Trong mỗi cá nhân đều có phần Thần và phần quỷ, ai cũng phải tranh đấu với phần quỷ trong chính mình để vượt lên. Chỉ khi phần Thần chiến thắng, con người mới thực sự trưởng thành, nhưng nếu để quỷ chiến thắng thì con người sẽ trở thành ma quỷ.
“Kinh Thánh” kể rằng, lần đầu sa ngã của nhân loại là khi tổ tiên loài người – Adam và Eva – nghe theo lời ma quỷ dẫn dụ, lén ăn trái cấm trong vườn Địa Đàng và bị Thượng Đế trục xuất khỏi Thiên đường. Thế nên có thể nói, sự sa đọa của con người bắt đầu từ khi bị cám dỗ.
Nhưng trong thế giới thực tại nơi nhân loại sinh sống lại có quá nhiều điều mê hoặc như tiền bạc, quyền thế, địa vị, nữ sắc, tuổi trẻ, tài hoa… dẫn dụ con người theo đuổi cả một đời. Đối diện với những cám dỗ này, mỗi người nên hành xử ra sao và lựa chọn thế nào? Với những kẻ lao thân vào danh tình lợi, khi đã có được tất cả mọi thứ trong tay, liệu họ có thỏa mãn, có hài lòng hay không?
Một học giả từng đứng trên đỉnh cao tri thức cũng phải đối mặt với vấn đề ấy. Đó chính là Faust, nhân vật trong vở kịch thơ cùng tên của Goethe, nhà thơ trứ danh nước Đức thế kỷ XIX. Tác phẩm kể về Faust và lựa chọn của ông khi đối mặt với sự cám dỗ của quỷ dữ.
Ván bài cá cược của quỷ dữ
Vở kịch mở đầu bằng màn “Khúc dạo đầu trên Thiên đường”. Ác quỷ Mephisto yêu cầu Thượng Đế cho phép hắn dụ dỗ và thách thức Faust. Ác quỷ Mephisto cho rằng, chỉ cần Thượng Đế buông tay để hắn ta tự do hành sự thì nhất định Faust sẽ nghe theo lời dẫn dụ và bị rơi rớt xuống, trở thành nô lệ cho ác quỷ mãi mãi. Nhưng Thượng Đế vẫn tin rằng cho dù có bị cám dỗ như thế nào chăng nữa, và cho dù có sa ngã đến đâu thì cuối cùng trái tim Faust vẫn luôn hướng về Thượng Đế. Vì thế, Thượng Đế đồng ý cho ác quỷ thử thách Faust.
Lúc này Faust đã ngoài 50 tuổi, ông đã dành cả đời nghiên cứu nhưng vẫn chưa thể tìm ra chân lý, vậy nên ông luôn thất vọng vì bản thân mãi chẳng làm nên trò trống gì. Trong lòng Faust luôn có hai ý nghĩ đan xen: Một là cứ khăng khăng giữ lấy trần thế, đắm say trong ái tình. Hai là mong muốn mãnh liệt rời khỏi chốn phàm trần để thăng hoa lên cảnh giới cao hơn và cao hơn nữa.
Trong lúc nội tâm vẫn còn mông lung do dự, Faust đã ký một khế ước với quỷ Mephisto: Faust sẽ không ngừng nỗ lực vươn lên để làm giàu tri thức, để có thể “tìm đến tuyệt độ cao siêu, dò đến tận cùng bí mật” – Đổi lại, quỷ Mephisto nguyện làm người hầu cho Faust trong kiếp này và giúp ông đạt được hết thảy những gì ông mong muốn. Về phía mình quỷ sẽ ngăn ông thực hiện mục tiêu ban đầu, khiến ông thỏa mãn với chính mình, mê hoặc ông bằng những lạc thú thấp hèn – Nếu Faust bị mê lạc thì ông sẽ thua cuộc, và nếu thua cuộc thì ông sẽ thuộc sở hữu của ác quỷ, phải làm kẻ hầu người hạ cho ma quỷ mãi mãi.
