Ngũ đại biên soạn, thời gian cách thời gian triều Đường diệt vong hơn 40 năm, đương thời gọi là Lý Thị Thư. Còn Tân Đường Nhân là sách sử biên soạn thời Tống Nhân Tông, cách thời điểm triều Đường diệt vong hơn 140 năm.
Tuy thời gian hai bộ sách cách nhau khoảng 100 năm, nhưng cách thời điểm xảy ra sự kiện binh biến dốc Mã Ngôi đều rất lâu rồi. Binh biến Mã Ngôi xảy ra vào năm 756, sau đó triều Đường còn trải qua khoảng 150 năm hỗn loạn rồi mới diệt vong.
Vậy Cựu Đường Thư sớm hơn Tân Đường Thư thì độ chính xác cao hơn phải không? Hoàn toàn ngược lại, thời gian biên soạn sách của Cựu Đường Thư rất gấp gáp, chỉ 4 năm là đã hoàn thành rồi, do đó rất nhiều sơ hở.
Một đoạn thơi khác trong “Trường hận ca” của Bạch Cư Dị còn ám chỉ tung tích của Dương Ngọc Hoàn như sau:
Bỗng nghe trên biển có núi Tiên
Núi nơi hư vô chốn mịt mùng
Trong có một người tự Thái Chân
Mặt hoa da tuyết đẹp tuyệt trần
Bốn câu này đã trực tiếp nói rằng, Dương Ngọc Hoàn sau khi dùng thuật thi giải thành Tiên, lên núi Tiên làm Tiên cô, đồng thời còn ngầm chỉ ra rằng, Dương Ngọc Hoàn lên một ngọn núi trên một hòn đảo ngoài biển. Trong các thư tịch Trung Quốc cổ đại, Nhật Bản được gọi là Phù Tang, Doanh Châu, hoặc Đông Doanh. Doanh Châu là tên một ngọn núi Tiên thời cổ đại.
Bạch Cư Dị viết Trường Hận Ca vào năm Nguyên Hòa thứ nhất đời Đường Hiến Tông (năm 806), tức sau khi dẹp yên loạn An Sử trên 40 năm. Kết hợp với sự thực lịch sử, mộ Dương Quý Phi ở dốc Mã Ngôi chỉ lưu lại một túi thơm, thời đó rất có thể đã có thuyết Dương Quý Phi chưa chết, lưu lạc đến nơi khác rồi. Thi nhân đã đưa thuyết này vào thi phẩm của mình.
Như vậy có lẽ nào Dương Qúy Phi không chết mà bà đã thật sự đến Nhật Bản. Học giả nổi tiếng thời Dân Quốc là Du Bình Bá ủng hộ thuyết này. Trong “Luận thi từ khúc tạp trước”, ông nói, Dương Quý Phi không chết, sau này lưu lạc dân gian. Ông sau nhiều lần khảo chứng Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị, và Trường Hận Ca Truyện của Trần Hồng, đã đưa ra kết luận này, nhưng ông cũng không dám nói là Dương Quý Phi đã đến Nhật Bản, chỉ dám nói là lưu lạc dân gian, tung tích khó tìm.
Còn một thuyết khác là, Dương Quý Phi đã cùng một người tên là Đằng Nguyên Loát Hùng (Yoshio Fujiwara) đi Nhật Bản. Lúc đó được Thiên hoàng tác hợp, sau này Dương Quý Phi đã kết hôn cùng Đằng Nguyên Loát Hùng.
Từ thuyết này đã dẫn đến thuyết nữ ca sĩ, minh tinh Yamaguchi Momoe là hậu duệ của Dương Quý Phi cũng không phải là vô căn cứ, và hiện đã được đưa vào Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia.
Năm 2002 Yamaguchi Momoe đã từng trưng ra gia phả, tổ tiên của cô thực sự là họ Dương, Yamaguchi Momoe thực sự là hậu duệ họ Dương của Nhật Bản.
Năm 1986, tờ báo lớn của Nhật Bản là The Asahi Shimbun đã đăng bài viết ngày 17 tháng 8 với tiêu đề “Dương Quý Phi đã qua đời ở Nhật Bản”.
