Âm gian, địa ngục hay thế giới bên kia là những khái niệm tương đối phổ biến trong cả văn hóa phương Đông và phương Tây. Tất nhiên có người tin, kẻ ngờ, người ủng hộ, kẻ bài xích nhưng hình ảnh âm gian vẫn luôn đan cài trong những thần thoại, truyền thuyết cổ xưa nhất.
Thế giới mà con người hiện nay đang sinh sống gọi là dương gian, còn nơi mà người ta cư trú khi qua đời gọi là âm gian. Từ xưa tới nay, dù nhiều người coi đây là điều “mê tín” nhưng vẫn có một lượng người không nhỏ khác thực sự muốn biết rốt cuộc âm gian có tồn tại hay không. Mỗi quốc gia lại có một cách lý giải khác biệt về thế giới này.
Thần thoại Trung Quốc
Sau khi con người chết đi thì không gian nơi linh hồn cư ngụ được gọi là âm gian. Trong vô số câu chuyện thần thoại và các cuốn sách cổ của Trung Quốc đều có ghi chép về âm tào địa phủ. Thông qua những miêu tả chân thực đó chúng ta có thể hiểu được khá tường tận về thế giới kỳ lạ này, từ những bố cục chi tiết đến người đứng đầu cõi u minh là ai…
Trong tôn giáo phương Đông (Phật giáo và Đạo giáo), đặc biệt là thần thoại Trung Quốc cho rằng, sau khi thọ mệnh người ta kết thúc sẽ có quỷ sai của âm gian, cũng chính là Hắc Bạch Vô Thường, đến dẫn hồn phách người ta xuống Quỷ Môn quan. Sau đó Tứ đại sứ giả của âm gian, cũng chính là Đầu Trâu Mặt Ngựa, dẫn vong linh đến âm tào địa phủ.
Tiếp đó, hồn được thẩm phán của chư vị Đại Phán quan của Thập Điện Diêm La dưới âm gian tiếp nhận. Cuối cùng mới quyết định vong linh là có thể đi vào cõi nào để tiếp tục luân hồi, hoặc là lên trời hưởng phúc lành, hoặc là tiếp tục đầu thai làm người, hoặc loại động vật nào đó, hoặc là bị đánh hạ vào mười tám tầng địa ngục như trong truyền thuyết để chịu khổ hình.
Thần thoại Hy Lạp
Ở sâu dưới lòng đất âm u là vương quốc Âm Phủ của Thần Hades. Vương quốc của ông đầy bóng tối cùng những cảnh khủng khiếp. Nơi đó không bao giờ có ánh nắng của Mặt Trời chiếu lọt. Đường xuống vương quốc sầu thảm của Thần Hades là những vực sâu thăm thẳm.
Con người sau khi chết đi sẽ được Thần Hermes (còn gọi Psychopompe) dẫn đường đưa linh hồn xuyên qua một nơi tối tăm, u ám có tên gọi là Erebeth để tới cổng địa ngục. Cổng địa ngục này ở sau vườn hoa đáng sợ Persephone. Ở đó trồng rất nhiều cây bạch dương màu đen và những cây dừa không có quả.
Trước cửa địa ngục có một con chó ngao tên Cerberus, còn gọi là “Chó gác cổng địa ngục”, canh giữ không cho ai ra khỏi đây. Con chó này là một quái vật ba đầu, trên cổ có một đàn rắn quấn xung quanh thở phì phì trông thật khủng khiếp. Cerberus vô cùng dữ tợn, chỉ cho linh hồn qua cổng chứ không bao giờ có thể đi ngược trở ra.
Thần Hermes dẫn đường cho các vong hồn đến bờ sông Styx (còn gọi là Agron) là xong nhiệm vụ. Một lão già thân hình tiều tụy, đầu bạc, răng long, áo quần rách rưới, nhem nhuốc, vẻ mặt lạnh lùng u ám, lầm lì tên là Charon đứng chờ sẵn bên bờ sông với con đò để đưa tiếp những vong hồn vào vương quốc tối tăm của Thần Hades. Tuy nhiên mỗi vong hồn qua sông đều phải trả tiền đò cho lão là 1 đồng bạc (Aux Paule). Không tiền thì không được qua sông, đó là luật lệ bất di bất dịch của lão.