Nhờ ma thuật của Mephisto, Faust không còn vẻ ngoài già nua nữa mà trở lại là chàng trai trẻ trung lịch lãm, chiếm trọn được trái tim của nàng Gretsen ngây thơ trong trắng. Gretsen nghe theo lời kiến nghị của Faust, nàng bí mật cho mẹ mình uống thuốc ngủ để hai người có thể vui vẻ bên nhau. Nhưng điều không ngờ đến là mẹ nàng lại qua đời vì uống thuốc ngủ quá liều. Gretsen đau khổ không còn thiết sống. Anh trai của nàng là Valentin vô cùng phẫn nộ, liền khiêu chiến với Faust nhưng rồi lại bị Faust giết chết. Gretsen hoàn toàn sụp đổ. Nàng bị bắt giam, bị xử tử hình nhưng lại nhất quyết không chấp nhận để Faust giải cứu mình. Faust vô cùng thương tâm, nhưng sau khi được Mephisto đổ nước sông Mê Hồn lên người, ông đã quên hết tất cả và lại tiếp tục tìm kiếm thú vui.
Mephisto dùng ma thuật để Faust nhận được đãi ngộ như một vị hoàng đế, có được nàng Helen xinh đẹp nhất thế gian. Nhưng những điều này vẫn không làm Faust thỏa mãn, Faust vẫn tham lam và muốn nhiều hơn thế. Thần Chiron từng nhận xét về Faust như sau:
Ôi cái đêm gớm ghê
Đã xô đẩy hắn đến đây trong lốc xoáy,
Với ý muốn điên cuồng, rồ dại,
Hắn khăng khăng đòi lấy Helena!
Nhưng bằng cách nào và ở đâu ra,
Bắt đầu ra sao hắn không hề biết;
Nên theo ta, trước hết,
Chữa cho hắn khỏi cái bệnh điên khùng!
Thỏa mãn về ái tình, Faust lại mơ ước được trị vì thiên hạ, muốn cả thiên nhiên đều phải quy phục mình, đến mức “hễ gặp trái đồi là nó phải lánh mình”, “bắt biển hách dịch kia phải lùi xa bờ bãi, bắt sóng nước mênh mông phải thu hẹp lại, đẩy nó ra xa mãi phía biển khơi”…
Đến một ngày, Faust có thể dùng pháp lực để biến đầm lầy thành đất đai màu mỡ tạo phúc cho muôn dân, lúc ấy trái tim ông đã cảm thấy mãn nguyện hơn bao giờ hết.
Như vậy, chiếu theo khế ước Faust đã thua cuộc, quỷ Mephisto liền mang linh hồn của ông đi. Nhưng chính vào lúc này, các Thiên sứ lại đưa linh hồn của Faust trở lại Thiên đường. Lý do các Thiên sứ đưa ra là: Mặc dù ma quỷ đã thắng cược ở nhân gian (Faust tìm được khoái lạc vĩnh hằng), nhưng lại thua trong cuộc đánh cược trên Thiên thượng (trái tim Faust vẫn hướng về Thượng Đế, lấy việc hành thiện làm niềm vui).
Người bán bóng mình cho ác quỷ
Một nhà văn Đức theo chủ nghĩa lãng mạn sống cùng thời với Geothe là Adelbert von Chamisso cũng bàn về chủ đề ấy trong cuốn tiểu thuyết “Peter Schlemiel”.
Truyện kể về một người đàn ông tên là Peter Schlemiel. Một ngày, Peter nhìn thấy ma quỷ có một chiếc túi vàng không đáy, từ đó anh luôn hy vọng có được chiếc túi ấy trong tay. Ác quỷ đồng ý, nhưng với điều kiện Peter phải trao cho hắn cái bóng của anh. Peter liền bán cái bóng của mình để đổi lấy sự giàu có vô tận, cũng từ đó anh trở thành bá tước Schlemiel.
Tuy nhiên, Peter không ngờ rằng chỉ vì không có bóng mà biết bao rắc rối cùng ập xuống đầu anh. Vì anh không có bóng nên bị cả xã hội xa lánh, anh bị coi là kẻ xấu xa nhất trong tòa thành, thậm chí người con gái anh yêu từ một thiếu nữ hạnh phúc nhất thế giới cũng bỗng chốc biến thành cô gái bất hạnh nhất trần đời. Cuối cùng, cô rời bỏ anh trong đau khổ, những người xung quanh cũng đều sợ hãi và tránh xa anh. Peter rơi vào nỗi thống khổ, dù là ban ngày hay đêm tối anh đều không dám ló mặt ra ngoài.