Có một ngôi chùa tên là Tiểu Ni Tùng Viện ở thành phố Nagato tỉnh Yamaguchi, tiếng Nhật gọi là Nisonin (Nhị Tôn Viện). Ngôi chùa này khánh thành năm 802, khu mộ sau chùa có 1 chiếc tháp ngũ hoàn, tháp tổ hợp bằng 3 tảng đá hoa cương. Chiếc tháp ở giữa cao 153 cm, bên trái và bên phải có 2 tháp phụ cao 110 cm, đều là những tháp không cao.
Người địa phương nói rằng, đây chính là mộ phần của Dương Quý Phi và hai người hầu. Đây là văn bản của trụ trì đời thứ 55 của chùa Nisonin đã viết cách đây mấy trăm năm, văn bản có viết rằng, Dương Quý Phi đến thành phố Nagato vào thời Nara, sau này qua đời được an táng ở tháp ngũ hoàn phía sau chùa Nisonin.
Ngày nay, thành phố Nagato không chỉ có thôn Dương Quý Phi, còn có khách sạn Dương Quý Phi. Ở đầu thôn còn có một bức tượng Dương Quý Phi. Ngoài ra ở Nhật bản, Dương Quý Phi còn để lại rất nhiều di tích. Ví như: ở tỉnh Wakayama tương truyền còn có bồn tắm mà Dương Quý Phi đã sử dụng. Trong một ngôi chùa ở Kawasaki có một chiếc gối mà Quý phi đã sử dụng. Đương nhiên những tác phẩm văn học về phương diện này còn rất nhiều, ví như “Dương Quý Phi hậu truyện” của Watanabe Ryusaku (Độ Biên Long Sách), thậm chí còn có hí khúc cổ riêng về Dương Quý Phi. Tất cả những tác phẩm này đều truyền đạt một tư tưởng, đó là Dương Quý Phi không chết ở dốc Mã Ngôi mà chuyển đến Nhật Bản.
Tổ tiên họ Dương của Yamaguchi Momoe có phải là hậu duệ của Dương Quý Phi không?
Sau thời Duy tân Minh Trị, người Nhật đa phần lấy địa danh làm họ. Họ của Yamaguchi Momoe (Sơn Khẩu Bách Huệ) có địa danh Yamaguchi (Sơn Khẩu), mà mộ của Dương Quý Phi ở tỉnh Yamaguchi (Sơn Khẩu), và gia phả của Yamaguchi Momoe có người họ Dương. Hiện nay chưa biết giữa họ có mối liên hệ thế nào, chỉ biết đến đây thôi, cũng không có biện pháp nào để chứng minh thêm.
Vậy Yamaguchi Momoe có phải ‘bắt quàng làm họ’ với Dương Quý Phi để tăng độ ‘hot’ không? Nếu nói là để tăng danh tiếng, thì ai cũng có thế, duy chỉ có Yamaguchi Momoe là không phải. Bởi vì những năm thập niên 80, ¼ dân số Nhật Bản là fan hâm mộ của cô, cô đâu có thiếu danh tiếng. Bức ảnh Yamaguchi Momoe kết hôn năm 21 tuổi, dù trả giá sử dụng cao đến đâu cô cũng không đồng ý. Hơn nữa, cô còn nghĩ mọi cách để né tránh truyền thông, để tránh can nhiễu đến cuộc sống gia đình của cô.
Sau khi rút lui khỏi giới giải trí 40 năm, hiện nay Yamaguchi Momoe đã trên 60 tuổi rồi, nhưng bất kỳ tin tức nào liên quan đến cô, hễ xuất hiện trên truyền thông, thì nhất định trở thành tin nóng tìm kiếm. Điều này thì bất kỳ minh tinh Nhật Bản nào cũng không thể sánh được. Xưa nay chỉ có người khác ‘bắt quàng làm họ’ với Yamaguchi Momoe để tăng nổi tiểng, nào có chuyện cô ‘bắt quàng’ người khác để tăng độ nổi tiếng đâu?
Dương Quý Phi và Yamaguchi Momoe, hai vị giai nhân này cách nhau 1200 năm, rốt cuộc có mối quan hệ gì? Hiện nay vẫn là một bí ẩn chưa thể nào chứng thực được.
Nguồn: ntdvn
Xem thêm
Vạn Điều Hay