Chính vì vậy mà nhiều dân tộc có tục lệ bỏ tiền vào miệng người chết. Những người trần thế gặp cảnh ngộ khi từ giã cõi đời không có thân nhân làm đầy đủ nghi lễ mai táng, trong đó có việc phải bỏ vào miệng người chết một đồng tiền, thì thật là bất hạnh. Vong hồn đó không qua được sông Agron, suốt đời cứ phải đứng bên này bờ sông than khóc cho số phận hẩm hiu, bạc bẽo của mình, lang thang không nơi trú ngụ hết năm này qua năm khác. Sau đó họ mới được dẫn độ linh hồn qua sông miễn phí và chờ đợi sự phán quyết của các quan tòa dưới âm phủ về số phận của mình.
Nơi đây còn có một dòng sông khác có tên gọi sông Cocytus (than khóc). Đây là dòng sông hình thành bởi nước mắt của những linh hồn bất hạnh dưới địa ngục. Bởi vậy trên sông thường có những tiếng gào khóc vô cùng thảm thương ghê sợ. Sau khi đi qua sông là cánh đồng tăm tối của vương quốc Hades phủ đầy những cây hoa tuy líp dại nhợt nhạt màu xám. Ở đó còn có những linh hồn người chết lượn lờ lang thang. Nơi đây nối liền tới hai con đường, một thông tới thiên đường hạnh phúc Elysee và một thông tới nơi đau khổ gọi là Tartarus.
Trong cung điện Âm Phủ, Thần Hades ngự trên ngai vàng cùng với vợ là nàng Persephone xinh đẹp. Phục vụ cho Hades có các vị nữ Thần báo thù không khoan nhượng Êrinyêx. Các vị nữ Thần này cầm những chiếc roi rắn dõi theo từng bước chân của những kẻ gian ác không để cho họ yên một phút. Không ai có thể thoát khỏi được các vị Thần báo thù, bởi vì họ luôn tìm ra được nạn nhân của mình bất kể kẻ đó trốn ở đâu. Bên cạnh ngai vàng của Hades là ba vị pháp quan làm nhiệm vụ xử tội người chết, đó là là Minos (vua xứ Crete, con trai của Thần Zeus và nàng Europa), Thần Radamanto và Aiacos.
Những linh hồn sau khi được phán xét ở cung điện âm phủ những người có tội sẽ căn cứ vào mức độ nặng nhẹ mà chịu cực hình, còn những người vô tội có thể đi tới thiên đường hạnh phúc Elysee để hưởng cuộc sống hạnh phúc. Nếu những người mắc tội nặng sẽ bị đày tới “Địa ngục bất tận” vĩnh viễn chịu dày vò và đau khổ nơi đây.
Thần thoại Ai Cập cổ
Anubis là tên của vị Thần mình người đầu chó rừng có liên quan đến quá trình ướp xác và cuộc sống sau cái chết trong văn hóa Ai Cập cổ đại. Tương truyền, Anubis là con của Nephthys và Set. Ban đầu Anubis là vương nơi cõi âm gian tuy nhiên khi mọi người ngày càng sùng bái Osiris, Anubis trở thành người giữ cửa.
Anubis được gắn với việc ướp xác và bảo vệ người chết cho cuộc hành trình về thế giới bên kia. Ông thường được miêu tả dưới hình dạng nửa người nửa chó rừng, hoặc ở dạng một con chó rừng. Cánh tay ông đeo một dải ruy băng, một tay cầm chiếc gậy, một tay kia cầm cái móc. Đặc biệt màu đen của Anubis là sự liên tưởng tới màu sắc của thịt thối rữa và đất đen của thung lũng sông Nile, tượng trưng cho sự tái sinh.
Với vai trò là người giữ cửa, trách nhiệm chủ yếu của Anubis là phụ trách chủ trì “nghi lễ cân tim” như sau:
Trước sự chứng kiến của Thần Osiris, người chết sẽ tuyên thệ theo những gì ghi trong tử thư. Trái tim của họ sau đó được đem lên một chiếc cân, so sánh với chiếc lông đà điểu (biểu tượng của Thần Matt – Thần công lý, sự thật). Nếu cân thăng bằng, người chết sẽ được hưởng cuộc sống ở kiếp mới thanh bình, vui vẻ. Ngược lại, họ sẽ bị quái vật Ammit đáng sợ giết chết không thương tiếc vì tội nói dối.