Một năm sau, Peter quyết định sẽ không còn giao dịch với ma quỷ nữa. Quỷ dữ liền đề nghị sẽ trả lại cái bóng để đổi lấy linh hồn của anh, nhưng Peter, đã thẳng thừng từ chối lời đề nghị ấy và vứt luôn cả chiếc túi vàng đi mà không hề luyến tiếc. Peter quyết định sẽ làm lại mọi thứ từ đầu, bắt đầu hành trình đi khắp thế giới để khám phá khoa học. Dần dần anh tìm thấy cái bóng của mình, trở lại với bản ngã tốt đẹp hơn của bản thân, nhờ vậy anh có được ánh sáng và tự do.
Bức chân dung của Dorian Gray
Một câu chuyện tương tự cũng được tái hiện qua ngòi bút của nhà viết kịch người Anh Oscar Wilde với cuốn tiểu thuyết “Bức chân dung của Dorian Gray”.
Truyện kể về một chàng trai trẻ có vẻ ngoài đặc biệt cuốn hút tên là Dorian Gray. Vẻ hào hoa của Dorian là nguồn cảm hứng cho họa sĩ Basil Hallward vẽ một bức chân dung tuyệt đẹp về anh. Chẳng bao lâu sau, thông qua Basil mà anh quen biết một nhà quý tộc có ma lực tên là Henry Wotton. Henry nói với Dorian: “Phương pháp duy nhất để thoát khỏi cám dỗ chính là đầu hàng cám dỗ… Còn nếu kháng cự nó, linh hồn sẽ vì quá khao khát mà trở nên ốm yếu.”
Những lời nói ấy cổ vũ Dorian tiếp nhận đủ mọi loại cám dỗ, anh bắt đầu sống một cuộc sống sa đọa và phóng đãng. Nhưng cho dù trở nên trụy lạc như thế nào thì Dorian vẫn giữ được vẻ thanh xuân lịch lãm như lúc ban đầu. Trong khi ấy, bức chân dung của anh lại dần dần trở nên già nua xấu xí. Sau khi phản bội hôn ước khiến nữ diễn viên Sibyl Vane phải tự sát, Dorian liên tiếp làm đủ mọi việc xấu xa suốt 18 năm trời, và kết quả là bức chân dung của anh đã trở nên xấu xí như quái thú. Dorian vô cùng tức giận, anh không ngừng đổ lỗi cho họa sĩ Basil và cuối cùng đã giết chết ông trong cơn phẫn nộ.
Sau này, Dorian bắt đầu hối hận, anh cố gắng trở thành một người tốt, sống một cuộc sống có lương tâm. Nhưng bức chân dung không vì thế mà trở lại thành khuôn mặt ngây thơ như trước. Cuối cùng, Dorian cầm con dao mà anh từng dùng để giết họa sĩ Basil, dồn hết sức đâm vào bức chân dung gớm ghiếc.
Đám người hầu nghe thấy tiếng la hét liền vội vàng chạy vào phòng, chỉ thấy một ông lão xấu xí với vẻ mặt tàn nhẫn đang nằm trên mặt đất, bị một con dao đâm trúng tim. Bên cạnh thi thể ông lão là bức chân dung của một thanh niên trẻ trung có vẻ thuần khiết như Thiên thần.
***
Mặc dù Faust, Peter và Dorian chỉ là những nhân vật hư cấu trong ca kịch và tiểu thuyết, nhưng họ đều đại diện cho tâm hồn trần tục của con người. Khi chấp nhận bị ma quỷ cám dỗ, họ sẽ đánh mất bản thân và lạc lối trong sự mê hoặc của danh lợi, tiền tài và tình ái.
Nếu như Faust và Peter kịp thời thức tỉnh, thoát khỏi mọi cám dỗ và đạt được tự do tinh thần, thì Dorian chỉ tỉnh dậy sau khi đã rơi xuống tận cùng của tội ác, đến lúc hối hận thì đã quá muộn màng.
Con người không ngừng ham muốn, không ngừng khát khao, nhưng lại không thể một tay làm nên tất cả. Vì muốn thực hiện khát vọng của mình, có những kẻ cúi đầu trước ác quỷ, dựa vào ma lực để đạt được những mục tiêu trần tục. Nhưng cũng có những người dám từ bỏ lợi ích cá nhân, dựa vào tu dưỡng bản thân để đề cao cảnh giới, thăng hoa tâm hồn, cuối cùng được dẫn dắt theo ánh sáng của Thần. Đối mặt với cám dỗ của ma quỷ, mỗi chúng ta đều có lựa chọn, nhưng chọn lựa điều gì lại phụ thuộc vào bản thân mỗi người.
Theo Hứa Như – Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch
NTD Việt Nam