Học trò Khổng Tử chạy trốn gặp người gác cổng từng bị mình chặt chân, kết quả ra sao? (Tranh Thanh Phong – NTDVN)
Khi làm quan từng chặt chân của người này, đến lúc chạy trốn lại gặp đúng người này đang giữ cổng thành, phía sau có binh lính đuổi theo, học trò của Khổng Tử đã làm thế nào?
Năm 480 TCN vào thời kỳ Xuân Thu, nước Vệ xảy ra nội loạn. Đại phu Khổng Khôi đang nắm quyền bị bắt giữ. Lúc ấy, hai học trò của Khổng Tử là Trọng Do (tự là Tử Lộ) và Cao Sài (tự là Tử Cao) đều là gia thần của Khổng Khôi. Tử Lộ nhận được tin báo liền nhanh chóng chạy đến để cứu viện cho Khổng Khôi thì gặp Tử Cao đang đi ra phía ngoài. Tử Cao nói với Tử Lộ rằng: “Cửa đã đóng rồi, không kịp nữa, không nên đến chuốc họa vào thân”.
Tử Lộ liền nói: “Đã ăn bổng lộc của người, không thể trốn tránh lúc họ gặp khó khăn”.
Tử Lộ lao vào cứu Khổng Khôi nhưng không may bị giết chết còn Tử Cao tìm cách chạy trốn.
Thế nhưng, khi chuẩn bị ra khỏi thành, Tử Cao phát hiện được một điều kinh hoàng: Cổng thành đã đóng, hơn nữa người gác cổng thành lại còn rất quen mặt. Tử Cao lập tức nhớ lại. Thì ra, khi làm Sĩ sư, một chức quan chuyên quản lý các lệnh cấm và hình ngục ở nước Vệ, Tử Cao từng thi hành hình phạt chặt một chân của một phạm nhân.
Tử Cao phát hiện rằng, người gác cổng thành không phải ai khác mà chính là người từng bị mình xử chặt một chân trước đó. Tử Cao nghĩ thầm: “Lần này xong đời rồi! Anh ta nhất định sẽ hận mình! Phía sau còn có binh lính đang đuổi theo, phải làm sao đây?”
Thế nhưng một điều bất ngờ đã xảy ra. Người kia ngược lại còn ân cần nói với Tử Cao rằng: “Bên kia tường thành có một chỗ khuyết”.
Tử Cao nói: “Người quân tử không thể trèo tường”.
Người kia nói tiếp: “Bên kia tường thành có một cái lỗ hổng”.
Tử Cao lại nói: “Người quân tử không thể chui qua lỗ”.
Nhìn thấy binh lính sắp đuổi đến, người kia vội vàng nói: “Ở đây có một gian phòng”.
Thế rồi Tử Cao liền trốn vào phòng. Quân lính không tìm thấy, đành phải quay về.
Tử Cao tránh được sự truy bắt nên cảm thấy vô cùng biết ơn, không nhịn được hỏi người kia rằng: “Lúc trước, tôi không thể làm trái luật pháp của vua nên đã chặt chân của anh. Hiện tại tôi đang ở thời khắc nguy khốn, cũng chính là lúc anh có thể báo thù, tại sao anh lại tìm mọi cách giúp tôi trốn thoát như vậy?”.
Người kia trả lời: “Tôi bị chặt chân là do tôi phạm tội, không thể trách ai được. Khi ấy, lúc thi hành hình phạt, ngài đã thi hành với những người khác trước, để lại tôi cuối cùng, hy vọng rằng tôi có thể được tha mạng. Thế nhưng tôi biết rằng vụ án đã điều tra rõ ràng, hình phạt cũng đã được định đoạt. Khi sắp thi hành án, tôi thấy ngài có vẻ lo lắng, nên đã nghĩ rằng phải chăng ngài đối xử đặc biệt tốt với tôi chăng? Sau đó, tôi biết rằng không phải như vậy, mà chính là vì bản tính của ngài là một người quân tử. Đó chính là nguyên nhân khiến tôi kính trọng ngài”.
Sau khi Khổng Tử nghe được câu chuyện này, đã khen ngợi rằng: “Thật quá tốt! Tử Cao là một vị quan tốt! Luật pháp cũng giống nhau, nhưng khi thi hành nếu trong lòng mang theo sự nhân từ và khoan dùng, có thể tạo nên mỹ đức; ngược lại, nếu thi hành quá nghiêm khắc và tàn bạo, sẽ gây ra oán hận. Tử Cao đã làm được việc vừa mang theo tấm lòng nhân từ, đồng thời lại có thể thực hiện tốt bổn phận một cách vô tư chính trực”.
Cuộc nội loạn khi ấy là cuộc tranh đấu giành giật vương vị giữa các phe phái trong vương thất nước Vệ. Tử Lộ đề cao nghĩa khí, cho rằng nhận bổng lộc của người khác thì cần giúp người đó giải trừ tai họa. Còn Tử Cao lại cho rằng, bản thân là gia thần của quan đại phu, không liên quan đến cuộc nội chiến của hoàng thất. Hơn nữa trong cuộc nội loạn này không thể biết được ai đúng ai sai, hoàn toàn không cần phải tham gia. Vì vậy Tử Cao mới chọn cách chạy trốn. Suy nghĩ này cũng rất đúng và hợp với đại nghĩa.
Trình Thư Ngữ – Soundofhope
Đức Nhân biên dịch
Tài liệu tham khảo:
- Sử ký – Quyển thứ 37: Vệ Khang Thúc thế gia thứ bảy
- Khổng Tử gia ngữ – Trí tư
NTD Việt Nam