Osiris là một vị Thần Ai Cập, thường được coi là Thần của thế giới bên kia, Thần Chết. Osiris được miêu tả là có nước da màu xanh, mang bộ râu của pharaoh và phần chân được quấn vải như xác ướp. Ông thường đội một chiếc vương miện đặc biệt với hai chiếc lông đà điểu lớn ở cả hai phía, và cầm một cây gậy cong mang tính biểu tượng và đòn đập lúa.
Osiris được thờ phụng không chỉ vì ông cai quản những linh hồn người chết, ông còn bảo vệ sự sống, là Thần của cây cỏ và cũng là người dâng nước sông Nile. Các pharaoh Ai Cập thường mong được gặp Osiris sau khi chết, bởi Osiris giúp họ hưởng sự sống vĩnh cửu sau nghi thức mai táng. Và ở Ai Cập, tất cả mọi người, không chỉ các pharaoh, tin rằng họ sẽ được Osiris bảo trợ sau khi chết nếu thực hiện đầy đủ các nghi thức ma thuật.
Trong sử thi Homer
Homer là tác giả của các tác phẩm “Iliad” và “Odyssey”. Ông được coi là một trong những nhà thơ Hy lạp cổ đại xuất sắc nhất. Hai tác phẩm Iliad và Odyssey của ông đã có ảnh hưởng lớn đến văn chương hiện đại phương Tây. Theo truyền thuyết thì ông bị mù và là một người hát rong tài năng.
Nhà sử học Herodotus ước tính rằng Homer sống vào khoảng 400 năm trước thời đại của ông, tức là vào khoảng 850 TCN. Trong khi nguồn khác cho rằng ông sống trong khoảng thời gian của cuộc chiến thành Troy, tức là vào những năm đầu thế kỷ 12 TCN.
Theo sử thi Homer, nơi mà linh hồn người chết cần tới sau khi qua đời nằm sâu trong lòng đất ở phía Tây, là nơi có rất nhiều anh hùng trong thần thoại Hy Lạp cũng như rất nhiều nhà hiền triết từng tiếp xúc lui tới. Tuy nhiên sau thời đại Homer mọi người cho rằng chỉ có ở những nơi hẻm núi hiểm trở hoặc những động sâu ví dụ như thành phố biển Xindainan là có đường thông tới vương quốc địa ngục Necromancers.
Trong sử thi Homer ở vương quốc địa ngục, những linh hồn lương thiện sẽ vẫn tiếp tục làm công việc của mình khi còn sống và không bị trừng trị, tuy nhiên họ cần chu cấp chi phí cho Pluto chính là vua cai quản địa ngục. Ở địa ngục có các thợ thủ công khéo tay tinh xảo nhất của Darus và nhà tiên tri nữ nổi tiếng trong truyền thuyết Cassandra.
Theo sử thi Homer, Hades hay còn gọi là Aides, vừa là địa ngục, nơi cai quản của Thần Hades vừa là tên của vị Thần này. Người La Mã gọi Hades với tên Pluto. Hades là nơi ảm đạm, tối tăm, nơi linh hồn người chết tìm đến. Vì là Thần cai quản địa phủ, nơi phán xét linh hồn người chết, Hades thường bị nhầm lẫn với Thần Chết.
Mặc dù quan niệm đương đại vẫn gắn liền cái chết với sự xấu xa, độc ác, Hades là người có khuynh hướng nhân hậu. Ông thường được miêu tả rất tự tại, điềm tĩnh, chứ không độc ác. Là người đứng giữa sự sống và cái chết, Hades thực chất là vị Thần gìn giữ sự cân bằng của tạo hóa.
Hades cai quản tất cả linh hồn trong địa hạt của mình thông qua những phụ tá dưới quyền ông. Ông tuyệt đối ngăn cấm và sẽ nổi giận nếu bất cứ ai dưới quyền mình rời khỏi địa phủ hoặc trộm lấy linh hồn từ địa phủ. Cơn thịnh nộ của Hades và những hình phạt mà nó mang đến là cái giá rất đắt phải trả cho những kẻ trốn tránh cái chết hoặc chọc giận ông.
Theo kknews.cn
Kiên Định biên dịch
- Vì sao cả đời thắp hương bái Phật vẫn xuống địa ngục?
- Bạn đã bao giờ nhìn thấy 18 tầng địa ngục chưa? Trải nghiệm chân thực sau đây sẽ mô tả chi tiết